Chùm dâu da vẫn ngọt

Văn công lên Đồn biên phòng. Tin ấy làm các chiến sĩ nức lòng. Bởi đây là lần đầu đồn tiền tiêu có niềm vui này.

Các chiến sĩ chặt cây dựng lán ở để nhường nhà cho các diễn viên. Đội tuần tra của Mạnh Cường tìm chọn nơi đặc sắc nhất vùng non xanh nước biếc này, nơi có thác chảy đẹp, vực sâu có cá bơi lội, đồi cây có quả dâu da chín ngọt... để đưa các diễn viên đến chơi. Rộn ràng nhất là cánh lính trẻ đua nhau tìm chọn những kỷ vật độc đáo: cái gậy trúc bọc lá chuối hơ lửa có hoa văn vàng óng, cái gối nhồi cỏ thơm, viên đá có màu sắc long lanh dưới lòng suối... để tặng các diễn viên làm kỷ niệm.

Các chiến sĩ xuống tận chân núi đón Đoàn văn công, cầm tay các diễn viên dìu lên từng bậc đá. Mạnh Cường, đội trưởng đội tuần tra, mang ba lô, vác nhạc cụ cho hai diễn viên Minh Hiền và Mai Hằng. Hai cô diễn viên xinh tươi cầm tay Cường, vịn vai Cường hỏi tên anh với giọng ngọt ngào. Cường sung sướng, vì từ trước tới giờ anh chưa được người con gái đẹp nào có cử chỉ thân mật đến thế. Anh trả lời: “Tên tôi là Mạnh Cường, đội tuần tra, có việc gì xin cứ gọi tôi”. Mấy chiến sĩ trẻ người Thái, người Mông lần đầu tiên tiếp xúc với các nữ diễn viên xinh đẹp, niềm nở đã không kìm được sự hồ hởi, reo to lên: “Hoan hô văn công! Hoan hô văn công!”. Tiếng cười vui xao động cả vùng rừng lộng gió...

Rồi các diễn viên diễn buổi sáng, diễn buổi chiều, diễn cả buổi tối cho chiến sĩ xem. Những tiết mục vừa diễn xong, chiến sĩ yêu thích, diễn viên chiều lòng diễn lại.

Chiến sĩ người Tày, người Mông muốn được nghe bài Cô gái Tày cầm đàn lên đỉnh núi, Trước ngày hội bắn… Minh Hiền, Mai Hằng hát lại hai lần, ba lần. Chiến sĩ đổi phiên gác, đội cơ sở từ xóm, bản mới về chưa được xem… vậy là diễn viên hóa trang, nổi đàn, trống diễn ngay. Nhiều buổi người xem ít hơn người diễn. Đội tuần tra của Mạnh Cường thích nghe bài hát Chiều biên giới, Tiếng hát biên thùy... Đoàn văn công xếp trọn một chương trình phục vụ. Ban đêm, đoàn diễn dưới ánh đèn măng sông, ban ngày diễn ở sân đồn trong màn sương mù mịt. Áo diễn viên, áo khán giả thấm ướt. Bốn bên sân diễn chiến sĩ đốt bốn đống lửa để sưởi ấm, để hơ áo.

Đội tuần tra của Mạnh Cường được “ưu tiên” đón Minh Hiền, Mai Hằng về lán tập hát, dạy nhạc, luyện dân ca... Các chiến sĩ đều ở độ tuổi 20, 22, 23; các nữ diễn viên cũng trẻ trung, xinh tươi, cởi mở nên không khí rất ấm áp thân tình. Minh Hiền, Mai Hằng “đòi” được ăn cơm lam, ăn củ mài nướng, “đòi” được uống nước trong lòng cây nứa đốt cháy như những buổi chiến sĩ đi tuần tra… Đội trưởng Mạnh Cường chiều lòng thực hiện ngay. Minh Hiền đã đôi ba lần khen anh đội trưởng sáng dạ, có giọng hát ấm, có khuôn hình đẹp hợp với sân khấu lại rất chiều chuộng, nên không giấu nổi... cảm tình. Hiền chăm luyện cho anh hát bài có nhiều ca từ anh yêu thích: “...Vượt đèo cao ta bước tới chân mây, núi non này ta đã leo tháng ngày...”.

Đội trưởng Cường đề xuất với Minh Hiền, Mai Hằng viết mấy dòng kỷ niệm vào sổ tay các chiến sĩ trong đội. Hai diễn viên đồng ý ngay. Hiền cười, thưa lại: “Vì không nhiều thời gian, Minh Hiền xin các anh cho phép thế này, anh nào bao nhiêu tuổi, Hiền và Hằng xin được viết bấy nhiêu từ thật thắm thiết rồi cùng ký tên Minh Hiền - Mai Hằng liền với tên anh đó để chúng ta nhớ nhau nhiều”.

Thế là cả Đội tuần tra anh nào trong sổ tay cũng có một câu gần giống nhau 20, 22, 23 từ: “Minh Hiền - Mai Hằng nhớ anh nhiều. Không bao giờ quên người chiến sĩ dãi dầu sương gió nơi biên cương...”. Anh nào nhiều hoặc ít tuổi hơn thì chỉ thêm bớt vài từ, dưới ký tên hai diễn viên liền nét với tên người được ghi lưu niệm. Anh lính trẻ nào cũng vui, mừng rỡ như có “bảo vật”, bọc cuốn sổ vào bao ni lông cất trong đáy ba lô. Đội trưởng Mạnh Cường được đồn giao trách nhiệm đưa Minh Hiền, Mai Hằng đi xem suối nước đầu nguồn biên cương nơi mà ông bà thường gọi là “phân mao cỏ rẽ”. Nước từ mạch suối chia đôi chảy một nửa về phía mái núi bên nước bạn, nửa chảy về mái núi bên nước ta. Hiền nói: “Ôi, thế là nhà mẹ Hiền ở cửa sông, nơi cuối dòng chảy này đây”. Hiền nhí nhảnh cất tiếng hát: “Con ở đầu dòng sông, mẹ ở cuối dòng sông...”. Mai Hằng đế luôn: “Giá như em và anh ở đầu dòng sông thì ấm áp quá”...

...Mái núi bên bờ suối có cây dâu da đang mùa quả chín. Mạnh Cường đưa Minh Hiền, Mai Hằng đến đó. Loại dâu da đất rừng cây thấp, gốc to, từng chùm quả chín mọng hồng treo từ gốc lên cành, ken dày, nhiều lớp nhìn như tổ ong xây tầng mật ngọt. Minh Hiền, Mai Hằng chưa nhìn thấy bao giờ nên càng lạ lùng, thích thú. Hiền, Hằng lật từng chùm, chọn hái từng quả chín bóc lớp vỏ như hai cánh môi son, nếm. Hương vị quả dâu rừng vừa thơm mát vừa ngòn ngọt lại vừa dịu chua. Ôi, ngon chưa từng thấy.


Minh họa: ĐINH DŨNG.

Hiền và Hạnh vừa hái từng quả bóc ăn vừa chọn những chùm chín đẹp hái bỏ đầy các túi ni lông mang về cho đoàn. Bỗng Mai Hằng kêu rú lên: “Ôi, máu! Hiền ơi, máu thấm ướt ống quần Hằng rồi”. Hiền cuống cuồng, nhìn xuống, mặt tái mét, chân Hiền nhảy thon thót như đang đứng trên tổ kiến lửa. Miệng mếu máo, hai tay Hiền ôm chặt lấy Mai Hằng: “Cứu tao! Cứu tao với Hằng ơi...”. Hiền líu lưỡi, nhìn sang phía Cường: “Cứu Hiền, cứu Hiền với anh Cường ơi?”. Cường giữ chặt lấy tay Hiền. Anh chả lạ lẫm gì chuyện vặt này nữa. Hiền đang bị vắt cắn, hút máu. Ở đây có loài sên đất và vắt xanh. Sên đất chỉ bò trên thảm bì rừng và ẩn náu trong lớp lá mục ẩm ướt. Còn vắt xanh thì độc lắm, nó bật tanh tách chuyền trên cành lá. Nó bò êm nhẹ luồn vào cổ áo, vào lưng quần tìm đúng chỗ da non, mạch máu phập phồng mới cắn hút máu. Khi đã no, say máu thì máu trào ra thấm ướt áo quần như thế.

Hiền bị vắt cắn hút máu ở nếp gấp dưới lưng quần trong. “Không sao, Không sao. Bình tĩnh, gỡ vắt ra thôi”, Cường nói. Hiền vẫn bám chặt vào vai cổ Cường: “Cứu Hiền với! Cứu Hiền với, anh!”. Cường xắn cao tay áo lên. Nhưng ống quần quân phục Hiền mặc chật quá, không thể nào luồn tay vào sâu được. Mai Hằng nói: “Cởi khuy quần ra vậy”. “Không. Không” - Hiền giữ chặt lấy. “Thôi phải thế này nhá - Hằng nhìn Cường - Anh nhắm mắt lại vậy. Nó khó tính quá mà Hằng cũng sợ lắm”. Hiền giãy nảy lên: “Không được!”. Hai chân Hiền nhảy thon thót. Đám cây cỏ bị xéo nát. “Thôi có cách rồi, chiều nó vậy - Hằng rút khăn mặt trong túi ra - Hằng bịt kín mắt anh lại, rồi cầm tay anh dí vào chỗ có con vắt cắn, được không?”. Hiền không nói gì, Hằng thực hiện ngay cách làm “tối ưu” ấy. Theo thói quen của lính biên phòng, “nhả nước bọt vào tay, giựt vắt ra ngay tức khắc”. Cường cầm con vắt no máu to bằng ngón tay cái vứt mạnh xuống tảng đá, tóe máu.

Cường xé ngay mẩu giấy lót chỏm mũ vải nhấm nước bọt dán vào chỗ vắt cắn để cầm máu. “Được rồi. Nhẹ nhàng thế thôi mà”, anh nói. Nét mặt Minh Hiền tươi tắn trở lại, hai bờ môi lại hồng lên. Cô cười bẽn lẽn, ngượng ngùng: “Hiền cảm ơn anh nhiều lắm...”.

Đứng bên dòng suối nước trong xanh chảy từ các kẽ đá ra tạo âm thanh nỉ non như tiếng nhạc, Minh Hiền, Mai Hằng nhìn nhau thầm thì rồi quay lại hỏi Cường: “Ở đây có người qua lại không anh?”. Hiểu ý, Cường nói: “Vùng này gần đồn, nhưng anh em ít ra. Tôi đi xuống sau gốc cây lim có bụi rậm ấy, chờ”. “Hiền nó lấm láp bùn đất, bẩn quá. Anh Cường trông hộ nhé”.

Anh đội trưởng ôm súng ngồi sau gốc cây lim có bụi rậm che khuất. Để Minh Hiền, Mai Hằng không có cảm giác vắng vẻ, thỉnh thoảng anh lại hát to lên bài hát Hiền dạy hôm qua “Vượt đèo cao ta bước tới chân mây, núi non này ta đã leo tháng ngày...”. Bỗng Hiền lại kêu thất thanh: “Anh ơi! Anh ơi giúp Hiền với, nhanh lên!”. Cường vội chạy xuống. Thì ra, tắm rửa xong Hiền ngồi trên tảng đá bên suối lau chân, đi giày, bị tuột tay một chiếc trôi theo dòng nước. Cường chạy nhanh xuống đón dưới dòng chảy. Anh nhoài người bơi ra vớt chiếc giày. Khi trở về đồn, nhìn thấy áo quần, giày tất anh đội trưởng ướt sũng, cả đội tuần tra xúm lại hỏi. Anh đã kể lại “sự kiện” bắt vắt, vớt giày... Tất cả cười: “Hơn cả chuyện hoàng tử nhặt giày cho cô Tấm rồi đấy”.

*

... Mấy năm sau Mạnh Cường được Đồn biên phòng cho thi tuyển vào học trường Báo chí, rồi anh được về làm phóng viên ở tòa báo. Khi đọc những bài, những chuyện viết về chiến sĩ Biên phòng, Minh Hiền, Mai Hằng đã mấy lần đến tòa báo thăm anh. Tình thân ngày nào nơi sương gió biên cương giữa họ vẫn nồng ấm. Minh Hiền hỏi nhỏ Cường: “Anh còn để lòng những kỷ niệm ngày chúng ta đi thăm suối đầu nguồn, đi ăn quả dâu da rừng không? Đến bây giờ Hiền vẫn nhớ hương vị nó sao mà ngọt thơm thế!”.

- Có chứ. Nhớ nhiều lắm - Cường nhìn sang Hiền, cô diễn viên xinh tươi, đôi má sương sương lớp phấn hồng trông đẹp hơn ngày anh gặp ở biên cương - Tôi nhớ cả kỷ niệm Hiền bị vắt cắn nữa đấy.

- Ứ… Anh quên đi những kỷ niệm xấu về Hiền.

- Bây giờ Minh Hiền còn sợ vắt nữa không?

- Sau đó Hiền có đi biểu diễn ở các đồn biên phòng Tây Bắc. Nhưng Hiền vẫn sợ vắt xanh lắm. Nhìn thấy nó bò, tay chân Hiền đã bủn rủn, người nổi gai ốc lên rồi. Lúc đó, sao Hiền lại nhớ đến anh Cường nhiều thế. À, sau lần ấy Hiền mới biết rằng vắt cắn đã để lại trên người vết sẹo hình ba ngạnh như hoa khế ấy. Rất buồn cười anh Cường nhỉ?

- Vết sẹo nay đã lành chưa?

- Sẹo thì lành lâu rồi. Nhưng vết sẹo trong kỷ niệm ở Đồn biên phòng thì vẫn hằn sâu mãi đấy.

- Anh Cường ơi - Mai Hằng nói chen vào - Hằng nói với anh điều “vô cùng bí mật” này nhé, Minh Hiền đang muốn viết thêm những dòng kỷ niệm vào sổ tay cho anh đấy... Anh hỏi viết thêm những gì à. Hiền muốn viết rằng chùm dâu da rừng anh hái trao cho ngày ấy hương vị vẫn ngọt lành, nhớ mãi... Hằng tán thành Minh Hiền viết cho anh câu ấy đấy!

TRẦN HỮU TÒNG