Còn nhớ hôm ấy, được tin anh Nguyễn Đình Thi chuyển bệnh, chúng tôi đang họp Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam liền kéo vào bệnh viện thăm Anh. Trong đoàn, Anh Đức, Ma Văn Kháng, Cao Tiến Lê là lớn tuổi hơn, đến lớp chúng tôi, Bằng Việt, Lâm Thị Mỹ Dạ, Lò Ngân Sủn, Nguyễn Trí Huân thuộc những người đến sau. Nhưng tất cả, với anh Nguyễn Đình Thi, đều là lớp đàn em, đều chịu ảnh hưởng xa gần. Và Anh, trong mấy chục năm qua, đối với chúng tôi là vô cùng thân thuộc. Tôi không thấy có gì đột biến trên gương mặt, ánh nhìn, giọng nói của Anh hôm ấy. Nhưng không cần tinh ý lắm, cũng thấy cử động của Anh đã trở nên khó nhọc. “Các bạn cho mình nằm...”, Anh nói trong lúc lần lượt nắm chặt tay mỗi người chúng tôi đến chào. Dừng một lúc, nét mặt Anh bừng hé tươi tỉnh: “Cái chân của mình có tiến bộ. Chắc chỉ độ vài hôm lại được về nhà”.
Chúng tôi quây quần bên Anh khá lâu rồi xin phép được về họp tiếp. Hội nghị kết thúc được mấy hôm, tôi vào bệnh viện chào Anh để đi công tác phía Nam. Người hộ sĩ trực phòng mấy hôm trước, nhìn tôi e ngại:
- Anh là thế nào với chú Thi?
- Dạ, tôi là em, là người nhà.
- Chú Thi đã chuyển xuống phòng cấp cứu. Anh nói khó may ra được vào đấy.
Tôi oán trách vu vơ:
- Bệnh tình của Anh đã đến mức ấy, mà chẳng ai nói với tôi gì cả.
Tôi chạy vội xuống phòng cấp cứu. Mọi người trong gia đình vây chật trước của phòng số 6. Một sự im lặng đến ngạt thở. Mái tóc anh vẫn đẹp. Da mặt đỏ căng. Toàn thân bất động. Anh đã chuyển sang trạng thái hôn mê từ chiều hôm trước. Tôi tần ngần bên Anh rất lâu, cố thu lấy để giữ mãi hình ảnh của người Anh đáng kính. Khi quay ra, tôi gặp anh Trần Hoàn buồn rầu đứng bên cửa. Anh Trần Hoàn kéo tôi ra một góc, nói nhỏ:
- Bác sĩ trưởng khoa nói anh Thi khó qua. Em về viết ngay điếu văn cho kịp.
Tôi chỉ kịp “Dạ” rồi phóng vội ra sân bay, và trở thành hành khách cuối cùng trong chuyến bay đi TP.Hồ Chí Minh hôm ấy. Thu xếp chỗ ngồi xong, tôi lật tấm bàn ăn nhỏ đính sau ghế phía trước làm bàn viết. Bằng nước mắt và mồ hôi mặn chát, tôi viết những dòng đầu tiên khóc anh Thi.
* * *

|
Nguyễn ĐìnhThi (trái) và Tố Hữu |
Để hiểu người và hiểu văn Nguyễn Đình Thi, cần có sự soi chiếu nhiều mặt. Với tôi, tôi rất chú ý đến hai đặc điểm sau đây:
- Một là, Nguyễn Đình Thi đến với văn chương từ chân trời của triết học.
- Hai là, trước khi trở thành một tác giả chuyên nghiệp, Anh đã từng là một chính khách trẻ nhiều tiềm năng.
1. Văn học trước 1945 có hàng loạt tên tuổi xuất hiện ở tuổi hoa niên như Tố Hữu, Văn Cao, Vũ Trọng Phụng, Chế Lan Viên, Tế Hanh, Nguyên Hồng, Tô Hoài, Xuân Diệu, Huy Cận... Nhưng tất cả các anh đều bắt đầu ngay bằng sáng tác. Riêng Nguyễn Đình Thi, trước khi bắt tay vào sáng tác, Anh đã thử bước trên con đường gập ghềnh của triết học. Anh đã biên soạn xuất bản 4 tác phẩm triết học ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Học vấn của Anh đã sớm giành được sự chú ý của giới trí thức lúc bấy giờ. Một tờ báo tiếng Pháp hàng ngày mời Anh làm biên tập viên với mức lương ngang với lương người Pháp. Nhưng Anh đã nghe theo lời khuyên của giáo sư Đặng Thai Mai, “một trí tuệ hết sức sâu sắc của ‘phía bên ta’”: “Anh còn trẻ, nên học thêm nữa, kẻo uổng”. Thế là Anh bước vào cổng trường đại học, vừa học vừa viết sách. Đặc điểm này giúp chúng ta dễ nhận ra, dù viết bất cứ vấn đề gì, Nguyễn Đình Thi cũng quan tâm hàng đầu đến đôi cánh của tư tưởng, của triết lý nghệ thuật, của thăng hoa trí tuệ.
2. Năm 17 tuổi, Nguyễn Đình Thi tham gia nhóm nghiên cứu bí mật về chủ nghĩa Mác ở trường Bưởi. Năm 19 tuổi tham gia Văn hóa Cứu quốc, hoạt động trong Đảng Dân chủ. Hai lần bị thực dân Pháp bắt giam. Có lần tôi hỏi, Anh cao lớn như Tây, sao chữ viết nhỏ vậy? Anh kể: “Ở trong tù, trao đổi với nhau phải viết rất nhỏ, đề phòng cai ngục phát hiện thì vo lại, nuốt được ngay. Viết mãi thành quen”. Năm 21 tuổi, Anh được cử là một trong 6 đại biểu của giới trí thức đi dự Đại hội quốc dân Tân Trào. Tại đây, lần đầu tiên Anh được gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, được giới thiệu đọc tham luận Xây dựng một nền văn hóa mới Việt Nam, sáng tác và tự hát bài Gươm đâu, gươm đâu cho Bác và các đại biểu nghe. Nghe xong, Bác góp ý: “Đến bây giờ chú còn hỏi gươm đâu, gươm đâu!”. Anh hiểu ý Bác và chữa Gươm đây, gươm đây và được các đại biểu hoan nghênh nhiệt liệt. Cũng tại đây, Anh được cử tham gia Ủy ban giải phóng dân tộc do Bác làm Chủ tịch. Năm 22 tuổi, Anh trở thành đại biểu trẻ nhất của Quốc hội khóa I, được bầu vào Ủy ban thường vụ Quốc hội, tham gia Ủy ban soạn thảo Hiến pháp do Bác đứng đầu. Nhớ lại những ngày cuối năm 1946 đầy hiểm nghèo ấy, anh Thi kể: Vào lúc chạng vạng ngày 19/12/1946, Anh đang làm việc ở cơ quan Tuyên truyền của Đảng thì có liên lạc của Trung ương đến đón đi gấp. Xe đưa Anh ra phía Cầu Giấy đón thêm đồng chí Trần Huy Liệu rồi chạy thẳng ra phía Hà Đông. Tại đó, đồng chí Trường Chinh trao tận tay Anh Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch và giao nhiệm vụ phải cho in ngay trong đêm trên báo Cứu Quốc Thủ Đô. Anh chạy bộ từ Hà Đông về Làng Sét tìm anh Thép Mới. Trong lúc đó, những chớp lửa dồn dập từ pháo đài Láng lóe lên bắt đầu cuộc phản kích lịch sử mở đầu cuộc kháng chiến 9 năm. Vừa chạy vừa vụt hiện những nốt nhạc đầu tiên của bài Người Hà Nội. Tới nơi, báo đã lên trang. Hai anh bóc toàn bộ trang, để in lời kêu gọi của Bác. Bên dưới là bài xã luận do anh Nguyễn Đình Thi viết tại tòa soạn. Cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc và cuộc lên đường của anh Thi bắt đầu như vậy. Một cuộc lên đường của một nghệ sĩ - chiến sĩ. Con người với thiên tiểu luận nóng bỏng Nhận đường cũng là con người dũng cảm dấn bước trọn vẹn trên con đường ấy. Nguyễn Đình Thi trong cả hai cuộc kháng chiến đều mặc áo lính. Lần thứ nhất kéo dài đến 6 năm. Anh đã tham gia các chiến dịch Đông Bắc, Trung Du, Tây Bắc, Thượng Lào rồi đến Điện Biên Phủ. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, sau khi tham dự cuộc họp của Quốc hội, Anh phải đuổi theo đơn vị đã xuất phát trước đó gần mười hôm. Anh cuốc bộ từ Thái Nguyên, qua Tuyên Quang, Phú Thọ, Yên Bái, sang Sơn La. Đến Nghĩa Lộ, Anh bám được chiếc xe chở lựu đạn và a xít. Lên đến đèo Lũng Lô, chiếc xe bị máy bay ném bom, hất anh xuống vực. Tỉnh dậy, Anh bò lên mặt đường tiếp tục cuốc bộ tìm đường về đơn vị. Đêm mắc võng trong rừng Cò Nòi, một ánh sao mờ lọt qua kẽ lá, trong đầu anh “bỗng có tiếng nói thầm Ngôi sao nhớ ai mà sao lấp lánh”. Một đoạn đường kể đầy đủ với chúng ta về phong thái một chính khách, một người lính, và một thi nhân.
Trong chống Mỹ, Anh cùng với Tế Hanh, Phạm Tiến Duật thực hiện chuyến đi xuyên Trường Sơn vào Nam Bộ. Dọc đường bị bom đánh, cháy xe, thoát chết. Họ vào Binh trạm xin xe đi tiếp. Đến Lộc Ninh, Anh đến chào Ban Tuyên huấn Trung ương Cục. Đồng chí Trần Bạch Đằng tặng Anh một khẩu súng lục và nói: “Các anh ở Bắc vào vất vả, nhưng như thế vẫn chưa thể gọi là đi thực tế”. Mấy hôm sau, Anh để nhà thơ Tế Hanh và Phạm Tiến Duật ở lại, còn mình Anh cùng một chú giao liên lội dọc Đồng Tháp xuống đồng bằng. Tới ven lộ 4, đụng một trung đoàn địch vừa càn quét ban chiều, còn cắm lại rất nhiều ổ phục kích. Cơn đau dạ dày dội lên. Anh nuốt vội viên thuốc rồi ôm ngực lao qua mặt đường trước khi đèn pha địch quét tới. Khi giải phóng Sài Gòn, Anh bị ốm rất nặng đang điều trị tại một cánh rừng của tỉnh Phước Long. Từ đó, anh lần ra Hà Nội. Có thể nói đó là một chuyến đi danh dự. Người đứng đầu Hội Nhà văn muốn nói với đồng bào, đồng nghiệp miền Nam, rằng các nhà văn miền Bắc rất vui vẻ xếp hàng mua bia ở Cổ Tân nhưng cũng sẵn sàng xông qua cõi chết, khi cần.
Từ hai đặc điểm trên đã tạo nên một trong những phẩm chất quan trọng nhất trong sự nghiệp Nguyễn Đình Thi: Đó là sự thống nhất giữa Thời cuộc, Nghệ sĩ và Nhân thế. Đây sẽ là cái trục thẩm mỹ khiến cho toàn bộ sự nghiệp của Anh vừa theo sát, thậm chí đến chi ly hiện thực nóng bỏng của đất nước, nhưng luôn luôn thao thức về những vấn đề toàn cục, bay bổng cùng thời đại, cùng con người. Nghệ sĩ và chính khách, xúc động và suy tưởng, tài hoa và nghiêm cẩn, ngẫu hứng và tỉnh táo - đó là Nguyễn Đình Thi. Văn chương vốn kén chọn người. Nhưng với trường hợp Nguyễn Đình Thi thì hình như đã có sự hò hẹn tiền định. Thiên phú đã dồn tụ tài năng nhiều mặt cho một con người, khiến cho thành tựu của Anh vừa rộng lớn vừa xuất sắc, trên nhiều lĩnh vực. Viết về Cách mạng tháng Tám, khởi nghĩa giành chính quyền, anh có Diệt phát xít, Vỡ bờ. Vào kháng chiến, anh có Người Hà Nội, Bên dòng sông Lô, Xung kích, Trường ca Bài thơ Hắc Hải và tập thơ xuất sắc Người chiến sĩ. Cải cách ruộng đất, Anh có diễn ca Mẹ con đồng chí Chanh. Bước vào cuộc chiến tranh chống Mỹ, Anh có Vào lửa, Mặt trận trên cao và nhiều bài thơ khác, trong đó có bài Chia tay trong đêm Hà Nội bịn rịn, bàng hoàng, xúc động lòng người. Tôi đã đọc Tranh tối tranh sáng, Hỗn canh hỗn cư của Nguyễn Công Hoan, Mười năm của Tô Hoài và vô cùng cảm phục tài danh của hai bậc trưởng lão. Nhưng muốn hiểu đầy đủ những năm tháng bản lề của Cách mạng Tháng Tám, nhất là cuộc sống, số phận những cơ sở cách mạng và những cán bộ cách mạng chuyên nghiệp, cần phải đọc Vỡ bờ. Tôi cho rằng, Tranh tối tranh sáng, Hỗn canh hỗn cư, Mười năm và Vỡ bờ xứng đáng là bộ tứ tiểu thuyết sử thi nổi nhất phản ánh những năm tháng bản lề của dân tộc từ bóng tối ra ánh sáng.
Trước khi viết Vỡ bờ Nguyễn Đình Thi đã thử sức với tập truyện ngắn Bên bờ sông Lô. Trong đó, hai truyện ngắn Bên bờ sông Lô viết về trận pháo binh ta đánh tàu chiến địch trong chiến dịch Việt Bắc 1947 và truyện ngắn Anh hùng cứ điểm viết về một đơn vị chủ công trong chiến dịch Đông Bắc là những truyện ngắn bi hùng, vạm vỡ, khốc liệt. Anh đã đề xuất một cách nhìn, một cách viết về chiến tranh mạnh bạo và mới mẻ đến mức nhiều điều Anh đã vượt qua mà đến giai đoạn đầu chống Mỹ, lớp chúng tôi vẫn còn dè dặt, e ngại. Những tác phẩm đó cùng tiểu thuyết Xung kích viết về chiến dịch Trung Du, lưu dấu “một tài năng đủ sức viết về cái sống và cái chết trong đạn lửa” như lời Nguyễn Đình Thi đã viết về Trần Đăng.

|
Từ phải sang: Nguyễn ĐìnhThi, Madeleine Riffaud, Tú Mỡ, Chế Lan Viên (năm 1967) |
Có ý kiến cho rằng chính kịch hiện đại của chúng ta có ba vở lớn: Đó là Vũ Như Tô của Nguyễn Huy Tưởng, Kiều Loan của Hoàng Cầm và Rừng trúc của Nguyễn Đình Thi. Tôi không biết ý kiến đó chính xác đến đâu, nhưng có được Rừng trúc là một giấc mơ cả đời của nhiều người làm sân khấu. Và chỉ riêng nó đã làm nổi danh Nguyễn Đình Thi. Nhưng Nguyễn Đình Thi không chỉ có Rừng trúc. Trước đó, Anh có Con nai đen, một hiện tượng sân khấu những năm 60 của thế kỷ trước, và cũng để cho tác giả ít nhiều phiền hà. Rồi Nguyễn Trãi ở Đông Quan, Hoa và Ngần, Tiếng sóng, Người đàn bà hóa đá, Cái bóng trên tường, Trương Chi, Hòn Cuội. Rõ ràng, ở thể loại đòi hỏi một tài năng tổng hợp rất cao này, Nguyễn Đình Thi là một tác giả sân khấu lớn. Và điều còn ít người biết, truyện thiếu nhi Cái Tết của mèo con của Anh đã được chuyển thể thành kịch bản sân khấu và dàn dựng rất thành công tại Udơbêkixtăng. Đến nay, tôi còn giữ được bức ảnh ông Giám đốc nhà hát, chụp với Hoàng Ngọc Hiến, Đỗ Chu, Nguyễn Đình Chính và tôi năm 1987, trước lúc mở màn đêm diễn.
Sẽ rất thiếu sót nếu không nhắc đến hàng loạt bút ký văn học và tiểu luận của Anh. Xưa nay khi cầm bút, dù bản lĩnh đến đâu, viết thể loại gì người ta vẫn thường bị quy định trong cái khung của thể loại đó. Nguyễn Đình Thi viết tiểu luận thật sảng khoái, hoàn toàn tự do. Anh đã sáng tạo ra một thể loại pha trộn giữa nghị luận và trữ tình, thông dẫn và suy tưởng, trở thành một thứ luận sắc sảo, dào dạt, cuốn hút, say đắm, và trên hết là sự bừng sáng trí tuệ. Hai tập tiểu luận Mấy vấn đề văn học (NXB Văn Nghệ, 1956) và Công việc của người viết tiểu thuyết (NXB Văn Học, 1964) mà Anh khiêm tốn gọi là “một cuốn sổ tay ghi lại một ít nét của đời sống văn nghệ” thực sự là những tập tiểu luận, phê bình có giá trị. Trong đó, tác giả tập trung vào những vấn đề sinh tử nhất của văn chương nghệ thuật: Con đường và thiên chức nghệ sĩ, tính dân tộc, quần chúng phê bình văn nghệ, quan hệ giữa chính trị với văn nghệ, con người mới, nghệ thuật của nhân dân, vốn sống, thực tế và lý tưởng, con đường của người viết văn trẻ... Lý luận trở nên nồng nàn và tâm huyết vì những quan điểm triết học, chính trị, nghệ thuật đã được lọc nhuyễn qua con người nghệ sĩ từng lặn dưới đáy của công cuộc tranh đấu cho dân tộc. Những ý kiến của Anh về nghệ thuật tiểu thuyết, những bài phê bình về kịch Bắc Sơn, tập truyện ngắn Núi cứu quốc của Tô Hoài, về tập thơ Việt Bắc của Tố Hữu, những bài viết về Nam Cao, Trần Đăng trân trọng, tinh tường, thẳng thắn, đòi hỏi. Tất nhiên, cũng có thể có lúc Anh tỏ ra cực đoan, nhưng thái độ không né tránh thể hiện cái dũng khí của nhà phê bình thì ngày nay chúng ta phải học Anh nhiều lắm.
Đến nay vẫn còn ý kiến khác nhau xem Nguyễn Đình Thi thành công về thể loại nào nhất. Đó là công việc của các nhà phê bình. Và trên hết, công việc của thời gian. Nếu thời gian là một sau tất cả, thì Nguyễn Đình Thi đã lọt vào sự lựa chọn khe khắt ấy: Anh là một trong những nhà văn hóa tiêu biểu của thời đại Hồ Chí Minh.
3. Nguyễn Đình Thi là một ví dụ tiêu biểu về nghệ thuật không có điểm dừng. Anh luôn ở vị trí tiên phong đổi mới về tư tưởng, về nội dung và nghệ thuật. Cuộc thảo luận về thơ không vần của Nguyễn Đình Thi vào năm 1949 thực chất chỉ là sự phản ứng của Thơ Mới trước việc số đông công chúng đã kéo về thơ kháng chiến. Cuộc sống đã khác, tâm hồn đã khác, Thơ Mới không còn thỏa mãn người ta, thì, người ta tìm đến thơ kháng chiến. Thế thôi. Không vần thì có tội gì nào? Nó phản thẩm mỹ, phản nghệ thuật ở chỗ nào? Văn chương luôn luôn là sự dỡ bỏ thói quen. Thơ không vần của Nguyễn Đình Thi dỡ bỏ một thói quen để tạo ra một thói quen mới. Vấn đề không phải là vần hay không vần, mà là hay hay không hay. Sau cuộc thảo luận nảy lửa (chữ của Nguyễn Đình Thi) ấy, bài Đất nước được nhiều người thuộc. Nguyễn Đình Thi thắng. Trong truyện ngắn Mận, Nguyễn Đình Thi tuyên bố “Không sợ chết thì mới không chết”. Trong truyện ngắn Người bạn cũ, anh để cho nhân vật Thoa lên tiếng: “Nếu phải nhiều điều kiện như vậy mới được yêu nước thì các anh hãy yêu lấy nuớc của các anh. Và để cho em được yên. Em muốn giữ sự tự do suy nghĩ và tự do hành động của em, không đổi cái đó lấy bất cứ cái gì khác”. Một quan niệm bướng bỉnh như vậy quả là mới mẻ và táo bạo trong những năm kháng chiến ở rừng. Vấn đề của Con nai đen chỉ là vấn đề báo động sớm sự leo thang của cái giả, cái ác khi tiếng nói trung thực bị đặt ra vùng ngoại biên của đời sống công quyền. Và Rừng trúc không chỉ là vấn đề chuyển giao quyền lực giữa hai Vương triều, mà còn là, và chủ yếu là đặt vấn đề đồng thuận được xem là phương án tối ưu của giải pháp dân tộc trước hiểm họa ngoại xâm. Trước uy quyền của Trần Thủ Độ, Chiêu Thánh nói: “Vâng, việc nước là lớn nhất, nhưng việc người với người cũng không phải là nhỏ hơn”. Và tôi cứ hình dung khi Trần Cảnh lấy thân mình làm lá chắn cho Trần Liễu trước lưỡi kiếm của Trần Thủ Độ thì có thể xem đó là một tiểu Hội nghị Diên Hồng diễn ra trong gia tộc Triều Trần. Trong những năm đầu đổi mới, chính Nguyễn Đình Thi đã nêu vấn đề thay đổi khẩu hiệu “Văn nghệ phục vụ chính trị” bằng “Văn nghệ phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân”. Tôi còn nhớ trong Ban Thư ký lúc ấy, thảo luận rất căng vấn đề này trước Đại hội Nhà văn lần IV. Nhưng anh Thi rất kiên định ý kiến của mình. Rất mừng rồi mọi việc đều êm. Những ví dụ còn có thể dẫn ra rất nhiều. Chẳng hạn, một câu thơ:
Anh yêu em như yêu đất nước
Trước Nguyễn Đình Thi, có ai dám nói thế bao giờ. Anh tôn vinh tình yêu, tôn vinh con người, và xem nó là vĩ đại cùng với mọi sự vĩ đại khác. Và nữa:
Chúng ta yêu nhau kiêu hãnh làm người
Một câu thơ gợi lên cả một bối cảnh, một thời đoạn, với biết bao sống chết xung quanh. Nguyễn Đình Thi là người sẵn sàng viết những câu thơ:
Ta yêu những buổi trưa đầm ấm
Em bé trồng rau đuổi lũ gà.
(Quê hương Việt Bắc)
Người ta dễ có thể cho Anh là bình dân quá, dễ dãi quá. Theo một quan niệm tân kỳ nào đó, thì Em bé trồng rau đuổi lũ gà có vẻ nâu sồng quá. Nhưng, đối với một người lặn qua cái chết, thì một chi tiết bình dị, đơn sơ; không tô vẽ mà đầy sự sống như thế, lại là báu vật của bình yên. Nghệ thuật thơ ở đây, lời thì nhã mà ý thì đậm, nó rất đời và rất Việt Nam. Một thi sĩ từng run rẩy “cỏ mềm thơm mãi dấu chân em” cũng là tác giả của những câu thơ đầy tráng khí và rất hiện đại:
Ôi Cao Vân, Phú Minh, Quảng Nạp
Trái tim ta đập ở Thái Nguyên.
(Quê hương Việt Bắc)
Cái chất “hùng thi” này, ta từng gặp ở Đèo Cả của Hữu Loan, Nhớ máu của Trần Mai Ninh và “Sông Mã gầm lên khúc độc hành” của Quang Dũng. Và cho đến Đất nước thì thật là toàn bích:
Nước Việt Nam từ máu lửa
Rũ bùn đứng dậy sáng lòa.
(Đất nước)
Một dạo, có sự cự nự về Bài thơ viết cạnh đồn. Với một đề tài như vậy, thông thường, phải là bài thơ khơi gợi căm thù, đào sâu tội giặc, nghĩa là phải tạo ra một kho thuốc nổ tinh thần. Nhưng lạ, đây lại là một bài thơ tình, với nỗi nhớ đầy hương vị trần thế:
Em ở bên anh những ngày vất vả
Những tối anh nằm dang rộng cánh tay
Như có mái đầu em âu yếm ngả
Ngay gần bên ngực em anh đây
(Bài thơ viết cạnh đồn)
Người ta vin vào đó để phê Anh là tiểu tư sản, là lạc lõng, là yếu đuối. Thế mới biết chân thành là khó lắm thay. Nhưng tại sao thơ chiến tranh cứ nhất thiết phải thao tác theo cái công thức căm thù - sức mạnh mà không thể là:
Nhớ nhau chiến đấu càng thêm mạnh
Đem lòng hy vọng xóa thương đau
Như thế đó, và bằng cách đó, Nguyễn Đình Thi lặng lẽ thoát ra khỏi công thức, gò bó, sơ lược từ lâu rồi. Cho nên đổi mới là câu chuyện nội lực, nội sinh, là câu chuyện tự khai phá, dứt khoát không phải là tát nước theo mưa. Một quá trình đổi mới từ rất sớm, cách tân không ngừng, đối với Nguyễn Đình Thi, đó là sự cách tân toàn diện về tầm nhìn, về tư tưởng, về nghệ thuật, về mài dũa tài năng. Anh không bao giờ rơi vào cái bẫy của chủ nghĩa hình thức.
4. Đối với tôi, Ngày hội văn học đầu tiên trong đời là Hội nghị Những người viết văn trẻ lần II, tổ chức vào dịp hè năm 1971. Tôi vừa từ chiến dịch Đường 9 - Nam Lào trở ra, choáng ngợp trước nhiều tên tuổi lớn. Từ trên bục diễn giả, anh Xuân Diệu nhắc nhở: “Hãy làm sao cho có tài và chăm sóc lấy cái tài. Đừng có sốt ruột. Người có tài như có cái kim nhọn trong túi áo, bọc mấy lần vải đến một lúc nó vẫn cứ tòi ra”. Anh Chế Lan Viên: “Dù thế nào các anh chị cũng phải chiếm cho được một ngoại ngữ”. Anh Nguyễn Đình Thi: “Cái cần chiếm lĩnh đầu tiên là văn hóa dân tộc”. Chúng tôi lúc đó, đang giữa tuổi đôi mươi, đang sống giữa lòng dân tộc, và đang háo hức về những chân trời khác lạ, sao anh Thi lại còn nhắc “phải chiếm lĩnh văn hóa dân tộc”? Mãi về sau, mới thấm thía là mình còn cạn cợt quá. Bước sang thế kỷ XXI, lúc anh Thi đã ngoại 80 và chúng tôi cũng không còn trẻ nữa, tôi lại bắt gặp dòng nghĩ của Anh vẫn trên cái mạch từ hơn 30 năm trước: “Có lẽ xét đến cùng, một dân tộc tồn tại hay không là ở chỗ còn có nền văn hóa của mình hay không”. Thế mới biết, dân tộc là vấn đề Anh đeo bám suốt cả một đời người. Sống trong một kỷ nguyên độc lập, tự do thì vấn đề dân tộc đã là tất nhiên như là khí thở hàng ngày. Nhưng khi độc lập bị tước đoạt hàng nghìn năm, hàng trăm năm thì vấn đề dân tộc là cả chuyện vượt thác để trở về nguồn. Đối với anh Thi, sống trong xã hội thực dân, học trường Tây, nói và viết tiếng Tây, lại còn dạo qua vòm trời suy tưởng của phương Tây nữa, thì trở về với dân tộc là một chuyện lột xác, rớm máu. Nó vừa là vấn đề tư tưởng, vừa là nhân cách, vừa là kinh nghiệm sống. Một người nhiều nghĩ ngợi như anh Thi, văn hóa dân tộc trở đi trở lại trên nhiều bình diện, nhiều cạnh khía, nhiều tháng năm. Nhưng Anh quan tâm nhất đến sức sống dân tộc và cách sống dân tộc. Đang lội nước lõm bõm để tránh địch ở Đồng Tháp, Anh có đủ tâm thế để nghĩ về hệ thống các kinh rạch phía Nam và đê điều phía Bắc. Và xem đó như là biểu tượng của thành trì văn hóa dân tộc. Chết hụt trên đường vào Nam, ngồi thở dưới bóng cây thưa ở một bản vắng Tây Nguyên, Anh nghĩ về nhịp và điệu rất hiện đại của xứ sở Đam San, Xinh Nhã, và Anh viết “chúng ta là một, nhưng cái một đã tổng hợp nhiều cái khác nhau”. Về Thái Bình, đứng trước cả một tòa kiến trúc đẹp đẽ và to lớn Chùa Keo mà mọi thứ kèo cột, xà vẩy đều không có một chiếc đinh nào, Anh viết: “Kiến trúc độc đáo kết dính nhau toàn bằng mộng, tạo nên một chiếc khung vững chắc càng trong bão tố càng giằng kéo lấy nhau, trụ vững cho bằng được. Con người Việt Nam mình sống với nhau cũng theo cái cách đó”. Đọc lại Nguyễn Đình Thi, gần 4.000 trang tuyển tập, và đọc thêm những trang Nhà xuất bản để ra ngoài, tôi thức với nhiều ngạc nhiên, đặc biệt là lời ăn tiếng nói của những người nhà quê được Anh đưa lên trang giấy ngọt và nhuyễn quá. Lặn sâu vào hồn dân tộc, nhà thơ nghe thấy:
Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất
Những buổi ngày xưa vọng nói về.
(Đất nước)
Vấn đề dân tộc, như nước: không bao giờ cũ, như máu: không bao giờ cũ, như ánh sáng: không bao giờ cũ. Và bây giờ, giữa thời hội nhập, dân tộc là vấn đề sống còn.
5. Nếu như năng lực sáng tạo của Nguyễn Đình Thi dồi dào bao nhiêu thì trình độ lãnh đạo, quản lý văn nghệ của Anh cũng mạnh mẽ bấy nhiêu. Là thành viên trong nhóm hạt nhân của Văn hóa Cứu quốc, của Hội Văn hóa Việt Nam, rồi làm Tổng thư ký Hội Văn nghệ Việt Nam, 25 năm là Tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam, rồi làm Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, đại biểu Quốc hội các khóa I, II và III. Cái đáng quý nhất trong bản lĩnh lãnh đạo của Nguyễn Đình Thi là sự kiên định. Những áp lực đối với Anh hầu như không bao giờ hết. Nhưng Anh luôn luôn tự tại, sáng suốt và đĩnh đạc, một sự đĩnh đạc vượt lên sau rất nhiều chịu đựng, trở thành nghệ thuật của sự chinh phục hoàn cảnh. Anh Nguyễn Đình Thi thường tâm sự: Người dễ dao động là người luôn lấy mớ kiến thức sách vở có sẵn trong đầu làm khuôn mẫu để nhìn đời. Khi nào thấy đời giống như khuôn mẫu của mình thì lạc quan, khi nào thấy nó không trùng khít với cái khuôn mẫu ấy thì bi quan, oán trách, lung lay... Một lần trả lời phỏng vấn của phóng viên nước ngoài về tình tình thế giới, anh Thi nói: “Tôi thấy buồn một cách lạc quan”. Thời thế có lúc khác nhau. Nhưng làm nghề văn thì lúc nào cũng khó. Khó vì nó phải chọi với nhiều nghiệt ngã. Nghiệt ngã nhất là nghiệt ngã của tài năng.
Công việc văn chương luôn được Anh đặt trên bình diện Thời cuộc - Xã hội - Văn hóa, do đó những kiến giải trở nên minh triết, khơi gợi. Sức soi tỏa và sự kiên định đã tạo nên khả năng tập hợp và chinh phục của Anh - người lãnh đạo và quản lý văn nghệ tài năng. Đương nhiên làm dâu trăm họ trong một thời gian dài, Anh phải thu xếp, điều chỉnh hài hòa giữa những việc thích làm, cần làm và phải làm vô cùng tinh tế, hiện thực và khó khăn. Nhiều lúc thuận và có lúc chưa thuận. Có phương án chuẩn xác và có phương án năm ăn năm thua, thậm chí chưa đủ thuyết phục. Ấy cũng là lẽ thường.
Nhưng sau tất cả, không hiểu vì sao, tôi luôn luôn nghĩ về anh Thi như một cỗ máy chưa được sử dụng hết công suất. Nếu, nếu và nếu... Thôi, còn nếu gì nữa, chúng ta đã có một Nguyễn Đình Thi đó rồi - một tên tuổi và một sự nghiệp đã được xếp hạng.
Viết về Trần Đức Thảo, Nguyễn Đình Thi gọi ông là một người lữ hành vất vả. Nguyễn Đình Thi cũng là một người lữ hành vất vả. Và cũng giống như Trần Đức Thảo, Anh đã để lại nhiều cột mốc trên đường. Ngày
26/4/2013