Sáng nay, như thường lệ, tôi đạp xe ra chợ. Một công việc quen thuộc của một ngày với người phụ nữ suốt một đời, không có gì để mà phải phân vân bàn cãi nữa! Nhưng mà không… Ớ… chuyện gì vậy? Hai dãy phố trống trơn. Cái chợ đâu rồi, biến đâu mất tiêu rồi? Mới hôm qua đây…
Mất thiệt chứ không phải chơi! Tôi chưng hửng ngó người ở phố, người ở phố ngó lại tôi hệt như ngó một kẻ từ tiểu bang nào lạc tới rồi… từ từ đóng cửa lại. Không ngạc nhiên giống tôi, không buồn giống tôi. Lác đác kín cổng cao tường đóng lại. Xênh xang áo sống… phun khói xe cộ… lách chách tôm cá… rau xanh cải trắng… không còn một bóng! Hoàn toàn trống! Tịnh không một bóng!

Làm sao mà lại mất? Mất lẹ vậy sao? Giống y tổ kiến, nhỏ mấy giọt dầu hôi vào là phút chốc tan đàn rẽ đám! Tay tôi dụi dụi mắt tôi. Gần mười năm ở đây, tôi chưa bao giờ thấy con đường này, vào thời điểm tám giờ sáng như vầy! Nó đang trơ lạnh, vắng ngắt. Không có sự chen lấn nên không bị đứt khúc, mà chạy tuồn tuột. Màu xi-măng trắng mốc của nó lấy lại cái tư thế sạch sẽ đàng hoàng như muốn viền cho bằng lại hai dãy nhà cái sụt ra cái sụt vô!
Cảnh vật lạ lùng như tranh vẽ, như ai đã gôm chỗ này rồi tô đậm chỗ kia. Cả tôi nữa, cũng khác tôi hôm qua. Có một cái gì đó đang phôi pha. Tự dưng tôi chạnh lòng. Cái cảnh “biển xanh biến thành ruộng dâu” tưởng chỉ có thể xảy ra trong sách vở thôi mà bây giờ nó đang xảy ra với tôi đây! Mà có lẽ còn nhiều lần cảm xúc hơn thế nữa, bởi vì biển xanh hóa thành ruộng dâu kia đã có một khoảng thời gian dài mới diễn ra, còn khiến cho người lữ thứ trở về ngậm ngùi như vậy. Huống gì tôi, một người khách rất trung thành của chợ mà phải chứng kiến “thương hải” với “tang điền” cách nhau vỏn vẹn có một ngày! Đột ngột biết là dường nào! Thấy sao mà giống như một cuốn phim nhiều tập, ba mươi năm trước và ba mươi năm sau trôi qua trong một cái chớp mắt của màn hình!
Tôi hỏi một bác trai, sao dẹp chợ vậy? Đâu có dẹp dọn gì cô, dời xuống kia kìa. Ông ấy vừa nói vừa đưa tay chỉ. Vậy a, tôi kêu lên và ráng hỏi thêm cho hết thắc mắc, là dời chợ để làm gì? Đào đường xuống rồi nâng đường lên chớ chi, bác cười thành tiếng…
Tôi theo cái hướng “dời xuống kia kìa” mà có thấy “kìa” gì đâu! Phải thêm nhiều lời hướng dẫn không rõ ràng nữa, đại loại như “xịch tới!”… “đó đó ”… “dưới” “nữa”… tôi mới tìm ra cái mà mình cần đi đến!
Hiện ra trước tôi là một khu đất có quyết định cất chung cư mà chưa cất. Có lẽ vì không thuộc về riêng ai nên còn là đất “chùa” chăng? Trời ơi, bữa nay cũng nở đầy áo sống xe cộ rổ rá cá thịt rau dưa! Một cái chợ chồm hổm! Tôi lặng đi trước bộ mặt mới của khu phố. Cảm giác rất rõ cuộc sống mỗi giây mỗi phát sinh thêm vô số hoàn cảnh tỉ như khắp nơi hoa đang nở, xe đang chạy tới khúc quanh và vi rút thì mỗi giây chực chờ tấn công vô máy tính! Đang lặng đi thì một cánh tay giơ lên vẫy vẫy:
- Má Hai má Hai, con nè má Hai!
A, nhỏ bán hột gà hột vịt kìa rồi. À há, ngồi chỗ đó đó hả… Chưa kịp lên yên xe, thì chị chuyên bán tôm cua ở Phú Xuân lên, bước choàng qua mấy cái bơ đang sột soạt chạy ra níu:
- Vô đây chị, nay ăn gì hôn?
Cùng lúc, dãy phía bên kia con bé học trò cũ bán hàng bông quạt quạt cái nón lá về phía tôi:
- Cô cô, con ngồi chỗ này luôn nhe cô!
Tôi phải trả lời một lượt, hơi lớn tiếng cho cả hai người ở hai vị trí khác nhau, nhưng có lẽ là với nhỏ bán rau nhiều hơn:
- Ờ… nhớ rồi, bữa khác ghé ha!
Tôi đạp xe thật chậm, dọc khu đất một lần bằng cái cách đọc hết tờ báo một lượt. Để “ghi nhận tình hình thời sự chung”. Sau rồi sẽ ghé lại từng đề mục cần thiết. Vừa lểu rểu đạp vừa hứa hẹn ừ à, biết rồi, sẽ ghé… Thế mà lại không thể ghé lâu vô một chỗ nào hết, vì ai cũng quen và ánh mắt ai cũng níu kéo… Mà đứng giữ xe kêu người ta đưa hàng rồi mình trả tiền thì đâu phải là đi chợ. Đi chợ không lựa thì sao vui? Nhưng chỗ mua cũng đã khác vì phải ngồi xuống, vào một ô đất khác. Cách lựa cũng phải thay đổi, trước trên sạp nay dưới lòng đường. Đến cái nắng dọi rừng rực của hướng đông cũng kỳ lạ, hôm qua thì còn nhờ vào hai dãy phố nhà, hôm nay che cho người là một bóng mây! Tất cả đều nhễ nhại. Người bán kẻ mua đều gấp rút, lao hao…

Mỗi con người chợ búa ấy vẫn còn đứa con nít trong lòng, có vẻ ai cũng phấn khởi chấp nhận một hoàn cảnh mới như trẻ con được mặc áo mới hoặc thấy cha mẹ dời đồ vật trong nhà thì hớn hở vui mừng vì có thêm chỗ bán hàng và trốn bắt… dù chưa chắc cái đổi mới đã tiện lợi bằng cái cũ.
Tôi lang thang cả buổi, tìm mà không biết mình tìm gì. Vắng, trong một quần thể đông đúc. Trật tự, trong một tập hợp lỏn chỏn! Quái quỷ thật! Tự dưng khi làm một cuộc điểm danh, tôi thấy vắng mặt nhiều tên tuổi, chú Phón đậu hũ tự làm, dì Xinh rau vườn không xịt thuốc trừ sâu, lá cải lúc nào cũng lốm đốm cào cào ăn. Đúng là khi ta đi tìm, bao giờ cũng thấy ra cái thiếu!
Từ nay không còn bước vô chợ hai mươi bảy bước là bông súng ngó sen, mười hai bước mé trái đối diện là dừa nạo. Bốn mươi bước dưới trụ đèn mấy thau cá diêu hồng, lươn, ếch… Gần hết số bước mỏi giò là khô mắm… Không, đã không còn là như vậy nữa, thay vào đó là những ước lượng khác, những bước chân cho lộ trình khác!
Tôi trở về nhà với cái thực đơn không mấy gì ngon, và một giọng hơi khàn…
Buổi cơm trưa hôm đó, con gái tôi phát biểu là má ơi sao đậu hũ lúc này người ta làm xác quá không còn béo biếc gì nữa. Còn cha nó thì nhẹ nhàng góp ý rằng rau cọng to lá dày ăn dai chẳng ngon lành gì đâu mà má nó mua, tốt mã rã đám! Tôi đã giải thích bằng một câu buồn rượi mà không rõ là cha con nó hiểu hết ngọn nguồn không:
- Bữa nay chợ dọn đi rồi!
Có một cơn gió, một cơn lốc, hay một cơn bão, cơn mưa nào đó… đêm qua đã thổi tới đây. Sức mạnh của nó đã dời đổi trật tự hết thảy, thổi tung lộn xộn hết thảy, quăng quật rối nùi hết thảy. Vị trí này cắm vào vị trí kia, sự vật kia lấy tên của sự vật nọ. Có phải có tác động đó hay không, hay là nói một cách triết học hơn là mọi thứ đều tự nhiên nằm trong sự tuần hoàn của hóa sinh, có đó rồi mất, rồi sinh sôi dạng khác?
Sẽ không có cơn gió thứ hai nào trả lại y hệt đám mây tia nắng, trả lại mọi vật, mọi gương mặt, mọi đường nét về đúng vị trí như nó đã từng có. Tôi biết là như vậy, bởi bản chất của cuộc sống là sự lấy đi chứ không có sự hoàn trả cho ban đầu!
Nhưng sự dời non lấp bể nào cũng chỉ xảy ra một lần và cũng chỉ lạ lẫm có một lần thôi! Qua một lần nữa, là tập cho người ta chịu đựng và bước qua được sự thử thách rồi. Ngày tới đây, tôi cũng sẽ thích nghi để không dễ dàng sa vào lầm lẫn nữa!
Chắc rồi người ta ai cũng sẽ quen hết thôi.
Miễn là phải biết chấp nhận sự đổi thay!