Vào đêm 16/01/2010, tại Nhà hát Hòa Bình (TP. HCM), chương trình ca nhạc Bông hồng cho anh đã diễn ra một cách trang trọng, ấm áp, đầy xúc động để tưởng nhớ nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ nhân kỷ niệm tròn một năm ngày ông qua đời.
Là một nhạc sĩ được công chúng biết đến qua nhiều ca khúc thấm đẫm tình yêu quê hương như Thương quá Việt Nam, Nắng lên xóm nghèo, Lúa về…, đặc biệt là bài hát Bông hồng cài áo vang lên khắp chốn mỗi mùa Vu lan, nhưng lúc sinh thời, ông chưa một lần có đêm nhạc của riêng mình. Và người đứng ra tổ chức thực hiện chương trình ca nhạc đầu tiên cho ông chính là ca sĩ Ánh Tuyết, giám đốc Trung tâm Văn hóa ATB…
- Vì sao Ánh Tuyết lại tự bỏ tiền thực hiện chương trình Bông hồng cho anh giới thiệu những tác phẩm của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ, một cái tên “không thị trường” trong bối cảnh thương mại hóa âm nhạc như hiện nay?

Ca sĩ Ánh Tuyết
- Từ nhỏ tôi vốn đã thuộc lòng những ca khúc của ông như Bông hồng cài áo, Thương quá Việt Nam, Nắng lên xóm nghèo… Khi trở thành ca sĩ và vào Sài Gòn lập nghiệp, tôi mới có cơ hội được gặp ông.
Khác với sự hình dung trong tôi về một nhạc sĩ lớn, ông là người chân chất, mộc mạc, hiền lành và khiêm tốn. Cuộc sống đời thường lại khá khó khăn, chật vật. Từ lúc biết hoàn cảnh của ông, tôi muốn làm một điều gì đó cho ông nhưng nghĩ mãi cũng chẳng biết làm gì.
Vì vậy, khi gia đình ông nhờ tôi tổ chức đêm nhạc nhân ngày giỗ đầu của ông, tôi đã nhận lời ngay.
Thật ra, gia đình nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ chỉ muốn làm một đêm nhạc nho nhỏ tại phòng trà ATB thôi nhưng tôi thấy quá hẩm hiu cho một nhạc sĩ lớn như ông nên quyết định đưa ra nhà hát Hòa Bình dù có tài trợ hay không.
Khi bắt tay dàn dựng, tôi mới biết lâu nay ông chỉ có 12 ca khúc được cấp phép sử dụng. Tôi đi lục tìm và xin được cấp phép thêm 11 bài nữa, trong đó có nhiều ca khúc mới lạ, ít ai biết.
Vốn là người sống lặng lẽ, an phận và xem sáng tác như một cách “cho đi” mà không màng danh lợi, tiếng tăm gì cho mình nên ông không lưu giữ ngay những tác phẩm của mình. Những ca khúc của ông thường không có bản gốc, chỉ có bản photocopy hoặc ghi chép lại. Để hoàn thành một đêm nhạc cho ông, phải nói là một “kỳ công” của ATB.

Ca sĩ Ánh Tuyết trong đêm nhạc Bông hồng cho anh.
- Dư luận đã tỏ ra hài lòng về chất lượng của chương trình Bông hồng cho anh và rất cảm phục tấm lòng của chị khi bỏ tiền túi và công sức để làm đêm nhạc này mà không có tài trợ. Nhưng ở ATB lâu nay không chỉ có Phạm Thế Mỹ, vì sao chị lại chuyên tâm đi “đào xới” lại những tác phẩm âm nhạc đã bị thời gian phủ mờ?
- Đúng là ở phòng trà ATB lâu nay không chỉ có nhạc Phạm Thế Mỹ mà còn nhạc Văn Cao, Trịnh Công Sơn, Nguyễn Ánh 9, Văn Phụng... Nói chung đó là những bài hát của những tác giả đang bị bụi thời gian phủ mờ, không còn mang tính thời thượng.
Nhìn một cách nào đó, chúng tôi tự ví công việc của mình như công việc của những nhà khảo cổ, bỏ rất nhiều công sức để “đào xới” lại những giá trị đã và đang bị bỏ quên.
Cuộc sống với những nhu cầu hằng ngày luôn đẩy người ta đi về phía trước, xốc tới, ít ai chịu ngó lui. Chúng tôi làm công việc đào xới mất nhiều công sức này với ít nhiều niềm vui và sự thú vị.
Bởi mục đích của chúng tôi không phải làm ca nhạc để kiếm tiền, mà là để đem lại cho khán giả những giá trị tinh thần thực sự. Người lớn tuổi có thể tìm lại những kỷ niệm của đời mình, thế hệ sau tiếp cận được với những cái đẹp của thế hệ trước.
- Nhưng đó là một công việc rất cực nhọc. Người ta đua nhau tổ chức những chương trình ca nhạc lớn, ồn ào, sôi động với giá vé tính bằng tiền triệu, còn phòng trà ATB vẫn lặng lẽ trong một không gian nhỏ hẹp, với lượng khán giả cũng ít ỏi. Điều gì đã đem lại cho chị sự bền bỉ?
- Đó là vì lòng đam mê và biết nếu mình làm được sẽ có nhiều người vui. Điều thành công nhất theo tôi chính là đã “vượt qua chính mình”, không bon chen, đem được niềm vui đến cho mọi người. Mục đích của chúng tôi là trả lời được câu hỏi, khán giả có hài lòng hay không. Nếu làm gì cũng tính toán đồng tiền, tính toán hơn thiệt thì không thể thực hiện được niềm đam mê.
- Tháng 5/2010 tới đây, ATB sẽ kỷ niệm 10 năm thành lập. Nhìn lại một thập kỷ qua, thành công nào của ATB khiến chị hài lòng nhất?
- ATB đã khởi đầu bằng một nhóm nhỏ và lần đầu tiên xuất hiện ở Sân khấu Tao Đàn (Cung Văn hóa Lao động) đã được khán giả ủng hộ.
Trong 10 năm qua, mặc dù phải “di dời” đến ba lần (Sân khấu Tao Đàn, rạp Long Phụng ở 234 Lý Tự Trọng quận 1, và bây giờ là 197 Nguyễn Văn Trỗi, Phú Nhuận) nhưng ATB đã hình thành một phong cách đặc thù và nhất quán, vừa trữ tình, vừa Việt Nam.
Nhiều ca sĩ xuất thân từ ATB nay đã thành “sao”, thỉnh thoảng vẫn trở về hát trong ngôi nhà xưa như Đức Tuấn, Nguyên Thảo, Xuân Phú, AC&M… Có những ca sĩ, tuy đi hát đã lâu nhưng khi về ATB mới được công chúng biết đến như Phi Thúy Hạnh, Quỳnh Lan…
Điều tôi hài lòng nhất là dù phải trải qua bao nhiêu thăng trầm, ATB vẫn sống tốt với con đường mình đã chọn, chông gai nhưng bền bỉ. Tiêu chí đó đã được nhiều người đồng cảm, chia sẻ.
Từ một nhóm nhỏ, nay chúng tôi đã có thường xuyên một lực lượng ca sĩ trên 20 người, chưa kể một dàn hợp ca trên 10 người mà hầu hết đều xuất thân từ Nhạc viện. Chúng tôi chọn ca sĩ qua giọng ca và qua tính cách con người: có tâm với nghề, có đạo đức trong cuộc sống.
Nếu ai để ý sẽ thấy ca sĩ của ATB sống rất hòa đồng, không sân si, chuyên tâm với lợi ích chung. Dòng nhạc chúng tôi theo đuổi đòi hỏi sự tinh tế và sự hiểu biết nên chỉ có giọng ca thôi thì chưa đủ. Khán giả của ATB cũng chỉ có những người biết lắng nghe một cách trân trọng.
- Chị có nghĩ đến một ngày nào đó dòng nhạc ATB đang theo sẽ hết khán giả?
- Nhiều người cũng có lo lắng điều này cho ATB nhưng tôi nghĩ dòng nhạc này không bao giờ chết và sẽ luôn có khán giả tiếp nối. Người trẻ hiện đang theo trào lưu nhạc thời thượng nhưng người trẻ nào rồi cũng đến lúc không còn trẻ nữa. Tuổi tác và sự trải nghiệm sẽ cho họ một cách nghĩ, cách sống chững lại, thâm trầm hơn và họ sẽ tìm đến với dòng nhạc ATB.
- Năm 2009 với ATB có phải là một năm quá khó khăn vì bị lô cốt án ngữ một thời gian dài? Năm 2010 này, ATB có dự định gì lớn hay đổi mới?
- Không phải một năm mà 3 năm qua, ATB đã phải rất vất vả, khốn đốn vì bị lô cốt án ngữ. Thế nhưng, năm 2009 là năm ATB làm việc cật lực. Đầu năm làm “cú” xuyên Việt với các chương trình: Hát cho yêu thương, Trịnh Công Sơn, Đón xuân… Ngoài ra, còn thực hiện các chương trình lớn như đêm nhạc Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Hoàng Hiệp…
Chúng tôi đã phải bươn chải nhiều, về kinh tế không “gặt” được lớn, chỉ đủ sống nhưng lại “gặt” lớn về sự học hỏi, nâng cao nghề nghiệp của các ca sĩ, điều mà có tiền không mua được.
Năm 2009, có thêm hai giọng ca Lê Anh và Duy Hưng bắt đầu được khán giả biết đến. Năm 2010 này, chắc chắn ATB sẽ có chương trình đặc biệt kỷ niệm một thập niên góp mặt với đời. Tôi thường làm việc theo ngẫu hứng, lại thường “hứng bất tử” nên không thể nói trước điều gì, nhưng điều chắc chắn là sẽ thực hiện một “seri” album nhạc Trịnh Công Sơn.
- Được biết, “bà bầu” Ánh Tuyết đang “lưu giữ” khá nhiều dạng bệnh như thoái hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm, thần kinh tọa, rối loạn tiền đình... liệu ATB có bị bệnh theo không?
- Tôi làm việc để quên bệnh, càng làm càng không nhớ mình bệnh. Nếu ở không lại thêm tâm bệnh, nên thôi, chịu cực một chút mà thấy vui. Mong trong năm mới sẽ được gặp nhiều khán giả tại phòng trà ATB.
- Cảm ơn Ánh Tuyết, chúc cho những dự định của chị trong năm tới sẽ thành hiện thực.