Chế Lan Viên, như tôi biết

Ngày 19/11 vừa qua, Hội Nhà văn Việt Nam đã trân trọng tổ chức lễ tưởng niệm và hội thảo về thân thế và sự nghiệp nhà thơ Chế Lan Viên. Đến dự, có hàng trăm nhà văn - nhà nghiên cứu, nhà báo…; trong đó có đồng chí Nguyễn Thế Kỷ- Phó trưởng Ban Tuyên Huấn Trung ương, nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam; các nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh, Vũ Tú Nam, Phan Quang… những “bạn văn” thời Chế Lan Viên.

Các nhà văn đã đọc tham luận: Hà Minh Đức, Lê Thành Nghị, Bằng Việt, Trần Đăng Khoa, Bùi Bình Thi, Mai Quốc Liên… Các bài tham luận xoay quanh chủ đề: những đổi mới sáng tạo lớn lao liên tục của nhà thơ Chế Lan Viên trong số phận của dân tộc và số phận của các nhà thơ, nâng nhà thơ lên hàng nhà thơ vĩ đại không chỉ của dân tộc mà của thế kỷ, của khu vực và thế giới.

Đại diện gia đình nhà thơ, ông Phan Trường Định, con trai nhà thơ, xúc động nói lên những kỷ niệm về người cha thân yêu của mình. Nhà thơ Hữu Thỉnh, nêu lên vị trí của Chế Lan Viên, tấm gương thơ Chế Lan Viên trong đời sống thơ hiện đại. Buổi lễ cũng xúc động nghe lại tiếng nói của nhà thơ Chế Lan Viên (băng ghi âm - do nhà thơ Trần Đăng Khoa cung cấp), khi ông đọc bài thơ Người thay đổi đời tôi- người thay đổi thơ tôi…

Hồn Việt giới thiệu với độc giả bài tham luận của nhà thơ Bằng Việt trong Hội thảo này. 

Hồn Việt

***

Chế Lan Viên đã xa chúng ta 21 năm. Và hôm nay, ông hoàn toàn có thể đứng trước chúng ta bằng xương bằng thịt để nói một chút gì đó thật sôi nổi và tâm huyết về Thơ và sự cách tân Thơ của 10 năm đầu thế kỷ XXI, nếu như căn bệnh quái ác không làm ông phải nói lời chia tay với tất cả chúng ta vào tháng Sáu năm 1989. Với tuổi đời chỉ vừa mới bước qua mốc 90 chưa xa, với sức làm việc còn hết sức minh mẫn và bao quát, với sức cản lướt lừng lững và quyết đoán của cảm xúc Thơ, với trí tuệ sắc cạnh và sâu rộng hiếm có trong Thơ, Chế Lan Viên chắc chắn vẫn là một trong những nhà thơ thực sự lớn lao, thực sự có sức ôm trùm và có tiếng nói thuyết phục nhất trong tất cả các nhà thơ đã khởi đầu từ thời “tiền chiến”.

Hồn thơ Chế Lan Viên đã bất thần vụt sáng, quả đúng như ánh lóe một thiên tài, ngay từ năm 16 tuổi với tập Điêu tàn, rồi tiếp đó lại bay tiếp mạnh mẽ qua bầu trời thơ Cách mạng và Kháng chiến của cả thế kỷ XX như một dải Ngân hà thơ đa tài và đa sắc, với các tập thơ như: Ánh sáng và Phù sa, Hoa ngày thường, Chim báo bão, Những bài thơ đánh giặc, Đối thoại mới, Hát theo mùa, Hoa trên đá, Ta gửi cho mình… và 3 tập Di cảo Thơ lung linh kỳ lạ cuối đời .


Nhà thơ Tế Hanh (thứ 2 từ phải sang) cùng các nhà thơ Chế Lan Viên,
Hoàng Trung Thông, Nông Quốc Chấn.

Trong bài Tôi viết cho người, như để thay lời Tựa cho Di cảo Thơ III (Nhà xuất bản Thuận Hóa, 1996), Chế Lan Viên đã trực diện nói với tất cả lứa hậu sinh của mai sau những lời thành thực đến ứa nước mắt:

“Tôi viết cho một người nào trong thế kỷ mai sau
Nhặt thơ tôi lên từ trong bờ bụi
Phủi hết bao tầng mọt mối
Bỗng gặp tôi lòe chói ở đôi câu
Người kia phủi bụi thêm, đọc lại từ đầu,
Bỗng chốc thương người xưa, rưng giọt lệ,
Tôi đã hóa bọ, dòi, giun, dế,
Hóa vô danh, vô ảnh, vô hình,
Nghe tình thương bỗng lại sinh thành
Trong khoảnh khắc lại là tôi, khoảnh khắc
Nhớ lại câu thơ của mình, quên tắp,
Nhớ lại cuộc đời đã ở trần gian
Một cuộc đời thôi mà biết mấy đa đoan!...”

Cái “biết mấy đa đoan” trong đời thật ấy, tưởng khi nói ra cũng sẽ phải rất nặng nề và nghiêm túc, nhưng Chế Lan Viên lại có đủ tỉnh táo và sâu sắc để dễ dàng cười nhẹ tênh và diễu cợt nhẹ tênh với chính mình và cả thế hệ sau mình:

“Rồi một trăm năm sau, họ diễn kịch về thời ta
Về giá, lương, tiền, về đổi mới tư duy,
Về chúng ta yêu, chúng ta đánh giặc...

 

Vở kịch có thể bi, có thể hài, ai biết,

Có thể tình ca, có thể hùng ca...

Những nỗi ta đau, họ có thể đau hơn, có thể cười chế nhạo,

Những lý tưởng của chúng mình bây giờ, họ có tin không,

hay chỉ cười xòa!

Ôi! Ta phải sống cho mình, cả cho cha ông, cả cho họ nữa!
Họ là chúng ta, hay không phải chúng ta?
Thế sao anh đòi viết câu thơ cho họ nhỉ?
Thả một con thuyền giữa muôn trùng mà không lường hết nổi phong ba.

Cuộc đời thật của ta bây giờ, với họ là giả,
Họ mặc lại các áo quần của ta không giống lắm,
Yêu, đau khổ, nói ngôn ngữ như ta không giống lắm,
Họ lại đem những nỗi gì của họ, bảo là Ta!...”

Tột cùng tỉnh táo và tột cùng thông minh! Và đó chính là Chế Lan Viên bằng xương bằng thịt, như đang đứng giữa buổi họp mặt này và nói những lời đùa cợt tưng tửng đó với chúng ta hôm nay và với cả con cháu chúng ta mai sau, hoàn toàn với tư cách đang tham dự vào tất cả mọi công việc, lo toan và cảm xúc của thời ta đang sống, với tầm nhìn thấu suốt đến mãi cả thời sau ta sẽ sống! 

Chế Lan Viên có thừa năng lực và thừa hiểu biết để có thể làm được nhiều việc khác, ngoài thơ. Nhưng ông yêu Thơ đến tận cùng và coi Thơ là công việc cao nhất của tâm linh, không thể nào bỏ được nó trong đời. Ông sẵn sàng cắn răng chịu đựng, lăn lóc, sống chết, vật vã, nghèo khổ, gieo neo vì Thơ, vì ông thực tâm tin vào sức mạnh tẩy rửa của Thơ, sứ mệnh hoàn nguyên những gì cao thượng nhất cho Con Người nhờ có Thơ.

Với một tư duy luôn năng động, một sức vươn xa luôn chịu học chịu đi, để được hiểu nhiều biết rộng và đạt tới sự kinh lịch chua chát và lọc lõi với Đời như ông, thì tin được như thế đã là một thiên lương, tin được như thế đã là một cách ứng xử dũng cảm. Chính vì tin như thế, nên ông nghiệm ra Thơ thực sự còn có ích, còn đem cho con người được một chút gì đó có ý nghĩa thực sự, mà có lẽ chính mỗi con người, tự mình cũng không ngờ hết, cũng quên đi, chưa nhận thức được thật thấu đáo điều đó từ trong bản chất:

“Cho mọi người có trái tim của họ
Mà họ quên đi, không ngờ có nó!
Cho cả người đau nhất
Biết giá của nước mắt,
Và sẽ lấy gì từ nỗi đau!
Cho mỗi người có một cái đầu
Có não hai bán cầu
Thường họ chỉ dùng có một!
Nguyên họ chột
Bảo rằng mắt họ có sao đâu,
Vẫn nguyên vẹn hai con và vẫn sáng lầu lầu!
Thơ là làm cho mỗi người
Tự tin ở họ
Bỏ họ vào trong lửa
Họ không tin rằng họ sẽ thành tro!
Bỏ họ vào hang tiền sử
Họ vẽ con nai lên trên vách...
Mỗi người bình phương
Anh làm cho họ hóa lập phương!”


NSƯT Kim Cương (giữa) bên cạnh nhà văn Nguyễn Tuân (phải)
và nhà thơ Chế Lan Viên (trái). Ảnh tư liệu.

Chính vì Thơ đối với con người còn có ý nghĩa như thế, nên nhà thơ nguyện dù sinh ra ở đâu và thời nào, kể cả nếu ví dụ như không được sống trong một đất nước yêu thơ và tràn đầy cảm xúc thơ như quê hương mình, thì ông vẫn không thể không làm Thơ, như một sứ mệnh cao cả để tạo ra cho Đời có những giá trị, mà như ông tin tưởng, là nếu như Đời không Thơ thì không thể có được những ý nghĩa ấy:

“Ví dụ, Anh sinh ra trong miền đất không có hoa văn
Miền biển vắng thủy triều
Khu rừng không có trầm hương, di chỉ,
Trời vắng mây tình yêu,
Thì Anh có làm thơ không đấy?
Có chứ! Càng phải làm nữa chứ!
Anh sẽ là nhà thơ có trái tim nhịp gấp
Có đôi mắt vạn hoa
Có bàn tay tung bắt
Được những câu tình cờ
Anh sáng tạo vì không sao phản ánh
Anh cho Đời những thứ Đời không cho!”...

Đấy thực sự là tâm hồn dâng hiến và tận tụy với Thơ và với Đời của một nhà thơ đầy mê say, một nhà thơ sau bao thử thách và mất mát vẫn biết cách sống hồn nhiên và biết giá trị của những gì mà sự Hồn Nhiên không tính toán mang lại cho Đời, như những giá trị nhân văn thật sự gốc gác nhưng cũng rất hồn nhiên của Thơ, tưởng chỉ hồn nhiên và nhân hậu thế thôi, nhưng hóa ra, lại không có gì có thể thay thế được!

Tầm cao của Chế Lan Viên trong Thơ, vừa rất sâu sắc vừa rất bản ngã, vừa rất suy nghĩ và giàu triết luận, lại vừa rất thực tiễn và gần gũi sát sườn với cuộc đời, chính là ở những khía cạnh đó.

Những câu thơ tài hoa tự nhiên của Chế Lan Viên luôn luôn cho ta cảm giác như được thưởng thức một bữa tiệc của câu của chữ, của nhạc điệu, tiết tấu, đồng thời ánh lên thanh thoát như ánh cầu vồng rực rỡ, giao thoa từ lòng yêu đời, yêu con người, biết trân trọng đời và cũng trân trọng con người:

"Mỗi ngày ta gặp một người, họ là một mảnh của

thiên tài nhân loại,

Máu và mồ hôi của người chắt ra bao hình ảnh, ngữ ngôn,

Vạt áo của triệu nhà thơ không bọc hết bạc vàng

mà đời rơi vãi…

Mỗi người đến với ta, dù lạ hay quen, đều có thể viết

cho thơ ta một chữ,

Hãy nhặt những chữ của đời mà chắp nên trang!” … 

Lứa chúng tôi khi vừa lớn lên đã bắt gặp được một Chế Lan Viên với tất cả những ưu điểm mà chúng tôi đang khao khát, đang chờ đợi trong thơ, vì thế, dễ hiểu là ông đã chiếm trọn vẹn tình yêu và sự cảm phục của lứa chúng tôi như một thần tượng. Và may mắn là ông đã giữ được tầm cao của tài năng thi ca thần tượng ấy gần như suốt đời, trọn vẹn trong mỗi chúng tôi, không hề bị phai nhòa hoặc đổ vỡ. Không có nhà thơ nào đã dễ đạt nổi tới tầm vóc ấy!

Và không ai trong lứa chúng tôi lại không giữ lấy trong mình một số câu thơ xuất thần của Chế Lan Viên, mà đôi lúc, trong một hoàn cảnh nào đó tương tự, lại tự nó hiện lên, sống động và bùi ngùi, như một lời tâm sự sẻ chia, như một tiếng đàn đồng cảm, luôn có sức lan truyền và an ủi. Đó là những câu thơ trong trẻo, kiểu như: “Nhớ bản sương giăng, nhớ đèo mây phủ/ Nơi nao qua, lòng lại chẳng yêu thương/ Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi, đất đã hóa tâm hồn!”.

Hoặc là những câu thơ kiểu khác, đơn giản tưởng như bắt được, những câu thơ trời cho, ẩn chứa một tâm trạng phổ quát của nhiều lớp người, nhiều nỗi buồn nhân thế không dễ gì nguôi ngoai, như thể có ma lực gì trong câu chữ: “Có tiếng nhỏ của sông Thương nước mắt/ Sông nhớ thương ôi! Nước chảy đôi dòng/ Lòng ta là một cánh rừng lẩn khuất/ Đau bên đoài, nên thổi gió bên đông!”…

Tưởng như trong thơ, Chế Lan Viên ưa trừu tượng, ưa triết luận, ưa lối nói nhiều ẩn dụ như thế, thì trong đời sống thường ngày, ông có lẽ cũng có gì xa cách và cầu kỳ hơn so với cách ứng xử đời thường. Nhưng hoàn toàn bất ngờ khi chúng tôi gặp ông và đến với ông: Chế Lan Viên là một con người cực kỳ chân tình, nhân ái, giản dị, biết chăm chút và quan tâm đến mọi người, có đầu óc thực tiễn, ưa hài hước và rất chu đáo, hết lòng với anh em trẻ, với những người mới bước vào nghề.

Tôi còn giữ được cả một tập bản thảo những bài thơ non nớt thuở đầu mới sáng tác của đời mình, chi chít những vạch, những chấm, những khuyên, những dấu ngoặc lên ngoặc xuống, những dấu cộng và dấu nhân bên cạnh những gạch chéo hoặc gạch đít ở từng dòng thơ, biểu hiện những cách đánh giá, cách cảm thụ và nhận xét khác nhau trên mỗi trang bản thảo, do tự tay Chế Lan Viên ghi chú một cách rất sinh động và cụ thể, khi ông góp ý cho thơ của anh em trẻ.

Thực sự đó là những bài học đầu đời không thể quên của lứa chúng tôi đối với một người Thầy, người Anh lớn, một nhà thơ lớn, đã tự mình tạo nên những nỗ lực phi thường để vượt qua mọi hoàn cảnh khó khăn chủ quan và khách quan, để đạt tới tầm vóc cao, không những chỉ ở đất nước ta, mà có thể xứng đáng có đủ vóc dáng và bản lĩnh so với một nhà thơ ở ngang tầm cao quốc tế. Vô cùng chan hòa, giản dị, vô cùng thân thiết và gần gũi với mọi người xung quanh, với gia đình, con cái, với anh chị em trẻ, với nếp sống giản dị đời thường, trải qua thời chiến tranh, và qua cả thời bao cấp… nhưng tới hôm nay nhìn lại, tất cả chúng ta có thể mạnh dạn nói rằng: Đây thực sự là một tầm vóc thi ca hiếm có, một bản lĩnh thi ca hiếm có, một nhà thơ mở đầu với ánh lóe của thiên tài và đi qua cả cuộc đời tìm tòi gian truân với một sức sáng tạo độc đáo, một phong cách thơ kỳ vĩ khó có ai lặp lại.

Chừng ấy ưu điểm đã cho ông đủ sức vượt qua đầu thế kỷ XX vẻ vang của mình, để bước sang tầm cao còn phóng khoáng hơn, xa rộng hơn… của những thế kỷ tiếp sau trong sáng tạo.

Chế Lan Viên, theo tôi , thực sự là một nhà thơ ở tầm như thế đó.


(*)

Chủ tịch Hội đồng Thơ Hội Nhà văn Việt Nam - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật toàn quốc.

Bài liên quan:
BẰNG VIỆT (*)