Chế Lan Viên nói về sách giáo khoa

Sách giáo khoa của ta cần phải làm lại. Hiện nay thầy, cô giáo dạy văn không hứng thú lắm, học sinh ngán học văn, sách giáo khoa của ta chịu trách nhiệm một phần.

Sách soạn ra trong chiến tranh, khó thỏa mãn lúc thời bình. Soạn ra khi trong tay ta, tư liệu, tác phẩm còn thiếu, sách dễ trở nên thiếu sót khi ta giàu thêm một thời gian mười một năm và một không gian cả nước rộng rinh. Nhưng chính là sự méo mó về suy nghĩ – cách suy nghĩ giản đơn, ấu trĩ trước đây – dễ làm cho sách bị thiệt thòi.

So với sự suy nghĩ của Đảng ta hiện nay, với trình độ các thầy giáo nói riêng và nhân dân nói chung, so với những kiến thức mới nhận từ Liên Xô và thế giới tiến bộ, các sách ấy hóa ra lạc lõng.

pic

Năm kia, sau lần họp giữa Bộ Giáo dục và Ủy ban Văn hóa của Quốc hội (có nhiều nhà giáo, nhà văn, nghệ sĩ tiêu biểu trong ấy), đồng chí Trần Độ, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Quốc hội, có đọc tham luận. Mừng là giữa các tham luận nóng bỏng về giá – lương – tiền, bài tham luận về giáo dục này không bị lọt thỏm mà rất hấp dẫn.

Mừng nữa là khi làm việc thì giữa Ủy ban – người giám sát – và Bộ Giáo dục – đối tượng bị giám sát – lại rất nhất trí, hình như cả hai chờ nhau từ lâu để bàn vấn đề này. Chị Nguyễn Thị Bình – Bộ trưởng – lại là người thiết tha nhất về việc làm lại sách. Xin các bạn tìm đọc bài tham luận của đồng chí Trần Độ. Cố nhiên là lời lẽ trước Quốc hội phải rất nhuần nhuyễn, dẻo mềm mới lọt tai và lọt lòng trên 400 đại biểu. Còn tôi thì lại khác. Xin các bạn cho tôi được diễn đạt ý riêng của tôi một cách thô lỗ hơn, bởi vì tôi sợ nghe xong có người thấy quan trọng thì quan trọng thực đấy, nhưng lại… cho qua!

Điều thô lỗ thứ nhất: là… có khi làm sách này, ta đang sợ một cái gì, sợ mất lập trường chả hạn. Sợ các tác giả đời Trần, đời Lý duy tâm, phong kiến, thế thì lấy nhiều nhiều các bài hiện đại, có kém cũng không sao. Sợ văn viết của các nhà thơ, nhà văn đời Nguyễn, đời Lê, nhà văn của quan, vậy nên ta xoay qua dân, văn học truyền khẩu dân gian, dù có bài ghi lại chưa thành văn cũng được.

Đời xưa các tác giả không những làm quan mà lại còn làm thầy chùa, làm sư nữa, thế nên đời Lý, ta không lấy. Đời ấy động đến ai mà chả là sư. Ta không quên Lý Thường Kiệt cũng nguyên là sư. Sư đi đánh giặc, sư làm ngoại giao, có cả sư khuyên người ta:

Làm trai có chí xông trời thẳm

Chớ đi con đường Như Lai đi…

Ta sợ Chinh phụ ngâm có ảnh hưởng đến các chinh phu ra chiến trường mà quên rằng Bác đi đường thường dạy cho các cán bộ đọc thuộc lòng KiềuChinh phụ ngâm. Sợ cô Hồ Xuân Hương nghĩa tục lấn nghĩa thanh. Sợ Nguyễn Công Trứ có vấn đề với nông dân xưa, tuy ông là người đã đem lại cho nông dân ngày nay đất của hai vùng Kim Sơn, Tiền Hải.

Sợ tưởng tượng sẽ làm hại hiện thực, không nhớ lời của đồng chí Trường Chinh (là nhà thơ Sóng Hồng) đã viết: “Thơ là nghệ thuật kỳ diệu bậc nhất của trí tưởng tượng”. Sách giáo khoa làm ra vào lúc có một luồng văn học đang tấn công phê phán hư cấu nữa. Vì lẽ ấy, các đoạn văn nào nói đến tưởng tượng thường ít có cơ may có mặt trong sách. Học sinh khó biết Đạm Tiên là ai, Thánh Tông di thảo là gì, Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ đóng góp gì trong văn học dân tộc. Gọn nhất là gán cho người xưa mê tín, duy tâm, không hợp với thời đại khoa học và chủ nghĩa Mác!

Văn chương thời phong kiến đã phải kiêng cữ, kiêng khem đến thế thì khỏi phải nói đến văn chương thời sau.

Đây là lời kết luận về văn chương lãng mạn (sách lớp 12): “Dòng văn học lãng mạn là tiếng nói của ý thức tư sản và tiểu tư sản. Tác phẩm của họ nói chung không có lợi cho cuộc đấu tranh mà lại có hại”. Có chương mang tít lớn Văn học lãng mạn Việt Nam căn bản là bạc nhược và suy đồi.

Một số tác giả lãng mạn thời ấy vừa được ta tái bản lại đấy. Đề nghị các đồng chí làm sách giáo khoa nên mua gấp tuyển tập Xuân Diệu, Thế Lữ, Nguyễn Bính, Huy Cận… xem thử nó có suy đồi hay không? Có cái gì dạy cho học sinh được không? Theo tôi có nhiều bài hay và tốt nữa đấy.

Điều thô lỗ thứ hai (của tôi) là tôi ngờ rằng các đồng chí làm sách không thú mấy các chức năng đặc trưng của văn học. Ta làm các sách này lúc đang lưu hành các khái niệm giáo dục, nhận thức, thẩm mỹ. Nhưng “mua vui cũng được một vài trống canh”, còn phải vui, phải giải trí nữa, chứ chỉ có ba chức năng trên, mà lại luôn luôn nghiêng về giáo dục, nhận thức, quên phắt cái thẩm mỹ đi thì ai không ngán. Huống gì đây là các em ham học cũng ham chơi như chúng ta.

pic
Ảnh minh họa

Các bài chọn cho các em phải là tuyển của tuyển, phải hết sức hay. Chả phải em nào sau này cũng có dịp đọc thêm để bổ sung, hay đọc lại để sửa chữa cho các thứ học được ngày nào còn nhỏ. Các em học văn trong trường là dịp duy nhất trong đời. Cái gì in vào vỏ đại não lúc ấy sẽ còn lại cho đến già, đến chết. Thế mà các đồng chí làm sách lại chỉ cốt chọn bài có kiến thức, bài đúng, bài tốt chứ ít quan tâm đến bài hay.

Nguyễn Trãi thiếu gì bài xúc động, có nhiều hình tượng, thì sách lại cho học luôn một hơi năm bài có tính chính trị (Thư dụ Vương Thông), sử (Bài Cáo Bình Ngô), triết học (Tùng), địa lý (Côn Sơn)… Nguyễn Trãi cũng để lại hàng trăm bài thơ viết bằng tiếng Việt, thế nhưng với quan niệm chỉ cần nội dung, nên sách lấy quá nhiều bài dịch từ chữ Hán. Lỡ như dịch dở thì sao? Chả lẽ đấy cũng là Nguyễn Trãi?

Người làm sách quên rằng không những các em, mà phần đông các thầy giáo, cô giáo sinh sau 1945 cũng không biết chữ Hán. Văn học là cốt làm cho các em xúc cảm, chứ phải đâu nhồi chữ nghĩa kiến thức mà cho các em học những đoạn như:

Ấy rằng quang nhạc khí hôn

Năm giềng ba mối rối dồn như tơ

hoặc:

Một vùng chính khí lưu hình

Khoảng trong trời đất nhật tinh sơn hà

Văn thơ cha ông không những giàu có, sâu xa mà còn rất trẻ nữa. Nhưng dạy kiểu ấy, cha ông già ít hóa già thêm. Cha ông có “thịt” nhưng sách chỉ cho các cháu nếm phần “xương xẩu”. Nếu sách dạy thế này thì một ngày kia các cháu sẽ ngán cha ông, không tự hào gì về dân tộc mà sinh sùng ngoại bởi khiếp sợ trước văn học nước ngoài đầy tình cảm, tưởng tượng và hình tượng. Của người xưa thì các đồng chí làm sách trích những câu khô khan, xương xẩu. Nhưng của đời nay, thiếu gì câu hay mà cũng bắt trẻ em học:

Ở ngoài quốc tế liên minh

Ở trong quần chúng đồng tình kéo lên

Câu ấy ở giờ sử, giờ chính trị thì đàng hoàng. Ở đây không phải chỗ. Trong văn phải có ý, dù là ý khô khan. Không có ý, người xưa cho là con trùn(*) không có xương. Nhưng người xưa cũng dạy “không được lòi xương, lộ cốt”. Sách thì lại thích dạy thứ văn chương lộ cốt!

Văn học có cái tả cụ thể, có cái khái quát, tổng kết các vấn đề. Nhưng các đồng chí soạn sách lại thiên về các bài khái quát, tổng kết. Của Thế Lữ thiếu gì bài cụ thể lại lấy bài Cây đàn muôn điệu, nó là một thứ tuyên ngôn, trừ trường hợp của Tố Hữu, lấy bài tổng kết Bài ca mùa xuân 61 lại rất phải vì đó là một bài thơ hay.

(Trích bài phỏng vấn của Trần Nhật Thu

trong sách Chế Lan Viên toàn tập, tập V – NXB Kim Đồng, 1985)

_____

(*) Con giun đất