Khoảng 15 giờ ngày 21/1/1988, tôi đang xem lại tin, bài cho buổi phát thanh chiều, cô biên tập viên báo: Chú có khách. Tôi gấp xấp tin bài, chưa kịp đứng dậy thì một người dáng cao to đã đứng trước mặt hỏi ngay:
- Xuân Nguyễn phải không? Chế Lan Viên đây.
- Dạ! Thưa anh Chế Lan Viên.
Anh ôm chầm lấy tôi xuýt xoa, mừng vui sau 22 năm, giờ mới gặp lại.
Thấy tôi loay hoay, anh bảo: không sao, cứ tự nhiên, rồi anh mở cặp, lấy Tuyển tập Chế Lan Viên đề tặng tôi. Thực tình, tôi không sao nói lại đúng khắc giây sung sướng và cảm động lúc đó.
Ngày tôi vào chiến trường, 16/3/1966, Chế Lan Viên tiễn tôi và chân tình dặn:
- Vào trong đó, biết là khổ lắm, nhưng phải cố gắng viết những gì thật nhất, chứ tài năng thì vô cùng, cái thật là cái anh em đang cần và rất quý, nhớ Nguyễn nhé.
Làm sao tôi có thể quên anh, quên một người thầy kính mộ đã giúp tôi từ khi chập chững vào nghề, nhưng vì đường xa cách trở nên suốt những năm dài không liên lạc được với anh. Hơn nữa, từ ngày thống nhất đất nước, tôi cũng túi bụi với công việc và gia đình, lại ở cái tỉnh lẻ xa xôi, chưa một lần ra Hà Nội – dù sao, tôi cũng thật quá vô tình!
Theo ý anh, tối đó, tôi rủ một số anh em văn nghệ, khoảng 40 người đến nhà tôi thăm anh và nghe anh nói chuyện về thơ. Lần đầu tiên được gặp anh, ai cũng sung sướng, cảm động, lặng im nghe anh nói như nuốt từng lời. Đoạn, anh nói về tài thơ Bích Khê với tình cảm chân thành, quý trọng, càng làm anh em thêm hiểu về Bích Khê, về tình bạn thủy chung của các bậc đàn anh thuở ấy.
Đêm, anh ngủ lại nhà tôi. Hai anh em gần như thức suốt, anh nói tiếp về Bích Khê, càng cho tôi sáng thêm nhiều điều về người thi sĩ tài hoa bạc mệnh này. Anh khẳng định:
- Bích Khê say thơ và yêu nước có căn cơ gốc gác – nòi đấy! Và anh đưa tập bản thảo viết tay dở dang của anh giới thiệu Bích Khê cho tôi đọc.
Càng đọc, tôi càng hiểu ra nhiều điều: Bích Khê rất thương người, thương bạn, yêu thơ, yêu nước trong khi phải chống đỡ với cơn bệnh ngặt nghèo. Chế Lan Viên rất thương quý, đã nhiều lần tìm thăm Bích Khê ở Viện lao Pasquier, rồi Viện lao Hoàng Hoa Trang và năm 1946 khi Bích Khê qua đời. Hồi này đã “tiêu thổ kháng chiến”, đường rạch chữ chi, dọc ngang đất đá – cố nhiên xe bốn bánh không đi được, chỉ xe đạp, mà xe đạp thì lấy đâu ra? Vậy mà Chế Lan Viên, đã từ Nha Trang ra Quảng Ngãi, rồi xuống tận Thu Xà để thắp hương cho Bích Khê.
Tấm lòng ấy, cái tình ấy, nay có như thế và còn nhiều không?
Tôi bỗng nhớ chuyện khi hay tin Bích Khê mất, vị chỉ huy Trung đoàn 108, Liên khu 5, đã cử chiến sĩ Đặng Vân Bích, nay là đại tá, nghỉ hưu tại thành phố Quy Nhơn - tỉnh Bình Định, mang bức thư dài, lời lẽ thắm thiết của Ban chỉ huy Trung đoàn, đi bộ ba ngày đường về tận Thu Xà để chia buồn cùng quyến tộc nhà thi sĩ bạc mệnh này.
Đọc tập bản thảo viết tay, có thể nói Chế Lan Viên có đôi mắt thần, anh rất rạch ròi khi đánh giá tài thơ Bích Khê: “Hoài Thanh, tuy dè dặt, ngại ngần nữa khi đánh giá Bích Khê và Hàn Mặc Tử, cũng đã mở đầu bài viết về Bích Khê: “Tôi đã gặp trong Tinh huyết những câu thơ hay vào bậc nhất trong thơ Việt Nam”:
Ô! Hay buồn vương cây ngô đồng
Vàng rơi! Vàng rơi: Thu mênh mông”
Và anh tiếp: “Thế giới thơ rất dân chủ hay nói đúng hơn có lối công bằng kỳ quặc. Người có câu thơ hay được nhắc đến như người có vạn bài, miễn rằng câu ấy đã đến được xứ thơ và câu kia quả thực hái từ xứ thơ ấy hái về, Bích Khê không chỉ có một câu, không chỉ có hai câu. Anh còn nhiều câu và nhiều bài, thơ Việt Nam trước đây không có”.
Còn nữa: “Cái đáng cho ta yêu Bích Khê, bắt ta phải tìm đến anh, phải lôi anh ra khỏi lãng quên, đó là chất nhạc của thơ anh. Không, không phải chỉ có thanh bằng, chỉ cái giọng trầm, chỉ tiếng nói thầm, chỉ cái ngọn đèn anh hạ thấp xuống cho vừa nội tâm, vừa tầm tâm sự”
Tôi qua tim nàng vay du dương
Tôi mang lên lầu lên cung thương
Tôi không bao giờ thôi yêu nàng
Tình tang tôi nghe như tình lang.
“Nói thầm, nói lơ mơ mà thành ra được “Tình tang tôi nghe như tình lang” thì tình tang kiểu ấy còn gấp trăm lần nói thật. Rồi lại lên cung thương cung yêu, vay mượn du dương, vay mượn tình yêu muôn thuở, thế thì là ý đấy rồi chứ đâu chỉ nhạc? Nhạc vả chăng chả phải là lúc nói thầm. Có khi reo vang, sảng khoái…”
Trước khi chia tay, anh nói: Mình sẽ cố gắng hoàn thành bản thảo càng sớm càng tốt để làm tuyển tập Bích Khê, chứ Hàn Mặc Tử đã có rồi. Có thể tháng sau mình sẽ trở lại bàn với tỉnh chuyện này.
Biết anh Chế Lan Viên đã hứa là chắc. Tôi nói: Rất tin và mong sớm được gặp anh.
Đúng một tháng sau, ngày 05.12.1988, nhà thơ Chế Lan Viên, nhà thơ Yến Lan và anh Thu Hoài, tổng thư ký Hội Văn học – Nghệ thuật Nghĩa Bình ra Quảng Ngãi, rồi xuống thẳng Thu Xà viếng mộ Bích Khê. Chế Lan Viên đọc bài giới thiệu trước mộ thi sĩ. Chúng tôi lặng im và có cảm giác như đang nghe hai bậc kỳ tài trò chuyện:
Sau nghìn năm nữa trên trần thế
Hồn vẫn đi về bóng nguyệt soi
(thơ Bích Khê)
Không thấy có bóng con quạ nào lởn vởn đâu đó hay “đứng im hơi”.
Và, không bao lâu sau, Sở Văn hóa – Thông tin Nghĩa Bình ấn hành tập thơ Tinh Huyết, Tinh Hoa, có lời giới thiệu của Chế Lan Viên. Lời giới thiệu, có thêm đoạn: “Tôi tin không lâu nữa, Bích Khê sẽ có mặt trong các tuyển toàn quốc. Mặc dù thế, tôi nghĩ, nếu Bích Khê còn sống, hẳn Bích Khê rất vui sướng, sách được in tại quê nhà, nơi Bích Khê đã sống, nơi Bích Khê đã yên nghỉ. Nơi Bích Khê chào ngọn cờ đỏ sao vàng trước lúc qua đời. Còn chúng ta, chúng ta hãnh diện tuyên bố rằng: Mảnh đất miền Trung, từ Nghĩa Bình, sau thơ Hàn Mặc Tử, giờ đến lượt thơ Bích Khê đang nhập vào lưới điện quốc gia. Những câu thơ bừng sáng…”.
Đúng như Chế Lan Viên đã dự báo: Thơ Bích Khê đã bừng sáng trong thiên hạ, xua đi nỗi nhọc nhằn u uẩn quá khứ về “cái án” Trốtkít, ghi chem bẻm trong Lịch sử đấu tranh và yêu nước, do tác giả Bùi Định viết, Sở Văn hóa – Thông tin Nghĩa Bình ấn hành.
Con đường phía đông thành cổ Quảng Ngãi, khi chưa có tên đường, dân đã tự đặt là đường Bích Khê, chính quyền địa phương không thừa nhận, đã thay là đường Nguyễn Du. Dân nói vui: Cụ Nguyễn Du nào lại đi giành đường, giành đất chi với đồng nghiệp hậu thế, mà mấy ổng làm vậy là bất kính, tội cho cụ, không yên đâu!
Tuy không trả lại con đường dân chọn, nhưng chính quyền đã thừa nhận một thực tế lòng dân không thuận, bằng cách thay đường khác: đường Bích Khê – đường thẳng, đẹp gấp trăm lần lúc thi sĩ Chế Lan Viên từng đi.
Bây giờ đã đâu vào đó, chắc Chế Lan Viên và Bích Khê đã gặp nhau. Chúng tôi tin như vậy. Cái thiện luôn đi về, có “bóng nguyệt soi”…
Tháng 12/2012