Cha tôi công tác ở Việt Bắc từ mùa thu năm 1947 đến ngày 19/8/1951. Sau đó, người bắt đầu thực hiện chuyến công tác về đồng bằng để làm công tác tuyên truyền về thuế nông nghiệp từ 5 giờ chiều ngày 15/8/1951. Trải qua hơn một tháng ở dọc đường. Cha tôi về tới địa điểm Hội nghị Văn nghệ Liên Khu 3, vào ngày 18/9/1951. Ở đây người dự hội nghị và đọc truyện ngắn Giữ làng của nhà văn Phạm Lê Văn, cùng 7 truyện ngắn khác nữa và mỗi truyện đều có ghi nhận xét tỉ mỉ. Chuyến công tác đến ngày 30/11/1951 phải dừng lại bởi quân thù đã sát hại cha tôi.
Cha tôi – người anh hùng lặng lẽ
Cha tôi công tác ở Việt Bắc từ mùa thu năm 1947 đến ngày 19/8/1951. Sau đó, người bắt đầu thực hiện chuyến công tác về đồng bằng để làm công tác tuyên truyền về thuế nông nghiệp từ 5 giờ chiều ngày 15/8/1951. Trải qua hơn một tháng ở dọc đường. Cha tôi về tới địa điểm Hội nghị Văn nghệ Liên Khu 3, vào ngày 18/9/1951. Ở đây người dự hội nghị và đọc truyện ngắn Giữ làng của nhà văn Phạm Lê Văn, cùng 7 truyện ngắn khác nữa và mỗi truyện đều có ghi nhận xét tỉ mỉ. Chuyến công tác đến ngày 30/11/1951 phải dừng lại bởi quân thù đã sát hại cha tôi.
Xung quanh chuyến đi ấy của cha tôi, đã có nhiều nhà văn, nhà thơ, đồng đội của người kể lại: Nhà thơ Tố Hữu kể. Cuối năm 1951, có một đoàn cán bộ vào địch hậu Liên Khu 3, anh Nam Cao đòi đi cùng. Anh bảo: “Không vào đấy thì biết gì mà viết”. Đành phải để anh đi vậy, tuy vẫn biết sẽ có nhiều nguy hiểm…
Còn nhà văn Nguyễn Huy Tưởng nói: “Khi nhận công tác thuế nông nghiệp khu 3, anh xốc lại ba lô quá nặng trên lưng gầy guộc, bắt tay các bạn: Tôi đi nhé!” và giản dị lên đường. Không phải anh không biết những nguy hiểm của công tác. Ở khu 3, giặc đang thiết lập vành đai trắng. Nhưng anh tự hào nhận nhiệm vụ, cũng như mọi công tác, anh vẫn nhận lấy cái phần khó khăn”. Bác Tưởng còn nói rằng, khi ở khu 3, cha tôi vẫn gửi báo cáo về cơ quan đều đặn. Người bảo: “Sau thời hạn làm việc, nếu giời cho còn sống và chưa bị bắt, tôi sẽ về dự Hội nghị tổng kết”. Bác Tưởng thêm: “Những lời lạc quan, tin tưởng vừa lo ngại, vừa đùa cợt ấy những lời cuối cùng của Nam Cao. Những khó khăn của công tác càng làm bật rõ sự dũng cảm kín đáo của anh. Nó khó mà hòa nhập với thể xác gầy yếu co ro, với bề ngoài lạnh lùng, không thích những biểu lộ huyênh hoang. Vốn là một người yêu cuộc sống, sợ những cảnh chém giết bạo tàn. Nhưng ông sẵn sàng đi vào nơi cuộc sống treo trên đầu sợi tóc”.
Khi cha tôi về đến tòa soạn báo Cứu Quốc Liên Khu 3 thì đã là mùa đông. Nhà báo Mai Thanh Hải kể, lúc đó cha tôi xuất hiện với vóc dáng gầy gò, mặc bộ quần áo nâu kiểu cũ của dân quê, bên ngoài khoác chiếc áo vét tông bạc phếch… Người bảo: “Mình được phân công vào đoàn đi Lý Nhân. Đường giây đang nối, trạm liên lạc cho về tòa soạn với anh em mấy ngày, mừng quá!”. Anh Hải còn bảo, tối hôm đó, ở trong hang Đuông các anh thắp một ngọn đèn “tọa đăng” mới mua được ở vùng tề, rồi vây quanh cha tôi, xin “bóc lột chuyện Chiến khu Việt Bắc”. Sáng hôm sau, cha tôi nói: “Mình đang rảnh rỗi, tòa soạn các ông có việc gì phân công mình làm với”.
Theo yêu cầu của ông Thọ, thư ký tòa soạn, cha tôi đã viết bài ca dao về tuyên truyền thuế nông nghiệp. Theo anh Hải nhớ thì bài ca ấy được đăng ở đầu trang hai, số báo ra ngày thứ sáu (30/11/1951). Ngày nhà văn hy sinh. Đó là văn phẩm cuối cùng của cha tôi.
Anh Hải cho biết thêm: Chiều ngày 29/11/1951 đoàn công tác của cha tôi đi trên ba chiếc thuyền nan, định vượt cánh đồng chiêm Miễu Giáp thuộc huyện Gia Viễn tỉnh Ninh Bình để ra sông Đáy, rồi từ đây đi tiếp tới địa điểm công tác. Nhưng đoàn đã gặp bọn giặc ở bốt Hoàng Đan đi càn. Chúng phục kích và bắt được số cán bộ trên chiếc thuyền có nhà văn Nam Cao và sát hại các ông vào sáng hôm sau.

Mộ và nhà tưởng niệm của nhà văn Nam Cao
Vượt qua gian truân để sống xứng đáng với cha…
Năm cha tôi hy sinh, mẹ tôi mới ngoài ba mươi tuổi. Một nách bốn con nhỏ, đứa lớn nhất 13 tuổi, đứa nhỏ nhất vừa được một tuổi. Lại sống trong vùng địch chiếm đóng, bom đạn ùng oàng cả ngày, giặc nay càn, mai quét… Mọi nỗi lo dồn lên vai mẹ, không sao cất lên nổi khi nghe tin cha tôi hy sinh. Quá sức chịu đựng, mẹ tôi đổ gục xuống. Mẹ ốm liệt giường mê man bất tỉnh. Đêm đến chợt thức giấc, tôi nghe những tiếng nấc âm thầm, thổn thức cố nén lại của mẹ, khiến lòng tôi đau quặn.

Bà Nam Cao đang bán hàng nước tại nhà riêng
Nhưng rồi, chính trong những ngày đau khổ tột cùng ấy, trong trận ốm mê sảng đó, mẹ tôi bỗng như nghe thấy giọng nói của cha tôi, ở lần cuối cùng người gặp lại vợ con tại nơi tản cư vào năm 1949. Hôm đó, trước lúc trở lại Việt Bắc, cha tôi ngồi yên lặng ngắm nhìn vợ con, thấy vợ con đều gầy guộc, ăn mặc rách rưới mà hai đứa lớn là tôi và Mai Thiên đã đến tuổi đi học, nhưng đều thất học. Cha tôi ôm chặt hai chị em tôi vào lòng và rầu rầu bảo: “Mai kia, nước nhà độc lập rồi, các con sẽ được ăn ngon, mặc đẹp. Cha, mẹ nhất định phải cho các con học hành đến nơi, đến chốn, quyết không thể để các con khổ sở thế này mãi được”.
Câu nói ấy của cha tôi cứ vang mãi, vang mãi trong lòng mẹ. Chợt mẹ gọi chị em tôi lại và bảo: “Ước vọng của cha các con là dù có phải ăn rau, ăn cháo cũng sẽ cho các con học hành đến nơi, đến chốn. Bây giờ cha các con mất thật rồi. Còn ai thay cha các con nữa. Nếu không phải là mẹ. Nếu không làm được điều cha các con mong đợi, thì thật là có tội với người đã khuất”…
Vậy là mẹ tôi gượng dậy, nén lại mọi đau buồn trong lòng. Mẹ lao vào làm lụng, buôn bán để lo cơm, áo, lo học hành cho các con. Hằng ngày, mẹ thức dậy từ sáng tinh mơ, vơ lấy cái rổ sề rõ to đội lên đầu. Mẹ đi cùng làng, khắp xóm, chạy đến cả hàng huyện… Đi từ thôn Thượng Vĩ, sang chợ Cầu Không đầu huyện Lý Nhân mấy chục cây số, để mua tất cả những gì có thể bán lại được. Từ chùm nhãn, đến mẻ trầu không. Rồi những quả na, quả bưởi, buồng cau, nải chuối cho đến bó củi, bó mía… Mẹ đội trên đầu năm sáu chục cân mang các thứ mua được xuống chợ Rồng Nam Định để bán kiếm lời. Mà trên đường đi còn gặp biết bao nguy hiểm: bom đạn rình rập , địch càn quét, cướp bóc… Rồi muốn vào chợ Rồng phải qua bót Vạn Bảo. Bọn lính tráng ra khám xét, vơ vét tiền của, đập phá hàng hóa, trăm bề cơ cực… Nhưng dù cực khổ thế nào, mẹ tôi vẫn tâm niệm một điều: Nhất định phải thay chồng nuôi dạy các con nên người, cho các con ăn học đến nơi đến chốn.
Rồi khi các con đều trưởng thành thì tóc mẹ đã bạc trắng. Mẹ lại giật mình, lẩm bẩm: “Còn một việc nữa vẫn chưa thực hiện được, là làm thế nào để tìm thấy hài cốt ông ấy đưa về quê với tổ tiên, cha mẹ”. Nhiều lúc trong những giấc ngủ chập chờn, mẹ tôi bỗng thốt lên: “Ông ơi! Ông nằm ở đâu trong tám trăm ngôi mộ vô danh ấy? hãy chỉ cho vợ, con với. Chưa đưa được ông về quê hương. Tôi làm sao yên lòng mà nhắm mắt nổi, hở ông”.
Đi tìm mộ cha
Sự chia sẻ của lớp lớp đồng nghiệp của cha, trên nhiều thông tin đại chúng đã giúp có chương trình “Tìm lại Nam Cao” do hiệp hội UNESCO và Hội Nhà Văn Việt Nam đồng khởi xướng với sự tham gia của ngót bốn mươi đơn vị.
Cuộc tìm kiếm hài cốt cha tôi kéo dài ngót hai năm từ ngày 14/11/1996 đến ngày 18/1/1998 mới hoàn tất và đưa được người về quê hương. Trong quá trình kiếm tìm cũng gặp biết bao là khó khăn vì: cha tôi hy sinh cùng đồng đội. Khi mai táng các ông nằm chung nhau trong một nấm mồ. Lúc cải táng xong lại phải di chuyển tới ba lần. Rồi khi đã về nghĩa trang liệt sĩ huyện Gia Viễn, do bão lụt nên sơ đồ mộ chí bị thất lạc. Vậy là hơn tám trăm ngôi mộ liệt sĩ thành vô danh cả.
Để xác định được chính xác cha tôi đã nằm ở đâu? “chương trình” phải thận trọng đi từng bước một: Đầu tiên là tiếp nhận thông tin qua nhiều kênh để xác định địa điểm cha tôi hy sinh ở xã Gia Xuân. Sau khi cải táng hài cốt cha tôi được đưa về nghĩa trang xã Gia Thanh, tiếp đến là từ Gia Thanh đưa về nghĩa trang huyện Gia Viễn. Như vậy, cha tôi về nằm trong khu vực số 48 ngôi mộ từ Gia Thanh đưa về. Chương trình dùng phương pháp ngoại cảm để chỉ ra đâu là hài cốt cha tôi. Việc này, được 7 nhà ngoại cảm thuộc Liên hiệp khoa học công nghệ thông tin ứng dụng.
Bước tiếp theo là sau khi các nhà ngoại cảm cho rằng hài cốt ở một trong hai ngôi mộ 305 hoặc 306, trải qua nhiều gian nan nữa, bằng sự phân tích suy đoán và cảm nhận. Cuối cùng, gia đình quyết định cất bốc ngôi mộ 306 để đưa về Viện khoa học hình sự thẩm định lại. Bước này được thực hiện bắt đầu từ 5 giờ chiều ngày 7/1/1998 đến hết ngày 17/1/1998.
Hài cốt cha tôi được đưa về Viện khoa học hình sự để thẩm định vào lúc 6 giờ ngày 8/1/1998. Mặc dù vừa trải qua một đêm thức trắng, hai đồng chí cán bộ Viện khoa học hình sự là anh Đĩnh và anh Tuấn liền bắt tay ngay vào việc. Chúng tôi hồi hộp quay về nhà Mai Thiên ngồi chờ kết quả. Hai giờ chiều hôm ấy, anh Đĩnh gọi điện bảo chúng tôi: “Người liệt sĩ này cao từ 1m73 đến 1m75, tuổi đời từ 35 – 40. Hàm răng vổ, có một chiếc bị gãy từ khi còn trẻ”. Những thông tin này đều đáng tin cậy. Nhưng để cho chắc, chúng tôi cùng nhau đến Viện khoa học hình sự để được nghe giải thích thêm. Ở Viện, anh Đĩnh cho chúng tôi xem hộp sọ của cha tôi, trong đó viên đạn bị địch bắn vào từ phía bên phải còn nằm lại ở đấy.
Cha tôi nằm ở Viện khoa học hình sự hơn chục ngày để thẩm định tiếp. Đến ngày 18/1/1998 khi biết người nằm trong ngôi mộ 306 chính là cha tôi, gia đình đã đưa hài cốt người về quê: Xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam.
Đoàn xe về đến địa điểm đón tiếp ở quê lúc 8 giờ sáng. Tại đây, các đồng chí lãnh đạo địa phương, họ hàng thân thích, bạn bè của cha tôi và gia đình cùng nhân dân trên quê hương… đã tề tựu đông đủ. Lễ truy điệu được cử hành trọng thể. Với sự có mặt của lãnh đạo hiệp hội UNESCO Việt Nam. Nhà văn Nguyễn Đình Thi – Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam. Ban chấp hành Hội Nhà Văn Việt Nam. Và đông đảo các nhà văn, nhà thơ lão thành như Kim Lân, Tố Hữu… đã đến dự.
Gia đình tôi vô cùng biết ơn chương trình “Tìm lại Nam Cao” và mọi người về những tình cảm đã dành cho gia đình.
Khi Viện khoa học hình sự đưa ra được những thông tin chứng thực bộ hài cốt tìm thấy đúng là cha tôi, thì gia đình cùng ban tổ chức và chính quyền địa phương gấp rút chuẩn bị nơi yên nghỉ của người. Từ việc chọn địa điểm, đến việc thiết kế, xây mộ. Sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, với sự tham mưu của Viện Hán – Nôm, mộ cha tôi được đặt ngay cạnh đường làng, bên dòng Châu Giang và chính trên mảnh đất khi xưa có ngôi nhà gia đình tôi. Nơi cha tôi từng nhiều năm ngồi viết văn ở đó. Với chủ ý là để cha được về chính nhà mình, hàng ngày được ngắm vườn cây, buồng chuối, dòng sông thân quen.

Trong buổi lễ đón di hài nhà văn Nam Cao tại quê hương. Từ phải sang trái: con dâu thứ, bà Nam Cao, con trai cả, con gái cả, nhà văn Kim Lân, diễn viên Bùi Cường
Sau khi hài cốt cha tôi được đưa về quê, một lần Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm đến thăm. Sẵn có lòng mến mộ văn chương, Phó Thủ tướng đã bàn bạc và duyệt kinh phí để lãnh đạo tỉnh Hà Nam xây nhà “Tưởng niệm Nam Cao”. Vậy là nhà “Tưởng niệm Nam Cao” chính thức được khai trương ngày 30/11/2004, đúng dịp kỷ niệm 53 năm ngày hy sinh của cha.
Dù gia đình và các cơ quan ở địa phương đã rất cố gắng. Nhưng trải qua thời gian và bom đạn chiến tranh,… những hiện vật còn lại của cha tôi thật ít ỏi. Mong sao với tình cảm của mọi người đã dành cho nhà văn Nam Cao, gia đình sẽ nhận được sự giúp đỡ thật nhiều, để bên trong nhà “Tưởng niệm Nam Cao” ngày càng thêm phong phú.
(Trích: Cha tôi – nhà văn Nam Cao)