Chuyện hai vua Thái Tông

HUYỀN VIÊM

Trung Hoa và Việt Nam cùng có vua Thái Tông. Nhà Đường có vua Đường Thái Tông húy là Lý Thế Dân, niên hiệu Trinh Quán, là vua thứ hai của nhà Đường. Việt Nam có vua Trần Thái Tông húy là Trần Cảnh, niên hiệu Nguyên Phong, là vua đầu tiên của nhà Trần. Miếu hiệu tuy giống nhau nhưng đức độ lại khác nhau.

ĐƯỜNG THÁI TÔNG (627-650)

Vua Đường Cao Tổ (Lý Uyên) có ba con trai, con trưởng là Lý Kiến Thành, kế đến là Lý Thế Dân và Lý Nguyên Cát.

Sau khi dứt được nhà Tùy, Lý Uyên lên ngôi tức là Đường Cao Tổ (618-627), phong cho con trưởng là Lý Kiến Thành làm Thái tử, con thứ là Lý Thế Dân làm Tần Vương và Lý Nguyên Cát làm Tề Vương.

Trong ba người con thì Lý Thế Dân có công hơn cả, giỏi võ nghệ, có tài thao lược và theo cha đánh thắng nhiều trận lớn. Việc khởi binh chiếm Thái Nguyên phủ rồi Trường An để lập căn cứ đều do ông đề xuất. Trong những cuộc chiến sau đó, ông lập được nhiều chiến công hiển hách. Nguyên Cát cũng khá, chỉ có Kiến Thành là kém nhất.


Vua Đường Thái Tông (Trung Quốc).

Lý Thế Dân là viên tướng biết trọng dụng nhân tài. Dưới trướng ông, bên văn có mười tám học sĩ tên tuổi như Phòng Huyền Linh, Đỗ Như Hối, Ngụy Trưng… bên võ có các dũng tướng danh tiếng vang lừng như Uất Trì Kính Đức, Tần Thúc Bảo, Trình Giảo Kim… Thái tử Kiến Thành biết mình kém thế, e rằng cái ngôi Thái tử không vững nên hợp cùng Nguyên Cát để loại trừ Lý Thế Dân.

Có lần Kiến Thành mời Thế Dân đến Đông cung uống rượu. Bị trúng độc, Thế Dân đau bụng dữ dội, thủ hạ phải vực về cung, ông bị thổ huyết, thuốc thang mãi mới khỏi. Ông biết bị anh mình đầu độc nhưng không phản ứng gì. Kiến Thành còn dùng một xe vàng bạc mua chuộc Uất Trì Kính Đức nhưng thất bại.

Nhân lúc rợ Đột Quyết xâm phạm Trung Nguyên, Kiến Thành tâu vua cha cử Nguyên Cát đem binh đi chinh phạt thay cho Lý Thế Dân. Đường Cao Tổ chuẩn tấu. Sau khi được phong làm chủ soái, Lý Nguyên Cát xin ba viên đại tướng của Thế Dân là Uất Trì Kính Đức, Tần Thúc Bảo và Trình Giảo Kim cùng binh lính dưới quyền họ sáp nhập vào đạo quân của mình, cốt để lực lượng của Thế Dân suy yếu.

Biết được âm mưu đó, Thế Dân lập tức cho mời người con cậu là Trưởng Tôn Vô Kỵ và Uất Trì Kính Đức đến bàn bạc. Hai người khuyên Thế Dân nên ra tay trước, nếu không thì chết cả nút. Thế Dân ban đầu còn do dự vì ngại anh em tàn sát lẫn nhau, nhưng trước quyết tâm của hai người, cuối cùng ông cũng phải nghe theo.

Ngay đêm đó, Thế Dân vào cung tâu với vua cha về việc Kiến Thành và Nguyên Cát âm mưu hại mình. Đường Cao Tổ truyền cho ba con sáng hôm sau phải vào cung để ông xét hỏi.

Sáng sớm hôm sau, Thế Dân sai Trưởng Tôn Vô Kỵ và Uất Trì Kính Đức dẫn một toán tinh binh mai phục tại cửa Huyền Vũ phía bắc hoàng cung. Lát sau, Kiến Thành và Nguyên Cát cưỡi ngựa tới, thấy tình hình có vẻ khác thường liền quay ngựa bỏ chạy. Lý Thế Dân phóng ngựa ra kêu to: - “Điện hạ đừng đi”. Nguyên Cát quay lại định bắn chết Thế Dân, nhưng vì run quá không giương cung lên được. Thế Dân nhanh tay bắn một phát giết chết Kiến Thành trên lưng ngựa. Ngay lúc đó, Uất Trì Kính Đức dẫn kỵ binh xông ra bắn chết Nguyên Cát.

Vua Cao Tổ đang chờ ba con đến thì Uất Trì Kính Đức hộc tốc chạy vào báo tin: “Thái tử và Tề Vương nổi loạn, Tần Vương đã giết chúng rồi”, vua Cao Tổ đau xót, ngồi lặng đi không nói nên lời (1).


Thế Dân bắn chết Kiến Thành trước cửa Huyền Vũ

Sau đó, Thế Dân được phong làm Thái tử và được vua cha nhường ngôi. Năm 627, ông lên ngôi, niên hiệu Trinh Quán, tức là vua Đường Thái Tông. Vẫn biết Thế Dân ở vào cái thế chẳng đặng đừng, nhưng việc ông giết cả anh và em ruột của mình để tranh ngôi Thái tử cũng bị người đương thời và đời sau phê phán.

TRẦN THÁI TÔNG (1225-1258)

Trần Thái Tông huý là Trần Cảnh, lên ngôi năm 1225 do vợ là Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi. Ông lấy niên hiệu Kiến Trung, Thiên Ứng Chính Bình rồi Nguyên Phong (1251-1258). Lúc lên ngôi ông mới 8 tuổi, mọi việc trong triều đều do một tay Trần Thủ Độ quyết đoán.

Khi Chiêu Hoàng mới lên ngôi, Thái hậu là Trần thị cùng với người anh họ là Trần Thủ Độ nắm chính trị bên trong, bên ngoài, chọn con em các quan viên đưa vào cung chầu hầu hoàng đế. Thủ Độ lại đưa cháu mình là Trần Cảnh vào hầu Chiêu Hoàng. Chiêu Hoàng rất yêu thích Trần Cảnh, mỗi khi buồn thì cho gọi Trần Cảnh vào chơi, khi thì trêu chọc, khi thì tặng Cảnh chiếc khăn trầu, tình cảm giữa hai người ngày càng thêm đằm thắm. Từ đó họ cùng ở với nhau như vợ chồng.

Thủ Độ sợ việc tiết lộ mới đem gia thuộc thân thích vào trong cung cấm, sai đóng cửa thành và các cửa cung, cắt người coi giữ, các quan không được vào chầu.

Một hôm Thủ Độ loan báo với các quan rằng: “Bệ hạ đã có chồng rồi”, các quan xin vào lạy mừng. Ngày 11, tháng 12, Chiêu Hoàng đặt hội lớn ở điện Thiên An, ngự trên bảo sàng, các quan vào chầu lạy ở dưới sân. Chiêu Hoàng trút bỏ ngự bào, mời Trần Cảnh lên ngôi hoàng đế tức là vua Trần Thái Tông, đổi niên hiệu là Kiến Trung năm thứ nhất (1225).

Lý Chiêu Hoàng trở thành Chiêu Thánh Hoàng hậu. Bà lấy vua Thái Tông đã 12 năm mà không có con, tuy mới 19 tuổi. Trần Thủ Độ rất lo không có người kế vị, bèn bắt vua Thái Tông phải bỏ bà, giáng xuống làm Chiêu Thánh công chúa, rồi bắt chị bà là vợ của Hoài vương Trần Liễu (anh Trần Cảnh) đem vào cung phong làm Thuận Thiên Hoàng hậu vì bà này đang có thai ba tháng (bắt vua lấy chị dâu) sau sinh ra Quốc Khang (2).

Trần Liễu rất phẫn nộ vì mất vợ, họp quân ngoài sông lớn làm loạn. Vua Thái Tông lòng cũng không yên, đêm trốn ra khỏi thành đến ở nhà Kinh Vân quốc sư (quốc sư là bạn cũ của Thái Tông) trên núi Yên Tử.

Hôm sau Thủ Độ đem các quan đến đón vua về. Vua nói : “Trẫm còn ít tuổi, không kham nổi việc lớn, Thượng hoàng (Trần Thừa) đã vội lìa bỏ, sớm mất chỗ nhờ cậy, không dám ở ngôi vua để làm nhục xã tắc”. Thủ Độ cố nài xin, vua vẫn không nghe. Thủ Độ bèn bảo các quan rằng: “Vua ở đâu thì triều đình ở đó”. Bèn cắm nêu trong núi, bắt chước các tên như điện Thiên An, các Đoan Minh… sai thợ xây dựng. Quốc sư nghe thấy vội xin vua rằng: “Bệ hạ nên gấp trở về, đừng để làm nát núi rừng của đệ tử”, vua mới chịu về cung (Theo Đại Việt sử ký tiền biên) (3).


Chùa Hoa Yên trên núi Yên Tử.

Được hai tuần, Trần Liễu biết mình thế cô, sức không địch nổi Thủ Độ nên nhân khi vua Thái Tông ngự thuyền vãn cảnh trên sông, ông mới ngầm đi thuyền độc mộc, giả làm người đánh cá, lẻn đến thuyền ngự tạ tội. Hai anh em ôm nhau mà khóc. Thủ Độ nghe thấy, đến thẳng thuyền vua, rút gươm thét lớn “Giết thằng giặc Liễu”. Vua vội vàng giấu Liễu trong thuyền rồi bảo Thủ Độ rằng: “Phụng Càn vương (Phụng Càn là hiệu của Liễu thời Lý) đến hàng rồi đấy”, đoạn lấy thân mình che cho Liễu nên Thủ Độ không chém được.

Thủ Độ giận lắm, quăng gươm xuống sông nói: “Thủ Độ này chỉ là con chó săn cho các người thôi. Thế này thì còn hiểu thế nào là lẽ thuận nghịch!”. Vua hòa giải rồi bảo Thủ Độ mang quân về. Thủ Độ sai giết hết những binh lính theo Trần Liễu làm loạn.

Vua Thái Tông biết nếu để Trần Liễu ở kinh đô thì khó toàn tính mạng với Thủ Độ nên cắt đất Yên Phụ, Yên Dưỡng, Yên Sinh, Yên Hưng và Yên Bang (thuộc tỉnh Hải Dương) cấp cho Trần Liễu làm thái ấp và phong làm An Sinh Vương.

THƠ VỀ HAI VUA THÁI TÔNG

Do việc vua Đường Thái Tông của Trung Hoa giết anh là Kiến Thành để đoạt ngôi Thái tử, còn vua Trần Thái Tông của Đại Việt không ngại nguy hiểm, lấy thân mình để che đỡ cho anh là Trần Liễu khỏi bị Thủ Độ giết nên hậu duệ của vua Trần Thái Tông là vua Trần Dụ Tông (1341-1369) làm thơ ca ngợi cái đức của tiên vương mình:

Phiên âm:

Đường Thái Tông dữ bản triều Thái Tông
Đường, Việt khai cơ lưỡng Thái Tông,
Bỉ xưng Trinh Quán, ngã Nguyên Phong.
Kiến Thành tru tử, An Sinh tại,
Miếu hiệu tuy đồng, đức bất đồng.

Dịch nghĩa:

Vua Thái Tông nhà Đường với vua Thái Tông triều ta
Đường và Việt đều có vua mở mang cơ nghiệp thụy là Thái Tông,
Bên họ xưng là Trinh Quán, bên ta xưng là Nguyên Phong.
Kiến Thành bị giết chết, An Sinh thì được sống,
Miếu hiệu tuy giống nhau nhưng đức độ lại khác nhau.

Đào Phương Bình dịch thơ:

Sáng nghiệp Việt, Đường hai Thái Tông,
Đường xưng: Trinh Quán, Việt: Nguyên Phong.
Kiến Thành bị giết, An Sinh sống,
Miếu hiệu tuy đồng, đức chẳng đồng.


(1)

Sách Đại Việt sử ký toàn thư (NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1985) cho rằng: Biến cố ở cửa Huyền Vũ (Thế Dân giết Kiến Thành và Nguyên Cát) xảy ra sau khi Đường Cao Tổ chết (tập II, trang 40, trong phần chú thích) nhưng theo bộ Lịch sử Trung Quốc 5000 năm của Lâm Hán Đạt và Tào Dư Chương (Trung Quốc) thì việc ấy xảy ra khi Đường Cao Tổ còn sống (NXB Văn Hóa Thông Tin, Hà Nội, tập II trang 309).

Cuốn Sử Trung Quốc của Nguyễn Hiến Lê (NXB Văn Hóa Thông Tin, Hà Nội, 1997) cũng viết như bộ Lịch sử Trung Quốc 5000 năm (tập II trang 294).

(2)

Quốc Khang là con của Trần Liễu và Thuận Thiên công chúa. Khoảng năm 1267 (Thiệu Long thứ 10) vào mùa đông, vua (Thánh Tông – Trần Hoảng) vào chầu Thượng hoàng. Vua cùng với anh là Quốc Khang đùa nhau trước mặt Thượng hoàng. Quốc Khang múa kiểu người Hồ, Thượng hoàng cởi áo bông đang mặc ban cho Quốc Khang. Vua cũng múa kiểu người Hồ để xin áo. Quốc Khang nói: “Cái quí nhất là ngôi hoàng đế, thần không dám tranh với chú hai. Nay đức chí tôn cho thần vật nhỏ này mà chú hai lại muốn cướp lấy chăng? Thượng hoàng cả cười nói: “Mày coi ngôi vua với chiếc áo thường này không hơn kém nhau sao?” rồi cho Quốc Khang cái áo ấy. Họ thoả chí vui đùa rồi về (theo Đại Việt sử ký tiền biên).

(3)

Theo Ngoại truyện: Giờ Tý, ngày rằm, tháng tư năm Bính Thân, Thái Tông cùng bảy cận thần bơi qua sông Bàn Than đến chùa Hoa Yên trên núi Yên Tử gặp Trúc Lâm thiền sư muốn xin được trụ trì ở đó. Không bao lâu, Thủ Độ cùng quần thần đến đón vua về.

Vua hỏi thiền sư, thiền sư tâu rằng: “Kể ra người làm vua phải lấy lòng dân làm lòng mình, ý muốn của dân làm ý muốn của mình. Nay dân tình như thế, xin xe vua hãy tạm trở về, những việc kê cứu về nội điển thì nên chớ quên tu tâm luyện tính. Sau này hoàng tử khôn lớn, có thể nhường được ngôi thì lúc đó hãy vào núi tu luyện cũng được”. Vua cho lời nói đó là phải mới trở về kinh.

Sau này, khi nhường ngôi cho Thánh Tông, vua mới hơn 40 tuổi đã có ý chán trần tục, muốn tu luyện, cho nên các vua triều Trần đều noi theo việc cũ. Có lẽ đó là hiểu được cái bí quyết của Trúc Lâm. Nhà Trần sùng Phật, trọng tăng cũng bắt đầu từ đó (theo Đại Việt sử ký tiền biên).