Chớm hạ, nắng ngơ ngác nồng, tôi dong con ngựa sắt cà tàng từ Đà Lạt xuôi hướng quốc lộ 20 về huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng, tìm đến plêi (làng) Ma Đanh, xã Tu Tra - nơi nghệ nhân Ya Tuất đang định cư, để mục sở thị quy trình chế tác Srí K’may (nhẫn mái), Srí L’cay (nhẫn trống) truyền thống của đồng bào Chu Ru.
Vừa đến nơi, nghệ nhân Ya Tuất đã hồ hởi cho biết: “Mình mới đào tạo được ba người trẻ tuổi làm Srí khá thành thạo. Vậy là nghề làm Srí truyền thống của người Chu Ru có truyền nhân rồi”. Nói đoạn, anh quay sang giới thiệu về nghề đúc nhẫn bạc với một lòng tự hào dân tộc bao la.
Trong ngôn ngữ tộc người Chu Ru, từ “Srí K’may” có nghĩa là chiếc nhẫn dành cho nữ giới, còn “Srí L’cay” là chiếc nhẫn dành cho nam giới. Để đúc được một cặp Srí K’may và Srí L’cay, người nghệ nhân phải thực hiện nhiều thao tác, nhiều công đoạn tỉ mỉ, cầu kỳ. Do đó, không phải ai cũng làm được.

Nhẫn bạc của người Chu Ru
Trong số hàng chục ngàn người dân Chu Ru suốt mấy thập niên qua, duy nhất chỉ còn mỗi mình Ya Tuất là giữ được bí quyết nghề kim hoàn bằng nguyên liệu bạc của tiền nhân. Và mới đây có thêm Ya Thương - con trai anh, Ya Tỷ - em trai, và con trai của Ya Tỷ, gọi Ya Tuất bằng bác. Đó là một tín hiệu đáng mừng.
Dưới sự hướng dẫn của nghệ nhân Ya Tuất, tôi bắt đầu tìm hiểu công nghệ đúc Srí K’may, Srí L’cay truyền thống. Nguyên liệu chính để tạo khuôn đúc là loại sáp ong tốt. Thứ nữa, là đất sét và phân trâu. Đầu tiên, người nghệ nhân dùng sáp ong nấu chảy, lấy dùi gỗ nhúng vào sáp nóng, để nguội sẽ cho ra một ống sáp tròn. Tùy theo kích thước của ngón tay mà nghệ nhân cắt thành những chiếc khoen tròn lớn nhỏ.
Tiếp đến, phần hoa văn trên nhẫn được nghệ nhân vê từ sáp ong, cứ ba sợi sáp tạo nên một viền hoa văn. Cuống nhẫn cũng được làm từ sáp, dài khoảng 2cm, bên trên có gắn chiếc phễu bằng lá dứa để rót bạc. Tạo dáng cho nhẫn sáp xong, nghệ nhân đem nhúng đều vào dung dịch phân trâu trộn lẫn với đất sét rồi đưa đi phơi nắng chừng nửa ngày đến một ngày cho khô hoàn toàn.
Kế tiếp, nghệ nhân mang khuôn sáp đã phơi khô nung trên than lửa, sáp ong nóng chảy, phần dung dịch phân trâu đất sét còn lại sẽ tạo thành một khuôn âm bản. Sau đó đem bạc nấu chảy đổ vào khuôn, chiếc nhẫn hình thành.
Lập tức khuôn nhẫn được nghệ nhân gắp ra cho ngay vào tô nước lã để sẵn, chờ lớp phân trâu đất sét tan hết, nghệ nhân sẽ mang nhẫn bỏ vào nồi nước bồ kết rừng đang đun sôi nấu thêm vài phút. Xong công đoạn này, nghệ nhân còn phải mài rửa, đánh bóng cẩn thận, và đính thêm hạt kơnia màu đỏ tươi hoặc đỏ sậm vào mặt trên của nhẫn dành cho nam; còn nhẫn dành cho nữ, chỉ cần đánh bóng phần hoa văn và bề mặt là được.

Khèn bầu của người Chu Ru
Xung quanh những chiếc Srí K’may, Srí L’cay này cũng có nhiều điều thật lạ và rất khó giải thích. Ya Tuất chia sẻ đôi điều: “Nghề đúc Srí khó nhất là khâu làm khuôn. Cả cái công việc trộn phân trâu với đất sét cũng khó. Phân trâu phải lấy của con trâu đực ba tuổi vào lúc mặt trời mới ló ở đằng đông. Còn đất sét cũng phải lấy ở một nơi bí mật trong rừng, chỉ nghệ nhân làm nhẫn biết. Như vậy mới cho ra một hỗn hợp không cháy trong độ nóng làm chảy bạc. Củi đốt là một loại cây rừng, có tên kasiu, nếu đốt bằng các loại củi khác, nhẫn sẽ bị nứt, gãy. Trước khi đúc nhẫn, đêm đó người nghệ nhân phải cách ly hoàn toàn với vợ; 4 giờ sáng bắt đầu nấu bạc, đúc nhẫn đến 8 giờ sáng công đoạn cuối cùng phải được hoàn tất”.
“Thế ai là người đã dạy Ya Tuất làm Srí K’may, Srí L’cay?”. - Tôi hỏi thì được chị Ma Wêl - vợ Ya Tuất - kể: “Nó học được cái nghề này là do bố mẹ bắt học. Cùng học có nhiều người nhưng chỉ có nó được ông cậu - là nghệ nhân Ya Grang - thực sự truyền nghề cho. Tuy vậy về nhà làm mãi mà vẫn không được. Mãi tới khi ông cậu tặng cho bộ đồ nghề và ông qua đời rồi nó mới làm được”.
Ya Tuất cũng thừa nhận: “Học nghề này rất khó. Con mắt phải tinh, cái đầu phải sáng và cái tay phải lanh thì mới làm được”. Ông Ya Tiêng - cha của Ya Tuất - nói thêm: “Nghề làm nhẫn bạc tuy không phải là nghề làm ra nhiều tiền, nhưng nó là cái nghề truyền thống của người Chu Ru mình. Không thể bỏ nghề của ông bà được”.
Cũng bởi vì theo niềm tin của dân tộc Chu Ru, chiếc nhẫn bạc luôn đem lại nhiều niềm vui, may mắn, nên trong các dịp hội hè, lễ tết, người Chu Ru thường mang Srí K’may, Srí L’cay tặng nhau làm kỷ niệm, như một lời chúc phúc đến người thân, bạn bè. Đặc biệt, với những chàng trai, cô gái trẻ Chu Ru, chiếc nhẫn bạc không chỉ đơn thuần là đồ trang sức, của hồi môn quý giá, mà nó còn là một tín vật thiêng liêng, biểu trưng cho lời hẹn ước đôi lứa.

Lễ hỏi chồng của người Chu Ru
Cô nàng thích anh chàng ư? Mang Srí đến tặng chàng. Nếu chàng không ưng cái bụng thì đem trả. Nhưng cô nàng vẫn thích chàng trai thì sao? Bảy ngày sau, tiếp tục mang Srí đến tặng. Lặp lại ba lần như thế, nếu sau bảy ngày lần tặng thứ ba, không thấy chàng trả lại nữa, cô nàng có thể yên tâm mà nhờ ông cậu (miặk) đến đánh tiếng cùng gia đình chàng trai.
Thường thì một đám cưới của người Chu Ru phải có nhẫn cho đứa con trai chồng, đứa con gái vợ mới thành đám cưới; rồi nhẫn đeo tặng cho họ hàng nhà trai và cả nhà gái nữa. Khi trao nhẫn cho nhau, nữ trao cho nam trước, nam trao cho nữ sau.
Đeo xong, hai cái nhẫn đó được đưa lại cho bà mẹ chồng cất giữ ở một nơi bí mật trong nhà, nhỡ khi vợ chồng muốn bỏ nhau, gia đình, dòng họ sẽ đưa Srí K’may và Srí L’cay ra làm bảo chứng để phân xử. Nếu Srí được trả lại thì người bạc tình phải chấp nhận đền trâu, có khi là trâu trắng. Tuy nhiên, điều này rất hiếm xảy ra với người Chu Ru, một khi Srí K’may, Srí L’cay đã lồng ngón tay nhau…