Ngày 5.6, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh đã có bài phát biểu quan trọng tại phiên họp toàn thể Diễn đàn An ninh Châu Á - Thái Bình Dương 10 (Đối thoại Shangri-La 10) với chủ đề “Ứng phó với những thách thức an ninh biển mới”.
“Vụ việc ngày 26.5.2011, tàu khảo sát Bình Minh 02 của Việt Nam bị cắt cáp thăm dò khi đang hoạt động thăm dò dầu khí bình thường trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam, gây lo ngại đến việc duy trì hoà bình ổn định ở biển Đông cũng như khu vực và trên thế giới. Việt Nam đã kiên trì giải quyết vụ việc trên bằng biện pháp hoà bình theo luật pháp quốc tế và nguyên tắc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, giữ gìn hoà bình, ổn định trên biển Đông và giữ mối quan hệ hữu nghị với các nước láng giềng. Chúng tôi mong muốn những sự việc tương tự không tái diễn” - bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh nêu rõ.
Biển là không gian sống còn
Theo Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh, “ứng phó với các thách thức an ninh biển mới” là một vấn đề rất thời sự, rất hệ trọng, liên quan đến hoà bình, ổn định và phát triển của khu vực và trên thế giới. Đây là không gian sống còn, phát triển và là tương lai của thế giới hiện đại đối với cả các nước có biển và không có biển, tại những khu vực có tuyên bố chủ quyền, hay không tuyên bố chủ quyền. Bộ trưởng Phùng Quang Thanh cho rằng, đặc điểm nổi lên của không gian biển thời gian gần đây là sự can dự của các nước được tăng cường trong mọi lĩnh vực để có được lợi ích trước mắt và lâu dài của các quốc gia, các lợi ích đó đều mang tính chiến lược, sống còn.
“Vấn đề là chúng ta phải nhận thức đầy đủ tính toàn cầu, tính quốc tế của biển trong thế giới hiện đại - không có thách thức nào là của riêng ai, mà đó là những thách thức chung, trực tiếp hay gián tiếp đối với tất cả các quốc gia, đòi hỏi phải có sự hợp tác rộng rãi, thiện chí để tăng cường hợp tác, giảm thiểu những khác biệt, mâu thuẫn và xung đột” - Bộ trưởng Phùng Quang Thanh khẳng định.

Quang cảnh cuộc tiếp xúc giữa Bộ trưởng Quốc phòng nước ta
Phùng Quang Thanh (bên trái) và Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc
Lương Quang Liệt bên lề đối thoại Shangri-la 10 ngày 3.6.
Ảnh: TTXVN.
Củng cố cơ sở pháp lý
Bộ trưởng Phùng Quang Thanh đề nghị cần củng cố các cơ sở pháp lý về các hoạt động trên biển, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác phát triển, ngăn chặn những hành động phương hại đến lợi ích chung của khu vực cũng như của từng nước, tôn trọng chủ quyền lãnh thổ của các quốc gia và xử lý tốt những vấn đề nảy sinh như tranh chấp chủ quyền, lãnh thổ...
“Trước hết, cần tuân thủ nghiêm và thực hiện đầy đủ Công ước Liên Hợp Quốc (LHQ) về Luật Biển 1982. Trong khu vực Đông Nam Á, cần thực hiện đầy đủ Tuyên bố về cách ứng xử trên biển Đông (DOC), tiến tới ASEAN và Trung Quốc cùng nhau xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC)” - ông nhấn mạnh.
Bộ trưởng Phùng Quang Thanh cho rằng, đối với các vấn đề, vụ việc xảy ra trên biển, cần kiên trì, kiềm chế, xử lý bình tĩnh và nhận thức quan trọng về tính chất của thời đại, trong đó đặc biệt cần tuân thủ luật pháp quốc tế, công khai minh bạch.
Đàm phán dựa trên luật pháp quốc tế
Trước đó, trong cuộc gặp song phương với Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt hôm 3.6, Bộ trưởng Phùng Quang Thanh nhấn mạnh vụ tàu hải giám Trung Quốc cắt cáp của tàu Bình Minh (Việt Nam) “đang gây bức xúc trong dư luận nhân dân và khiến lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam lo ngại”.
Bộ trưởng Phùng Quang Thanh đề nghị các cơ quan cấp dưới của hai bên chấp hành nghiêm chỉnh những cam kết của lãnh đạo hai nước, đồng thời nhấn mạnh “hai bên cần bình tĩnh giải quyết vấn đề một cách hoà bình, thông qua đàm phán dựa trên luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982 và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) - một văn kiện đã được ký giữa ASEAN và Trung Quốc”.
Ông Lương Quang Liệt cũng cho rằng vấn đề còn tồn tại giữa hai nước là tranh chấp chủ quyền ở biển Đông. “Trung Quốc cam kết duy trì hoà bình và ổn định ở biển Đông và thực thi đầy đủ DOC” - ông Lương Quang Liệt cho hay.
Đối thoại Shangri-La 10 có sáu phiên họp toàn thể từ 4-6.6. Các đại biểu tham dự sẽ có các bài phát biểu với các chủ đề: Các thách thức an ninh mới nổi ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương; Các học thuyết và khả năng quân sự mới tại Châu Á; Phân phối quyền lực mới tại Châu Á và tác động của nó với khu vực; Lợi ích an ninh quốc tế của Trung Quốc; Đối phó với những thách thức an ninh biển mới; Xây dựng lòng tin chiến lược, tránh hậu quả trong trường hợp xấu nhất. A.P |
P.T
Theo Lao Động