Mùa xuân là mùa của các lễ hội, là thời gian để Phật tử bốn phương thể hiện lòng thành kính hướng về cội nguồn, về cõi tâm linh. Thế nhưng, tại các lễ hội đang diễn ra trên khắp đất nước, không ít người hành lễ đã thể hiện những hành vi thiếu văn hóa nơi tôn nghiêm thờ tự, ảnh hưởng không nhỏ tới tín ngưỡng tôn giáo của người dân. Tạp chí Hồn Việt có cuộc trò chuyện với GS.TS Nguyễn Xuân Kính về vấn đề này.
- Thưa ông, thời gian gần đây, báo chí lên tiếng nhiều về việc lễ hội được tổ chức tràn lan, thiếu sự hướng dẫn, quản lý chặt chẽ của chính quyền địa phương và ngành văn hóa, nên để xảy ra nhiều hành vi ứng xử thiếu văn hóa tại chốn tôn nghiêm. Là một nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, ông suy nghĩ như thế nào về những hiện tượng này?
- Việc mở nhiều lễ hội với sự tham gia của đông đảo nhân dân được xem xét với nhiều lý do. Một mặt, do chính sách đổi mới, mở cửa của Nhà nước, kinh tế phát triển, mức sống của người dân được nâng cao, việc nhiều người tham gia các lễ hội dân gian một cách hồ hởi, chứng tỏ sự thanh bình của cuộc sống, sự phát triển đi lên của đất nước.
Mặt khác, đúng như GS. Đinh Gia Khánh đã phân tích: “Những sự biến đổi ngày càng tăng trong đời sống xã hội theo hướng kinh tế thị trường đang gây ra một tình trạng đảo lộn trong một số mối quan hệ xã hội. Sự bùng nổ của lễ hội dân gian truyền thống cũng như sự phát triển mới của các sinh hoạt cộng đồng của các tập đoàn xã hội khác nhau là những phản ứng không tự giác đối với tình trạng xã hội vừa nêu; việc tổ chức các lễ hội dân gian truyền thống và các sinh hoạt cộng đồng thuộc số các giải pháp mà nhân dân muốn đi tìm khi truy cầu một đời sống tinh thần ổn định hơn, một sự thăng bằng xã hội tốt hơn trong tình trạng lộn xộn hiện nay ở một số nơi, một số lúc”.

Suối Yến - chùa Hương đầy rác mùa lễ hội. Nguồn: VietNamNet.
Đáng tiếc là việc tổ chức lễ hội ở nhiều nơi chưa được quy củ, việc quản lý còn lỏng lẻo. Không ít du khách có những ứng xử thiếu văn hoá tại nơi thờ tự, nơi có các danh lam thắng cảnh (vứt rác bừa bãi, ăn mặc không nghiêm túc, không lịch sự,…). Chùa chiền, đền miếu là nơi tôn nghiêm. Tôi rất phản cảm khi thấy tại những nơi đó khách du lịch nước ngoài và một bộ phận thanh niên chúng ta với áo phông, quần lửng, dép không quai hậu, đi lại rất nghênh ngang, trong khi những người lớn tuổi thì sì sụp khấn vái.
Một bộ phận dân chúng quan niệm rằng, cứ mua thật nhiều đồ vàng mã, sắm hoặc “thuê” thật nhiều đồ lễ đắt tiền thì sẽ được thần thánh phù hộ mà không quan tâm đến việc mình cư xử với mẹ cha, với hàng xóm, với đồng nghiệp như thế nào cho phải đạo, cho đúng mực.
- Thưa ông, nguyên nhân của những hiện tượng này là hệ lụy của nền kinh tế thị trường?
- Những hiện tượng lộn xộn, đáng tiếc nêu trên có nguyên nhân từ mặt trái của nền kinh tế thị trường, tức là người ta chỉ biết có tiền, kiếm tiền bằng bất cứ giá nào. Xưa kia, nhân dân ta còn nghèo, nhưng khi có khách đến nhà, đến làng thì họ thường dành những gì tốt nhất, điều kiện tốt nhất (trong khả năng của họ) để tiếp khách, đón khách, với tình cảm chân thành, cởi mở và tế nhị. Ngày nay, đời sống kinh tế đã cao hơn, thế mà, một số chủ nhân của các điểm đến đã có những hành vi không đẹp... Trong đó, việc đặt các hòm công đức tràn lan cũng chính là do ảnh hưởng mặt trái của kinh tế thị trường.
- Theo ông, chính quyền và các cơ quan quản lý ở địa phương có trách nhiệm gì trong việc để xảy ra những lộn xộn, đáng tiếc kể trên?
- Việc phân cấp quản lý di tích cần được thống nhất; và những người lãnh đạo, quản lý phải có tầm nhìn. Thí dụ, trước khi cho phép dịch vụ cáp treo hoạt động ở chùa Hương, chùa Yên Tử, họ phải nghĩ đến tình huống quá tải và cần chuẩn bị phương án dự phòng. Một khi người dân địa phương biết rằng gia tài văn hoá đem lại nguồn lợi chính đáng cho họ một cách bền vững thì họ sẽ tự nguyện giữ gìn cảnh quan, sẽ có những ứng xử đẹp.
Kinh nghiệm cho thấy tại thắng cảnh Angkor (Campuchia), người dân địa phương được học về nghiệp vụ du lịch. Họ trở thành hướng dẫn viên, mỗi tháng họ chỉ làm việc 15 ngày (để nhiều người cùng có việc làm), nhưng họ có thu nhập cao. Họ rất tự hào về quần thể kiến trúc này và thấy nó gắn bó mật thiết với đời sống của họ. Ở Thái Lan, tại những nơi tôn nghiêm, những người ăn mặc thiếu chuẩn mực, dù là người nước ngoài cũng không được vào. Để giúp những người lỡ ăn mặc không phù hợp nơi đền chùa, ban tổ chức có chỗ cho du khách thuê quần áo, giày dép phù hợp. Tại sao chúng ta không làm như vậy?
Bên cạnh trách nhiệm của người quản lý, không thể không nói đến việc kém ý thức của một bộ phận nhân dân.
- Ở nhiều nơi, trước cổng chùa lại xuất hiện những hành vi “mua thần bán thánh”... Là nhà nghiên cứu văn hóa, nếu xét về khía cạnh tâm linh, ông có ý kiến gì về “luật nhân quả”?
- Tôn giáo nào cũng đều hướng đến cái thiện, khuyên răn con người làm điều thiện, điều tốt đẹp. Những ai buôn thần bán thánh, làm giàu bất chính tại các cơ sở thờ tự đều bị chê cười. Trước đây, dân ta thường nói rằng: “Ai mà lấy của đình của chùa thì suốt mấy đời cũng không ngóc đầu lên được”. Đó là lời răn đe để cảnh cáo những ai tham lam, biển thủ. Những người đi lễ chùa, tham gia các hội lễ nếu tin vào cái tốt, tin vào điều thiện thì bản thân họ sẽ được thanh thản. Con cái theo gương cha mẹ, các cháu noi gương ông bà, gia đình họ sẽ hoà thuận và thành công. Dân ta tin rằng cái ác, cái xấu thường chỉ thắng thế nhất thời thôi.
Những người hãnh tiến, những ai làm ăn bất chính... có thể giàu bốc lên rất nhanh nhưng trong gia đình vợ chồng lừa dối nhau, con cái, cháu chắt không hiếu thuận với cha mẹ, ông bà... thì trước sau gì cũng tan nát. Đó chính là luật nhân quả. Tất nhiên, không phải lúc nào người làm điều thiện, điều tốt cũng được đền đáp ngay nhưng nhìn về lâu dài và phổ biến thì vẫn là như vậy.

Tất bật mua đồ để mang vào làm lễ. Nguồn: VNExpress.
Những ai hay hướng tới tâm linh, quá chuyên chú về các nghi thức, tập tục chọn ngày, chọn hướng xuất hành, thực hiện đúng các điều kiêng kỵ,… những người đó có quyền tin như vậy và làm như vậy. Nhưng có những người “vô sư vô sách, quỷ thần bất trách” (nếu không biết tín ngưỡng mà vẫn sống tử tế thì nếu có quỷ thần thì quỷ thần cũng bỏ qua cho). Có những người sau khi biết được những điều không hay trong lá số tử vi hoặc sau khi xem bói thì hết sức hoang mang, lo lắng nhưng “đức năng thắng số” (người sống có đạo đức thì có thể vượt qua được số phận không may, tránh được tai họa).
- Có cách nào để giải quyết vấn đề chúng ta đang bàn ở đây?
- Làm gì cũng phải có sự đồng bộ. Cơ quan quản lý phải có chính sách đúng và thực hiện khả thi; cơ quan báo chí tăng cường tuyên truyền và ngợi ca những ứng xử đẹp tại các danh lam thắng cảnh trong mùa lễ hội; người dân phải có ý thức giữ gìn những cảnh quan thiên nhiên nơi đền miếu, chùa chiền… Tóm lại, tôi nghĩ cần phải có sự đồng bộ, đồng thuận từ trên xuống dưới.
- Xin cảm ơn ông!
Bài liên quan: