Mùa hè 2006, hai anh em tôi quyết định đi xuyên Việt bằng xe máy. Khởi hành từ Hà Nội, hai tuần sau thì đến Huế. Từ Huế vào Lăng Cô nghỉ lại, rồi sau đó vượt đèo Hải Vân. Người xưa thật tài tình khi định tên cho con đèo này: Hải Vân. Chỉ hai từ mà bao quát cả đất trời mây nước (Hải Vân là Biển - Mây). Dãy núi cắt ngang dải đất hẹp ăn ra biển. Con đèo chạy dọc, chập chùng uốn lượn. Lên đỉnh Hải Vân nhìn về phía bắc là đất Thừa Thiên. Phía nam là đất Quảng. Dưới chân kia là vịnh, xanh kia là bán đảo Sơn Trà.
Xưa các sĩ tử phía Nam ra kinh ứng thí phải qua con đèo độc đạo này.
Sáng hôm vượt đèo, gần đến đỉnh thấy hai nhà sư đang uống trà bên tảng đá cạnh đường. Đã vượt qua, nhưng thấy hay hay, nên quay lại. Thi lễ xong, cùng ngồi thưởng trà. Hóa ra hai thầy ngoài chùa Thiên Mụ có việc vào Đà Nẵng. Hai thầy đi một xe máy. Thầy Thích Hải Thanh và Thích Hải Thịnh. Mấy hôm trước ở Huế, đến thăm chùa Thiên Mụ, được thầy Hải Chánh mời trà, cùng đàm đạo. Hôm nay lại được thưởng trà với các thầy trên Hải Vân quan, thật là hạnh ngộ. Xem ra, các thầy thật biết thưởng ngoạn. Các thầy đem theo một bếp đèn nhỏ đun bằng cồn khô. Vài chai nước và một khay trà nhỏ gọn xinh xinh.
|
Thầy Hải Thịnh (trái) và thầy Hải Thanh trên đèo Hải Vân. Ảnh: Chu Giang. |
- Bạch thầy, được uống chén trà nóng trên đỉnh Hải Vân này thực là quý hóa. Đúng là chưa bao giờ nghĩ tới...
- Cũng là dịp vui. Mấy khi lên đến đỉnh mây nước này. Chúng tôi đem theo trà dùng cho tiện. Hai ông đến từ đâu?
- Chúng tôi đi thăm thú phong cảnh, từ Hà Nội vào.
- Chà! Hai ông như thế cũng là biết thưởng thức lắm. Chắc là vất vả, đường xa trời nắng nhưng mà hay lắm phải không…
- Bạch thầy đúng thế. Hay đâu nghỉ đấy. Chỉ có nơi nào đẹp mới níu mình lại thôi. Qua Hoành Sơn, chúng tôi rẽ lên Phong Nha vài hôm. Trở lại Đồng Hới, ở cửa Nhật Lệ. Vào Huế, rồi vào đây. Hôm ở Huế, lên thăm chùa, được thầy Hải Chánh tiếp. Hôm nay lại được gặp các thầy ở đây, thực là may mắn.
- Xin mời hai ông. Cũng là may cho chúng tôi. Vượt đèo vượt dốc mà gặp bạn đồng hành, còn gì vui hơn.
Nâng ly trà, lòng lâng lâng xao xuyến! Đã bao nhiêu lần uống trà. Đã uống ở bao nhiêu nơi: nhà mình, nhà bạn, nơi công sở, ở quán nước vỉa hè... Cũng đã uống đủ loại trà… Những năm trước chiến tranh - trà Ba Đình loại I, gói 50 gam. Những năm bao cấp khó khăn - phải uống cả trà vốn, trà hạt. Đến bây giờ thì đủ loại đặc sản. Nhưng chưa bao giờ nghĩ lại có lúc được uống ly trà giữa chốn non cao biển rộng này. Chuyện trò sôi nổi. Các thầy nói đến nguồn gốc cây trà theo truyền thuyết nhà Phật, xưa có một vị tu hành ngồi niệm Phật đã qua nhiều ngày. Một hôm buồn ngủ quá, thầy dụi mắt, sợi lông mi rụng xuống bỗng mọc thành cây có lá mép răng cưa cong nhỏ như làn mi. Đem lá này nấu nước uống thấy thơm ngon tỉnh táo. Có cây trà từ đấy.
Nhà chùa giữ năm giới nhưng các thầy tỏ ra quan tâm đến cuộc sống hôm nay. Bây giờ con người chạy theo cảm giác, cốt cho đầy ái dục có khi quên cả thân mình, ít biết thưởng thức cái hay cái đẹp của cuộc sống khi hòa mình vào thiên nhiên. Đúng thế đấy. Bao nhiêu sự đảo điên trong cuộc đời. Bao nhiêu sự bê bối. Bao nhiêu tai nạn kinh hoàng thảm khốc... cũng chỉ vì người ta đua chen tranh giành để thỏa mãn các cảm giác. Có người sở hữu - nếu lấy trà làm kim bản vị - hàng tấn, hàng chục, hàng trăm tấn trà... nhưng chưa hẳn đã biết thưởng thức một ly trà ngon... Đúng là bây giờ người ta đua nhau thỏa mãn các cảm giác. Kỹ nghệ hiện đại lại tạo ra cảm giác mới, cảm giác mạnh, kích thích, mời gọi... Quần áo hở hang khêu gợi. Âm nhạc gào thét giục giã. Vũ trường và thuốc lắc. Món ăn, thuốc uống sao cho cường dương tráng khí, sung mãn tình trường... Xưa hút thuốc phiện bằng dọc tẩu, đốt trên ngọn đèn dầu lạc đã là đáng sợ. Nay thành lạc hậu, giờ phải chích vào mạch máu mới phê, mới thỏa. Con người không ra khỏi cái vòng luẩn quẩn. Hao tâm tổn sức để có được đồng tiền để lại đem đốt cháy vào các cảm giác. Hôm ở Huế thầy Hải Chánh có nói câu “Bồ tát lo Nhân. Chúng nhân lo Quả”... Thật đúng như thế. Và như thế, công việc, sự nghiệp của các nhà tu hành Phật giáo còn nặng nề và lớn lao lắm! Hy sinh đời mình để giáo hóa cho chúng sinh ra khỏi cơn mê đắm ái dục, chẳng phải là cao quý đó sao!
Chỉ mấy bước chân nữa là đỉnh đèo. Đầy hàng quán. Bia rượu, đồ uống đóng chai đóng hộp ngập tràn, thịt rừng, hải sản thơm nức... Nhưng các thầy dừng lại bên tảng đá cạnh đường. Tự đun nước pha lấy ly trà, vừa đời vừa đạo. Miếng ăn miếng uống thanh tịnh, hòa với thiên nhiên, thoát tục... chén trà trên Hải Vân quan hôm đó không chỉ là hương vị của trà, mà có cả hương vị của đất trời mây nước. Từ buổi ấy đến hôm nay đã gần sáu năm trời. Mà vẫn không quên, vẫn luôn nhớ lại. Xin có mấy dòng để cảm ơn các thầy.