Chế Lan Viên - con người khí phách

Chế Lan Viên, qua thơ và văn, đã tự bạch rõ ràng về hai trang đời của mình gần như trái ngược nhau: âm u, ảm đạm đầy bóng tối và chan hòa, rực rỡ ánh sáng. Không có cách mạng không thể đổi đời, đổi thơ. Nhưng xét cho cùng, không có nghị lực kiên cường không thể tiếp nhận sức mạnh lớn lao của ngoại cảnh để tự đổi đời, đổi thơ.

Dám làm mình - tái tạo và cải tạo

Điều căn cốt nhất, quyết định nhất với Chế Lan Viên là dám “cách” cái “mạng” của mình. Cách mạng đã đem đến độc lập cho đất nước và tự do cho mỗi người dân trong đó có nhà thơ. Những thay da, đổi thịt nhất là thay máu tâm hồn là một quá trình không đơn giản. Do nặng nợ “siêu hình”, đi kháng chiến rồi mà có lúc vẫn còn mơ màng “Ai bảo giùm: Ta có, có Ta không?”. Ánh sáng lý tưởng ban đầu chưa đủ sức xuyên thấu đầu óc còn có phần u mê như bị đóng kén, kết bọc xơ cứng lại. Nhưng cuộc sống chiến đấu gian lao đầy hy sinh của đồng bào, đồng chí đã có sức phá vỡ cái vỏ bọc cố thủ ấy. Chứng kiến và cảm phục, thương xót anh em xung kích cảm tử hy sinh trong trận công đồn, Chế Lan Viên làm đơn xin vào Đảng. Đó là sự tái sinh thật sự của một công dân tự do cùng với một nghệ sĩ được giải phóng tư tưởng.

Tuy nhiên, như nhà thơ nói, căn bệnh tinh thần quái ác mạn tính còn trở đi trở lại nhiều phen. Như một người hoàn toàn tự giác, nhà thơ đã tiến hành cuộc tự chữa trị bền bỉ kéo dài gần như suốt đời.

Viết cho tạp chí Pháp Châu Âu (Europe), Chế Lan Viên đã nói tình cảnh chung của thế hệ các nhà Thơ mới: “…là những người từ thế giới một người đến thế giới nhiều người, từ thung lũng đau thương ra cánh đồng vui, là những người xưa kia tự xé da thịt mình, nay đi vá lại thịt da và xây dựng mùa xuân… Các nhà thơ của nỗi khổ đau ấy thấy cách mạng là của họ”.

Dễ nhận thấy một mạch thơ mà ta gọi là tâm niệm xuất hiện từ những năm 1960 với những bài thơ Hai câu hỏi, Đi thực tế, Vàng của lòng tin, Ngoảnh lại mùa đông và nhất là Ngoảnh lại mười lăm năm, Người thay đổi đời tôi, Người thay đổi thơ tôi. Bài Nhật ký một người chữa bệnh nói rất rõ tâm trạng của Chế Lan Viên cũng như quyết tâm ghê gớm của một nhà thơ lấy sự tiến bộ làm mục tiêu cho sự nghiệp thơ ca với niềm vui mới đã tràn ngập tâm hồn:

Ta lấn từng nỗi đau như mùa chiêm lấn vành đai trắng

Lấn bệnh tật mà đi, máu đỏ lấn da xanh

Vào trong lớp kim tâm hồn cay đắng

Quỷ quái chưa? Vẫn thấy lời ca sự sống đang chờ.

Cuộc chiến màu trắng trong tâm hồn kéo dài suốt những năm 1970, 1980 qua Hoa ngày thường, Chim báo bão, Hoa trước lăng Người. Bài Nghĩ về thơ có đề từ: Trích sổ tay lý luận tự răn mình với những câu thơ tâm huyết chân thành mà nghiêm khắc: “Vết thương xa nhưng chỗ sẹo đang còn/ Hãy nhớ chỗ tâm hồn ta phí máu/ Cái đã qua có khi còn trở lại đón đường/ Chớ bảo rằng: dĩ vãng ở sau lưng và bặt dấu!”. Đề tài về Bác Hồ, dù ở Người đi tìm hình của nước hay Người thay đổi đời tôi, Người thay đổi thơ tôi, trong kết cấu có một tuyến song hành đối chiếu tâm hồn cao đẹp trí lự tuyệt vời của lãnh tụ với cái tôi nhỏ bé tầm thường của nhà thơ một thời.

Mạch thơ tâm niệm không ngừng tuôn chảy, lớn dần thành một dòng tâm sự, tự tu theo những tháng năm. Để đến những năm cuối đời băng băng ào ạt, qua nhiều mảng thơ, nhất là Nghĩ về nghề, nghĩ về thơ, nghĩ… được bắt nguồn từ rất xa. Đây là thời tìm lại mình bằng cách nhìn lại chính mình qua trải nghiệm được thua, còn mất, tiến thoái, thăng trầm…

Dám sống - dám dấn thân

Có được sự nghiệp lớn là kết quả một đời phấn đấu. Trước hết là dám nghĩ, dám nói. Nhưng quan trọng hơn là dám làm, dám hành động. Khí phách chính là sức mạnh tinh thần được biến thành hành động, thể hiện qua hành động.

Để làm lại mình, từ một ý thức bật dậy đầu tiên rời bãi biển, nhập ào vào đoàn biểu tình, cầm gậy cùng dân quân đi lùng bọn phản động đến hành động tự giác tham gia cách mạng và kháng chiến là sự chuyển biến rất mau lẹ. Chế Lan Viên nhập vào đoàn Xây dựng ở Huế, viết báo Quyết Thắng cho Việt Minh Trung Bộ, hoạt động văn nghệ và báo chí ở Liên khu 4, đi chiến trường Bình Trị Thiên…

Tất cả những sự kiện khởi đầu ấy biểu lộ một con người dũng cảm trở về với thực tại cuộc sống, chiến đấu.

Thời chiến ta không thiếu những nhà thơ đi thực tế chiến đấu, tay bút, tay súng, cây viết bên cạnh khẩu súng. Những cảm nhận và suy tư thực tế, từ sự sống tươi rói máu thịt và nước mắt, qua thời Chế Lan Viên trở thành những gì đã biến hóa, đã thăng hoa trong hồn thơ. Ta gọi đó là sự hóa thân của cuộc đời và nghệ thuật. Những bài thơ đánh giặc, những bài thơ xung trận đã đưa nhà thơ cùng lên chiến lũy, đã nâng nhà thơ lên tầm những dũng sĩ của thời đại. Bởi ông đã có cái cốt cách kiên cường đầy khí phách của người anh hùng. Dám dấn thân thực sự mới có cảm xúc và suy tư thực sự.

Thời trải nghiệm những năm sau chiến tranh và cuối đời, Chế Lan Viên tiếp tục dấn thân bằng cách lặn lội sâu vào đời thường, vào cõi sâu thẳm lòng người để sống, để tìm kiếm, phát hiện những vấn đề mới của cuộc đời đã có nhiều đổi thay. Lại dám sống một cách dũng cảm trong cảnh thanh bạch có phần bần hàn, chấp nhận vất vả lo toan thường nhật, lại sáp mặt với những sự thật hỗn độn buổi giao thời còn gây bao bức xúc, trăn trở. Có thể nói, Chế Lan Viên đã sống hết mình cũng như trước đây, và cuối cùng vắt kiệt trí tuệ và cảm xúc, tư tưởng và tình cảm để tận hiến cho đời, cho thơ.

Trong đời, Chế Lan Viên đã qua hai mùa bệnh nguy kịch lớn: thời đầu hoà bình và những năm tháng cuối đời. Nhà thơ đã tỏ ra rất có nghị lực để vượt qua tật bệnh. Nhưng có gì còn lớn lao hơn nữa là lòng quả cảm ham sống mãnh liệt. Những vần thơ đã nói hộ Chế Lan Viên rất nhiều về sự cảm nhận sâu sắc thời gian hối thúc, từ lúc Đời vào tuổi 50 nghĩa là gần hai mươi năm trước khi phải vĩnh viễn buông bút. Khi biết bị bạo bệnh, thời gian đúng là chỉ còn như giọt nước qua kẽ tay, vượt được tâm lý thông thường tuyệt vọng, buông xuôi là sự tự vượt mình quyết liệt đầy cao cả.

Thực sự, Chế Lan Viên đã làm thơ, và hơn thế, viết bài học giảng thơ cho con qua Hai chớp mắt. Đó là cuộc “chạy đua tàn khốc” nhất ở chặng nước rút những đêm ngày, những giây phút cuối cùng của mút chót cuộc đời! Tuy nhiên, lúc nào cũng vẫn một nụ cười thản nhiên, chấp nhận quy luật của tạo hóa và ước vọng một sự tái sinh trong luân hồi vũ trụ. Tâm trạng để lại là niềm tự an ủi lớn như sự kiên cường tuyệt vời trước cái vô vọng. Đó là tâm trạng như Nguyễn Thị Minh Khai thêu áo trong xà lim tử hình được hình tượng hóa trong bài Người nữ tử tù đan áo viết trước lúc ra đi không xa (1988):

Tác phẩm viết giữa ngày xử án và ngày hoãn án

Anh phải viết sao cho khi ta đi thì chiếc áo đã thành

Dám đấu tranh - dám trả giá

Dám sống là dám đấu tranh. Mà đấu tranh phải chấp nhận trả giá, có khi rất đắt. Với nhà thơ, nhà văn hóa thì đó là đấu tranh tư tưởng, đấu tranh ý thức hệ, đấu tranh đạo lý. Nói chung là đấu tranh cho lý tưởng cách mạng và nghệ thuật chân chính đã trở thành tín điều thiêng liêng của bản thân và cả nhân loại tiến bộ.

Dễ hiểu vì sao Chế Lan Viên có Những bài thơ đánh giặc đầy khí thế tiến công thời kháng chiến chống Mỹ. Đặc biệt nhà thơ vạch trần bộ mặt gian dối, bịp bợm, thâm độc của kẻ thù: chúng có “hai bể ngôn từ dối trá/ Nay vỗ hòa bình, mai vỗ chiến tranh/ Cầm trang giấy hòa bình của hắn lên, lật lại phía bên kia đều có máu”. Nhà thơ kêu gọi cảnh giác - tức kêu gọi trí tuệ của căm thù đồng thời với thức tỉnh lương tri nhân loại.

Đánh tư tưởng thù địch sai trái cũng là một yêu cầu không kém quan trọng. Đường chân lý còn “có lắm chông gai”, thời tiết chính trị biến đổi “gió lạnh thổi nhiều cơn chia rẽ”. Đấu tranh chống chủ nghĩa xét lại là yêu cầu bức thiết cũng như chống chủ nghĩa hòa bình thực chất là chủ nghĩa đầu hàng trong một thời điểm lịch sử: “Dẫu muốn sống không thể quỳ để sống/ Hái hòa bình xin hái giữa phong ba”.

Chế Lan Viên cũng thẳng thắn phê phán, lên án nhiều quan niệm sai trái có phương hại đến sự sinh tồn và phát triển nhân sinh xã hội cũng như của nghệ thuật. Chế Lan Viên là một nhà cách tân nghệ thuật khi lấy đổi mới chân chính làm động cơ cũng như phương tiện chính yếu của thơ ca. Không ít thăng trầm trong quá trình thử nghiệm, thậm chí những đấu tranh đổi mới có tính chất thách thức, khiêu khích với quan niệm cũ, thị hiếu cũ gặp không ít sự phản bác. Nhưng rồi khuynh hướng hiện đại hóa, dân chủ hóa trên tinh thần giải phóng khỏi ràng buộc, gò bó lỗi thời; khuynh hướng đối thoại, thực sự cầu thị chân lý và tìm giải pháp ưu việt; khuynh hướng mở trong việc tiếp thu sáng tạo các tinh hoa nghệ thuật, các phương pháp, phong cách nghệ thuật đa dạng… đã thắng thế và có sức thuyết phục. Người đọc và bạn nghề được tâm phục, khẩu phục bằng chính công phu lao động nghệ thuật và những tác phẩm có giá trị cao của nhà thơ.

Dám đấu tranh phải chấp nhận sự trả giá. Khi xưa đi thực tế mặt trận đầy hiểm nguy, súng, bút cùng trận tuyến, văn nghệ sĩ dám đánh đổi đời mình lấy độc lập, tự do - Chế Lan Viên đã từng như thế. Tuy nhiên trong đấu tranh tư tưởng văn nghệ, sự va chạm, xung đột quyết liệt có khi phải trả giá bằng sinh mệnh chính trị. Có sự giảm sút cảm tình, sự rạn nứt niềm tin thậm chí cả sự ganh tị, ghét bỏ. Ý tứ thẳng băng, ngôn ngữ nóng bỏng nhiều khi đem đến hậu quả tai hại ngoài ý muốn. Khi còn sống, Chế Lan Viên đã tỉnh táo nhận ra mình có những kẻ thù. Mặc dù vậy, nhà thơ vẫn tin tưởng mãnh liệt vào chân lý, vào cái được và mất thực sự: “Những kẻ nguyền rủa anh sẽ buồn/ Chả còn anh cho họ giết/ Dao sẵn rồi họ không dễ để yên/ Những bạn bè yêu anh sẽ gặp anh trong cỏ/ Trong giọt sương, trong đá…/ Trong những gì không phải là anh…/ Anh tồn tại mãi/ Không bằng tuổi tên, mà như tro bụi/ Như ngọn cỏ tàn đến tiết lại trồi lên”. Chúng ta đọc được một phong cách bình thản, tự tại, một nụ cười hiền minh, bao dung qua Từ thế chi ca.

Dám là mình – dám vượt mình

Với tư cách là nhà thơ, người hoạt động nghệ thuật thì dám là mình hầu như là điều tiên quyết. Nói cách khác, nhà thơ dám sáng tạo, dám đổi mới với bản lĩnh, cá tính độc đáo.

Sự đổi mới sáng tạo là qua từng tập thơ, ở mỗi bài thơ, trên từng con chữ. Đổi mới sáng tạo để luôn luôn được là mình, thể hiện đúng mình.

Ngược lại, Chế Lan Viên cũng luôn luôn phê phán sự đánh mất mình, chế giễu sự không dám là mình, sự giả dối, cách ngụy tạo, tính xu thời trong nghệ thuật: “Những nhà thơ mất giá/ Lại thường hay đổi tiền”, “Anh đóng giỏi trăm vai, lại đánh mất mình”.

Trong cả đời thơ, Chế Lan Viên cũng luôn đi tìm mình, tìm cái bản ngã đích thực của nghệ sĩ - cái bản thể nhân văn - cùng cái bản lĩnh nghệ thuật hiện thực để bồi bổ và phát huy.

Chính Chế Lan Viên cũng chua xót nhận ra cái đau đớn trong đời cũng như trong nghệ thuật là đánh mất mình. Nhất là vào những năm cuối đời, khi đặt câu hỏi ta là ai để tổng kết sự nghiệp cá nhân, nhu cầu được sống trung thực với mình càng day dứt. Nhà thơ đã phấn đấu không ngừng để được sống đúng với bản ngã của mình. Và đó là một quá trình thật kiên cường.

Sự đánh giá bản lĩnh nghệ thuật cá nhân phải có thời gian. Lịch sử là ông quan tòa nghiêm minh nhất, công bằng nhất. Đấu tranh còn mãi mãi như những cuộc Tranh luận còn tiếp tục dài lâu:

Những cuộc cãi cọ giữa chân lý và bọn cầm cờ

trắng cờ đen nghiêng ngả

Giữa người lên chiến hào và kẻ tụt lại sau

Giữa mặt trời lên và các ngôi sao đã chết

Giữa cờ đỏ thiêng liêng và những kẻ đổi màu.

Qua thơ vẫn là một thái độ kiên cường, một nụ cười đắc thắng trên tất cả những tầm thường, hèn nhát, dối lừa.

* * *

Khí phách Chế Lan Viên có thể gói lại trong một chữ DÁM.

Nhà thơ là con người trí tuệ tỉnh táo và dũng cảm luôn luôn và suốt đời - đến phút chót, dám nhìn sự thật - dù là sự thật tươi đẹp, huy hoàng hay tệ hại, đắng cay. Dám nhìn mình và nhìn người, dám nhìn gần và nhìn xa, dám nhìn đi và nhìn lại.

Nhưng có lẽ, điều quý giá nhất làm nên nhân cách lớn Chế Lan Viên là dám nhìn mình, nhìn vào mình tận sâu thẳm tâm hồn, cả mặt hiển hiện lẫn mặt khuất lấp, chỗ mạnh và điểm yếu. Hơn thế, biết nhìn trên mình nhìn xa mình với một cách nhìn chính xác, nghiêm minh. Để luôn biết vượt mình: vượt lên cái hình thực và cả cái bóng ảo của mình - vốn là ranh giới khó qua nhất.

Cuối cùng, với khí phách cao cường một đời, ta thấy Chế Lan Viên đã toại nguyện được là mình. Chính ông - một mẫu mực của nhà thơ-chiến sĩ tiên phong trên mặt trận với văn thơ là vũ khí tinh nhuệ sung mãn sức chiến đấu.

 

-------------------------------------------

* PGS - TS, Đại học Sư phạm Hà Nội

ĐOÀN TRỌNG HUY*