Chỉ còn những con số

Làng Tử Du của tôi, ông bà để lại cho con cháu cả một gia sản bề thế: Một ngôi đình lợp mái ngói Âm Dương với những hàng cột lim đen bóng hai người ôm mới xuể và nhiều hoành phi, câu đối sơn son thếp vàng rực rỡ. Cửa đình có đôi chó đá ngồi canh. Một ngôi chùa trên lưng núi, thờ Phật; hai ngôi đền Thượng và Hạ thờ thánh Tản Viên và Thánh Gióng. Ba cái giếng đá trên lưng núi - giếng Ba Cô nước chảy quanh năm, kể cả kỳ hạn hán.

Truyền thuyết kể về giếng Ba Cô rằng: Đêm nọ, làng mở hội, vui quá, ba cô tiên từ trời lén xuống xem. Mải xem, đến sáng mà các cô không biết, nên không thể bay được về trời nữa. Ba cô ngồi ở lưng núi khóc, nước mắt nhỏ xuống thành ba cái giếng nước trong vắt đầy ắp kể cả mùa khô hạn… Từ giếng Ba Cô nhìn xuống một chiếc cầu đá giữa cánh đồng có mái lợp, có hai hàng lan can gỗ đủ chỗ cho hàng chục người có thể trú mưa bất chợt. Đầu các xóm đều có điếm, sàn gỗ cho mọi người rỗi tụ tập vui chơi, hóng mát.

Tất cả đình, chùa, miếu, cầu, điếm và giếng nước các cụ xây dựng vững chãi, cầu kỳ và đẹp. Cùng với quần thể kiến trúc của làng là những truyền thuyết, những huyền thoại, những sự tích làm nên sự giàu có về văn hóa tinh thần và vật chất của một làng Việt quen thuộc.


Ảnh minh họa

Đến những năm 1960, thời đầu xây dựng Hợp tác xã, không biết từ đâu đưa ra quyết định quái gở, một sáng, một chiều không chỉ làng tôi mà các làng trong vùng nhất loạt các đình, chùa, đền, miếu… tóm lại là các công trình xây dựng của ông cha để lại bị phá để lấy gỗ, gạch ngói xây dựng cơ sở vật chất của Chủ nghĩa xã hội, nói nôm na là làm nhà kho, trụ sở HTX, chuồng trại. Những hoành phi câu đối sơn son thếp vàng đem ghép thành vách ngăn nhà kho chứa thóc, dụng cụ lao động và phân đạm.

Cũng chỉ được năm bảy năm, thực hiện khoán sản, cơ sở vật chất to lớn của hợp tác xã không còn phù hợp nữa, nên bỏ hoang rồi ít ngày sau khu cơ sở vật chất HTX “biến” sạch.

Vài năm trước, tôi về làng còn nhìn thấy dấu vết đình chùa của thời bố mẹ tôi để lại chỉ còn một con chó đá. Con chó này được khiêng từ cổng đình về, đặt giữ cửa kho. Kho không còn nữa, con chó ngồi một mình giữa bãi sim dại. Rồi ai đó cũng khiêng chó đá đi đâu mất.

Những cái tên xóm nghe ấm lòng ngày xưa như xóm Khâu, xóm Nứa, xóm Vằng được gọi tên là 1, 2, 3. Thế là di sản cha ông để lại cho con cháu, con cháu còn lại mấy con số… vô hồn.

Tôi vừa về quê, nhìn thấy mảnh vỡ viên đá kê cột đình còn lại trên bãi cỏ thấy thương người làng quá. Bà con quanh năm quần quật bới đất lật cỏ, không còn đình để “Đình bao nhiêu ngói thương mình bấy nhiêu”; không còn chùa để lúc buồn, lúc vui đi lễ Phật, không còn đền để thắp hương bái vọng những vị Thánh bất tử…; không còn chiếc cầu có mái lợp để ra đồng gặp mưa thì trú tạm…

Người làng sống trần trụi như cởi trần. Chúng ta đang xây dựng dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, nhưng nhìn vào làng thân yêu của tôi thì vật chất và tinh thần của con người ngày càng nghèo hơn, cằn cỗi hơn thuở ông bà. Không biết bao giờ làng quê lại được như ngày xưa. Bao giờ cho đến ngày xưa, không phải bà con nói vui, mà nó cất lên mỗi khi lòng nhói đau.

HÀ LÊ HÀ