Ca sĩ Y Moan - chàng Đam San của Tây Nguyên…

Sau đêm diễn (6/8/2010) Y Moan - Ngọn lửa cao nguyên, tháng 9 này, ca sĩ Y Moan sẽ tổ chức một đêm diễn tại quê nhà, nơi có “núi Chư-rông đứng bên mặt trời” (Nguyễn Cường). Có thể coi đó là chương trình khép lại chặng đường nghề nghiệp suốt hơn 30 năm của “chàng Đam San” mải miết đem lời ca tiếng hát đến với khán giả. Còn hơn thế, anh là sứ giả đem văn hóa Tây Nguyên đến với nhiều vùng quê khác…

• NGẬP TRÀN TRONG TÌNH YÊU HÀ NỘI

Chương trình đã diễn ra trong sự xúc động và thương mến của những tâm tình người Hà Nội dành cho Y Moan. Có lẽ đã lâu lắm, khán giả Hà Nội mới được sống trọn vẹn cảm xúc của một chương trình nghệ thuật với những ca khúc trào dâng tình yêu Tây Nguyên và ngọt ngào tình yêu Hà Nội đến vậy. Y Moan cùng các đồng nghiệp và các con anh đã “cháy” hết mình với Ngọn lửa cao nguyên. Bên cánh gà sân khấu, vợ con Y Moan và các đồng nghiệp túc trực, hồi hộp dõi theo mỗi lời anh hát và từng động tác của anh trên sân khấu. Có lẽ, chưa bao giờ Y Moan vội bước vào cánh gà khi khán giả còn yêu cầu anh hát tiếp…

Đó là đêm diễn đầu tiên và cũng có thể cuối cùng của giọng ca Tây Nguyên quý hiếm ấy. “Tôi cũng sợ mai mốt yếu rồi không làm được nữa”, anh chia sẻ. Chẳng phải ngẫu nhiên hay do cách nói mộc mạc mà anh nói: “Tôi đã ăn cơm, ăn bánh mì tại đây và đã học những nốt nhạc đầu tiên tại đây… Tôi biết ơn mảnh đất và con người nơi đây nhiều lắm. Hát bao nhiêu cũng đâu trả ơn hết được”.

Từ một chàng trai Tây Nguyên quen ăn cơm nếp và chưa biết đến bánh mì, anh ra Hà Nội, ở nhà nhạc sĩ Nguyễn Cường giữa trung tâm Thủ đô, nên những ấn tượng về cơm, về bánh mì và bao nhiêu thứ khác ở Hà Nội hẳn để lại ấn tượng trong anh nhiều lắm. Mối thâm tình của anh với Nguyễn Cường, có lẽ nói bao nhiêu cũng không đủ. “Tôi với nhạc sĩ Nguyễn Cường như anh em ruột. Anh em ruột còn khó ở với nhau chứ tôi sống ở nhà anh Cường hồi từ Đắk Lắk ra Hà Nội học Nhạc viện Hà Nội”, Y Moan tâm sự. Hà Nội còn là nơi anh gặp người bạn đời - cô gái Bắc Ninh Minh Ngẫu ngày nào, giờ là người đàn bà tảo tần chăm lo vun vén gia đình, để anh toàn tâm, toàn ý đi hát.

Anh đang bị bệnh nan y ở tuổi 53, căn bệnh ung thư dạ dày giai đoạn cuối đang từng bước hạ gục anh. Người đàn ông Ê-đê “da nâu, mắt sáng, vóc dáng hiền hòa” (Ơi Mơ Đrắc- Nguyễn Cường) ấy ít khi biết đến ốm đau, uống rượu là uống hết mình, đốt thuốc lá liên tục và mỗi lần hát hầu như đều không hát dưới ba bài. Nhưng giờ thì anh chẳng ăn uống được gì, chỉ vài thìa sữa và truyền dịch, vậy mà giọng nói anh vẫn âm vang, và ánh mắt vẹn nguyên vẻ háo hức, ngóng chờ.

Những ngày ở Hà Nội chuẩn bị cho đêm diễn, vợ con và các cháu nội quây quần bên anh như những ngày cả đại gia đình sum họp ở Tây Nguyên. Anh ra Hà Nội lần này cùng vợ, con trai thứ hai Y Garia và con gái út H’Drehdel. Y Moan dự định đem Ngọn lửa cao nguyên về với quê anh nhưng “sợ nói trước bước không tới”. Người đàn ông có giọng nói rổn rảng ấy lúc này cũng trầm giọng: “Tình cảm và nghị lực tôi thể hiện trên sân khấu chứ ngoài đời tôi không nói được hết đâu”.

Trong đêm diễn vừa qua, Hội nhạc sĩ Việt Nam đã trao tặng Y Moan Huy chương Vì sự nghiệp âm nhạc và danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, đặc cách cho anh sẽ được nhận vào tháng 9 nhân đêm diễn của anh tổ chức tại Buôn Ma Thuột. Y Moan sẽ là nghệ sĩ nhân dân đầu tiên của tỉnh Đăk Lăk, của buôn làng Tây Nguyên. DVD Trở về buôn làng xưa đã thu hình xong với phần tài trợ của UBND tỉnh Đăk Lăk và Công ty Cao su Đăk Lăk, dự kiến cũng ra mắt trong tháng 9/2010. Các buổi ghi hình DVD này tại quê hương anh được thực hiện sau khi Y Moan trở về từ ca mổ dạ dày tại Thành phố Hồ Chí Minh.


Ca sĩ Y Moan "cháy" hết mình trong đêm diễn Ngọn lửa cao nguyên (6/8).
Ảnh: Nguyễn Hoàng.

• VỀ VỚI BUÔN LÀNG TÂY NGUYÊN

Gặp Y Moan bây giờ càng gợi nhớ trong tôi lần thăm gia đình anh cách đây vài năm, khi vào Buôn Ma Thuột. Gọi điện cho Y Moan, anh phóng xe máy như bay giữa nắng gió Tây Nguyên đón tôi về nhà riêng của anh ở buôn Đha Prong (cách trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 5 km).

Bên cạnh ngôi nhà mái bằng khang trang là nhà dài Ê-đê cách điệu lợp bằng mái tôn xanh và cầu thang sắt dẫn lên gác hai. Ở đó, anh bày bao nhiêu là chum, ché, cả một cái trống da trâu to đùng và nhiều vật dụng cùng công cụ lao động của người Ê-đê. Hỏi anh, sao không làm cầu thang gỗ, anh bảo, bạn bè thường kéo lên đây chè chén, đi cầu thang sắt vừa chắc chắn vừa dễ đi. Thấy nhà báo e ngại về đầu cầu thang còn để hai múi sắc nhọn lởm chởm mà đáng ra phải được bọc lại, anh cười: “Cứ để kệ nó. Đừng che giấu cái xấu”. Lợp tôn, thay vì cỏ gianh, vì Moan muốn nhà sạch sẽ và bền. Đơn giản thế thôi!

Tôi nhớ, cuộc trò chuyện với anh hôm ấy lan man quá nhiều chủ đề, từ cồng chiêng Tây Nguyên đến khoảng 80 chương trình do anh và các đồng nghiệp ở Đoàn Ca múa Đắk Lắk biểu diễn phục vụ bà con Tây Nguyên mỗi năm. Anh bảo, Y Moan là tên gọi hồi trẻ, chứ bây giờ, theo cách gọi của người Ê-đê, anh là “Ây Sa Va” (ông của Sa Va, Sa Va là con cả của Y Vôn). Rồi anh nói về những nuối tiếc khi nhìn lại chặng đường nghề nghiệp:

“Thời đi học ở Hà Nội, nghèo đói nên tôi học không đến nơi đến chốn. Giá như điều kiện như bây giờ, chắc tôi sẽ yên tâm học hành, học đến cùng. Bây giờ, vợ chồng tôi cho các con học thành người, học đến lúc nào không muốn học nữa thì thôi. Học để người ở khắp nơi biết đến dân tộc mình, văn hóa dân tộc mình trong cộng đồng 54 dân tộc anh em”.

Hai con trai của Y Moan đã tốt nghiệp Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội. Y Vôn, sau thời gian giảng dạy tại trường, giờ đang đầu quân cho một công ty xây dựng ở Hà Nội và thi thoảng vẫn tham gia ca hát. Con gái út cũng sẽ tiếp bước con đường nghệ thuật của cha và các anh. “Mình gieo hạt nào mọc cây đó”, tôi còn nhớ anh cười vui, vẻ mãn nguyện hiện trên gương mặt khi nói điều này. Khi tôi hỏi: “Con cái học hành thành đạt, nhà cửa đề huề, Y Moan có phải là người giàu trong buôn?”, anh nói: “Tôi chỉ giàu bạn bè, còn vật chất thì nghèo hơn so với nhiều người. Có vài hécta cà phê, hồ tiêu không là gì ở đây cả. Vợ chồng tôi chỉ mong để lại phúc đức cho con cháu”.


Đôi tri kỷ Nguyễn Cường và Y Moan. Ảnh: Nguyễn Đình Toán.

Cho xe máy chạy chầm chậm, Y Moan đưa tôi đi thăm buôn làng của anh. Anh bảo, mỗi lần “ông anh” Nguyễn Cường và bạn bè văn nghệ sĩ đến chơi, anh đều dắt bộ đi tham quan buôn làng. Nguyễn Cường lần nào vào Tây Nguyên đều ghé nhà anh, có khi ở đến cả tháng. Nhà trong buôn cách nhau không xa lắm. Bên cạnh nhà dài, một kiểu nhà đặc trưng của người Ê-đê được nhiều gia đình còn giữ lại là những ngôi nhà mái bằng khang trang. Cà phê, hồ tiêu càng được giá, đời sống của người trong buôn càng khấm khá hơn. Y Moan là anh cả trong gia đình, sau anh có nhiều em, trai có, gái có và đều có gia đình con cháu đề huề. Cả bên nội và bên ngoại đều ở quây quần trong buôn, vui lắm. Buôn không có già làng, nhưng bà con, anh em, có việc lớn việc nhỏ thường qua hỏi xin ý kiến anh, nên tôi nghĩ, Y Moan cũng chẳng khác già làng là mấy!

Y Moan phóng xe máy như bay ra đường lớn, rồi anh chạy xe lòng vòng qua nhiều con phố của Thành phố Buôn Ma Thuột, vừa đi, vừa giới thiệu từng ngả đường, góc phố, từng ngôi nhà. Anh tự hào giới thiệu những quán cà phê nằm ở các vị trí đắc địa với thiết kế và không gian đặc trưng kiến trúc Tây Nguyên. Rồi anh hát: “Tôi như con chim lạc bay trên trời cao/ Tôi như con thú hoang lang thang trong rừng sâu/ Như dòng sông khao khát lời/ Tôi như hạt mưa không có lời...”.

Y Moan khiến tôi nghĩ đến chàng Đam San mải miết đi tìm lời ru Nữ thần Mặt trời với đam mê chưa bao giờ dừng lại và những khát khao luôn dâng trào…

CHI MAI