Bác Hồ là cao thủ về thơ tứ tuyệt, vừa cổ điển, vừa hiện đại; vừa văn ngôn, vừa bạch thoại. Trong tập Nhật ký cũng như sau này, Bác vẫn thường làm thơ tứ tuyệt. Tuy nhiên, cũng có một số lần Bác viết theo thể thơ bát cú. Và ở thể thơ này, Bác cũng là một thi sĩ tuyệt luân, cả trong thơ Hán lẫn thơ Việt.

Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh TL.
Trong Nhật ký trong tù có hai bài bát cú ở cuối tập, rất hay, như là hai bài tổng kết, vừa khép lại không gian chật hẹp của tù ngục, vừa mở ra viễn cảnh bao la của tự do. Cũng như tất cả các bài thơ của Bác, hai bài này thể hiện nhân cách cao cả và tâm hồn trong sáng tuyệt vời của Bác. Bản dịch của thi sĩ Nam Trân rất đạt, vừa tín vừa nhã, song chúng ta cần đọc cả nguyên tác mới thấy hết cái hay và tầm cao của hai bài thơ:
Thu dạ
Môn tiền vệ sĩ chấp thương lập
Thiên thượng tàn vân đới nguyệt phi
Mộc sắt tung hoành như thản khắc
Mân trùng tụ tán tự phi ky (cơ)
Tâm hoài cố quốc thiên đường lộ
Mộng nhiễu tân sầu vạn lũ ti
Vô tội nhi tù dĩ nhất tải
Lão phu hòa lệ tả tù thi…
Đêm thu
Trước cửa lính canh bồng súng đứng
Trên trời trăng lướt giữa làn mây
Rệp bò ngang dọc như thiết giáp
Muỗi lượn hung hăng tựa máy bay
Nghìn dặm bâng khuâng hồn nước cũ
Muôn tơ vương vấn mộng sầu nay
Ở tù năm trọn thân vô tội
Hòa lệ thành thơ tả nỗi này…

Bài Thu dạ của Bác Hồ qua nét bút Tào Tín Phu.
***
Tình thiên
Sự vật tuần hoàn nguyên hữu định
Vũ thiên chi hậu tất tình thiên
Phiến thời vũ trụ giải lâm phục
Vạn lý sơn hà sái cẩm chiên
Nhật noãn phong thanh hoa đới tiếu
Thụ cao chi nhuận điểu tranh ngôn
Nhân hòa vạn vật đồ hưng phấn
Khổ tận cam lai lý tự nhiên…
Trời hửng
Sự vật vần xoay đà định sẵn
Hết mưa là nắng hửng lên thôi!
Đất trời một thoáng thu màn ướt
Sông núi muôn trùng trải gấm phơi
Trời ấm hoa cười chào gió nhẹ
Cây cao chim hót rộn cành tươi
Người cùng vạn vật đều phơi phới
Hết khổ là vui vốn lẽ đời…

Bài Tình thiên của Bác Hồ qua nét bút Huỳnh Vĩnh Cơ.
Hai bài thơ trên, bài trước cực tả nỗi khổ của cảnh tù ngục. Chỉ hai câu tả rệp và muỗi, đủ nói lên nỗi khổ đó: rệp như xe tăng, muỗi như máy bay. Nỗi khổ về thân xác đi đôi với nỗi buồn về tinh thần. Hai câu 5, 6 trữ tình cực hay: Tâm hoài cố quốc thiên đường lộ / Mộng nhiễu tân sầu vạn lũ ti (Nghìn dặm bâng khuâng hồn nước cũ / Muôn tơ vương vấn mộng sầu nay). Đặc biệt câu thơ cuối làm chúng ta phải ứa nước mắt.
Trong cả tập Nhật ký, chúng ta chưa thấy Bác khóc, Bác nén tiếng khóc sau nụ cười, có lúc khổ quá thì lấy tiếng hát để át tiếng khóc: Ngục trung hại bệnh chân tân khổ / Bản ưng thống khốc khước cuồng ca. Song đến bài thơ cuối tập ta thấy hóa ra cả tập thơ, bài nào cũng có nước mắt, hơn một năm trời, hơn một trăm bài thơ trong tù của Bác đều viết bằng nước mắt. Câu thơ cuối bài: Lão phu hòa lệ tả tù thi làm chúng ta thương Bác không cầm được nước mắt.
Bác là anh hùng, là vĩ nhân, là nhà cách mạng, nhà ái quốc với ý chí kiên cường như sắt thép trong mọi gian khổ, mọi bước gian nguy nhưng Bác vẫn là một con người, thể xác lẫn tinh thần cũng chịu đau khổ như ai, song vì lý tưởng, vì nhiệm vụ Bác vượt qua tất cả để kiên cường đứng vững và tiến lên trong cuộc sống, cũng như trong chiến đấu. Đó là chất thép sinh ra trong nước mắt, tôi luyện bằng nước mắt, chất thép của Bác Hồ và của dân tộc ta.
Trái với bài thơ trước, bài thơ sau cực tả niềm vui của tự do. Dù không có hai chữ tự do, song tinh thần tự do vẫn tràn ngập cả bài thơ, tràn ngập cả đất trời, sông nước như mùa xuân tái sinh từ mùa đông, ngày tạnh hửng lên từ ngày mưa. Hai câu 3, 4 tả cảnh cực hay: Phiến thời vũ trụ giải lâm phụ / Vạn lý sơn hà sái cẩm chiên (Đất trời một thoáng thu màn ướt / Sông núi muôn trùng trải gấm phơi). Tiếp đó là hoa cười, chim hót trong cảnh vật hồi xuân.
Câu thơ cuối cùng: Khổ tận cam lai lý tự nhiên. Kết thúc bài thơ, kết thúc cả tập thơ, diễn tả quy luật của tự nhiên, của cuộc sống, của cuộc đấu tranh cách mạng. Đó cũng là thế giới quan và nhân sinh quan thấm nhuần sâu sắc chủ nghĩa lạc quan của những con người có ý thức thường xuyên rằng, mình và đội ngũ của mình nhịp bước cùng quy luật của tự nhiên và lịch sử: Vũ thiên chi hậu tất tình thiên. Kể cả: thất bại là mẹ thành công, thoái trào chuẩn bị cho cao trào, hy sinh gieo mầm cho thắng lợi, 40 năm trước Bác viết trong di chúc: “Cuộc chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn”. Điều đó đã được thực hiện.
Công cuộc đổi mới, phát triển và hội nhập, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc vì độc lập tự do và chủ nghĩa xã hội, từ thế kỷ XX sang thế kỷ XXI, từ thập niên thứ nhất sang thập niên thứ hai của thế kỷ này nhất định cũng như vậy và mãi mãi sẽ như vậy.
Xuân Canh Dần 2010