Chuyện anh tôi

Chuyện anh tôi, anh Lân, phần nào cũng là chuyện của cả gia đình chúng tôi, mà anh Lân đã kể lại đôi nét chủ yếu trong cuốn hồi ký Chuyện đời ấm lạnh buồn vui của anh.

Đó là một ngôi làng nhỏ, nhưng có đến mười họ chung sống. Đầu năm 1947, lúc đó tôi chừng sáu tuổi, thì mặt trận vỡ, quân Pháp đến nên gia đình chúng tôi phải tản cư lên miền thượng du, vùng núi triền sông Thu Bồn. Nhưng nước độc quá, phải chạy vào Quảng Ngãi, rồi lại chạy về Tam Kỳ - Quảng Nam. Tết năm ấy, nhà không còn gì để ăn Tết cả, bà cô tôi đem đến cho một lít nước mắm để cả nhà ăn tết. Thật cơ cực là những năm chạy giặc ấy. Anh Lân lúc ấy chừng 12, 13 tuổi, đã phải giúp gia đình bằng việc viết giùm những tờ khai, lá đơn của người ngoài vùng tạm chiếm vào buôn bán và được thù lao ít nhiều. Nhà làm đủ thứ để mưu sinh, nhưng cuối cùng ba tôi thuê đất ở Phú Bình, một làng nhỏ ven sông để làm ruộng. Làm ruộng (trồng rau đậu, làm rẫy trên núi, câu cá, đặt lờ…); thế là cũng tạm đủ sống. 14 tuổi, anh Lân được Văn phòng Huyện ủy, chỗ anh công tác, gởi đi học ở trường phổ thông Tam Kỳ II. Anh ở nhà một bà má nuôi, đảng viên, “má Trọng” để đi học được 2 năm. Các thầy ở đây, phần lớn là những trí thức ưu tú học ở Huế về, dạy rất giỏi. Các thầy quý anh Lân vì anh đã viết được truyện ngắn Quả tim đỏ được giải nhất.

Anh Lân học rất giỏi. Đi thi cấp tiểu học đậu đầu. Hôm đi thi, đến cái quần tử tế cũng không có mà mặc. Ba tôi ngồi trầm ngâm, thương con quá mà không biết làm thế nào; bèn bảo anh cởi cái quần ấy ra để giặt, hong khô cho hôm sau đi thi.

Nhà tôi nói cho đúng thì cũng là nhà Nho gốc. Cho nên có cái gen đi học. Mà không nói gì nhà tôi, cả vùng, cả tỉnh Quảng Nam đâu đâu cũng thế! Dân Quảng nghèo, nhưng học rất giỏi, vì thông minh hiếu học, nhưng cũng có cái phần vì không chịu dưới người! Cho nên “ngũ phụng tề phi”, có Huỳnh Thúc Kháng, Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp. Cụ Trần Quý Cáp (1870-1908) ở cùng xã với chúng tôi, xã Điện Phước ngày nay, còn trước gọi là làng Bất Nhị giáp liền với Nông Sơn. Cụ đậu tiến sĩ khoa Giáp Thìn năm 1904 và trở thành nhà chí sĩ nổi tiếng toàn quốc. Ông bác tôi, 19 tuổi cũng đậu cử nhân khoa này, được Phan Châu Trinh kỳ vọng là sẽ đỗ tiến sĩ. Nhưng rồi phong trào Duy Tân đã dựng các cụ dậy và các cụ tham gia phong trào dạy học, tuyên truyền, liên kết tổ chức… Cuối cùng như ta biết, cụ Trần Quý Cáp thì bị chém, còn bác tôi và ông nội tôi, nhẹ hơn, thì bị tù!

Nhưng cái truyền thống đó không bằng cái truyền thống từ khởi nghĩa Tháng Tám 1945 rồi kháng chiến. Điện Bàn trở thành một vùng du kích tiêu biểu của toàn quốc, với bao anh hùng dũng sĩ, bao bất khuất, kiên trung, hy sinh oanh liệt suốt 30 năm ròng!

Ngày nay nhìn lại thì chính nhờ các dòng máu thơm bất khuất ấy của gia đình, của ba mẹ tôi, của quê hương mà anh Lân, từ một cậu bé nghèo khổ trong kháng chiến, đã trưởng thành để trở thành một người con ưu tú của đất nước.

* * *

Ra miền Bắc thì anh Lân học trung cấp nông nghiệp rồi kỹ sư nông nghiệp, rồi trưởng thành lên ở đất Bắc Giang – Hà Bắc. Cuối cùng làm chủ tịch tỉnh. Cũng không phải không có người nổi máu tự ái địa phương kêu lên: Bắc Giang, Bắc Ninh hết người hay sao mà để một ông người Quảng Nam làm chủ tịch! Rồi đến khi Trung ương điều anh Lân về làm bí thư Quảng Nam – Đà Nẵng, thì cũng có ông địa phương như thế bảo: Vì các anh này (anh Mai Thúc Lân và Trương Quang Được) là người Quảng Nam nên chúng tôi nhận, chứ Quảng Nam chỉ có “xuất khẩu”, chứ không “nhập khẩu”!

Anh Lân làm đến phó chủ tịch Quốc hội là “kịch trần”! Chẳng phải đã có câu: “Quảng Nam vô chánh nhất!”. Dân Quảng Nam tuy cũng có nhiều người “lỉm rỉm”, khôn ngoan, né tránh, nhưng phần lớn là cái máu “bất khuất”. Đúng là ở chỗ nào có chuyện sai trái mà không có người nói, thì ở đó đúng là không có dân Quảng Nam. Một giáo sư Toán ở Mỹ, người Quảng Nam nhận xét: Dân Quảng Nam cãi không biết sợ, không tính đến hậu quả!

Làm quan mà như thế đâu được! Dưới triều vua phong kiến, có ngày bị chém đầu!

Tôi kể thêm một câu chuyện nhỏ: anh Tô Bửu Giám (hiện là Chủ tịch Hội đồng Khoa học Xã hội TP. Hồ Chí Minh thay GS Trần Văn Giàu) có lần bảo tôi: ông Mười Cúc (Nguyễn Văn Linh) bảo tôi đi các tỉnh Nam Bộ vận động để bầu anh Lân vào Bộ Chính trị. Tôi hỏi: Thế họ có đồng ý không anh? – Đồng ý chớ! Tôi nói: Thế là vinh dự cho anh Lân, vì Nam Bộ không phải dễ mà ủng hộ Khu 5 đâu!

Nhưng rồi chuyện không đi đến đâu. Ông Mười Cúc nghỉ, một số ông “cốp” không tán thành.

Bạn tôi, nhà thơ Trần Nhật Lam bảo:

“Cái chức cũng quý! Nhưng quý hơn là ông anh cậu được người đời ca ngợi là trung trực, liêm khiết… cái ấy quý hơn”.

Có lẽ vậy. Cuộc đời vẫn dằng dặc trôi như một dòng sông, ở hai bờ Thiện - Ác, Trung - Nịnh… cứ đối chọi nhau mãi mãi. Ta phải siêu việt lên trên, coi mọi chuyện rồi đều qua, đều mất hút về phía chân trời!

Chỉ có những giọt nước mắt khóc thương anh, chỉ có những tấm lòng quý anh thiệt tình… là còn mãi, là thực, còn thì phù du.

MAI QUỐC LIÊN