KỊCH BẢN (KB) LUÔN MỞ
“Mở” ở cả nghĩa đen và nghĩa bóng của từ này. Kể từ khi lên khung nội dung cho đến khi ghi hình, KB không ngừng được bổ sung những thông tin mới được cập nhật từ báo chí và những sáng tạo của ê-kíp trong quá trình thực hiện. Năm ngoái, KB đưa vào luyện tập khoảng 47 trang, sau phần “xoay xở”, các vị Táo và ê-kíp đã “bồi đắp” nó dày gấp đôi…

“Để có được một câu chuyện dày dặn và nóng hổi những vấn đề xã hội nổi cộm trong năm, chúng tôi đã phải dựa vào các bảng tổng kết, bình chọn các sự kiện nổi bật trong năm từ rất nhiều báo khác. Vì vậy, có thể nói, Táo quân còn là công sức của cả làng báo trong một năm chứ không chỉ của riêng êkip thực hiện chương trình của VTV. Công của chúng tôi chẳng qua là lọc ra những sự kiện nào có thể thổi hài vào đó mà thôi”, đạo diễn Đỗ Thanh Hải chia sẻ với báo chí.
Trên sàn tập, các thư ký luôn mở máy tính để sẵn sàng ghi lại những thay đổi, bổ sung, nhiều khi là những lời thoại ứng tác tức thời mà nếu không ghi ngay là… mất. Nhiều ý đẹp, lời hay đến lúc diễn với nhau mới bật ra nên kiểu “sáng tác đầu bờ” này không xa lạ với ê-kíp GNCN, cũng là những người “chinh chiến” suốt 7 năm Gặp nhau cuối tuần.
Những gương mặt từng tham gia viết KB GNCN có thể kể đến nhà biên kịch: Đỗ Trí Hùng, Tiến Dũng, Đình Lộc, Phạm Thu Hiền; đạo diễn Đỗ Thanh Hải, Thế Anh… và một số gương mặt trẻ, trong đó có những hạt nhân văn nghệ chủ chốt của Tập đoàn FPT. KB GNCN kết tinh sáng tạo của tập thể, bởi có những người đảm trách từng phần việc: người làm thơ cho các Táo, người viết lời thoại, có người được phân công “phụ trách” riêng từng Táo… Lúc ra sàn tập, các tình huống được ráp nối, trên cơ sở đó mới “đo đếm” hiệu quả để nâng cao, bổ sung hay chỉnh sửa… sao cho chính những người thực hiện thấy tâm đắc nhất và… cười nhiều nhất.
THÊM, BỚT TÁO VÀ CÁC TÁO ĐỀU HẾT MÌNH
Ngoài Nam Tào, Bắc Đẩu và Ngọc Hoàng do các nghệ sĩ Xuân Bắc, Công Lý và Quốc Khánh đảm nhiệm suốt nhiều năm nay thì căn cứ vào tình hình mỗi năm mà “cơ cấu” Táo một khác. Mỗi năm xuất hiện thêm một vài Táo mới và dĩ nhiên, một số Táo cũ… biến mất. Chẳng hạn, năm 2007, có Táo Blog, Táo Cơ Chế… Năm 2008, có Táo Báo Chí… Năm 2009, có Táo Thoát Nước, Táo Điện Lực, Táo Dự Báo…
Để các Táo sống động thì ngoài phần KB, diễn viên đảm nhiệm đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Không những sau Tết mà mấy ngày Tết, những Táo nào diễn xuất ấn tượng lập tức có những câu thoại được khán giả nhắc nhớ, bàn luận… Cả những màn hát múa là sở đoản của các Táo cũng được đem ra “mổ xẻ”… Đạo diễn Đỗ Thanh Hải - người quyết định phân vai cho các Táo, ngay từ khi xây dựng KB, đã cùng các đồng nghiệp “ướm” theo sở trường của từng diễn viên để có thể phát huy nhiều nhất thế mạnh của họ.
Thêm, bớt Táo không những đáp ứng sự thay đổi về nội dung mỗi năm mà còn giúp chương trình mới mẻ và hấp dẫn hơn. Năm nay là năm thứ 6 thực hiện GNCN, những cải tiến, đổi mới về sân khấu và các thủ pháp dàn dựng sân khấu cũng là yêu cầu đặt ra để GNCN ngày càng hấp dẫn hơn.
Tinh thần làm việc hăng say, hết mình của cả ê-kíp, đặc biệt là các diễn viên dành cho chương trình cũng góp phần không nhỏ làm nên thành công cho chương trình. Ai đã có dịp vào hậu trường sân khấu ghi hình những chương trình GNCN sẽ ngạc nhiên khi bắt gặp NSƯT Chí Trung đã hoá trang vẫn ra hành lang, ngồi bệt ở góc sàn nhẩm thoại, dù năm đó cảnh diễn của anh rất ngắn… Xuân Bắc đến sát lúc ghi hình vẫn lăm lăm cuộn KB trên tay, đi đi lại lại dọc hành lang và… lẩm nhẩm.
Đặc biệt, màn trổ tài thi năng khiếu của các Táo trong chương trình năm ngoái, dù khá ngắn ngủi nhưng các nghệ sĩ đã đổ vào đấy nhiều tâm huyết. Nhiều người không tin NSƯT Minh Hằng lại có giọng hát xẩm mùi mẫn đến vậy mà không biết rằng chị đã nhiều đêm ngồi ở góc sân khấu hát xẩm một mình, sau khi đã được cố vấn nghệ thuật “truyền nghề”…
NHIỀU NƠI “TRÔNG VÀO”
Đã nghe không ít lời xôn xao, trước lúc VTV thực hiện chương trình GNCN thường có những cuộc điện thoại đến lãnh đạo “nhà đài” yêu cầu hay đề nghị không đem chuyện này, việc kia ra mổ xẻ vào đêm 30 Tết. Lý do thì nhiều, dù có khi vấn đề đó bị báo chí nói nát nước rồi nhưng vẫn không muốn đưa lên tivi. Điều này phần nào cho thấy, ngoài sự ảnh hưởng rộng lớn của sóng truyền hình thì sức mạnh của tiếng cười châm biếm có thể làm… lung lay những người “cứng cổ” nhất.
Ví dụ, năm ngoái, chuyện mở rộng Hà Nội ồn ã trên mặt báo một thời gian dài nhưng GNCN không hề đề cập đến. Nghe đâu cũng không phải ngẫu nhiên mà GNCN bỏ qua chuyện này. Mặc dù vậy, đạo diễn Đỗ Thanh Hải vẫn quả quyết: “Đụng chạm đến vấn đề nhạy cảm, chúng tôi phải cân nhắc kỹ nhưng không né tránh hoặc e sợ…”.
Một trong những “cái được” của chương trình Táo quân là “chọc thẳng, xuyên thủng” hầu như tất cả các vấn đề ở mọi cấp, mọi nơi. Tuy nhiên, đạo diễn Đỗ Thanh Hải, phụ trách chương trình cho biết: “Chúng tôi không có ý định đưa tất cả các vấn đề nổi cộm vào Táo quân. Tính chất của chương trình là trào lộng, châm biếm nên vấn đề nào có thể nhấn nhá với ngôn ngữ hài hước và trên tinh thần xây dựng thì mới làm”. Không quá đi sâu vào những vấn đề to tát, nội dung của Táo quân năm nay xoay quanh những nỗi niềm trong đời sống thường ngày của người dân.

Cũng giống như một số phim truyền hình có những nhân vật bị cho là ám chỉ ai đó dẫn đến những phản ứng tiêu cực, có người gắn cho các nhân vật trong màn Táo với ông này, bà kia ngoài đời… nên nhiều khi cũng “làm khó” cho chương trình.
KHÔNG QUAY BỔ SUNG HAY QUAY LẠI BẤT KỲ CẢNH NÀO
GNCN là chương trình thu trực tiếp tại sân khấu kết hợp với các phóng sự thực hiện ngoài trời. Vì muốn đảm bảo không khí sân khấu và cảm xúc của diễn viên nên những người thực hiện kiên quyết không quay bổ sung hay quay lại bất kỳ cảnh nào. Đôi khi, do tác động của khán giả xem trực tiếp nên diễn viên hưng phấn mà nói quá lên một vài từ ngữ hay sáng tạo thêm những câu thoại không phù hợp, đều bị cắt bỏ. Lỗi phổ biến là diễn viên bỏ qua cả 3- 4 câu thoại để nhảy cóc đến câu tiếp theo, vì vậy, nếu thấy không hiệu quả thì câu thoại này cũng bị xén bớt.
Tuy không quay bổ sung hay quay lại nhưng thời lượng ghi hình 3,5 giờ tại trường quay dồn lại trong 2 giờ phát sóng như chương trình năm ngoái khiến những người làm chương trình phải chật vật chọn những hình ảnh, chi tiết đắt giá và dũng cảm cắt bỏ những phần không cần thiết, cả những câu thoại, chi tiết dễ gây hiểu nhầm…
GNCN là chương trình có “thương hiệu”, có những năm để lại dư âm cả sau Tết nên những người thực hiện chuẩn bị kỹ càng và đầu tư “ra tấm ra món”. Đây cũng là năm đầu tiên đạo diễn Đỗ Thanh Hải thực hiện chương trình này trên cương vị Giám đốc Trung tâm Sản xuất phim truyền hình - Đài Truyền hình Việt Nam, nên anh càng dồn tâm sức cho chương trình. “GNCN trở thành “món ăn” cần thiết trong đêm 30 Tết nên nếu làm không khéo thì chỉ thấy những cái không tốt mà quên đi những thành công hay những nỗ lực cần ghi nhận”, đạo diễn Đỗ Thanh Hải nhấn mạnh.