Chủ gia đình thời kinh tế thị trường

Xưa nay, ai là chủ gia đình?

Còn ai vào đây nữa? Bao nhiêu thế kỷ qua, người đàn ông hiển nhiên là chủ gia đình. Không chỉ ở thế giới Hồi Giáo hay xã hội Á Đông mà ngay ở phương Tây, mới đây thôi, ở thế kỷ trước, nữ sĩ Blaga Đimitrôva cũng thừa nhận Cái thế gian này, nó hãy còn là thế giới của giống đực. Cho nên khi một gia đình được thành lập, người đàn ông liền trở thành trụ cột của gia đình và dù thực lực họ có làm nổi hay không thì quyền lực và gia pháp là trong tay họ.

Cũng có những người đàn ông mạnh mẽ, gánh vác được gia đình về nhiều mặt nhưng cũng không hiếm ông không làm nổi “trụ cột” mà chỉ là “kèo” hoặc “rui, mè” mà thôi... Còn người vợ là hình ảnh của một thứ dây leo, dù phải “lặn lội thân cò” nuôi cả gia đình thì vẫn là dây leo, là “phó thường dân” ngay trong mái nhà của mình.

Phụ nữ cũng muốn làm chủ

Nhưng đừng lầm tưởng là người phụ nữ ngày xưa không “thèm muốn” quyền lực. Được làm chủ, được bắt người khác làm theo ý mình, được trở thành nhân vật “số một” dù trong một đơn vị bé xíu ấy thôi, luôn vẫn là khao khát cháy bỏng của nhiều người. Vì thế mà cuộc “tranh giành quyền lực” giữa người đàn ông và người đàn bà luôn diễn ra ngay trong tổ ấm của họ.

Tại một số vùng ở nước ta có một cái tục ngấm ngầm, thường do những phụ nữ rỉ tai nhau và bày cho cô dâu một cái mẹo trước ngày cưới.

Cô dâu khi bước vào phòng hoa chúc làm sao phải... đạp lên cái bóng người chồng hoặc khi cả hai cởi áo cưới, tân giai nhân phải lén để cái áo mình phủ lên trên cái áo của tân lang thì sau này mới nắm được mọi “quyền bính” trong tay. Đó là quyền mình nói gì người kia cũng phải nghe răm rắp, không cãi lại, quyền định đoạt mọi việc lớn nhỏ trong nhà và nhất là quyền nắm giữ tài sản, tiền bạc và muốn làm gì thì làm…

Chủ gia đình thời kinh tế thị trường

Thế nhưng vào cuối thế kỷ 20 đầu thế kỷ 21, người phụ nữ tiến bộ vượt bậc, họ học cao, giỏi giang, năng động… Thời kinh tế thị trường đã mở ra cho nữ giới nước ta vô vàn cơ hội, giúp họ thành công trong nhiều lĩnh vực.

Họ chiếm lĩnh những vị trí cao trong xã hội và nhiều khi thu nhập cao hơn chồng. Rồi cùng với uy tín, trí tuệ, sự lịch lãm của mình, nhiều người vợ dù không muốn cũng được “phong tước” là chủ gia đình, nhất là trong con mắt các con... Và với người đàn ông Việt, thì dù vô tư, phóng khoáng đến đâu họ cũng khó chịu, thậm chí bất mãn khi bị vợ “soán ngôi”.

Mọi việc trong nhà đều do vợ quyết định, con cái cần gì cũng chỉ hỏi ý kiến mẹ khiến người chồng trở thành một cái bóng mờ, nhất là với những ông thất nghiệp triền miên hoặc thu nhập thấp.

Như gia đình anh L. Hiển và chị T. Loan vốn đều là giáo viên nhưng rồi chị xin nghỉ dạy, ra lập một trường mẫu giáo tư, anh không ủng hộ việc này vì không bao giờ muốn đem chuyện dạy học ra kinh doanh, nhưng chị Loan vẫn cố làm và rất thành công, kiếm được nhiều tiền.

Từ đó, chị coi chồng chỉ là nhân vật phụ. Nhiều khi chị ở lại trường mấy ngày liền mà chẳng báo cho chồng biết. Chị mua xe hơi, mua đất, sửa nhà cũng chỉ thông qua chồng một cách chiếu lệ. Chị sắm sửa cho con cái những thứ đắt tiền cũng không bàn bạc với chồng...

Đứa lớn có nhận thức còn biết nghe lời cha còn đứa nhỏ hoang mang, không biết cha đúng hay mẹ đúng, nhất là lúc cha mẹ chúng rơi vào cảnh “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”.


Ảnh minh họa.

Chủ gia đình có giống chủ… doanh nghiệp?

Hiện nay không ít người xem chủ gia đình giống như chủ doanh nghiệp, hoặc… chủ tịch hội đồng quản trị, ai góp vào nhiều vốn, nhiều tiền thì sẽ thành “ông/bà chủ”.

Ông Dụng là lãnh đạo một đơn vị kinh tế nhà nước, lương và bổng lộc của ông dư sức nuôi cả gia đình một cách sung túc trong khi vợ ông chỉ ở nhà nội trợ. Đương nhiên với vị trí và đóng góp ấy, ông tự cho mình là chủ gia đình.

Ông xem những thành viên trong nhà chẳng khác nào đám “lính” ở cơ quan. Ông luôn tỏ ra đầy quyền uy, mệnh lệnh, lúc nào ông cũng là đúng nhất, mọi điều ông phán là “khuôn vàng thước ngọc” mà mọi người phải làm theo răm rắp, nếu không ông nổi trận lôi đình… Tất nhiên ai nấy đều sợ ông, nhất là các con sợ ông như sợ một…hung thần.

Đang ngồi chơi vui vẻ với mẹ ở phòng khách, thấy cha về là rút hết lên lầu. Chúng biết cha đi làm nuôi mình, lo cho tương lai mình nhưng lại cách biệt, ít tình cảm, thiếu cảm thông, hay la mắng cho nên mọi buồn vui chúng chỉ chia sẻ với mẹ, hỏi ý kiến và nhờ mẹ tư vấn chuyện học hành, cuộc sống, bạn bè...

Ngay cả lúc người mẹ về quê mấy hôm, đứa con trai 15 tuổi bị sốt xuất huyết nhưng cũng đợi mẹ về mới nói, lúc đó nó sốt quá cao phải đưa đi cấp cứu, may còn cứu kịp.

Có lúc ông cũng bực, cũng “ganh tị” vì các con tỏ ra tin cậy, quyến luyến, yêu thương và cả kính trọng mẹ hơn và xem ông như người khách trong nhà.

Ông đem chuyện này ra hạch sách vợ, bà vợ trước đây vốn là biên tập viên sách văn học ở một nhà xuất bản nên nói với ông một câu văn vẻ Đâu phải ai đi tu cũng thành thánh hết đâu, mà chỉ có người nào dám tử vì đạo. Trong nhà cũng vậy, người nào tận tụy, hết lòng với gia đình thì được con cái tin cậy…

Ý bà trách ông ngoài việc đưa tiền về thì chỉ biết sống cho riêng mình, nào là nhậu nhẹt, đi massage, coi đá banh, tiệc tùng liên miên, không mấy khi ăn cơm với vợ con. Chưa kể là chuyện bồ bịch mà bà biết nhưng không cách nào “bắt được tay day được cánh”.

Lặng lẽ tỏa bóng

Có những người không có địa vị, quyền lực ngoài xã hội, cũng không đóng góp nhiều tiền bạc cho gia đình nhưng họ vẫn là người chủ gia đình thực sự, là trái tim, linh hồn của gia đình. Trường hợp bà vợ ông giám đốc kể trên không phải là hiếm.

Bà H. Hoa dù ở tuổi ngoài 50 nhưng vẫn rất duyên dáng, xinh đẹp và trẻ hơn tuổi. Điều đó cũng dễ hiểu vì bà vừa là một phụ nữ thành đạt vừa có một gia đình hạnh phúc.

Bà kể, cách đây nhiều năm, sau một tai nạn kinh khủng, chồng bà, một kỹ sư năng nổ trở thành người tật nguyền và thất nghiệp. Điều bà sợ không phải là một mình kiếm tiền nuôi chồng con, chạy chữa cho chồng mà chính là sợ chồng bị biến dạng về tâm lý. Một người đàn ông khỏe mạnh, có học thức, giàu lòng tự trọng và đầy khát vọng như thế bây giờ ở nhà để vợ nuôi là điều quá khó khăn với chính bản thân ông.

Sau một thời gian nằm liệt, khi tự xê dịch được, ông cho người giúp việc nghỉ để tiết kiệm ngân sách, tự ông tập làm việc nhà và hướng dẫn các con làm phụ. Khi khỏe hẳn ông nghiên cứu sách giáo khoa để kèm cặp các con học… Có hôm đi làm về mệt nhưng bà ngây ngất khi thấy bên chiếc đàn organ, mấy cha con đang tập những bài hát tiếng Anh.

Để bù đắp phần thu nhập của chồng, bà nỗ lực làm việc và được thăng tiến. Khi được cử đi tu nghiệp ở nước ngoài, bà rất lo lắng vì chồng tật nguyền và con còn nhỏ. Rồi biết đâu ông ấy có mặc cảm tự ti, sợ vợ hơn mình, sợ mất vợ… mà không cho bà đi. Nhưng không, người chồng đã hết sức ủng hộ bà. Bà nghĩ rằng chính sự không may của cuộc sống đã giúp bà thấy được hết tầm vóc lẫn tâm thế của chồng.

Ông đã vui sướng làm bệ phóng cho vợ, chia sẻ những thành công của vợ và dù đôi chân yếu ớt, ông vẫn là chỗ dựa cho cả nhà. Tuy không đi ra ngoài được nhiều (vì phải dùng xe lăn) nhưng ông vẫn luôn học ngoại ngữ, đọc nhiều sách báo nên vẫn không lạc hậu với thời sự…

Sau này khi có mạng Internet, ông “học lóm” ở các con và sử dụng rất thành thạo, rồi vào mạng tìm những thông tin cần thiết cho công việc của vợ… Bạn bè khách khứa đến nhà đều thích cách nói chuyện tinh tế, hóm hỉnh của ông… Các con của họ học hành giỏi giang, đứa lớn đã đi làm và đang học cao học cũng nhờ sự định hướng đúng đắn của cha.

Trong những câu chuyện vui với bạn bè, ông nói bà là điểm tựa của ông theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng… Nhưng trong con mắt của bà thì ông mới là người chủ gia đình thực sự, với trái tim tràn đầy thương yêu và trách nhiệm và đó cũng chính là uy quyền thực của ông với gia đình.


 

NGUYỄN THÚY ÁI