Chuyện bên lề Hội nghị Paris

Ngày 12/7/1995, Việt Nam và Mỹ chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Để đi đến mốc này, hai bên đã phải vượt qua bao trở ngại, trải qua rất nhiều cuộc đàm phán. Nhưng trước đó 1/4 thế kỷ, cuộc đàm phán kết thúc chiến tranh ở Việt Nam mới là căng thẳng nhất, dài nhất.

Phái đoàn Việt Nam trong một buổi đàm phán với phía Mỹ tại Hội nghị Paris.
 

Thông thường, Hội nghị quốc tế là "sân chơi" của các nước lớn. Nhưng dưới sự chỉ đạo dạn dày kinh nghiệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cuộc đàm phán Paris chỉ trong khuôn khổ Việt Nam và Mỹ. Dư luận thế giới lo lắng cho "cuộc chiến" không cân sức giữa ngành ngoại giao non trẻ của Việt Nam với bộ máy ngoại giao khổng lồ của Mỹ. Phía Mỹ lần lượt xuất những “chủ bài” như William Harriman, Henry Kissinger, Cyrus Vance, William Sullivan, Cabot Lodge, Alexander Haig, John Negroponte... Mỹ lôi kéo quân đồng minh vào tham chiến để áp đặt cục diện trên chiến trường và trên bàn đàm phán. Phía Việt Nam kiên định lập trường giải phóng dân tộc, chủ động chiến đấu trên chiến trường và chủ động đàm phán ngoại giao, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.

William Harriman

Khác với các ngành khác, trên mặt trận ngoại giao, các nhà ngoại giao phải trực diện đấu tranh để bảo vệ lợi ích quốc gia. Phía Việt Nam chiến đấu và đàm phán với tinh thần yêu nước. Các nhà ngoại giao Mỹ cuối cùng cũng phải thừa nhận thực tế đó một cách "tâm phục khẩu phục". Sau khi ký tắt Hiệp định Paris, Kissinger thăm Hà Nội, khi trở lại Paris đã nói: "Thủ tướng Phạm Văn Đồng gây ấn tượng sâu sắc khi nói rằng, Việt Nam có nhiều người hơn Mỹ sẵn sàng chết vì Việt Nam. Đó là lòng yêu nước, là sức mạnh vô địch của dân tộc Việt Nam, mà Mỹ hay bất cứ nước nào khác cũng phải kiêng nể".

Những cặp đôi đàm phán

Chủ tịch Hồ Chí Minh cử Bộ trưởng Ngoại giao Xuân Thủy làm Trưởng đoàn, Ủy viên Bộ Chính Trị Lê Đức Thọ làm Cố vấn đặc biệt. Cặp bài trùng này đã bổ sung cho nhau trong suốt 5 năm và liên tiếp giành thắng lợi tại Hội nghị Paris và trong đấu tranh dư luận bên lề Hội nghị. Do đàm phán ngoại giao tùy thuộc tình hình chiến trường, vừa đánh vừa đàm, nên Hội nghị phải kéo dài, chủ yếu thành diễn đàn đấu tranh dư luận.

Nhà ngoại giao Xuân Thủy

Cuộc đàm phán thực chất được gọi là "gặp riêng" giữa VNDCCH và Mỹ được bắt đầu giữa Harriman và Lê Đức Thọ - Xuân Thủy dẫn tới thắng lợi "cú đúp" như Cố vấn Lê Đức Thọ kết luận (Mỹ chấm dứt ném bom miền Bắc và chấp nhận CPCMLT tham gia Hội nghị chính thức). Những cuộc gặp riêng sau đó vẫn tiếp tục tại những địa điểm bí mật để dàn xếp cho Hội nghị chính thức khai mạc và thương lượng về giải pháp hòa bình.

Lê Đức Thọ - Henry Kissinger

Chắc chắn phía Mỹ đã tìm hiểu nhiểu về Lê Đức Thọ. Sau này, trong lúc nghỉ giải lao, Kissinger đã nói phía Mỹ theo dõi trong suốt những năm hoạt động ông Lê Đức Thọ chưa bao giờ tham gia chính phủ nhưng luôn nắm thực quyền. Kissinger cũng biết ông Lê Đức Thọ thường xuyên mất ngủ, sức khỏe hạn chế trong khi các cuộc thương lượng kéo dài thâu đêm. Có lúc Kissinger hỏi ông Thọ: Bộ Chính trị Việt Nam có bỏ phiếu không và dọa sẽ đàm phán với người khác chứ không phải ông Thọ nữa.

Cố vấn Lê Đức Thọ

Nhưng chính đó là lúc phía Mỹ có vấn đề trong nội bộ cho rằng Kissinger đàm phán không thành công (Haig, Negroponte có lập trường khác). Để xoa dịu nội bộ và dư luận, trong một phiên đàm phán, Kissinger đề nghị hai bên ký tắt vào những điều đã thoả thuận để chứng tỏ đàm phán có kết quả như Kissinger đã tuyên bố với báo chí "peace at hand" (hòa bình đã ở trong tầm tay). Bất ngờ cho Kissinger, ông Thọ kiên quyết bác bỏ việc ký tắt như vậy. Cuối cùng Kissinger phải nói: "Ông quả là một đối thủ xứng đáng".

Henry Kissinger - Cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ 1969 - 1975

Bản thân Kissinger cũng rất “gờm” ông Nguyễn Cơ Thạch và thú nhận bản thân rất ngại mỗi khi ông Thạch đẩy tờ giấy góp ý cho ông Thọ trong quá trình đàm phán. Nhiều năm sau, tại New York khi ông Thạch nhận trả lời phỏng vấn trực tiếp trên truyền hình Mỹ, Kissinger gọi điện đề nghị ông Thạch đừng nói gì xấu về ông ta. Ông Thạch giữ lời hứa, chỉ tập trung vào nỗ lực bình thường hóa quan hệ với Mỹ.

Hai nhà ngoại giao bắt tay nhau sau khi ký hiệp định

Cyrus Vance - Hà Văn Lâu

Trong ê-kíp đàm phán đầu tiên có hai Phó đoàn cũng được dư luận đặc biệt chú ý. Phía Mỹ là Cyrus Vance một luật sư luôn chủ trương giải quyết xung đột bằng đàm phán, sau này là Bộ trưởng Ngoại giao (1977-1980). Phía Việt Nam là Đại tá, nhà Ngoại giao Hà Văn Lâu, người nổi tiếng trong thời kỳ đấu tranh đòi thi hành Hiệp định Geneve 1954 về Việt Nam. Hai ông với uy tín của mình đã đóng góp cho không khí đàm phán và đạt được kết quả đầu tiên.

Đại tá Hà Văn Lâu

Sau này khi ông Hà Văn Lâu là đại diện Việt Nam tại Liên hợp quốc, Cyrus Vance thôi chức Ngoại trưởng và tiếp tục hành nghề luật sư đã đến trụ sở phái đoàn Việt Nam thăm lại đồng nghiệp cũ, thúc đẩy bình thường hoá quan hệ, giải toả phần nào giai đoạn đầu của cuộc bao vây cấm vận đối với Việt Nam. Những thiện chí và đóng góp của hai ông trong thời kỳ khó khăn đã tạo đà cho những bước phát triển nhanh chóng sau này.

Cyrus Roberts Vance - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ 1977 - 1980

Sullivan - Nguyễn Cơ Thạch

Đại sứ William Sullivan là nhà ngoại giao sắc sảo, được Harriman tin dùng. Trong một hội nghị, Harriman cố tình vắng mặt để Sullivan đại diện đoàn Mỹ và chứng tỏ tài năng trong đàm phán. Sullivan và ông Nguyễn Cơ Thạch đã từng gặp nhau tại Hội nghị Geneve về Lào. Khi đàm phán ở Paris đi vào thực chất giải pháp, ông Lê Đức Thọ trở lại Paris. Ông Phan Hiền (sau này là Bộ trưởng Tư Pháp) vui vẻ thông báo với mọi người: "Chuyến này có cả Pélé cùng sang" (ý nói Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch lúc đó đặc trách về giải pháp sẽ ghi bàn thắng tại Hội nghị Paris đang bế tắc). Phía Mỹ cũng có Sullivan tham gia đoàn của Kissinger. Trong buổi gặp lại, ông Thạch chủ động tạo không khí hợp tác hai đoàn, đón chào ông Sullivan bằng tiếng Pháp: Vous n'avez pas changé (Ông vẫn phong độ như xưa).

Nguyễn Cơ Thạch - Bộ trưởng Bộ ngoại giao nước CHXHCNVN 1980 - 1991

Sau khi Kissinger - Lê Đức Thọ thoả thuận về những nguyên tắc cơ bản, chính cặp đôi Sullivan - Nguyễn Cơ Thạch đã chịu trách nhiệm thương lượng mọi chi tiết và hoàn thành văn bản Hiệp định, bốn Nghị định thư kèm theo, văn bản Định ước quốc tế cũng như mọi thủ tục ký kết chính thức và Hội nghị quốc tế về Việt Nam. Trong đàm phán, tuy hai bên đều rất quyết liệt nhưng có thiện chí với nhau. Trong một buổi đàm phán gay go kéo dài, Sullivan đang phát biểu thì bị ho sặc sụa, cầm cốc nước lạnh để uống. Ông Thạch ngăn lại và nói: "Ông đừng uống nước lạnh, sẽ bị ho thêm" và gọi người phục vụ Việt Nam lấy một tách trà nóng cho Sullivan. Sự quan tâm rất văn hóa này đã gây ấn tượng cho cả đoàn Mỹ.

Hiệp định đã hoàn tất, thủ tục ký kết cũng được thoả thuận nhưng phía chính quyền Sài Gòn lại gây trở ngại. Sullivan lại phải nỗ lực can thiệp và nói đùa với ông Thạch nếu thất bại thì sẽ phải "hara-kiri" (mổ bụng tự vẫn). Khi Ngoại trưởng Mỹ William Rogers và Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh sang Paris chính thức ký kết Hiệp định, Rogers có Sullivan đi cùng gặp ông Nguyễn Duy Trinh ở hành lang, sau khi bắt tay chào nhau, Rogers nói ngay: "Sullivan nói thích ông Thạch vì ông ấy rất.. cứng (tough)". Một thái độ rất Mỹ, phục đối thủ sau khi đã "so găng" quyết liệt.

William Rogers - Nguyễn Duy Trinh

Hai Ngoại trưởng canh giữ hậu phương trong quá trình đàm phán cùng đến Paris để đặt bút ký kết Hiệp định và Định ước quốc tế. Mọi việc tưởng như an bài, nhưng lại có những rắc rối mới cho đoàn Việt Nam: Trái với lập trường của Việt Nam, nước chủ nhà Pháp đòi xếp Tổng thư ký LHQ ngồi vị trí chủ tọa, đoàn Liên Xô đòi thay đổi chỗ không ngồi cạnh đoàn chính quyền Sài Gòn; đoàn Trung Quốc không muốn phát biểu tại phiên họp buổi sáng... Thật khó xử cho Việt Nam: Một bên là ba nước bạn lớn đã giúp đỡ Việt Nam, một bên là những thoả thuận với Mỹ.

Nguyễn Duy Trinh - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao nước CHXHCNVN 1965 - 1980

Theo chỉ thị của Bộ trưởng Nguyễn Duy Trinh và Thứ trưởng Nguyễn Cơ Thạch, tôi nêu cả ba vấn để với phía Mỹ. Phía Mỹ nhanh chóng nhận trách nhiệm giải quyết vấn đề với Pháp và Liên Xô để giữ nguyên quyết định của Việt Nam và Mỹ. Trong phiên họp buổi chiều, các đoàn đã ngồi vào chỗ chuẩn bị ký thì đoàn Trung Quốc kiên quyết đòi phát biểu để "quất cho ngụy quyền một roi".

William Rogers - Bộ trưởng Bộ ngoại giao Hoa Kỳ 1969 - 1973

Đoàn Việt Nam nhận định sau khi Trung Quốc phát biểu chắc chắn đoàn Sài Gòn cũng lại phát biểu gây không khí căng thẳng cản trở việc ký kết, do vậy đoàn Việt Nam chủ trương các đoàn miền Nam, miền Bắc và Mỹ giữ cam kết không phát biểu thêm. Tôi được chỉ thị sang thông báo bà Nguyễn Thị Bình và Rogers - Sullivan chủ trương của Đoàn. Sau khi bà Bình tán thành, tôi sang bàn của đoàn Mỹ thông báo, Sullivan đồng ý và Rogers còn nhấn mạnh: "Tôi cũng không phát biểu nữa".

Bà Nguyễn Thị Bình ký hiệp định Paris

Hai Ngoại trưởng đã trải qua thử thách đầu tiên và thể hiện sự tin cậy lẫn nhau vì lợi ích chung.

Hiệp định Paris

(Tác giả nguyên là Đại sứ tại 5 nước Bắc Âu, nguyên Vụ trưởng Vụ các tổ chức Tổ chức Quốc tế, Bộ Ngoại giao.)

Theo Thế giới Việt Nam

Phạm Ngạc