Nhà nghiên cứu Thành Duy, PGS- TS ở Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, xuất bản công trình “Về chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh” (NXB. KHXH; 2008). Đây là một vấn đề lớn và mới. Và cũng là vấn đề rất trúng khi nghiên cứu về Hồ Chí Minh. Tác giả đã triển khai công trình thành 6 chương, 331 trang, ngoài phần mở đầu. Một chương hết sức đáng chú ý: Từ chủ nghĩa nhân văn mác-xít đến chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh- những tương đồng và khác biệt. Tôi không bình luận về cuốn sách. Vì không phải chỗ. Tôi chỉ muốn nói lên một vài cảm nghĩ của mình về vấn đề này và về Hồ Chí Minh nói chung.
Trong lúc chúng ta đang nghiên cứu, học tập, làm theo tấm gương đạo đức của Hồ Chí Minh, thì nhiều kẻ “phá”. Và không phải chỉ bây giờ, mà từ lâu rồi.
Mới đây, một cuốn hồi ký của một giáo sư văn học; một người nghiên cứu và giảng dạy thơ văn Hồ Chí Minh, lại đưa ra những lời dựng đứng nghe được từ ngoài đường ngoài chợ, từ những kẻ cũng manh tâm “tâng công” với những lực lượng chống Việt Nam. Điều này tất nhiên gây nên sự bất bình, phẫn nộ.
Một số cây bút khác, cũng hóng hớt những chuyện lề đường, rồi dựng lên bằng một trí tưởng tượng bệnh hoạn, để xuyên tạc Hồ Chí Minh, “làm quà” cho những thế lực chống đối ở nước ngoài.
Rồi có kẻ cũng cầm bút hẳn hoi - đây là nói ở trong nước- cũng phủ nhận con đường giành độc lập- tự cho Tổ Quốc của Hồ Chí Minh, một con đường, một cuộc đấu tranh được cả nhân loại, được cả đối phương đã thất bại, thừa nhận là chính nghĩa, là dũng cảm. Còn các dân tộc có khát vọng độc lập, tự do trên toàn cầu thì thừa nhận đấy là một tấm gương vô song.
Thế nhưng, đối với một vài vị dao động, mỏi mệt muốn quay giáo, chiêu hồi thì đấy là con đường sai lầm. Tại sao không làm như Phan Châu Trinh, Gandhi, họ hỏi, mà lại tốn nhiều hi sinh xương máu thế? Thật nực cười và thật ấu trĩ những luận điểm ngược ngạo chống Hồ Chí Minh như thế.
Hồ Chí Minh kết hợp văn hóa cội nguồn dân tộc, kết hợp văn hóa nhân loại Đông - Tây; luôn luôn nhiệt thành một tình yêu con người, nhân loại, đồng bào (mà lại không nhuốm màu tôn giáo).

Hồ Chí Minh là bậc hiền triết, nhà cách mạng, con người của nhân loại.
Trong lịch sử Việt Nam, Người là sự kế tục và nâng lên tầng thời đại mới, chủ nghĩa nhân ái của Trần Nhân Tông, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du; của Trần Hưng Đạo, Quang Trung, Phan Bội Châu.
Trong lịch sử nhân loại, đó là một người phương Đông, một người Việt Nam thuộc địa đã có cái nhìn rất sâu và rất sáng về sự cần phải kết hợp Đông- Tây, dân tộc và thời đại trong chiến lược giải phóng dân tộc, giải phóng con người của mình. Vượt qua muôn nghìn thử thách, cuối cùng Hồ Chí Minh đã thành công.
Nhưng thời cuộc chuyển biến không theo đường thẳng. Trong những khó khăn của nhân loại hiện thời, Hồ Chí Minh với phương châm “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”, với đức tính “không chịu lùi một phân”, với niềm tin “hãy cố ráng sức qua khỏi mùa đông lạnh lẽo, ta sẽ gặp mùa Xuân; luôn luôn là ngọn hải đăng cho những ai muốn đấu tranh cho lẽ phải. Và “Không có gì quí hơn độc lập, tự do”, không có gì quí hơn hạnh phúc, tự do, dân chủ của mỗi một con người bình thường.
Câu nói nổi tiếng của K. Marx trong Tuyên ngôn Cộng sản: “Sự phát triển, tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người”, cái câu đó được F. Engles cho là câu hay nhất có thể thâu tóm tinh thần chủ nghĩa Marx, được Hồ Chí Minh thực hành và dẫn giải ở một đất nước mà Marx chưa hề biết. Hồ Chí Minh chính là bậc hiền triết, nhà cách mạng, con người của nhân loại, “là điển hình cao nhất của loài người ở vào thế hệ mình” (Xem Minh Triết Hồ Chí Minh, Nxb Thanh Niên, 2007, tr.238).
Dù có xuyên tạc, nói xấu, Hồ Chí Minh vẫn là vầng mặt trời rực rỡ xua tan tất cả bóng đêm vây quanh Người.