Cha của chúng tôi là KHA VẠNG CÂN

TRẦM HƯƠNG

Khi giặc Pháp quay trở lại, có một tầng lớp nhân sĩ, trí thức đã từ bỏ vinh hoa phú quý để đi cùng nhân dân suốt hai cuộc kháng chiến trường chinh gian khổ. Một trong những trí thức tiêu biểu của Gài Gòn - Chợ Lớn là kỹ sư Kha Vạng Cân[*] - nguyên Chủ tịch UBND Sài Gòn - Chợ Lớn, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nhẹ Việt Nam. Nhân 100 năm ngày sinh của ông (16/10/1908-16/10/2008), những người con của ông sum họp, trước di ảnh người cha khả kính đã thốt lên niềm tự hào: “Cha của chúng tôi là Kha Vạng Cân”.

Ông sinh năm 1908, tại Chợ Lớn trong một gia đình tiểu tư sản thành thị. Cha ông - Kha Ư Phúc rất kỳ vọng vào đứa con trai thứ hai sớm bộc lộ thiên tư thông minh và ý chí. Năm 1926, vào năm thứ hai trong khóa 3 năm của tú tài bản xứ tại trường Chasseloup Laubat, sau khi tham gia bãi khóa nhân lễ tang cụ Phan Chu Trinh, ông bị đuổi học. Cũng năm này, ông trốn gia đình sang Pháp học tiếp và lấy được bằng kỹ sư cơ khí tại trường công nghiệp quốc gia Aix. Sau khi ra trường, ông vào làm công cho hãng ôtô Renault, được cử làm đại diện cho hãng để giao xe ô-tô-rây tại Sài Gòn và Hà Nội. Sau thời gian lắp ráp, đào tạo công nhân sử dụng thành thạo để bàn giao cho Sở Hỏa xa Đông Dương, ông được hãng gọi trở về Pháp để giao xe cho các thuộc địa khác ở Châu Phi. Ông từ chối và thôi làm việc ở hãng Renault để được trở về Việt Nam. Sở Hỏa xa Đông Dương muốn ông làm việc cho Sở và hứa cho ông “vô dân Tây”, “ăn lương Tây” nhưng ông từ chối.


Kỹ sư Kha Vạng Cân - Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nhẹ.

Ông Cân có một người bạn thân là Trần Văn Văn - vốn xuất thân trong một gia đình rất giàu có, mời ông cộng tác, lập một xưởng đúc ở Chợ Quán. Ông Cân làm giám đốc phụ trách kỹ thuật. Ông Văn làm giám đốc kinh doanh. Cha mất sớm, ông trở thành người gánh vác gia đình, nuôi mẹ và các em đi học.

Năm 1942, khi Nhật vào Đông Dương, Thanh tra chính trị của Pháp ở Nam Kỳ là Renou đích thân đến thăm ông ở xưởng. Sau những lời chào hỏi, tán tụng; Renou chỉ định ông tham gia vào một loạt tổ chức quần chúng bên cạnh bộ máy cai trị của thực dân như: “Hội đồng thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn”; “Hội đồng liên bang Đông Dương”… Đó là những chức vụ quan trọng, phải qua những cuộc bầu cử cam go, nhưng do Nhật vào thống trị Đông Dương, giữ nguyên bộ máy cai trị của Pháp để phục vụ chúng. Vì vậy, bọn Pháp chỉ định người lắp vào bộ máy cai trị.

Trước cảnh nhân dân lâm vào cảnh “Một cổ hai tròng”, ông Cân không muốn làm cho bộ máy cai trị, lấy cớ bận việc ở xưởng đúc. Tuy nhiên, có những cuộc họp toàn thể ông không thể thoái thác. Và dù không muốn, ông vẫn phải chứng kiến toàn bộ sự mục rữa của bộ máy cai trị đang ở hồi kết. Ông đã viết những dòng chân thành:

Từ Pháp trở về quê hương, mấy năm trước Cách Mạng Tháng Tám tôi đã sống, làm việc và sinh hoạt trong một xã hội tư bản thực dân thuộc địa kiểu Pháp: Ba năm đầu với vị trí người công nhân quý tộc rồi 6 năm kế với vị trí người “chủ nhân” mà trong nội bộ công việc, đến ngoài xã hội sinh hoạt, hay đụng chạm đến cuộc đời nó bắt phải suy nghĩ luôn đến thân thế con người Việt Nam nói chung và người trí thức Việt Nam nói riêng. Do đó mà những người ở thế hệ tôi thường mang một nội tâm không thích thú và ngấm ngầm trông đợi một lối thoát. Và đoán có một cái gì mới sẽ đến, phải đến. Với một hoàn cảnh của đất nước như vậy, tôi không thể ngồi yên”.

Và ngày ấy đã đến. Ngày 9/3/1945, Nhật đảo chánh Pháp. Kỹ sư Kha Vạng Cân đã có những năm tháng thật đáng sống khi được dự phần vào công việc làm nên vận mệnh lớn của dân tộc. Hồi ức của ông đã góp phần giải mã cho một thời kỳ lịch sử đầy biến động:

Thời gian thúc bách, Nhật thua đã đến nơi, phải gấp rút tổ chức Thanh Niên Tiền Phong từ Sài Gòn đến tận tỉnh, huyện, xã làm lực lượng hậu thuẫn để nắm lấy chính quyền còn ở trong tay các công chức cũ của thực dân Pháp, nhằm ngăn chặn không cho chúng (sau khi Nhật đầu hàng) theo gót “Đồng minh” mà trở lại xâm chiếm Việt Nam một lần nữa. Lúc đó, có một số đồng chí trong Mặt Trận Việt Minh như Trần Văn Giàu, Nguyễn Văn Tây (tức Thanh Sơn) đứng ngoài sau chỉ đạo và góp ý về phương hướng. Trong vòng hai tuần, chúng tôi gồm bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, kỹ sư Kha Vạng Cân, Nguyễn Văn Thủ, Thái Văn Lung và Huỳnh Văn Tiểng đã phân công chạy cùng khắp các tỉnh Nam Bộ, tổ chức xong hệ thống TNTP có các “thủ lãnh” ở mỗi cấp – và tập hợp thanh niên biểu dương lực lượng, luyện tập quân sự, mít-tinh tuyên thệ, biểu tình, tổ chức biểu diễn ở tỉnh (Long Xuyên, Cần Thơ) rồi ở Sài Gòn…”.

Thời cuộc diễn biến dồn dập. Đêm 24 rạng 25/8, Việt Minh đã nhanh chóng giành được chính quyền. Kỹ sư Kha Vạng Cân được cử làm Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn, cùng làm việc Nguyễn Phú Hữu, Nguyễn Văn Thủ. Việc làm đầu tiên khi ông đảm nhận chức vụ này là triệt hạ các bức tượng do thực dân Pháp đã dựng lên như Gambetta ở vườn Tao Đàn, Rigault de genouily bên bờ sông, Francis Garnier trước nhà hát thành phố, Bá Đa Lộc và Hoàng tử Cảnh trước Sở Bưu điện… Đó là một công việc ngoạn mục, bừng khí thế trong lòng đồng bào, có ý nghĩa tượng trưng: Chấm dứt một giai đoạn lịch sử bi thương của dân tộc. Nhưng rồi quân Pháp quay trở lại…

Lòng yêu nước đã trở thành kim chỉ nam cho mọi hành động của ông. Cuối năm 1945 đầu năm 1946, ông được lệnh Chính phủ lâm thời gọi ra Bắc nhưng chờ cùng đi với luật sư Phạm Văn Bạch. Sau khi dự Hội nghị trí thức ở Giồng Riềng, Kiên Giang, mọi người chia tay nhau về thu xếp việc nhà để bước vào cuộc kháng chiến gian khổ, lâu dài. Ông tranh thủ về Long Xuyên thăm vợ và con vừa mới sinh. Khi ông trở lại điểm hẹn thì ông Bạch cùng số đại biểu ở Nam Bộ đã đi ra Bắc bằng đường biển. Đó là những năm tháng đầy khó khăn trong cuộc đời ông do mất liên lạc, phải tự quyết định, xoay trở trước tình hình vô vàn rối ren, phức tạp của thời cuộc.

Những năm tháng ấy, nếu không có một trái tim yêu nước nồng nàn, lòng kiên định người ta rất dễ buông xuôi. Từ Hội nghị Giồng Riềng đến khi bắt được liên lạc trở lại, ông phải trải qua những cuộc đi lại khá gay go, phải cải trang, đóng cả vai buôn gạo, buôn cá để tránh sự lùng sục của quân Pháp. Vào chiến khu, ông được cử làm Ủy viên Ủy ban Kháng chiến Hành chánh Nam Bộ, kiêm giám đốc Sở kinh tế cho đến khi tập kết ra Bắc, sau hiệp định Genève.

Ra miền Bắc, ông được chính phủ giao nhiệm vụ làm Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nhẹ. Chị Kha Quỳnh Dung không giấu được niềm tự hào trong đôi mắt khi nhắc đến cha:

Tôi còn nhớ, khi kháng chiến bùng nổ, cha vào chiến khu, mẹ một nách nuôi 6 đứa con trong hoàn cảnh bị kẻ thù theo dõi. Vì hoàn cảnh quá khó khăn, mẹ đành gởi bớt những đứa con cho bên nội. Tôi và em trai sống với bà cô. Mỗi năm, mẹ gom anh chị em chúng tôi cải trang vào chiến khu thăm ba. Gặp ba rồi. Mỗi đứa nằm trên cánh tay ba nghe kể chuyện ngày xưa. Lúc phải xa, ba rất bịn rịn. Hồi đó còn nhỏ, được vào chiến khu tôi rất thích vì được ba dạy hát, được múa, được gần ba. Về thành phố, ngồi trên võng, tôi hát lại những bài hát ấy. Mẹ hốt hoảng bịt miệng tôi lại… Là con gái một điền chủ giàu có ở Long Xuyên, khi lấy chồng, cùng chồng tham gia kháng chiến, cùng chia sẻ gian khổ hiểm nguy, có lúc vô cùng cơ cực nhưng mẹ vẫn vui. Mẹ nói: “Mẹ đã chọn ba không lầm”.


Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nhẹ Kha Vạng Cân (thứ ba từ trái) cùng Phó Tổng tư lệnh Quân giải phóng Nguyễn Thị Định tham quan nhà máy dệt 8/3, tháng 3/1974.

Trong ký ức chị Kha Quỳnh Liên hiện lên một người cha Bộ trưởng rất gần gũi, đôn hậu. Chị nói: “Tôi nhớ mãi khi sống trong ngôi nhà ở đường Hai Bà Trưng. Sau giờ làm việc, ba cùng tôi cặm cụi làm vườn. Chỉ một thời gian ngắn, mảnh đất bỏ hoang sau nhà đã phủ lên màu xanh um su su, cải rổ. Thói quen mê trồng cây của tôi bắt đầu từ đó. Ba dạy cho tôi tính tự lập từ rất bé, để tôi không ỷ lại. Tôi được tập đi xe đạp để sau này tự đạp xe hàng trăm cây số đi sơ tán. Mùa hè, tôi đi lao động ở nhà máy văn phòng phẩm Hồng Hà như một công nhân thực thụ. Điều gây ấn tượng về ba rất rõ trong tôi là lòng mến khách của ông. Ở miền Bắc, tình đồng hương trong ba rất sâu đậm. Mỗi dịp Tết, ngôi nhà tôi là nơi họp mặt các cô chú miền Nam. Má tôi nấu những món ăn đặc trưng miền Nam đãi khách… Tết nào, ba cũng sẵn lòng lên đài Phát thanh hò Đồng Tháp… gửi lòng mình về miền Nam ruột thịt”.


Khi kỹ sư Kha Vạng Cân vào chiến khu tham gia Ủy ban Kháng chiến hành chánh Nam bộ. Bà Phạm Thị Hiểu vợ ông một mình nuôi 6 đứa con (Kha Quỳnh Anh, Kha Quỳnh Mai, Kha Quỳnh Dung, Kha Tư Nghĩa, Kha Quỳnh Liên, Kha Tư Xô) trong hoàn cảnh bị kẻ thù theo dõi, kiểm soát rất gắt gao.

Chị Kha Quỳnh Dung nói thêm: “Ba rất chu đáo và quan tâm đến người khác. Tôi còn nhớ có lần đi công tác ở Ba Lan, ông đã cố gắng mang về những dĩa nhạc cổ điển tặng bà Thái Thị Liên (em bà con của ông). Dù không luôn được ở bên ba nhưng tôi học được nhiều điều ở ông trong cách xử thế, làm việc. Ba ít khi nói về mình, nhất là những việc ông đã giúp đỡ cho người khác. Tôi biết được những điều liên quan đến ba phần lớn qua những đồng chí, đồng nghiệp của ông kể lại. Ngày nay, Thành phố Hồ Chí Minh có con đường mang tên ba. Đó là niềm tự hào, là cái đức của ba để lại cho chúng tôi”.

(Ảnh tư liệu trong bài do chị Kha Quỳnh Dung cung cấp.)


*

Kha Vạng Cân – Nguyên Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nhẹ (1908-1982). Nay ở Quận Thủ Đức – TP.HCM có con đường mang tên Kha Vạn Cân.