Chọn mẫu Quốc phục: Chín người mười ý

Sau hơn 10 năm, việc đi tìm mẫu Quốc phục tưởng như chìm vào quên lãng, gần đây lại được Cục Mỹ thuật Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ VH-TT&DL) đưa ra bàn thảo. Nhiều người đoán, chuyện của hơn 10 năm trước xem chừng sẽ lặp lại bởi có bắt tay vào thực hiện mới thấy nảy sinh nhiều vấn đề.

Không có thì… “bí”

Nhiều người làm trong ngành ngoại giao than phiền, trong các cuộc gặp gỡ giao lưu quốc tế nếu như không có quốc phục, mà cứ diện nguyên complet - cravat thì thật khó để nhận ra đoàn Việt Nam ở đâu. Trong khi, nhìn sang các nước bạn dễ dàng nhận ra ngay cái váy “kilt” của đàn ông Scotland, áo Kimono montsuki của đàn ông Nhật Bản hay durumagi- Hanbok của đàn ông Hàn Quốc, các nước châu Âu thì có complet đuôi tôm…

Cũng chính vì “yêu cầu cấp thiết” này mà hơn 10 năm trước một cuộc thi thiết kế Quốc phục đã từng được tổ chức, được tuyển chọn, may và mặc thử… Tuy nhiên dự án đó sau không thành.

Cái sự không thành xuất phát từ nhiều lý do. Một là bộ áo dài khăn đóng khi đó được chọn đã bị nhiều người chê là cổ lỗ, chọn Quốc phục không đồng nghĩa với việc khôi phục lại cái cũ mà chính là phải làm sao có những biến tấu hài hòa giữa truyền thống và hiện đại. Đấy là còn chưa kể đến những tranh luận quanh Quốc phục để dành cho nguyên thủ quốc gia mặc trong những ngày lễ trọng đại, trong ngoại giao, hay có thể đưa ra đại trà, người dân nào cũng được mặc. Hoặc, làm thế nào để “nhào nặn” trang phục truyền thống của 54 dân tộc thành một bộ trang phục đảm bảo đủ các tiêu chí “thống nhất trong đa dạng”.


Trang phục một thời.

Khó tìm “đầu bài”

Đầu năm 2011, trong cuộc triển lãm bình chọn Quốc hoa, Cục Mỹ thuật Nhiếp ảnh và Triển lãm cũng đã đưa chuyện Quốc phục ra để ướm ý dư luận. Tuy nhiên, tình cảnh chung vẫn cứ là “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”. Họa sĩ Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Mỹ thuật Nhiếp ảnh và Triển lãm cho biết, về chuyện Quốc phục cho nữ thì đơn giản, vì lâu nay tà áo dài tha thướt mặc nhiên đã được công nhận, còn chuyện Quốc phục nam mới nan giải và đau đầu.

Khi Cục Mỹ thuật Nhiếp ảnh và Triển lãm tổ chức lấy ý kiến góp ý đề án, nhiều nhà chuyên môn gạt đi mà rằng: “Thôi đừng bày vẽ”, cũng có ý kiến, sẵn có áo dài khăn đóng đấy, cứ thế mà dùng khỏi phải thi thố, rồi có người còn đề xuất lấy luôn bộ complet và công nhận là Quốc phục nam một cách danh chính ngôn thuận. Trước rất nhiều luồng ý kiến khác nhau đó, họa sĩ Vi Kiến Thành khẳng định, việc triển khai đề án mẫu Quốc phục sẽ phải được tiến hành một cách thận trọng, vừa làm vừa lắng nghe ý kiến dư luận.


Áo dài khăn đóng - một “ứng cử viên” cho danh hiệu Quốc phục.

Từng ở trong hội đồng bình chọn quốc phục 10 năm trước, họa sĩ Trần Khánh Chương lý giải, cuộc bình chọn trước, sở dĩ đi vào ngõ cụt là tìm hướng theo áo dài. Vì thế, ở lần bình chọn này nên theo 2 hướng: Cần có một bộ trang phục truyền thống đã qua cải tiến, sử dụng trong dịp lễ lạt hội hè và một bộ lễ phục dành cho quan chức trong các dịp gặp gỡ mang tính quốc gia và quốc tế.

Trang phục nam thì vẫn dựa trên kiểu dáng của complet nhưng trên nền chất liệu vải và hoa văn đặc trưng. Cả hai loại trang phục này đều có sự thống nhất về màu sắc, hoa văn, và đặc biệt chỉ sử dụng vào dịp lễ. Về việc có hay không tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của người dân, ông Trần Khánh Chương khẳng định, vấn đề này cần sự quyết đoán của các nhà quản lý và chuyên gia.

Cũng khẳng định sự cần thiết của Quốc phục, nhà thiết kế Sĩ Hoàng hiến kế, để lựa chọn được mẫu trang phục chuẩn nhất, cần phải có một cuộc thi và thành lập hội đồng thẩm định, hội đồng nghiên cứu cùng hội đồng thi kiểu mẫu. Nhà sử học Dương Trung Quốc lại cho rằng, vẫn phải lấy cảm hứng từ chiếc áo dài của người Việt, nhưng không nên giữ nguyên, vì giờ cuộc sống đã thay đổi, vóc dáng người Việt đã khác xưa, nhu cầu đời sống cần sự gọn nhẹ. Nên chăng có sự cải tiến cho thích hợp về độ dài, vạt áo, cân nhắc giữa việc cài khuy kiểu xưa hay phụ kiện hiện đại, tiện lợi hơn.

Theo lộ trình, vào tháng 9/2011, đề án Quốc phục sẽ hoàn thành. Dựa trên cơ sở những ý kiến đóng góp, những nét phác thảo đầu tiên cho Quốc phục khi đó mới được đưa ra. Nhưng rồi, càng ngẫm càng thấy, vấn đề của việc tuyển chọn Quốc phục không hề đơn giản, đi cùng cái áo cái quần đó, còn nhiều vấn đề khác như hoa văn, chất liệu đông, chất liệu hè, rồi giày, rồi mũ, rồi khăn…. Đấy là còn chưa nói đến chuyện, Quốc phục có dành cho người dân trên toàn quốc mặc không, hay chỉ trong phạm vi hẹp?

Theo An Ninh Thủ Đô


Bài liên quan:
QUỲNH VÂN