1. Thư của người yêu thơ gửi nhà thơ Trần Lê Văn (trích)
TP.Hồ Chí Minh, 1-7-1999
Kính gửi nhà thơ Trần Lê Văn,
Tôi xin gửi tặng anh bài thơ tôi viết cách đây đã 6 năm, chưa đăng báo(1). Tôi là một thầy giáo dạy văn, thỉnh thoảng có làm thơ (mỗi khi tâm hồn thật xúc động, và thường viết cho mình, ít công bố). Nói thế để anh hiểu trường hợp tôi viết bài thơ này và vì sao tôi gửi tặng anh, nhân dịp 27 tháng 7 (ngày Thương binh liệt sĩ).
Từ cuối những năm 70, thơ anh đã đi vào bài giảng của tôi ở năm thứ tư Khoa Văn Đại học Sư phạm và sau này ở cả chuyên đề Sau Đại học. Đầu tiên là bài Góc kỷ niệm con tôi, sau đó bổ sung thêm Từ góc ao làng, như một chùm thơ biểu hiện chia ly trong kháng chiến cứu nước, ở góc độ tình cảm cha-con (cạnh tình lứa đôi, tình vợ chồng, tình mẫu tử…).
“Dù lệ thường vẫn thế, con ơi!/ Cha chẳng muốn màu đen quanh hình con bao phủ/ Nhà cha mẹ đón con về ấp ủ/ Trong nụ đào đầu xuân…” (trích Góc kỷ niệm con tôi).
Những bài thơ của anh đã gây xúc động lớn và để lại ấn tượng sâu sắc trong sinh viên. Đến khi Chuyến xe đêm được đăng trên báo Văn Nghệ, tôi liền đưa ngay vào chùm thơ, như một sự bổ sung cho hai bài trước, về tâm trạng của người cha -và cũng là của hàng triệu con người Việt Nam - khi chiến tranh đã đi qua gần 20 năm nhưng còn để lại bao điều bức xúc.
Thưa anh, nhân đây tôi muốn được anh cho biết thêm - nếu có thể - những thông tin xung quanh ba bài thơ này, đặc biệt là về phần mộ và hài cốt của Hồng Thao. Từ 1991 đến nay cũng đã lâu, không biết anh đã tìm được cháu chưa?
Khi đọc cho sinh viên nghe bài thơ Chuyến xe đêm, đến những câu “Đường vào Nam, một chuyến xe đêm/ Ngoảnh phía núi, cha tìm con chẳng thấy”, “Ngã xuống nơi nào, đau lắm không con/ Cha không thể đỡ con ngồi dậy được”, “Đất con nằm đâu, cha chẳng biết…” tôi không thể nào cầm được nước mắt… Và không thể không phản ứng “Khi bên kia bờ đại dương người ta vẫn thét gào!”(2)…
2. Thư phúc đáp của nhà thơ Trần Lê Văn (trích)
Hà Nội, mùa thu Kỷ Mão 1999
Thân kính gửi anh Phan Thanh Lương,
… Đọc thư anh, tôi xúc động quá! Thế là những bài thơ tôi viết về cháu Trần Hồng Thao con trai tôi, hy sinh ở chiến trường, anh đã đọc cả, và đã nói lên tấm lòng cảm thông với nỗi đau thương của người cha, người mẹ có con ngã xuống ở nơi trận địa.
Từ ngày ấy đến nay, gia đình chúng tôi cũng chưa biết cụ thể cháu Thao hy sinh ở địa điểm nào và phần mộ ở đâu. Cứ mỗi lần xem Đài Truyền hình đến mục “Đi tìm đồng đội” là nhà tôi lại khóc mà không biết hỏi ai để biết chỗ yên nghỉ của con.
Viết về cháu Hồng Thao, tôi còn bài Hoa móng rồng. Xin chép gửi anh kèm với thư này…
3. Bức thư thứ hai của người yêu thơ (trích)
TP.Hồ Chí Minh, 17-11-2000
Kính gửi anh Trần Lê Văn,
… Tôi hết sức xúc động và cảm ơn anh nhiều, về bài thơ Hoa móng rồng anh gửi cho tôi. Tôi hiểu rằng anh đã coi tôi là một bạn tri âm, đồng cảm trong nỗi thương nhớ cháu Trần Hồng Thao. Cháu với tôi, cũng như bao liệt sĩ không quen biết khác, nhưng qua thơ anh, qua nỗi lòng của một người cha, đã dấy lên trong tôi một niềm mến phục, thương nhớ khôn nguôi. Hàng năm, mỗi khi giảng ba bài thơ (nay đã được bổ sung thành bốn) của anh, tôi lại như hình dung thấy cháu, và cả lớp lớp thanh thiếu niên “xếp bút nghiên lên đường tranh đấu”, trong đó có nhiều sinh viên của tôi…
_____
(1), (2) Bài thơ Gửi một nhà thơ có con là liệt sĩ, tác giả Phan Thanh Lương.