Chuyện đời ấm lạnh buồn vui (trích đăng - kỳ 1)

Vào chiều ngày 2 tháng 6 năm 1986, trên chuyến công tác ở các huyện miền núi về, tôi định về nhà thì mấy anh em cùng đi bảo: “Tối nay có trận đá bóng tranh giải vô địch thế giới hay lắm. Ở cơ quan đã có ti vi màu, anh về cơ quan mà xem rồi sau về nhà cũng được”. Vốn mê đá bóng, mặt khác ở nhà chỉ có cái ti vi Neptuyn đen trắng nên tôi về luôn cơ quan để xem. Tối hôm đó, đang cùng anh em trong cơ quan say sưa xem đá bóng thì Sông ở ngoài chạy đến bên tôi nói nhỏ:

- Chị Khanh vừa gọi điện bảo là ở sau nhà có tiếng nổ như là lựu đạn, anh về xem thử có chuyện gì không?

Đang mải mê theo dõi trận đấu vào lúc căng thẳng, tôi bảo với Sông:

- Chắc là trẻ con khu phố chúng nó nghịch pháo đùng. Thôi cứ xem hết rồi hãy về.

Khi tôi về đã hơn mười giờ đêm. Nhà vẫn còn đông nghịt người, có cả các đồng chí công an thị xã và công an tỉnh, các đồng chí ở Viện Kiểm sát tỉnh, các anh chị ở tổ khu phố. Thì ra lúc gần 9 giờ tối, có kẻ xấu đã ném một quả lựu đạn vào nhà tôi. Quả lựu đạn rơi vào sân giếng nổ tung làm vỡ tan một số chum vại, bát đĩa, nền và thành giếng. Mảnh lựu đạn còn găm vào cửa bếp và tường nhà phía sau. May mà lúc đó nhà tôi vừa tắm xong, đang vào nhà thay quần áo thì lựu đạn nổ; nếu như mọi hôm còn ở lại quét sân giếng thì gay to rồi. Các đồng chí công an đang quan sát hiện trường, trao đổi, phân tích là kẻ xấu ném lựu đạn từ phía sau hay phía trước nhà, sức công phá của quả lựu đạn là khá mạnh, có thể gây thương vong lớn nếu có người. Sau khi lập biên bản, các đồng chí có hỏi tôi là: “Bác cố nhớ và nghĩ xem có ai thù oán cá nhân với bác không? Chắc phải có nguyên nhân thù oán gì đây thì chúng mới ném lựu đạn vào nhà Chủ tịch tỉnh”.

Đêm đó, bà ngoại các cháu, tôi, nhà tôi, hai cháu Thu Vân, Thu Thủy hầu như thức trắng. Tôi băn khoăn, cố nhớ lại là trong quá trình công tác, mình có gây thù chuốc oán với ai không để đến nỗi có người ném lựu đạn vào nhà. Nhưng suy nghĩ mãi cũng không thấy thù oán với ai, còn trong công việc thì cũng có lúc phê bình người này, người kia, nhất là đấu tranh với những hiện tượng tiêu cực, tham nhũng lãng phí trong cán bộ, đảng viên, nhưng làm gì đến nỗi họ phải ném lựu đạn vào nhà.

Vụ “Ném lựu đạn vào nhà Chủ tịch tỉnh Hà Bắc” đã gây xôn xao dư luận trong và ngoài tỉnh. Bộ Nội vụ đã cử anh Trần Quyết là Thứ trưởng lên chỉ đạo điều tra vụ án. Và chỉ đến cuối năm năm đó, với sự tích cực của các chiến sĩ công an và sự cộng tác đắc lực của quần chúng, vụ án đã được làm sáng tỏ; tình tiết, sự việc đã được đưa ra ánh sáng. Diễn biến vụ án như sau:

Đầu năm 1986, tôi nhận được nhiều đơn thư tố cáo Nguyễn Văn Điểm là Giám đốc Công ty Ngoại thương của huyện Lạng Giang (hồi đó huyện còn có các công ty nhà nước trực thuộc quản lý của Ủy ban nhân dân huyện) tham ô, móc ngoặc và có nhiều hành động đồi trụy như cưỡng dâm nhiều nữ nhân viên của công ty. Tôi giao cho thanh tra tỉnh tổ chức đoàn về thanh tra những việc trên để xử lý. Vào hạ tuần tháng 5, tôi chủ trì cuộc họp của Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh có mời các ngành nội chính, đại diện Ủy ban nhân dân huyện Lạng Giang và cho triệu cả Nguyễn Văn Điểm về nghe đoàn thanh tra báo cáo kết quả thanh tra ở Công ty Ngoại thương huyện Lạng Giang. Điều bất ngờ là báo cáo của đoàn thanh tra tỉnh hầu như nói về thành tích của Điểm thì nhiều, còn các khuyết điểm, vi phạm như trong các đơn tố cáo thì coi như không có gì quan trọng. Tôi ngồi nghe, đối chiếu với những đơn thư mà tôi đã đọc, những dư luận ở Lạng Giang về những hành động phi luật pháp, phi đạo đức của Điểm thì thấy bản báo cáo không khách quan và tôi có suy nghĩ là đoàn thanh tra đã bị Điểm “mua” rồi. Nhiều anh chị trong Thường trực Ủy ban cũng tỏ ý không tán thành với bản báo cáo. Trên cơ sở đó, tôi kết luận là Thường trực Ủy ban tỉnh không chấp nhận báo cáo của đoàn thanh tra và quyết định thành lập đoàn thanh tra liên ngành, có cả công an và mời Viện Kiểm sát tỉnh tham gia. Điểm ngồi nghe và thấy là không che giấu, mua chuộc được nữa nên đã đến bàn với Nguyễn Văn Gấm là anh trai đang làm Trưởng phòng của Ban Tổ chức chính quyền tỉnh. Hai anh em Gấm – Điểm nhận định là chỉ có hai giải pháp để chặn đứng cuộc thanh tra lại:

- Một là giải pháp mềm, nhờ người tác động đến anh Nguyễn Thanh Quất là Bí thư Tỉnh ủy đề nghị anh Quất cho ý kiến đình chỉ cuộc thanh tra, chấp nhận kết quả của đoàn thanh tra tỉnh.

- Hai là giải pháp cứng, tổ chức ném lựu đạn vào nhà Chủ tịch tỉnh, gây thương vong làm cho dư luận và các cơ quan pháp luật của tỉnh sẽ chú ý đến sự việc này mà đình chỉ thanh tra hành vi của Điểm.

Giải pháp thứ nhất theo Gấm và Điểm thì khó thực hiện vì ông Quất chắc không khi nào phủ nhận ý kiến của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh nên chỉ còn giải pháp thứ hai nhưng phải thực hiện gấp trước khi có quyết định thành lập đoàn thanh tra liên ngành. Gấm nhắn Thiệp, một cán bộ của trại thí nghiệm giống lúa của tỉnh bị kỷ luật buộc thôi việc đến gặp và giao cho Thiệp nhiệm vụ tìm lựu đạn, thuê người ném vào nhà tôi. Nếu thực hiện trót lọt, ngoài tiền công, tiền thưởng, Thiệp sẽ được Gấm bố trí trở lại làm việc ở cơ quan nhà nước. Thiệp tìm đến gặp Nguyễn Đôn Tiến, một bộ đội đào ngũ quê ở xã Hương Sơn, huyện Lạng Giang đang có khó khăn, không có việc làm, túng tiền tiêu. Vừa hay Tiến lại có một quả lựu đạn lúc ra quân không nộp lại mà đem về cất ở nhà. Thiệp bảo với Tiến là do chung vốn đi buôn với một tay người thị xã Bắc Giang, nay làm ăn không ra gì, Thiệp muốn rút vốn ra nhưng tay này cứ chần chừ, không chịu trả tiền nên Thiệp muốn Tiến ném một quả lựu đạn vào nhà để “cho nó biết tay”! Tiến sẽ được 3000 đồng nếu thực hiện trót lọt vụ này. Tiến nhận lời. Thế là Thiệp dùng xe Honda CD chở Tiến đến thị sát hiện trường vào mấy đêm trước đó.

Vào đúng hôm mồng 2 tháng 6, Thiệp đã chở Tiến đến ném lựu đạn vào nhà tôi, gây ra một vụ án làm xôn xao dư luận. Ngày đó, các đồng chí cánh sát điều tra ở Bộ, ở tỉnh đã bỏ nhiều công sức để điều tra, xác minh và nhân dân khu phố cũng đã cung cấp nhiều thông tin quan trọng như trường hợp Thiệp đã đèo Tiến bằng xa Honda CD đến trước cửa nhà tôi mấy lần; sau khi lựu đạn nổ chưa đến một phút đã có tiếng xe máy nổ chạy đi. Riêng việc dựng lại hiện trường để xác định kẻ ném lựu đạn đã ném từ phía trước hay phía sau nhà cũng đã tốn khá nhiều công sức, thời gian. Sau khi xác định là lựu đạn được ném từ phía trước, các đồng chí công an đã tát cạn cái giếng của nhà tôi và dò tìm ở rãnh nược nhà chị Giáp bên cạnh mới tìm được cái chốt của quả lựu đạn, từ đó xác định được “seri” của quả lựu đạn mà phát hiện ra Tiến. Thực ra thì Tiến cũng nghĩ là chỉ ném lựu đạn vào nhà một tay “làm ăn buôn lậu” với Thiệp, chứ không biết là bị lừa ném vào nhà Chủ tịch tỉnh. Khi biết được mình bị lừa, Tiến trốn ra Hà Nội làm phụ xây dựng cho đến khi bị bắt. Còn Thiệp thì bị bắt ở Lạng Sơn, lúc đấy cũng chỉ với tội danh buôn lậu. Tất cả những tình tiết ấy, sau này nghe các đồng chí trực tiếp điều tra vụ án kể lại, tôi mới biết.

Vụ án được đưa ra xử công khai tại sân vận động thị xã Bắc Giang vào tháng 7 năm 1987. Nhân dân trong tỉnh đổ về dự rất đông, có đến hàng vạn người. Chủ tọa phiên tòa là đồng chí Trương Đức Sắp, Phó chánh án Tòa án tỉnh. Các bị cáo đều đã cúi đầu nhận tội. Tội danh được xác định là “khủng bố có tổ chức”. Nguyễn Văn Gấm và Nguyễn Văn Điểm được coi là chủ mưu, Thiệp và Tiến là kẻ thực hiện. Tôi không nhớ rõ, nhưng hình như Gấm và Điểm bị phạt tù trên mười năm; Thiệp, Tiến dưới mười năm.

Vụ án kết thúc. Tôi cứ băn khoăn giá hồi ấy, đoàn thanh tra làm việc tốt hơn thì có lẽ không xảy ra vụ án. Mặt khác, nếu Điểm không lún sâu vào việc che giấu tội lỗi, dẫn đến một hành động cuồng bạo, quá khích thì với tội lỗi của Điểm, nhiều lắm cũng chỉ vài ba năm tù. Và Nguyễn Văn Gấm là một cán bộ tổ chức, lẽ ra phải khuyên răn em mình thì lại đồng lõa, chủ mưu bày đặt việc ném lựu đạn, kéo cả Thiệp và Tiến vào vòng tội lỗi. Đó cũng là một bài học, một kinh nghiệm trong việc bố trí, xây dựng, bồi dưỡng, giáo dục và quản lý cán bộ.

Hồi ký MAI THÚC LÂN