Chàng Sơn: Quạt nghệ thuật truyền thống sẽ về đâu?

Ngược lên xứ Đoài về với đất “bách nghệ” Chàng Sơn, huyện Thạch Thất, bạn sẽ gặp một làng nổi tiếng với nghề làm quạt và nghề mộc. Sản phẩm ở đây đã xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới. Điều đáng buồn là nghề làm quạt nghệ thuật truyền thống đã gắn bó máu thịt từ bao đời với người dân nơi đây thì nay lại đang có nguy cơ mai một.

Theo các cụ cao niên làng Chàng, nghề làm quạt của người Chàng Sơn đã có hàng trăm năm nay. Sử sách đã ghi chép rằng, thời phong kiến, người làm quạt giỏi của làng Chàng đã được phong chức Bá Hộ (tương đương với Hào Lý - thuộc người giàu có). Vào thế kỷ 19, khi Việt Nam còn bị thực dân Pháp đô hộ, quạt Chàng Sơn đã nức tiếng trong và ngoài nước, vượt đại dương sang Paris xa xôi triển lãm. Ngày nay, khi Hà Nội đã nghìn năm tuổi, những chiếc quạt Chàng Sơn với hình ảnh hai con rồng chầu nguyệt được bạn bè thế giới biết đến như một trong những biểu tượng văn hóa mang đậm chất làng quê Việt Nam.

Về làng Chàng vào một buổi sáng đẹp trời, chúng tôi may mắn được trò chuyện với nghệ nhân Phí Quang Bộ, người đã có thâm niên hơn 30 năm tâm huyết với quạt nghệ thuật, Ông cùng với nghệ nhân Dương Văn Mơ là tác giả của chiếc quạt nghệ thuật đạt kỷ lục Guiness Việt Nam tại lễ hội phố hoa Tết ở Hà Nội và Festival làng nghề truyền thống tổ chức tại Huế tháng 6 năm 2009. Mặc dù đã ngoài lục tuần nhưng ông vẫn đăm đắm, say mê với nghề đan quạt nghệ thuật. Đôi tay vừa thoăn thoắt đan ghép từng chiếc nan quạt, ông vừa chia sẻ: “ Làm quạt cũng như sáng tác một tác phẩm nghệ thuật, người nghệ nhân cũng là người nghệ sĩ nên phải làm thế nào để sản phẩm có hồn mình trong đó. Một chiếc quạt nghệ thuật ra đời, người nghệ nhân sung sướng nhất là thể hiện được cái tâm, lòng yêu nghề và sự khéo léo”.

Cũng bởi cái khó trong việc làm quạt nghệ thuật nên ít người làm ra được những chiếc quạt mang được “hồn dân tộc”. Có thể nói hiện nay đếm trên đầu ngón tay mới thấy năm hộ có thể nhận đơn đặt hàng làm quạt nghệ thuật, chủ yếu là những nghệ nhân cao tuổi trong làng như cụ Nguyễn Văn Nho, thôn 4; cụ Nguyễn Tuy, thôn 1; cụ Dương Văn Mơ, thôn 2 và ông Phí Quang Bộ, ở thôn 5.


Cơ sở sản xuất quạt của bà Phí Thị Mai.

 Ông Phí Văn Hưng, Chủ tịch UBND xã Chàng Sơn cho biết: Toàn xã hiện có 1.500 hộ với 9.000 nhân khẩu thì có tới 30% số hộ dân tham gia sản xuất quạt đại trà (hàng chợ), mỗi ngày các cơ sở làm quạt trong làng có thể cho ra đời hàng vạn, thậm chí mấy chục vạn chiếc quạt tùy theo đơn đặt hàng từ nhiều tỉnh, thành phố. Hiện tại, ngoài sản xuất nông nghiệp thì tiểu thủ công nghiệp đóng vai trò chủ chốt trong việc phát triển kinh tế của địa phương. Theo thống kê 6 tháng cuối năm 2010 giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp của Chàng Sơn đạt 102,165 tỷ đồng, tương đương với 48,76% kế hoạch năm.

Phần lớn các hộ dân ở Chàng Sơn đều gắn bó với nghề quạt bởi nghề này tận dụng tối đa nguồn nhân lực, từ những trẻ nhỏ đến các cụ già đều có thể tham gia vào các khâu sản xuất, nhưng không phải người dân nào trong làng cũng có thể làm ra chiếc quạt nghệ thuật mang danh Chàng Sơn. Hiện trong làng lớp trẻ tuổi yêu nghề, say sưa với quạt nghệ thuật truyền thống lại không nhiều, họ đến với nghề chủ yếu là vì miếng cơm manh áo. Đây cũng chính là nỗi trăn trở của những nghệ nhân cao tuổi làng Chàng: Rồi đây, liệu quạt nghệ thuật Chàng Sơn có chìm dần vào quên lãng? Cụ Dương Văn Mơ, một nghệ nhân cao niên trong làng chia sẻ.


Ông Phí Quang Bộ đang giới thiệu tác phẩm của mình.

Tìm hiểu nguyên nhân khiến lớp trẻ trong làng không mặn mà với quạt nghệ thuật truyền thống, bác Phí Thị Mai, chủ cơ sở sản xuất quạt đại trà, chia sẻ: “Do thị trường tiêu thụ quạt nghệ thuật ít, giá thành lại cao, yêu cầu làm quạt này phải là người khéo léo, kiên trì, am hiểu về quạt mới có thể làm được; nhưng với quạt đại trà thì nhu cầu sử dụng lại rất cao, ngày công ổn định và người dân có thể tranh thủ làm trong những ngày nông nhàn, trung bình mỗi ngày công đạt 80 - 90 nghìn đồng, (thu nhập từ 2,4 đến 3 triệu đồng/ người/tháng). Bên cạnh nghề làm quạt, nghề mộc cũng là một nghề truyền thống của làng Chàng đang thu hút một lượng lớn lao động và cho thu nhập rất cao, có người đạt 200 nghìn đồng/ ngày. Có lẽ, đây cũng là điều dễ hiểu khi lớp trẻ trong làng không mấy ai mặn mà gắn bó với quạt nghệ thuật truyền thống.

Giờ đây tâm nguyện lớn nhất của các nghệ nhân như cụ Dương Văn Mơ, Nguyễn Văn Nho, Phí Quang Bộ...-lớp nghệ nhân đầu tiên khôi phục lại nghề quạt nghệ thuật truyền thống làng Chàng, có lẽ vẫn là việc truyền nghề và làm sao tạo dựng được một thương hiệu, chỗ đứng riêng cho quạt nghệ thuật Chàng Sơn.

Chia sẻ với chúng tôi về những băn khoăn của các Nghệ nhân, ông Phí Văn Hưng, chủ tịch UBND xã Chàng Sơn cho biết: “ Hiện địa phương đang xây dựng một nhà truyền thống tại trụ sở UBND xã nhằm trưng bày và giới thiệu sản phẩm quạt nghệ thuật truyền thống của làng với du khách thập phương đến thăm làng nghề. Ban lãnh đạo xã cũng rất mong muốn có sự phối hợp với cơ quan chức năng của huyện Thạch Thất trong việc mở các lớp dạy nghề truyền thống nói chung và kỹ năng nghề làm quạt nghệ thuật nói riêng cho lớp trẻ trong làng”. Hy vọng những dự định của ông Chủ tịch xã sẽ sớm trở thành hiện thực để các Nghệ nhân ở đây có thể yên lòng và xứ Đoài cũng không mất đi một làng nghề làm nghệ thuật.

Theo Hà Nội Mới

Tuyết Hoa - Tố Phương