Chúng con xin nghiêng cánh vĩnh biệt Người

TRẦN KỲ

40 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

(Kể về phi đoàn máy bay trong Lễ tang Bác Hồ)

“Hồ Chủ tịch, vị lãnh tụ vĩ đại, người thầy kính yêu của dân tộc ta…”

Tiếng đọc điếu văn của đồng chí Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao Động Việt Nam vừa dứt thì hàng loạt tiếng gầm của đại bác nghi lễ và một đoàn 24 chiếc Mích như con rồng trắng chầm chậm bay qua lễ đài. Phi đoàn máy bay dường như cũng muốn dừng lại, tiễn đưa Bác.

Tiếng động cơ vừa dứt thì hàng ngàn cháu thiếu nhi khóc nức nở, ùa ra kín quảng trường. Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước bước xuống lễ đài vừa gạt nước mắt, vừa an ủi các cháu, động viên đồng bào.

Khoảng cuối năm 1967, đầu năm 1968, nguyên Tư lệnh Quân chủng Phòng Không - Không Quân (PK-KQ), Phó tổng Tham mưu trưởng (PTTMT) Phùng Thế Tài được Quân ủy cử sang Liên Xô, Bungari… tìm hiểu về cách tổ chức và nghi thức lễ quốc tang (điều mà từ trước đến nay ta chưa từng có). Ông lên đường với nỗi buồn sâu sắc.

Hàng tháng, hàng tuần, ông thường được vào báo cáo với Bác, với các đồng chí trong Thường vụ Bộ Chính trị về diễn biến chiến đấu trên chiến trường miền Nam, về chiến công đánh máy bay Mỹ ở miền Bắc. Nên ông thấu hiểu công việc của mình làm.

Gần đây, sức khỏe của Bác không được tốt. Rõ ràng nhiệm vụ của ông có liên quan đến sức khỏe của “Ông Cụ”.

Khoảng tháng 7/1969, sau khi giao nhiệm vụ luyện tập thực binh ở các địa điểm khác, ông đầu tư suy nghĩ tới lực lượng Không quân.

Sau khi trao đổi với đồng chí Tư lệnh Quân chủng PK-KQ, với Bộ Tư lệnh Binh chủng Không quân, PTTMT quyết định sử dụng phi đoàn hỗn hợp 24 chiếc Mích 21 và Mích 17. Mích 17 bay trước ở độ cao thấp, Mích 21 bay sau, hình thành đội hình hỗn hợp. Đây là những đơn vị đã từng lập nên những chiến công vang dội làm khiếp đảm quân thù.

Một số sĩ quan Không quân có kinh nghiệm, được triệu tập về lên kế hoạch với điều kiện không gian diễn tập phải phù hợp với địa hình. Tính toán làm sao đúng giờ G, phi đoàn có mặt ở điểm X. Đây là thời điểm hết sức quan trọng. Chậm một phút, nhanh một phút đều ảnh hưởng tới sự tôn nghiêm của buổi lễ.

Sau khi duyệt phương án PTTMT trao quyền cho các trung đoàn chọn những phi công giỏi có kinh nghiệm, chấp hành kỷ luật nghiêm, có thêm chiến công càng tốt.

Người dẫn đầu phi đoàn sẽ là ai? Trung đoàn trưởng đoàn KQ Sao Đỏ 921 không đắn đo đề cử Nguyễn Hồng Nhị. Anh là phi công đầu tiên dùng máy bay Mích 21 bắn rơi máy bay Mỹ trên vùng trời Việt Nam, một chỉ huy phi đội mẫu mực, mới được phong Anh hùng lực lượng vũ trang. Anh lại là người miền Nam, phù hợp với ý nguyện của Bác.

Đoàn KQ Yên Thế 923 cử Cao Thanh Tịnh, một đại đội trưởng Mích 17 giỏi, kỹ thuật tốt. Tiếp sau đại đội trưởng là Nguyễn Văn Bẩy, người chiến sĩ quê vùng Bạc Liêu bắn rơi 2 máy bay Mỹ. Sau lần gặp Bác và sau khi được phong tặng Anh hùng lực lượng vũ trang một ngày, anh lại bắn rơi tiếp một chiếc nữa.

Đầu tháng 8/1969, đơn vị Mích đóng quân ở sân bay Nội Bài được lệnh thực hành luyện tập. Đồng thời, đơn vị Mích ở sân bay Kiến An cũng được chỉ thị bay tập theo kế hoạch. Bộ đội nhận được lệnh là hành động, không cần biết mục đích của những lần tập đó. Vì vậy, mục tiêu của nhiệm vụ được giữ bí mật tuyệt đối.

Đêm 3/9/1969, các Đảng viên trong toàn quân được đánh thức dậy. Ai về nhà đều được gọi về đơn vị. Các chi bộ phổ biến tình hình sức khoẻ của Bác. Cả đêm hôm đó hầu như bộ đội không ngủ.

6 giờ sáng ngày 4/9/1969 giọng nghẹn ngào đầy nước mắt của Phát thanh viên Đài Tiếng nói Việt Nam truyền đi thông báo đặc biệt của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao Động Việt Nam, Quốc hội, Chính phủ và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam báo tin cho toàn thể đồng bào, chiến sĩ cả nước – Bác Hồ đã từ trần.

Các chiến sĩ PK-KQ bàng hoàng. Mọi người không tin ở tai mình. Trên các trận địa pháo cao xạ, tên lửa, ra-đa, trên các sân bay, nhiều chiến sĩ ôm nòng pháo, bệ phóng, cánh bay khóc nấc.

Ở các sân bay chiến đấu, những chiến sĩ trực ban đêm đang ngủ chồm cả dậy. Mọi hoạt động dường như ngừng cả lại. Bộ đội nghe đi, nghe lại thông báo đặc biệt được phát từ những chiếc đài “Xung mao” bé nhỏ đeo bên hông, từ những chiếc loa công cộng ở phi trường. Không khí tang tóc, đau thương trùm lên toàn đơn vị. Tới lúc này, các thành viên tham gia trong đội hình khối bay mới hiểu mục đích của những cuộc luyện tập mà mình đang thực hiện.

Cũng như các anh em trong phi đoàn, Nguyễn Hồng Nhị lúc này mới biết việc mình làm cách đây không lâu. Anh nhận nhiệm vụ bay buồng kín theo phần tử dẫn đường tính sẵn ở độ cao 1500 mét. Anh cảm thấy đây là vệt bay qua khu vực cấm trên vùng trời Hà Nội.

Nghe nói: Hôm đó, lúc tỉnh, lúc mê, nghe tiếng động cơ máy bay bay qua, Bác hỏi – Tiếng động cơ gì thế? Những người trực chung quanh hiểu rõ mục đích chuyến bay, đã thưa với Bác – Tiếng động cơ ôtô từ bên ngoài vọng vào. Người đâu có hay biết, đó là chuyến bay thử nghiệm để phi đoàn máy bay sắp làm nhiệm vụ tiễn Bác đi xa.

Ngay chiều 4/9/1969, 12 chiếc Mích 17 và 2 chiếc dự bị từ sân bay Kiến An được lệnh chuyển về sân bay Gia Lâm. Đồng thời, đài chỉ huy KQ trực tiếp bằng mắt được đặt trên nóc căn nhà cao tầng số 4 trước Phủ Chủ tịch. Đài dẫn đường bến đò Dâu trên trục đường Hùng Vương và một đài định hướng ở Thường Tín cũng được triển khai gấp.


Lễ truy diệu Chủ tịch Hồ Chí Minh tại quãn trường Ba Đình - Hà Nội.
Ảnh TL.

Sau ngày 2/9, mưa tầm tã, mây rất thấp. Nhất là sau những ngày toàn dân, toàn quân nghe thông báo của Ban chấp hành Trung ương, Chính phủ, Quốc hội… trời đất dường như cũng muốn chia sẻ nỗi buồn cùng đồng bào, chiến sĩ cả nước. Các chiến sĩ KQ ngước mắt nhìn trời. Anh em chỉ lo không được tham gia trong đội hình toàn quân tiễn đưa Bác. Anh em thèm một khoảng trời xanh, một tia nắng nhạt.

Vất vả nhất là cán bộ, chiến sĩ dự báo khí tượng. Anh em thức trắng đêm với những đường đẳng áp, độ ẩm, nhiệt độ với hướng gió, lượng mây… Nha khí tượng cử những chuyên viên giỏi nhất sang giúp Quân chủng… Những mái đầu chụm vào nhau trao đổi, tranh luận. Vô vọng! Có nhiều khả năng mưa cả tháng.

Nghe thông báo khí tượng hàng giờ, phi công trong phi đoàn không ngần ngại. Anh em quyết tâm bay trong mây, nếu mây quá dày và thấp. Mưa dai dẳng tới đâu cũng có lúc trời hửng lên một chút, là bộ đội yêu cầu được hợp luyện.

Thời tiết không cho phép, bộ đội chỉ hợp luyện được một lần. Rất may, hợp luyện đạt kết quả tốt. Những yêu cầu nghiêm ngặt đối với các thành viên trong phi đoàn được tuân thủ triệt để. Đây là điều không dễ dàng đối với mỗi người bay ở những phút giây đau đớn, xót thương đến cùng cực này. Với người chỉ huy phi đoàn Mích 21 - Nguyễn Hồng Nhị lại là điều cố gắng phi thường. Tháng 12/1966, các phi công có thành tích xuất sắc được vinh dự gặp Bác ở Phủ Chủ tịch. Sau khi thăm hỏi gia đình, Bác trao cho Nguyễn Hồng Nhị chiếc đồng hồ đeo tay nữ và dặn:

- Chiến công của chú, trong đó có công của cô ấy. Chú phải đeo chiếc đồng hồ này vào tay cô ấy và nói là của Bác tặng.

Anh cũng như đồng đội phải có trái tim bằng thép để không xảy một chút sai sót, không để nước mắt làm nhòa mắt. Sẽ là đắc tội với đồng bào, chiến sĩ cả nước, với bà con bốn biển, năm châu trân trọng, kính yêu Bác, nếu có điều gì xảy ra, cho dù rất nhỏ.

*

Dường như cũng chiều lòng người, sáng ngày 9/9/1969 trời vẫn âm u, mây thấp nhưng tạnh ráo. Hàng chục vạn người tập trung ở quảng trường Ba Đình đứng thành từng khối vuông vức. Không gian im lặng đến kỳ lạ. Tất cả mọi người hướng về lễ đài. Nơi đó, có tấm ảnh Bác khá to và một giải băng đen viền quanh.

Tang lễ bắt đầu trong không khí trang nghiêm, kính cẩn.

Trên nóc ngôi nhà số 4 đối diện với Phủ Chủ tịch, Chủ nhiệm dẫn đường Quân chủng Phạm Ngọc Lan cầm ống nói theo dõi từng chặng đường của đoàn bay nghi lễ. Đứng cạnh anh là Tham mưu trưởng Binh chủng KQ Nguyễn Phúc Trạch.

… Vĩnh biệt Người chúng ta thề…”, tiếng đọc diễn văn của đồng chí Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao Động Việt Nam cất lên sang sảng, xúc động.


Hàng vạn cánh tay giơ lên thề thực hiện Di chúc của Hồ Chủ tịch

Phạm Ngọc Lan sốt ruột: - 01 hiện nay ở đâu? Độ cao?

- Mây rất thấp. Không thấy địa hình. Theo tính toán 5 phút nữa sẽ tới điểm kiểm tra số 2. Độ cao 800!

- Chậm mất rồi!

Trong lòng Phạm Ngọc Lan như có lửa đốt. Bay trong mây không thể điều chỉnh được đội hình. Tăng tốc độ dễ đâm phải nhau, điều nguy hiểm nữa là rất dễ lệch vệt bay. Phạm Ngọc Lan xin ý kiến của Tham mưu trưởng. Anh yêu cầu giàn đèn chiếu sáng quảng trường quay về phía sông Hồng bật sáng. Lập tức 30 ngọn đèn pha hàng nghìn nến đồng loạt tỏa sáng. Căn cứ theo thông báo khí tượng vừa được cung cấp, anh ra lệnh.

- Hải Âu! (Mích 17) độ cao 200! Phượng Hoàng! (Mích 21) độ cao 300!

Kia rồi! Cả phi đoàn lần lượt hiện ra trên nền trời mây mọng nước.


Thủ tướng Phạm Văn Đồng và các cháu thiếu nhi
sau buổi lễ truy điệu Hồ Chủ tịch (ngày 9/9/1969). Ảnh TL.

… Hồ Chủ tịch, lãnh tụ vĩ đại, người thầy kính yêu của Đảng ta, dân tộc ta đời đời sống mãi” - Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao Động Việt Nam vừa chấm dứt thì 21 phát đại bác nổ vang và đoàn máy bay màu trắng bạc trong đội bàn tay xòe nối đuôi nhau ầm ầm lướt qua lễ đài.

*

Hàng năm, thường có buổi gặp mặt tất niên của anh em Không quân. Gặp nhau, anh em thường ôn lại những chuyện xưa cũ. Nhắc đến chuyến bay đưa tiễn Bác đi xa, Nguyễn Tiến Sâm nguyên Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, thành viên trong phi đoàn Mích 21 bốn mươi năm về trước bồi hồi:

- Đây là chuyến bay vất vả nhất trong cuộc đời chiến đấu của tôi. Hồi đó, tôi là chiến đấu viên mới đọ cánh với bọn Mỹ mấy trận, tuổi đời còn rất trẻ, nên vô cùng bỡ ngỡ, lo lắng khi nhận nhiệm vụ trọng đại này. Không riêng tôi, mà tất cả các anh em trong phi đoàn, đều như vậy cả… Bay trong tâm trạng như thế, thời tiết phức tạp, quả thật không dễ dàng gì… Vong linh Bác đã phù hộ, chở che cho anh em chúng tôi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Trả lời câu hỏi, hôm đó có những ai bay trong đội hình Mích 21, Nguyễn Tiến Sâm nói: - Nỗi đau mất mát to lớn quá, công việc lại căng thẳng, tôi nhớ không hết: Người dẫn phi đoàn Mích 21 đồng thời là phi đội trưởng phi đội 1 Nguyễn Hồng Nhị. Đội viên trong đội gồm: Lê Toàn Thắng, Phạm Đình Tuân, Nguyễn Đức Soát. Phi đội 2 phi đội trưởng là Nguyễn Văn Lý. Đội viên trong phi đội gồm: Phạm Phú Thái, Lê Thanh Đạo, Nguyễn Hồng Mỹ. Phi đội 3, phi đội trưởng là Mai Văn Cương. Đội viên trong phi đội gồm: Phan Thành Nam, Nguyễn Văn Khánh, Nguyễn Văn Long.

Hán Văn Quảng, người phi công trong phi đội Quyết Thắng trút bom xuống đầu quân thù ở sân bay Tân Sơn Nhất ngày 28/4/1975 cũng là thành viên trong đoàn Mích 17 đưa tiễn Bác. Hán Văn Quảng đã từng đảm nhiệm cương vị sư đoàn trưởng sư đoàn KQ 372, Tham mưu phó Quân chủng PK-KQ (đã nghỉ hưu), được hỏi tới chuyến bay lịch sử, anh kể:

- Bọn mình phải dán chặt mắt vào bảng đồng hồ để giữ thật chắc tham số, và cũng để khỏi phân tán. Không được nhìn ra ngoài, không được nhìn xuống lễ tang. Đó là nghiêm lệnh. Nhiệm vụ tuy đơn giản, nhưng trọng trách thật nặng nề…

Cả hai phi đoàn Mích hạ cánh xuống sân bay, mà sân bay vẫn lặng như tờ. Anh em thợ máy ôm lấy thang máy bay đứng chết lặng. Phi công gục trên cần lái. Nhiều anh em khóc nức nở. Lúc này bộ đội mới được phép… khóc! Quảng thẫn thờ - Nhanh vậy! Thấm thoát mà đã 40 năm thực hiện Di chúc của Bác!