Chuyện cũ nhưng vẫn mới

Biết rồi, khổ lắm, nói mãi” là một câu nói mà nhân vật cố Hồng trong tiểu thuyết Số đỏ của nhà văn Vũ Trọng Phụng cứ nhắc đi nhắc lại. Câu nói này đã trở thành câu cửa miệng khi người ta nghe thấy một vấn đề rắc rối, phức tạp nào đó nhưng nói mãi vẫn không được giải quyết, gây nên bực mình cho người nghe.

Xã hội ta hiện nay cũng có một hiện tượng như thế. Những tình trạng như quan liêu, tham nhũng, đầu tư dàn trải, thất thoát lãng phí, ma túy mại dâm, mua bằng bán chức, dạy thêm học thêm, cơ hội, lừa đảo, lâm tặc, buôn lậu, tai nạn và ùn tắc giao thông… xảy ra ngày càng nhiều, càng phức tạp. Không biết đã có bao nhiêu báo cáo, tham luận, nghị quyết, tốn bao nhiêu giấy mực với những lời lẽ bức xúc có, kiên quyết có, nhẹ nhàng có, giận dữ có… trong các cuộc hội nghị của Ban chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ cho đến các cuộc họp của các ngành, các đoàn thể, các địa phương về những vấn đề này. Và cũng không ít các cuộc hội thảo, tọa đàm, có những cuộc mời cả khách quốc tế đến dự để tìm nguyên nhân và giải pháp nhằm hạn chế, khắc phục các hiện tượng trên. Còn báo, đài thì hằng ngày, hằng tuần đều đưa tin, bình luận nêu ý kiến về những tiêu cực xảy ra ở nơi này, nơi kia..

Vấn đề đáng lo là nói thì cứ nói nhưng tình hình cứ ngày càng nghiêm trọng hơn, chứ không giảm đi. Cho nên bây giờ nhiều người cứ nghe ai đề cập đến những tiêu cực đó thì lại chép miệng và buông một câu như cụ cố Hồng:“Biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Và những tệ nạn cứ tiếp diễn như là các căn bệnh đã kháng thuốc, hoặc do thuốc trị bệnh chưa đủ liều lượng để chữa trị các căn bệnh mãn tính độc hại này. Về chống tham nhũng, ngay trong kỳ họp đầu tiên của nhiệm kỳ Quốc hội khoá IX (tháng 9/1992) khi phát biểu nhậm chức, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã gọi đích danh tham nhũng là giặc nội xâm và coi việc chống tham nhũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Chính phủ. Cũng đã có không ít những từ ngữ đầy hình tượng để nói lên cái tác hại của tệ tham nhũng trong thời gian đó như là “quốc nạn, nội xâm, nguy cơ, thách thức...”. Ngày ấy, có ý kiến cho tham nhũng ở nước ta cứ như là ghẻ ruồi, nghĩa là ở đâu cũng có nhưng chưa có những vụ tham nhũng lớn cỡ ung nhọt. Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa X đã ban hành Pháp lệnh về phòng chống tham nhũng; đến Quốc hội khóa XI đã nâng Pháp lệnh lên thành Luật Phòng chống tham nhũng, thành lập các Ban chống tham nhũng từ trung ương đến địa phương. Nhưng rồi qua thời gian không phải tham nhũng chỉ như ghẻ ruồi mà đã xuất hiện những vụ tham nhũng “động trời” như vụ Năm Cam, Lã Thị Kim Oanh, Thủy cung Thăng Long, PMU 18 và gần đây nhất là vụ Vinashin.

Còn chuyện đầu tư dàn trải, thất thoát trong xây dựng cơ bản cũng đã được nói đến, nhắc đến không biết bao nhiêu năm rồi. Nhớ lại từ kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa IX, trong Báo cáo trình trước Quốc hội, Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh:“Khắc phục tình trạng thiếu đồng bộ giữa quy hoạnh phát triển của các ngành, các vùng và các tỉnh, thành phố, các đô thị, dẫn đến sự trùng dẫm và đầu tư không hợp lý, gây lãng phí lớn cả về xây dựng kết cấu hạ tầng và phát triển các ngành sản xuất, làm hạn chế việc khai thác tiềm năng, lợi thế của các vùng trong nước”. Thế nhưng rồi thất thoát cứ thất thoát, càng đầu tư càng bị thất thoát, đục khoét bằng trăm phương nghìn kế đến nỗi có đại biểu Quốc hội đã phản ánh ý kiến của cử tri một cách chua xót: Nhà nước là chùm khế ngọt; A, B trèo hái suốt ngày.

Hay như nạn lâm tặc. Lâm tặc không phải là hiện tượng mới mà đã xảy ra từ lâu ở nhiều nơi, nhiều lúc, gây nhức nhối trong nhân dân vì rừng không những bị chúng tàn phá mà chúng còn ngang nhiên chống người thi hành công vụ đến mức bao vây cả lực lượng kiểm lâm, cướp gỗ, đốt xe... được báo, đài phản ánh liên tục. Lâm tặc là giặc rừng, mà đã là giặc thì phải trừng trị, chứ sao lại nhu nhược được. Ta đã có một nhà nước mạnh, có các lực lượng Kiểm lâm, Công an, Quân đội nhưng cứ để lâm tặc hoành hành là vì sao? Ngày còn đương chức, Thủ tướng Phan Văn Khải đã chỉ đạo: “Bên cạnh lực lượng Kiểm lâm cần phối hợp thêm Công an, Quân đội để ngăn chặn lâm tặc…”. Nhưng rồi, quy chế phối hợp các lực lượng này như thếnào, trách nhiệm cụ thể ra sao vẫn chưa thật chặt chẽ và nạn phá rừng một cách ngang nhiên vẫn xảy ra thường xuyên, trắng trợn, bọn lâm tặc vẫn uy hiếp, chống trả lại lực lượng kiểm lâm bằng bạo lực.
Vì sao có tình trạng trên? Nhiều nguyên nhân được nêu ra: nào là do luật pháp của ta còn nhiều kẽ hở, lại thay đổi luôn nên chưa tạo được một hành lang pháp lý; nào là do nhiều văn bản pháp luật không đến được với dân, dân ta hiểu biết về pháp luật còn quá yếu; nào là do kỷ cương phép nước không nghiêm, trên nói dưới không nghe, bộ máy hành chính từ trên xuống dưới ai cũng có quyền “hành dân”; nào là do cán bộ hư hỏng, tha hóa, biến chất, tham nhũng, nhận hối lộ dưới mọi hình thức; nào là bộ máy quá cồng kềnh nhưng không ai chịu trách nhiệm v.v.và v.v…

Trên diễn đàn Quốc hội các nhiệm kỳ, ngay cả kỳ họp cuối năm của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, các đại biểu cũng đã nêu lên nhiều ý kiến khá gay gắt, nhưng vẫn là những vấn đề đã được nói đi nói lại nhiều lần, vẫn là những chuyện cũ nhưng vẫn mới. Chưa biết là sau kỳ họp vừa qua của Quốc hội, tình hình có chuyển biến hay không, cử tri vẫn còn phải chờ xem.

Phân tích kỹ thì nguyên nhân chủ yếu vẫn là việc tổ chức chỉ đạo thực hiện còn thiếu kiên quyết, chặt chẽ, có tình trạng đánh trống bỏ dùi, đánh bùn sang ao. Ban đầu phát động thì có vẻ rầm rộ, nhưng chỉ vài tháng sau thì đâu lại vào đấy. Việc thanh tra, kiểm tra, giám sát không thường xuyên, khi báo chí lên tiếng mới vào cuộc, đến lúc đó thì vụ việc đã quá lớn, thất thoát hàng trăm, hàng nghìn tỉ đồng rồi. Xảy ra tình trạng trên nói dưới không nghe, phải chăng vì trên cũng không nghiêm, giơ cao đánh khẽ, nương nhẹ cho nhau. Việc giáo dục đạo đức, phẩm chất cho cán bộ, đảng viên vẫn còn hình thức, chưa tạo được một đội ngũ cán bộ, công chức thực sự vì dân. Ngay trong những ngành được coi là trong sáng, mẫu mực, công minh chính trực như Giáo dục, Y tế, Kiểm sát, Tòa án cũng đã xảy ra những vụ việc, những hiện tượng tiêu cực rất đáng phẫn nộ. Mặt khác, chủ nghĩa cá nhân được “hỗ trợ” bởi mặt trái của cơ chế thị trường đã làm tha hóa, biến chất không ít cán bộ, đảng viên.

Điều rất đáng quan tâm hiện nay là tệ vô cảm đã xuất hiện ngày càng nhiều trong bộ máy công quyền. Đây cũng là một dạng quan liêu, vô trách nhiệm, cảm tình, nể nang. Bệnh vô cảm hiện nay đang lan ra ở một bộ phận không nhỏ trong nhân dân, kể cả nhiều người có lương tri vì họ cho là có đấu tranh, góp ý thì đâu cũng lại vào đấy, có khi còn bị gây khó khăn cho việc làm ăn, sinh hoạt. Vì thế, thôi thì cứ chép miệng: “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi”!

Chúng ta chưa đến nỗi thiếu luật pháp, thiếu nghị quyết. Nhưng cái thiếu chủ yếu vẫn là việc tổ chức chỉ đạo thực hiện, kiểm tra giám sát, nói không đi đôi với làm. Trong một kỳ họp ở nhiệm kỳ Quốc hội khóa XI, đã có đại biểu phát biểu rất thẳng thắn là: “Chúng ta đã có nhiều nghị quyết, nào là nghị quyết 01,02,03… đủ cả, nhưng có một nghị quyết rất đáng quan tâm, đó là nghị quyết nói mà không làm”. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đến nguy cơ ngày càng mất lòng tin của nhân dân. Và đó là điều không thể coi thường.

MAI THÚC LÂN