Chống lại sự nhàm chán

André, một nhân vật trong tác phẩm vĩ đại “Chiến tranh và Hòa bình” của văn hào L.Tolstoi đã nói một câu rất… đểu “Cưới một người phụ nữ và khi đã hiểu hết nàng thì hãy đợi nàng chết và cưới một phụ nữ khác!”. Nghe thật phũ phàng nhưng hình như đó là một sự thật. Không ít cuộc hôn nhân bắt đầu bằng một tình yêu thật mãnh liệt nhưng rồi nó vẫn cứ bị… đuối bằng cách này hay cách khác trong ao tù của sự nhàm chán. Và ngoại tình, một “căn bệnh” đáng sợ nhất của hôn nhân cũng chỉ là “biểu hiện lâm sàng” của hội chứng nhàm chán…

CƯỜNG ĐỘ TIẾP XÚC QUÁ NHIỀU

Ông X. là hiệu trưởng một trường dạy nghề, bà vợ là nhân viên kế toán trong trường ông. Trong hoàn cảnh công việc như thế, suốt ngày họ “được” nhìn thấy nhau. Sáng dậy cùng đến trường, gặp nhau thường xuyên ở cơ quan, trong những buổi họp và buổi tối gặp nhau ở nhà… Cái cường độ tiếp xúc ấy thật đáng sợ, nó có thể mài mòn hết mọi cảm xúc.

Có lẽ vì thế mà càng về sau ông X. hay kiếm cớ đi chơi một mình như đi thăm anh em, bạn bè và nhậu. Bà vợ nghi ngờ, ghen tuông, đau khổ, trách móc rồi tra hỏi, ông chỉ biết thú nhận: “Chứ ở nhà với bà tôi biết nói chuyện gì bây giờ?”.

Vợ chồng họ không có gì mâu thuẫn, nhưng chẳng có chuyện gì để nói với nhau thì cũng chỉ là trao đổi chuyện con cái, tiền bạc, ăn uống… Những chuyện muôn thuở của một gia đình.

Ở một số nước, như ở Mỹ chẳng hạn, ngành xã hội học của họ phát triển nên khi bố trí người lao động, họ thường “tâm lý” hơn. Nếu có một cặp vợ chồng làm cùng một công ty, hoặc cùng xí nghiệp thì họ bố trí không làm cùng xưởng, nếu phải cùng xưởng thì không làm cùng ca…


Những buổi picnic góp phần tạo không khí mới mẻ trong gia đình.

Vì nếu nhìn thấy nhau suốt ngày ở xưởng, về cùng xe rồi kề cận suốt những giờ vàng ngọc ở nhà nữa thì họ còn gì để kể cho nhau nghe, tìm thấy ở nhau những điều mới mẻ. Cho nên hình ảnh “Như chim liền cánh, như cây liền cành” để chỉ một đôi lứa lúc nào cũng ở bên nhau có lẽ chỉ với một thời điểm nào đó mà thôi.

TÍNH CÁCH ĐƠN ĐIỆU

Chị Kim Sa vốn là một hoa khôi cấp trường, cho nên với anh Nguyên, chồng chị hiện nay, việc theo đuổi, chinh phục được chị quả là một kỳ công và cưới được chị là một chiến tích.

Anh là một kỹ sư điện nhưng tâm hồn khá lãng mạn, yêu thích văn chương nghệ thuật, trong thời gian yêu nhau anh cố “sáng tác” hoặc “chế tác” ra những bài thơ, bản nhạc để tặng chị…

Nhưng khi sống chung anh mới khám phá ra vợ mình chẳng hề có tâm hồn văn chương nghệ thuật gì cả, chẳng đọc hết được một tập truyện ngắn hay ngồi yên khi nghe một bản nhạc, chị chẳng quan tâm cái gì ngoài nhan sắc của mình.


Sự hồn nhiên của trẻ thơ làm cho cuộc sống gia đình
sinh động và hạnh phúc hơn.

Đã thế, khi lên xe hoa là chị chấm dứt luôn “sự nghiệp trồng người” của mình (chị vốn là một giáo viên tiểu học) nên những mối quan hệ xã hội của chị rất hẹp, chủ yếu là mấy cô làm móng tay, làm tóc cho chị.

Khi có con chị lại càng ít đi đâu. Đi chơi hay về nội ngoại có chồng đưa đi, nếu không thì lộ trình quanh năm của chị chỉ là từ nhà đến chợ hoặc siêu thị. Mối quan tâm của chị cũng chỉ là giá cả, chất lượng hàng hoá và mấy đứa con…

Mặc dù chị vẫn đẹp và ngày càng sang trọng hơn nhưng chồng chị lại đâm ra ngưỡng mộ những nữ đồng nghiệp năng động, hiện đại mà mỗi lần được giao tiếp với họ anh không chỉ có thêm được nhiều thông tin quý giá và như được tiếp thêm nguồn năng lượng, anh thấy mình trở nên trẻ trung, hài hước…

Không chỉ đàn ông mà phụ nữ cũng dễ chán nếu sống chung với người chồng có cuộc sống quá đơn điệu, nhất là khi họ không có công việc để làm hay sự nghiệp để theo đuổi…

Một nữ diễn viên nọ lấy một Việt kiều giàu có, họ có nhà cho thuê đủ sống thoải mái nên anh Việt kiều chẳng cần phải làm gì, anh ta suốt ngày xem tivi, ngủ hoặc ngồi quán cà phê… Mặc dù anh ta rất yêu vợ nhưng cô vợ lại chán ngấy anh chồng nhạt nhẽo và đã tìm cách “đổi món” bằng cách đi “ăn phở” với anh Việt không “kiều”…


Đừng để cả hai rơi vào tình trạng "tiến thoái lưỡng nan".

Trong tình yêu có nhiều điều nghịch lý, chẳng hạn sự bí ẩn của đối tượng khiến người ta say mê, khao khát khám phá, chinh phục. Nhưng nếu khám phá được hết rồi thì họ lại chán và khi không tìm được cái mới nơi người bạn đời thì người ta đi tìm cái mới ấy nơi đối tượng khác…

Vì thế những nhà tâm lý học có dùng đến từ “làm mới mình” để phòng chống lại sự nhàm chán trong hôn nhân. Thật ra đợi đến lúc mình “cũ” đi rồi mới hối hả lo làm mới thì đã quá muộn, nhất là chỉ làm mới vẻ bề ngoài. Không ít những bà vợ biết chồng ngoại tình liền lo đi “tân trang” lại nhan sắc như cắt mí mắt, sửa mũi, hút mỡ, tắm ốm, căng da mặt mà nhiều khi chỉ làm ông chồng càng chán thêm. Điều đáng sợ là khi nhàm chán về mặt tâm lý sẽ kéo theo tình yêu, sức hấp dẫn nhau cũng giảm sút và nhất là những phút “cực cảm” trong quan hệ chăn gối giữa vợ chồng cũng vỗ cánh bay đi… Để lại cuộc sống của họ càng thêm vô vị, đến một lúc nào đó không thể chịu đựng nổi và người ta có thể “nổi loạn”.

Khuynh hướng kết hôn hiện đại trên thế giới là người ta tiến đến việc kết hôn như tìm một người bạn tâm giao chứ không phải là một hình thức “liên hiệp” theo kiểu người đàn ông tìm vợ như tìm một người “nâng khăn sửa túi” để chăm sóc hầu hạ mình, phụ nữ tìm chồng như tìm đến một “nhà tài trợ” lo cho mình tiền bạc, nhà cửa, một chỗ để nương tựa.

Vì thế trong những cái chung của đời sống vợ chồng, họ vẫn giữ được cái riêng như sự nghiệp riêng, bạn bè riêng, thú vui riêng.


Vợ chồng thường xuyên tạo ra sự lãng mạn để tránh bớt sự nhàm chán.

Chẳng hạn người phụ nữ có một nghề nghiệp riêng trước hết là để tăng thu nhập cho gia đình, giảm bớt sức ép “trụ cột” nếu chỉ có một người là lao động chính nuôi sống gia đình.

Công việc riêng giúp họ có nhiều mối quan hệ xã hội rộng rãi và góp phần làm phong phú cuộc sống gia đình. Chưa kể sự say mê công việc, những thành công, thăng tiến ít nhiều của người bạn đời cũng làm người kia tự hào, cảm thấy hạnh phúc hơn.

Dân gian ta có câu “Ta với mình tuy hai mà một, mình với ta tuy một mà hai”, đó là khi một đôi vợ chồng hòa hợp với nhau thành một nhưng vẫn giữ được bản sắc riêng mà không đánh mất “cái ta”. Một cõi riêng với thú vui riêng, không nhất thiết phải bê nguyên xi, giống hệt như người bạn đời hay bắt họ phải theo mình, giống mình.

NGUYỄN THUÝ ÁI