Chút kỷ niệm với Trịnh Công Sơn

Tôi đồng ý hoàn toàn với nhận định của Hồn Việt số 45 (tháng 4/2011) qua bài viết: Trịnh Công Sơn: công bằng và cân bằng. Tôi đã làm 3 phim về Trịnh Công Sơn sau 1975, và ngược lại Trịnh Công Sơn và Phạm Trọng Cầu đã soạn nhạc phim Ngoại ô do tôi đạo diễn. Vì vậy, tôi tin rằng, tôi có đủ tình cảm để hiểu anh…

Khi làm phim Sống với quê hương, kịch bản Hồ Thanh, một trí thức người Huế tham gia cách mạng, tôi đã đi theo nhóm giới thiệu sáng tác mới, trong đó có Trịnh Công Sơn, đi biểu diễn khắp nội - ngoại thành Sài Gòn do bác sĩ Trương Thìn làm trưởng đoàn. Tôi ghi âm, ghi hình buổi biểu diễn ca khúc mới Em còn nhớ hay em đã quên của Trịnh Công Sơn. Bộ phim tài liệu nhựa duy nhất nói về lực lượng trí thức Sài Gòn luôn gắn bó với quê hương thời kỳ mới giải phóng đã được trình chiếu trọn vẹn!

Thế là nhóm nhạc Trương Thìn gồm bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu, Trịnh Công Sơn, Hoàng Hiệp và cây bút trẻ Lê Thị Kim trở thành bạn thân quen của tôi. Tôi lại là một trong những người đầu tiên viết chân dung Trịnh Công Sơn trên báo(1).

Mở đầu bài phỏng vấn tôi viết: “Trưa ngày 30/4/1975. Tại phòng ghi âm Đài Phát thanh Sài Gòn,Trịnh Công Sơn ra trước micrô với cây đàn ghi ta, bỡ ngỡ xúc động. Tiếng hát hào hùng sôi nổi bừng dậy:

“Rừng núi giang tay nối lại biển xanh
Ta đi vòng tay lớn mãi để nối sơn hà
Mặt đất bao la anh em ta về
Gặp nhau mừng như bão cát quay cuồng trời rộng
Bàn tay ta nắm nối trọn một vòng Việt Nam”

Trịnh Công Sơn chân tình tâm sự: “Trước đây mình viết ca khúc với những chủ đề tình yêu, thân phận con người, hòa bình và chiến tranh. Mười năm giải phóng, mình viết được hơn 60 ca khúc. Để nhớ có thể kể Em ở nông trường em ra biên giớiHuyền thoại mẹ. Chủ đề hôm nay là con người và thiên nhiên. Viết như là tâm sự. Mình chưa bằng lòng với những cái đã qua. Mình đang đi tìm, đang thể nghiệm. Mình viết giản dị hơn xưa, cảm thấy có phần sâu sắc, gần cuộc đời hơn. Đôi lúc cảm giác “giống cũ” đọng lại như dư âm trong các ca khúc mới của mình. Mình lại băn khoăn, ray rứt…”.


Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Trịnh Công Sơn tiếp tục bày tỏ: “Mình đang mở một hướng đi mới. Âm nhạc là địa hạt của nghệ thuật, nền tảng cuộc sống. Cần đặt vấn đề, cần mang hơi thở, nhịp tim thời đại”. Tôi hỏi trong mười năm viết 60 ca khúc, nếu cho anh chọn bài nào ưng ý nhất? Trịnh Công Sơn đáp liền: Huyền thoại mẹ. Đó là bài mình thích nhất! Bà mẹ Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Vừa thực vừa hư ảo. Bà mẹ suốt đời hy sinh cho con. Chịu đựng mọi nỗi thiệt thòi, mất mát. Vâng, nếu cho mình chọn, thì đó là Huyền thoại mẹ(2). Trịnh Công Sơn đã dấn thân. Tâm hồn Trịnh Công Sơn đứng về phía cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc.

Thế rồi vài năm sau, nhà báo kiêm nhà thơ Nguyễn Quốc Thái viết kịch bản, rủ tôi làm đạo diễn phim Một ngày của Trịnh Công Sơn. Qua bộ phim này tôi lại biết Trịnh Công Sơn thân nhất Đinh Cường, Bửu Ý rồi Phạm Trọng Cầu, Hoàng Hiệp, Trần Long Ẩn, Trần Tiến, Nguyễn Quang Sáng, Xuân Hồng. Trịnh Công Sơn kết bạn hữu trên tình thân ái nhưng phải cùng có chung tình yêu nước, thương dân nồng nàn. Trong phim Một ngày của Trịnh Công Sơn, tôi biết thêm nơi “vua leo mái nhà Trịnh Công Sơn” trốn lính, ở ngay trong căn nhà Hoàng Phủ Ngọc Tường!

Trước ngày bấm máy, tôi ngấm ngầm nhờ Trịnh Công Sơn vẽ chân dung Michiko nhưng đừng có điểm nhãn! Đến ngày quay, tôi ghi cảnh Trịnh Công Sơn vẽ đôi mắt Michiko đang ngồi làm mẫu. Tôi ghi hình buổi lễ sinh nhật Michiko trong hoa viên ở Thủ Đức, do nhóm bạn hữu Trịnh Công Sơn tổ chức. Tình cờ biết cô chủ nhiệm phim là con gái lớn Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, Michiko tròn mắt hỏi tôi: “Ồ. Công chúa Việt Nam mà chỉ có làm chủ nhiệm phim và ăn mặc giản dị như thế sao?”. Tôi khẽ mỉm cười vì hiểu trên xứ sở Hoa Anh Đào của Michiko đang có vua!

Khi thực hiện bộ phim Chân dung đồng chí Võ Văn Kiệt dài 3 tập, kịch bản Nguyễn Quang Sáng, Trịnh Công Sơn nhận lời soạn nhạc phim. Nhưng thời gian làm phim quá kéo dài, từ 1997 tới 2003 mới xong phim. Khi dựng xong phần hình phim, sức khỏe Trịnh Công Sơn rất xấu. Anh nhờ phó đạo diễn Phương Sóc nói tôi hãy tìm nhạc sĩ khác soạn nhạc phim.

Tôi nhờ Phương Sóc mang bản phim nháp dài 3 tập đến tận nhà Trịnh Công Sơn ở con hẻm đường Duy Tân, chiếu cho Trịnh Công Sơn xem. Tôi muốn anh soạn nhạc bộ phim này. Tôi bày tỏ ý định muốn thực hiện phim chân dung Trịnh Công Sơn do tôi viết kịch bản.

Khi được xem lại hình ảnh xưa qua hơn một phần tư thế kỷ trong bản nháp phim Chân dung đồng chí Võ Văn Kiệt, có cảnh phim nhóm giới thiệu sáng tác mới cùng Trịnh Công Sơn đi hát ở nhà máy, công trình thủy điện Trị An, Trịnh Công Sơn xúc động cười rất vui: “Ồ. Thời trẻ moa khá đẹp trai đấy chứ!”. Trịnh Công Sơn nhận lời để tôi làm phim Chút kỷ niệm với Trịnh Công Sơn(3). Anh mê bóng đá, trong phòng riêng của anh trưng bày nhiều bức tượng sứ cầu thủ bóng đá nổi tiếng như David Beckham...


Ảnh: Đào Hoa Nữ.

Tôi trích nguyên văn lời Trịnh Công Sơn trong phim: “Sau 75, năm đầu tiên chúng tôi có thành lập nhóm giới thiệu sáng tác mới. Sau thời gian hoạt động ngắn thì anh Sáu Dân có nghe và biết về nhóm này. Anh có nhờ mời nhóm này xuống An Phú gặp anh Sáu, để trao đổi một số vấn đề liên hệ đến văn học nghệ thuật, nhất là về âm nhạc. Nhóm chúng tôi là nhóm nhạc, anh rất thích nhóm này và thích những sáng tác mới của nhóm. Nhưng có nhiều điều chúng tôi lúc đó chưa tiện viết ra thì anh Sáu bảo: “Cứ viết tự nhiên, cứ viết tự do. Có cái gì trong cuộc sống cần thiết phát biểu qua hình thức âm nhạc thì nên nói để cho mọi người nghe”.

Giai đoạn đó có thể nói được nhiều điều trong đời sống bình thường của xã hội. Tuy nhiên, anh Sáu nói: “Bây giờ mình đề nghị các cậu cảm thấy cái gì thì viết cái đó, cho nó tự nhiên”. Anh Sáu có than phiền, anh buồn về chuyện những năm đầu tiên số trí thức thành phố bỏ đi rất nhiều. Có nhiều người đi đã để thư lại cho anh Sáu mà tôi có đọc một hai lá thư đầy tình cảm. Vì đời sống khó khăn quá nên họ không thể ở lại, phải ra đi. Từ đó tôi có viết bài: Em còn nhớ hay em đã quên.

Tôi muốn gửi gắm cho những người ra đi. Tôi muốn nói đến tình cảm của người ở lại. Nếu có đi hãy trở về. Tất cả những người ở lại đều nhớ đến những người ra đi. Thời kỳ thủy điện Trị An bắt đầu khởi công, anh Sáu cũng rủ tôi đi lên trên Trị An. Ngay những ngày đầu tiên tôi đã lên trên đó rồi. Tôi lên đó hát cho công nhân nghe. Sau đó tôi có viết một bài về Trị An, về dòng điện Trị An”.

Nếu kể thêm thì trong chiến khu tôi đã thực hiện bộ phim tài liệu Tiếng hát học đường(4), có nhóm nhạc Hát cho đồng bào tôi nghe, có nhiều hình ảnh Tôn Thất Lập, Trịnh Công Sơn và Nguyễn Minh Triết (5)

Tôi không thuộc nhóm bạn thân của Trịnh Công Sơn. Nhưng tôi quen Trịnh Công Sơn qua mấy mươi năm, đã làm nhiều phim chân dung anh. Tôi thấu hiểu Trịnh Công Sơn thích ai và yêu mến ai. Tánh anh trầm lặng, nói năng dịu nhẹ. Dù rất nổi tiếng nhưng tôi thấy anh ít khi nói và kể chuyện bản thân.

Thiệt tình tôi chưa nghe Trịnh Công Sơn hé lộ chuyện tình cảm riêng tư. Không rõ với các bạn thân quen khác thì sao. Trong những ngày giỗ 10 năm ngày Trịnh Công Sơn đi vào cõi vĩnh hằng, nghe thấy thiên hạ rêu rao kể chuyện đời tư Trịnh Công Sơn, tôi không rõ dưới suối vàng nhạc sĩ tài hoa này có vui không. Nhưng tôi có thể khẳng định nhân cách, con người Trịnh Công Sơn đúng như nhận định của tạp chí Hồn Việt, bởi tôi có 3 phim tài liệu minh chứng cụ thể, xác thực: “Là con trai liệt sĩ kháng chiến chống Pháp, Trịnh Công Sơn là nhạc sĩ lớn đa sắc đa tài, một nhân cách lớn trong thời hiện đại, một con người luôn tận tâm, tận tình với quê hương, đất nước Việt Nam”.

Tháng 4/2011


(1), (2)

In lại trong Những bông hoa tôi quen, NXB Văn Nghệ, 2006.

(3)

Hãng phim Nguyễn Đình Chiểu sản xuất, phát sóng nhân ngày giỗ đầu Trịnh Công Sơn.

(4)

Bộ phim Tiếng hát học đường, phim có âm thanh đầu tiên của Xưởng phim Giải Phóng.

(5)

Hiện ông là Chủ tịch nước Việt Nam.

Bài liên quan:

LÊ VĂN DUY