Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam - nền tảng tinh thần, động lực phát triển của chúng ta

LTS: GS Song Thành (Trần Thành), nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hồ Chí Minh, gởi đến Hồn Việt một bài nghiên cứu và kiến nghị. Hồn Việt cảm ơn tác giả và mong muốn bạn đọc đọc và trao đổi ý kiến chung quanh các vấn đề mà GS Song Thành nêu lên, cũng là cách hưởng ứng đối với Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XII sắp tới.


Một trong những di huấn Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho chúng ta là phải chăm lo “phát triển tinh thần yêu nước của dân ta”, làm cho lòng yêu nước của mỗi người không “cất giấu kín đáo trong rương, trong hòm”, mà phải được đem ra “thực hành vào công việc yêu nước, công việc kháng chiến”, vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và các Hội nghị Trung ương tiếp theo đều nhấn mạnh: Động lực chủ yếu để phát triển đất nước là sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, do đó phải khơi dậy mạnh mẽ tất cả các nguồn lực nội sinh và ngoại sinh, vật chất và tinh thần, trước hết là chủ nghĩa yêu nước, ý chí độc lập, tự cường, tinh thần tự hào dân tộc… của toàn dân, nhằm đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhanh chóng đưa đất nước ta trở thành một nước công nghiệp hiện đại trong thập kỷ tới.

Tìm hiểu sự phát triển của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam từ truyền thống đến thời đại Hồ Chí Minh, góp phần vào giáo dục, bồi dưỡng, phát triển tinh thần yêu nước của dân ta, tạo ra xung lực mới, đưa đất nước vượt qua khó khăn, ở thời điểm hiện nay, đang trở thành một chủ đề có tính thời sự.

Bài viết này bước đầu đề cập đến 3 nội dung cơ bản dưới đây.

I. Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam: từ truyền thống đến thời đại Hồ Chí Minh

1. Khái niệm về yêu nước và đặc trưng của chủ nghĩa yêu nước truyền thống Việt Nam

Yêu nước là một tình cảm tự nhiên của con người đối với quê hương xứ sở, với ngôn ngữ, văn hóa, lịch sử và các truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Cùng với sự hình thành dân tộc và nhà nước dân tộc thì yêu nước từ một tình cảm, một yếu tố tâm lý xã hội đã tiến dần lên thành một ý thức xã hội. Ý thức đó khi đã phát triển thành một hệ thống thì tình cảm yêu nước có khả năng trở thành chủ nghĩa yêu nước - có giá trị như một hệ tư tưởng. (Nói có khả năng, vì không phải ở quốc gia, dân tộc nào, tình cảm yêu nước cũng phát triển thành chủ nghĩa yêu nước).

Vậy chủ nghĩa yêu nước là gì? Hiểu một cách đơn giản: chủ nghĩa yêu nước là một hệ thống quan điểm chỉ đạo tình cảm, thái độ, hành động, cách ứng xử… của mỗi người dân đối với Tổ quốc (trong xây dựng và bảo vệ đất nước).

Đối với người Việt Nam: chủ nghĩa yêu nước là một giá trị tinh thần cao quý, kết tinh những tư tưởng, tình cảm thiêng liêng nhất, là hệ chuẩn mực cao nhất trong bảng giá trị tinh thần truyền thống dân tộc, đã trở thành một nguyên tắc chính trị - đạo đức - thẩm mỹ của con người Việt Nam.

Có thể nói chủ nghĩa yêu nước là dòng chủ lưu chảy xuyên suốt lịch sử tư tưởng nước ta, từ khi lập quốc cho tới nay. Ở Việt Nam, yêu nước vừa là tình cảm, vừa là tư tưởng mà cũng đồng thời là triết lý, “là kim chỉ nam cho hành động, là một tiêu chuẩn để nhận định đúng-sai, tốt-xấu, nên-chăng”(1) của người Việt Nam, như ý GS Trần Văn Giàu đã phát biểu.

Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, chủ nghĩa yêu nước truyền thống Việt Nam đã hình thành nên một hệ thống chuẩn mực, được biểu hiện qua mấy đặc trưng chủ yếu sau đây:

a. Tinh thần đấu tranh anh dũng, bất khuất vì độc lập, tự do của Tổ quốc, nhằm bảo vệ chủ quyền quốc gia và sự toàn vẹn lãnh thổ. (Điều này được thể hiện qua những áng văn thơ, như bài Nam quốc sơn hà của Lý Thường Kiệt; như lời khẳng định của Lê Thánh Tông: một thước núi, một tấc sông… của tổ tiên, kẻ nào đem cho giặc sẽ phải tội chu di!…).

b. Niềm tự hào về lịch sử, văn hóa, ngôn ngữ, phong tục tập quán và những truyền thống tốt đẹp khác của dân tộc (được thể hiện qua những tác phẩm như Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi, Hịch ra trận của vua Quang Trung: “Đánh cho để dài tóc, đánh cho để đen răng, đánh cho chúng chích luân bất phản, đánh cho chúng phiến giáp bất hoàn, đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ”).

c. Yêu nước gắn liền với yêu dân, với tinh thần đoàn kết, nhân ái, khoan dung trong cộng đồng và hòa hiếu với các dân tộc lân bang…

Tóm lại, chủ nghĩa yêu nước Việt Nam không đơn thuần chỉ là một tình cảm mà là một hệ thống tư tưởng phong phú, nhiều điểm còn chờ sự phát hiện, bổ sung của các nhà triết học và sử học.

Chủ nghĩa yêu nước truyền thống Việt Nam đã phát huy sức mạnh vô địch của nó trong các cuộc đấu tranh chống ngoại xâm. Từ thế kỷ thứ 10 đến thế kỷ 20, trong điều kiện quá chênh lệch về tương quan lực lượng, dân tộc Việt Nam, với sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước, đã làm nên 10 đại chiến công chống ngoại xâm, liên tiếp trong 10 thế kỷ. Đó là: Ngô Quyền đánh thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, Lê Hoàn phá Tống lần thứ nhất, Lý Thường Kiệt phá Tống lần thứ hai, Trần Quốc Tuấn ba lần đại thắng quân Nguyên, Lê Lợi đánh đuổi quân Minh, Quang Trung đại phá quân Thanh và Hồ Chí Minh cùng với quân dân cả nước lần lượt đánh bại hai đế quốc to. Đó là những chiến công hùng vĩ, được tạo nên bởi sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước, mãi mãi rạng ngời trên trang sử nước nhà.

2. Đặc trưng cơ bản của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh

Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam hiện đại là sự kế thừa toàn bộ những tinh hoa của chủ nghĩa yêu nước truyền thống, đồng thời là một bước phát triển mới so với chủ nghĩa yêu nước truyền thống.

Chủ nghĩa yêu nước truyền thống chịu sự chi phối nhất định của hệ tư tưởng phong kiến và phần nào của hệ tư tưởng tư sản, nên bên cạnh những giá trị tốt đẹp, vẫn không tránh khỏi những hạn chế nhất định, như đầu óc dân tộc hẹp hòi, vị kỷ, chủng tộc chủ nghĩa… (Đến như văn thơ thời Đông Kinh nghĩa thục vẫn còn lưu truyền những định kiến lệch lạc, như: Giống vàng, giống trắng tinh anh, Giống đen, giống đỏ, giống xanh ngu hèn!).

Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam hiện đại được bổ sung và phát triển trong thế kỷ 20, nhờ kết hợp được tinh hoa dân tộc và giá trị thời đại, nên đã đạt tới một chất lượng mới. Chính Chủ tịch Hồ Chí Minh là người có công đầu trong việc vận dụng thế giới quan và phương pháp luận của chủ nghĩa Mác-Lênin, vừa khơi dậy được những truyền thống tốt đẹp ngàn năm của dân tộc, vừa bổ sung thêm những nhân tố mới, nâng chủ nghĩa yêu nước truyền thống lên ngang tầm phát triển của thời đại. Vì vậy, cũng có thể gọi chủ nghĩa yêu nước Việt Nam hiện đại là chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh, như luật gia Vũ Đình Hòe đã từng đề xuất(2).

Trong bước đầu nghiên cứu, có thể sơ bộ nêu lên mấy nội dung cơ bản của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam ở thời đại Hồ Chí Minh như sau:

a. Chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh đã thực hiện được sự kết hợp thống nhất giữa lập trường dân tộc với lập trường giai cấp công nhân.

Chủ nghĩa yêu nước ở thời nào cũng chịu sự chi phối bởi hệ tư tưởng của giai cấp cầm quyền. Chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh được xây dựng trên lập trường của giai cấp công nhân, do đó, lần đầu tiên nó đạt tới sự hài hòa giữa lợi ích của dân tộc với lợi ích của nhân dân lao động. Nó khắc phục được tính hẹp hòi của chủ nghĩa dân tộc vị kỷ cùng những hạn chế khác của chủ nghĩa yêu nước phong kiến và tư sản (như chủ nghĩa đại dân tộc, chủ nghĩa sô vanh…).

b. Chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh gắn liền lý tưởng độc lập dân tộc với khát vọng dân chủ, tự do, hạnh phúc của nhân dân.

Người thường nói: Nước lấy dân làm gốc, dân là chủ, “Nếu nước độc lập mà dân không được hưởng hạnh phúc, tự do, thì độc lập cũng chẳng có ý nghĩa gì”(3). Vì vậy, yêu nước là phải phấn đấu làm sao cho nước độc lập, thống nhất, dân chủ, giàu mạnh, ai cũng có cơm ăn, áo mặc ai cũng được học hành… Người nói một cách thống thiết: “Một ngày mà Tổ quốc chưa thống nhất, đồng bào còn chịu khổ là một ngày tôi ăn không ngon, ngủ không yên”(4).

c. Chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh là sự kết hợp hài hòa giữa chủ nghĩa yêu nước nồng nàn với tinh thần quốc tế chân chính.

Đây là một đặc trưng mới của chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh, được Người kiên trì giáo dục, thực hiện nhất quán và đấu tranh không khoan nhượng với mọi biểu hiện của chủ nghĩa dân tộc sô vanh, chủ nghĩa quốc gia vị kỷ, chủ nghĩa bành trướng đại dân tộc… Ngay từ khi mới bước chân ra nước ngoài, hòa mình vào phong trào công nhân và phong trào đấu tranh giải phóng các dân tộc thuộc địa, Người đã nêu cao tinh thần quốc tế chân chính:

“Rằng đây bốn biển một nhà,

Vàng, đen, trắng, đỏ đều là anh em”

(Nhật ký chìm tàu)

Dù thế giới ngày nay đã có nhiều thay đổi, chủ nghĩa xã hội không còn tồn tại như một hệ thống thế giới, song đặc trưng này vẫn không thay đổi, bởi nếu đã từ bỏ chủ nghĩa quốc tế cao cả và trong sáng, thì chẳng những không còn là người cách mạng chân chính mà cũng không xứng đáng được coi là một dân tộc văn minh trong thế giới hội nhập, cùng phát triển hiện nay.

Chúng ta đang sống trong một thế giới phức tạp, đầy biến động với sự trỗi dậy mạnh mẽ của các xu hướng dân tộc vị kỷ, cực đoan, dẫn đến các cuộc chiến tranh dân tộc, sắc tộc đẫm máu, có nguy cơ lôi cuốn loài người vào một cơn lốc bạo lực mới, chưa biết khi nào có thể chấm dứt được. Vì vậy, giáo dục, bồi dưỡng chủ nghĩa yêu nước cho thanh niên và nhân dân ta hiện nay, cần phải quán triệt cả ba nội dung nói trên, không được coi nhẹ một mặt nào.

(Còn tiếp kỳ sau)

 

_____

(1) Trần Văn Giàu: Hệ tư tưởng yêu nước Việt Nam, Tạp chí Cộng Sản, số 16 (8-1998), tr.10.

(2) Vũ Đình Hòe: Chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh, Tia Sáng 4-5-2007.

(3) Hồ Chí Minh Toàn tập, t.4, tr.56.

(4) Hồ Chí Minh Toàn tập, t.4, tr.419.

GS SONG THÀNH