CHỮ NÔM VÀ TIẾNG VIỆT QUA BẢN GIẢI ÂM PHẬT THUYẾT ĐẠI BÁO PHỤ MẪU ÂN TRỌNG KINH

Tác Giả: Hoàng Thị Ngọ
Nhà xuất bản: Văn học
Số trang: 308
Kích thước: 16 x 24 cm
Hình thức bìa: Bìa cứng
Ngày sản xuất: in xong và nộp lưu chiểu quý 4/2022
Trọng lượng:
Giá bìa: 180.000 VNĐ

Bạn đọc đang có trong tay cuốn chuyên khảo Chữ Nôm và tiếng Việt qua bản giải âm Phật thuyết đại báo phụ mẫu ân trọng kinh của PTS. Hoàng Thị Ngọ, nghiên cứu viên phòng Văn tự học của Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Bản giải âm Phật thuyết đại báo phụ mẫu ân trọng kinh (viết tắt là Phật thuyết) từ lâu tưởng đã bị thất truyền như số phận của phần lớn các văn bản từ thế kỷ XVI trở về trước. May thay, năm 1979, nhà nghiên cứu Hán Nôm Tạ Trọng Hiệp (Việt kiều) đã mang bản giải âm này từ Paris về nước.

Được đem ra khảo sát, phiên âm chú giải và phân tích bình luận ở đây là một văn bản “Hán diễn Nôm” khá cổ nên cực kỳ quý giá. Với niên đại khắc in trước 1730, in lại từ một bản có trước, vào khoảng cuối thế kỷ XV như Hoàng Thị Ngọ đã chứng minh, văn bản này là tài liệu đáng tin cậy để tìm hiểu chữ Nôm và tiếng Việt thời đó, bởi nó lưu giữ được nhiều dấu tích tiếng cổ và chữ cổ. Là một văn bản song ngữ, nó giúp ích không ít cho việc nghiên cứu thực trạng dịch thuật đương thời và việc phục dựng lịch sử phiên dịch Hán Việt ở những chặng đường đầu tiên (với tư cách là bản dịch văn xuôi, nó sớm hơn Tân biên truyền kỳ mạn lục khoảng vài thế kỷ). Nội dung văn bản là một bộ kinh của nhà chùa nói về chữ “hiếu”, vì thế cũng rất quý với những người nghiên cứu tôn giáo sử, tư tưởng sử và văn hóa sử, đặc biệt là về văn hóa Phật giáo Việt Nam thời Lê Sơ, khi Nho giáo đang buổi cực thịnh...

Nghiên cứu bản giải âm này, tác giả đã phân loại cấu trúc chữ Nôm ở thời kỳ đầu của lịch sử phát triển, tập trung đi sâu phân tíchloại chữ Nôm dùng hai mã chữ để ghi một tiếng Việt rồi sau đó miêu tả các đặc điểm ngữ âm, từ vựng và ngữ pháp tiếng Việt, bước đầu nhận định về cách dịch của dịch giả bản Giải âm.

Sau khi phiên âm, chú giải toàn bộ văn bản, tác giả còn cung cấp cho bạn đọc một bảng Từ vựng với số liệu thống kê tần số xuất hiện của các từ thuần Nôm, kèm theo văn cảnh cụ thể. Bạn đọc cũng được cung cấp nguyên bản Giải âm, một văn bản cho đến nay được coi là rất quý hiếm, để tiện theo dõi và tiếp tục triển khai nghiên cứu ở những địa hạt khác nhau.

Nội dung cuốn sách được trình bày chia làm 3 phần chínhnhư sau:

Phần I. Giới thiệu và nghiên cứu bản giải âm Phật thuyết đại báo phụ mẫu ân trọng kinh.

Phần II. Phiên âm, chú giải toàn bộ bản giải âm Phật thuyết. Trong phần này chúng tôi cố gắng phiên âm theo âm hiện đại. Với những từ cổ, chúng tôi cố gắng giữ nguyên và có chú thích nghĩa. Tất cả các trường hợp chữ mang dấu tích của chữ Nôm cổ, có vấn đề liên quan đến ngữ âm lịch sử chúng tôi đã trình bày trong Phần I.

Phần III. Gồm bảng Từ vựng với hầu hết các từ thuần Nôm xuất hiện trong bản giải âm. Trong phần này, chúng tôi cố gắng đưa ra một danh sách có sự đối lập tuyệt đối giữa các cách ghi, các từ đồng âm khác nghĩa, có thống kê tần số xuất hiện và xuất xứ cụ thể. Với trường hợp từ có tần số xuất hiện nhiều, chúng tôi chỉ ghi 4 hoặc 5 lần xuất xứ.

Ngoài danh mục tài liệu tham khảo chúng tôi có đưa thêm nguyên bản giải âm Nôm Phật thuyết đại báo phụ mẫu ân trọng kinh để bạn đọc tiện tham khảo.