Các nhà văn hóa nói về Trương Vĩnh Ký

Nhân vật có thân phận “hai mặt”

Đối với nhân vật này [Trương Vĩnh Ký], dù ai chưa đi thật sâu nghiên cứu kỹ thì cũng đã thấy hai mặt khá rõ ràng. Một mặt, ông là người Việt Nam có trình độ học vấn cao đã đứng ra hợp tác rất sớm và rất tích cực, rất đắc lực với các thế lực quân sự và chính trị của chủ nghĩa thực dân Pháp trong quá trình xâm lược và bình định nước ta cuối thế kỷ 19, không chỉ ở Nam Bộ mà trong toàn quốc. Cũng như mọi nhân vật có thân phận tương tự như ông, ông cũng có thời kỳ đắc sủng, đắc chí mà cũng có thời kỳ thất sủng, thất chí, song trước sau lập trường chính trị của ông đối với “tân trào” (tức là chế độ và chính sách thuộc địa) là nhất quán và rõ ràng, ông luôn luôn là “người nô bộc tận tụy và trung thành” của họ, hết lòng vì “quyền lợi của nước Đại Pháp ở nước Đại Nam” với danh nghĩa là “vì sự hiểu biết lẫn nhau giữa hai nước”, song “một nước đi đồng hóa với một nước bị đồng hóa”.

GS TRẦN THANH ĐẠM

Mục đích công tác văn hóa của họ Trương

1. Mục đích dịch thuật, sáng tác, làm tự điển của Baotixita Trương Vĩnh Ký được ông nói rõ trong thư gửi “Các vị trong Ban duyệt xét bản thảo”(1):

“Tôi hân hạnh được gửi tới quý vị vài dòng dưới đây để giải thích mục đích mà tôi theo đuổi khi làm những việc trước tác mà tôi đệ trình xin các vị thẩm định. Có thể xét những tác phẩm này theo hai phương diện khác nhau tùy theo hai chủ đích của chúng: thu xếp ổn định thời hiện tại và gắn liền dĩ vãng với tương lai xứ sở. Đó là mục đích của tôi”. “Thu xếp ổn định thời hiện tại” tức là dẹp yên các phong trào Cần vương và các cuộc nổi dậy chống Pháp cứu nước. Họ Trương viết tiếp:

“Về phương diện chính trị và kinh tế, người Pháp là kẻ đi đồng hóa, còn người An Nam là kẻ chịu đồng hóa. Người yếu cần dựa vào người mạnh để đưa mình lên bằng người khỏe(2). Đó chính là mục đích cần phải theo đuổi và đạt tới. Bằng cách nào? Bằng cách đồng hóa. Và đồng hóa chỉ có thể thực hiện được bằng giáo dục và học vấn. Từ đó mới nảy sinh mối thiện cảm giữa kẻ chinh phục và người bị chinh phục, mối thiện cảm do quyền lợi chung mà có. Quyền lợi chung này lại chỉ được tạo ra nhờ những quan hệ hỗ tương và trực tiếp. Những quan hệ này chỉ được thiết lập giữa họ qua sự hiểu biết tiếng nói của nhau. Người Pháp với tư cách là chủ, cần biết tiếng An Nam để giảng dạy người An Nam là học trò những tư tưởng và khái niệm cần thiết cho việc cải tạo và phục sinh của người An Nam”.

2. Ngày 3-9-1868, Trương Vĩnh Ký gởi thư cho ông Giám đốc Nội trị để xin từ chức. Trong đó có những câu cho thấy họ Trương không còn là người Việt nữa:

“Khi trở lại đời sống tư, lòng tôi luôn luôn thuộc về nước Pháp, và những công việc phục vụ nhỏ mọn của tôi cũng thuộc về nước Pháp... Người bề tôi tận tâm và vâng lời”.

3. Thư đề ngày 12-1-1882, từ Chợ Quán “Kính gởi các vị trong Hội đồng Thuộc địa”, Baotixita Trương Vĩnh Ký viết rõ hơn về mục đích các tác phẩm của ông:

“Tôi hân hạnh gởi đến quí vị một bản trình bày từng tác phẩm xuất bản mà tôi đã biên soạn.

Làm như vậy, ý định của tôi là để chứng tỏ với quý vị rằng trong 13 cuốn sách tôi đã xuất bản cho đến nay do tiền tôi bỏ ra, tôi chưa bao giờ đi lệch mục tiêu chính và trực tiếp mà tôi đã trình bày trước đây trong các thư tôi viết vừa cho nhà cầm quyền, vừa cho Ủy ban Phụ trách cứu xét những tác phẩm của tôi.

Mục tiêu đó là sự biến đổi và đồng hóa dân tộc An Nam:

4. Sự tận tâm và đắc lực của họ Trương trong nhiệm vụ giúp thực dân Pháp dễ dàng thi hành chính sách thống trị và đồng hóa dân tộc Việt, được ông Luro, Thanh tra và Giám đốc trường Sư phạm Thuộc địa Pháp tại Việt Nam, trong một bản nhận xét đề ngày 16-6-1875, có đoạn nói rõ:

Ông Pétrus Ký làm việc rất nhiều... Rút cục, đó là người An Nam Pháp hóa duy nhất mà chúng ta có, và gương mẫu. Sự trợ giúp của ông thật đã rất ích lợi cho ảnh hưởng của chúng ta và cho nền học chính nói chung”.

BÙI KHA

_____

(1) Không đề ngày. Ban nhận xét là Hội đồng Thuộc địa của thực dân Pháp ở Nam Kỳ.

(2) Người yếu (dân An Nam) cần dựa vào người Pháp để đưa mình lên thành người khoẻ. Nhưng còn lâu thực dân mới để người Việt ngang hàng với Pháp.
Trương Vĩnh Ký cầu xin quân Pháp về “giải phóng” cho ông

Theo sử biên niên, sau chiến dịch bắn phá Đà Nẵng (1-9-1858), Rigault de Genouilly xuôi tàu vào chiếm Gia Định ở Nam Bộ (17-1-1859). Genouilly giao cho Trung tá hải quân Jean Bernard Jauréguiberry và 800 quân ở lại giữ Gia Định còn y trở lại đánh phá Đà Nẵng lần thứ hai. Lúc đó chàng trai 23 tuổi Trương Vĩnh Ký đang ở Cái Mơn (Bến Tre) bèn bí mật “vượt qua những rừng rậm, núi đồi” lên Gia Định tìm gặp Jauréguiberry để cầu mong hải quân Pháp về “giải phóng” cho ông và những người đồng đạo của ông. Nhưng có lẽ chung quanh khu đóng quân của ông Jauréguiberry lúc đó đang bị quân Nguyễn bao vây chặt nên Trương Vĩnh Ký không thể tiếp cận được kẻ thù số một của dân Nam Bộ lúc đó. Trương Vĩnh Ký dùng cái khả năng tiếng Pháp tuyệt vời của mình viết cho Jauréguiberry một cái thư rất thống thiết, ký tên là Petrus Key. Thư viết vào cuối tháng 3-1859, sau khi Pháp chiếm thành Gia Định hơn một tháng. Đây là lá thư đầu tiên của Trương Vĩnh Ký gởi cho thực dân Pháp và chưa hề được trích dẫn trên sách báo xuất bản tại Việt Nam trong hơn một thế kỷ qua(1).

Trương Vĩnh Ký cho biết ông đã viết “Thư gởi Đại nhân và tất cả các sĩ quan tôn kính của Đội Hải thuyền Pháp quốc” trong hoàn cảnh: “...giữa đường tôi không được chuẩn bị gì, không có giấy, không có sổ ghi chép, không có mực vừa ý, không có bút thích hợp. Nhưng tôi nhân danh là người đại diện cho tín hữu Kitô kính dâng lên Ngài lời cầu xin của chúng tôi, tôi đến để tế lễ cùng Ngài nỗi thống khổ mà chúng tôi hằng gánh chịu dưới bạo quyền của các quan lại triều đình gây ra, vì Ngài sẽ là người phục thù và mang lại tự do cho chúng tôi”.

Kết thúc lá thư, Trương Vĩnh Ký hạ một lời kêu cứu khẩn thiết và khẳng định Jauréguiberry là người giải phóng cho Trương Vĩnh Ký: “Hãy thương xót chúng tôi! Hãy thương xót chúng tôi! Ngài sẽ là người giải phóng chúng tôi....

Nhưng không đợi cho đến khi quân viễn chinh đến giải phóng cho ông ở Bến Tre, ngay cuối năm 1859, Trương Vĩnh Ký đã có mặt dưới trướng của Giám mục Lefèbre tại Sài Gòn. Trương Vĩnh Ký không chỉ là một người thông ngôn mà theo Jean Bouchot, ông còn làm nhiệm vụ “phức tạp và quan trọng hơn nữa”. Ông Mẫn Quốc hiểu cái nhiệm vụ quan trọng và phức tạp đó là làm “tình báo, chỉ điểm, bày mưu lập kế để giặc chóng đạt được mưu đồ chinh phục của chúng”(2).

NGUYỄN ĐẮC XUÂN
____

(1) Thư viết tay vào tháng 3-1859 của Petrus Key (Trương Vĩnh Ký) gởi cho “sếp lớn” của Hải quân Pháp tại Gia Định, lưu trữ tại Văn khố Hải quân Pháp (Paris): SHM (Vincennes), GG2 99:2 do Tiến sĩ Sử học Vũ Ngự Chiêu sưu tập.

(2) Nghiên Cứu Lịch Sử số 60, tháng 3-1964.

Những việc làm cụ thể của Trương Vĩnh Ký trong bối cảnh nước non ta hồi ấy

Đầu năm 1886, Paul Bert được cử sang làm Thống đốc thay viên tướng De Courcy võ biền, thô bạo, gây căm phẫn cho cả dân chúng lẫn triều đình. Đặt chân đến Sài Gòn, Paul Bert móc nối ngay với Trương Vĩnh Ký, bởi dưới con mắt của tên thực dân cáo già lọc lõi này, Trương rõ là người luôn trung thành với nước Pháp. Paul gửi thư cho Trương: “Tôi cần ở ông danh sách những người An Nam trong khắp nước có thể làm những thông ngôn tốt bên cạnh các trú sứ của chúng tôi, vì hơn ai hết ông là người thích hợp nhất để đảm nhận việc chỉ điểm này. Thứ đến ông có thể theo ông Pène đến Huế để chọn lựa những người bạn có kiến thức và bảo đảm ngõ hầu sau này đặt họ dưới quyền điều khiển của ông những ủy nhiệm hữu ích mà chúng ta đã bàn thảo với nhau (?) trong cuộc hội kiến đầu tiên”. Trương nhanh nhảu đáp ứng yêu cầu của quan thầy mới rất hữu hiệu. Trên đường ra Bắc Kỳ, Paul đưa Trương ra Huế, “khéo léo rấm vào Cơ mật viện và Hội đồng nội các của nhà vua”. Nhiệm vụ cụ thể được chủ giao là: 1- Bãi bỏ phụ ước của tướng De Courcy bức ép triều đình An Nam. 2- Thi hành hòa ước Patenôtre. 3- Thêm một điều khoản phụ là cho nước Pháp quyền kiểm soát và điều khiển nền hành chính Bắc Kỳ, không có sự can thiệp của nhà cầm quyền An Nam. Chính sách cai trị “lạt mềm buộc chặt” chứng tỏ tài điều hành của một kẻ thực dân học thức. Vua Đồng Khánh vốn được coi như một “sản phẩm Pháp của Việt Nam” rộng lòng trao cho Trương chức danh Hàn lâm viện thị giảng học sĩ.

Xem vài đoạn thư Trương gửi cho Paul Bert để biết thực chất mối quan hệ giữa hai “nhà bác học Pháp - Nam” ấy là gì: “Trong cái nhìn đặc biệt về lợi ích của nước Pháp, việc Đồng Khánh lên ngôi quả là may mắn”, “Về phần tôi, xâm nhập vào Cơ mật viện của nhà vua, vai trò của tôi là làm cho nhà vua và triều thần hiểu được các ý tốt của chính phủ Pháp cũng như điều động chính sách của chính phủ An Nam đi gần với chính sách của nước Pháp”, “Tôi sẽ trấn áp những hãnh thần [là những người có tư tưởng chống Pháp] và sẽ bao vây lấy nhà vua [Đồng Khánh]. Tôi cũng sẽ gom những người thật sự có khả năng (?!) cho Viện Cơ mật”, “Tôi cũng đang lo tiếp xúc để cung cấp cho ngài những tin tức chính trị hữu ích. Tôi hết lòng tán đồng dự án hoàn mỹ của ông Pène về công cuộc bình định thi hành bởi những yếu nhân bản xứ và ở đây, tôi đang bám sát nhà vua cùng Viện Cơ mật. Như sứ giả tiên khu của Chúa, tôi tìm cách dọn đường cho ngài; tôi tán dương cái uy danh mà tôi ra sức vây bọc quanh con người cũng như tên tuổi của ngài…”.

NGUYỄN VĂN THỊNH

Trương Vĩnh Ký và “thơ tuyệt mệnh”

Phải chăng ám ảnh bởi một thứ mặc cảm phạm tội (tiếp tay quân xâm lược) như Loti và Réveillère đã quan niệm, mà suốt một đời danh vọng, quyền quý một đôi khi đã lên tới tột đỉnh, Trương Vĩnh Ký không lấy thế làm vui, trái lại, tâm tư người học thức, học giả họ Trương vẫn có điều không yên ổn, “đau đáu” trong lòng. Chính những dòng thơ “tuyệt mệnh” của ông phô bày niềm u uẩn đó:

Quanh quanh, quẩn quẩn lối đường quai

Xô đẩy người vô giữa cuộc đời

Học thức giữ tên: con sách nát

Công danh rút cục: cái quan tài.

Dạo hòn lũ kiến men chân bước

Bò xối con trùng chắc lưỡi hoài

Cuốn sổ bình sanh công với tội

Tìm nơi thẩm phán để thưa khai.

NGUYỄN SINH DUY

Nhiều tác giả