Chuyến đi vòng quanh châu Á của công tước Vyazemsky

Những thập niên cuối của thế kỷ XIX ngày càng có nhiều người châu Âu du hành đến các quốc gia phương Đông. Có người bị cuốn hút bởi sự hiếu kỳ. Có người không thành đạt nơi quê nhà thì hy vọng làm giàu.

Nhưng cũng có những người muốn thử thách bản thân trong những điều kiện gian khổ, và khó có thể nói cái nào là nhiều hơn trong những ý đồ của họ: những khát vọng lãng mạn hay sự ham thích phiêu lưu.

Trong số những người thuộc nhóm sau cùng có công tước Konstantin Alexandrovich Vyazemsky (1852-1903). Con người cá nhân của ông đã từng thu hút sự chú ý của các học giả nước nhà, nhưng tiếc là cho đến nay chưa có một công trình nghiên cứu nào viết về ông, mà lý ra nhà du hành Nga này xứng đáng được hưởng.

K.A. Vyazemsky xuất thân từ một dòng họ công tước lâu đời. Ông có được học vấn tốt và khá hiếu thắng. Từ khi còn trẻ, ông đã thích đi du lịch, hơn nữa lại du lịch bằng hình thức rất độc đáo là cưỡi ngựa. Vyazemsky giải thích niềm say mê của mình như sau: “Nếu như bạn muốn đi vào trong sâu một đất nước, nơi chỉ ở đó mới thấy được cái gì đó độc đáo, đặc biệt, thì không thể có phương thức di chuyển nào khác, bởi thường không còn lối đi nào khác ngoài những đường mòn trên núi”.

K.A. Vyazemsky trải qua tuổi 16 trong các chuyến du hành đường bộ, đến nhiều nơi trên đất Nga, Tây Âu, châu Phi và châu Á, vượt qua hơn 300.000km hành trình. Ông thường xuyên viết nhật ký hành trình, một phần đã được xuất bản trên báo Le Figaro của Pháp và tạp chí Bình Luận Nga của Nga. Ngoài ra, ông còn rất nổi tiếng ở châu Âu với những diễn văn ở Paris, trong Hội Nghiên cứu Địa lý.

Bản đồ châu Á. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Hai tập nhật ký của ông còn được lưu giữ: Hành trình đi Ma Rốc (1881-1882, Hội Nghiên cứu Địa lý Nga, Saint-Petersburg) và Hành trình vòng quanh châu Á trên lưng ngựa (1891-1893, Thư viện Quốc gia, Moskva). Rất đáng quan tâm là những công trình nghiên cứu và thư từ của ông với nhà văn L.N. Tolstoy còn được lưu trong những kho lưu trữ khác nhau ở Nga. Cuối đời, K.A. Vyazemsky đi tu và về sống ở Afon.

Sau chuyến du hành thắng lợi đến châu Phi (ông trở thành người Nga đầu tiên đến Ma Rốc), công tước Vyazemsky quyết định bắt đầu một dự án mới, còn hoành tráng hơn, ông viết như sau: “Cuộc hành trình này (lớn nhất từ trước đến nay của tôi) tôi tiến hành với mục đích thăm viếng mọi miền của châu Á, và sẽ quay trở về sau khi đi vòng khắp lục địa này, nếu như Chúa cho phép”.

Bởi vì Hội Nghiên cứu Địa lý Nga có lẽ không tin vào thành công của một chuyến đi dài như vậy nên đã từ chối giúp đỡ công tước, mọi chi phí ông phải tự lo liệu. Trong chuyến “du hành vòng quanh châu Á”, Vyazemsky thăm Trung Hoa, Tây Tạng, Việt Nam, Miến Điện, Lào, Siam (nay là Thái Lan), Campuchia, Ấn Độ.

Thời gian đó, ông “bị cướp hai lần, bị tấn công, bị thương vì đạn bắn vào vai và giáo đâm vào chân, bị bắt làm tù nhân của người Tây Tạng trong hai tuần, bị mắc chứng sốt nóng đến kiệt sức”.

Những đoạn nhật ký của Vyazemsky được công bố đã kể về chuyến viếng thăm của công tước đến Việt Nam, mà thời đó bao gồm Tonkin, Annam và Cochichina, nằm trong Đông Dương thuộc địa của Pháp.

Từ Kyakhta (một thành phố gần biên giới Nga - Mông Cổ), qua trung gian là nước Trung Hoa, công tước Vyazemsky đến với Việt Nam trên lưng những con ngựa vùng Siberia. Vài người Côdắc Nga đi theo hộ tống ông, một người trong số họ đã có kinh nghiệm qua các chuyến du hành đến Viễn Đông trong cuộc thám hiểm của N.M.Przhevalsky.

Vịnh Hạ Long của Việt Nam

Sáng ngày 14/3/1892, công tước cùng những người đồng hành tiếp cận những cánh cổng phương nam, bắt đầu là thung lũng vùng Lạng Sơn. Chặng đường tiếp theo của Vyazemsky đi qua những điểm chủ yếu sau: Hà Nội, Nam Định, Ninh Bình, Vinh, Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn, Chợ Lớn.

Khắp nơi, nhà du hành Nga được tiếp đón tử tế, đôi khi rất nồng nhiệt. Có lẽ thái độ đó dành cho ông là do chuyến viếng thăm của thái tử Nga Nikolai đến Sài Gòn năm 1891 và những mối quan hệ thân thiện giữa Pháp và Nga tạo nên.

Hơn nữa, tên tuổi của công tước Vyazemsky đã khá nổi tiếng ở Pháp. Sự thực, theo những ghi chép trong nhật ký, ông không muốn được đối xử như một chính khách. Điều đó nếu như không làm công tước bực bội, thì cũng làm cản trở ông du hành một cách tự do. Tuy nhiên, “nhân tố liên minh” đã giúp ông không ít ở Việt Nam.

Vyazemsky ghi nhật ký hầu như mỗi ngày. Những ghi chép đề cập đến những chuyện hết sức khác nhau: những phong tục tập quán, sinh hoạt hằng ngày của cả người Việt Nam (ông gọi họ là người Annam) lẫn của người Pháp, trang phục, hệ thực vật, hệ động vật, cơ chế hành chính, các cuộc gặp gỡ với các đại diện giới quý tộc Việt Nam v.v… Công tước Vyazemsky đính chính về một sự kiện là: sau khi đã kiểm tra kỹ lưỡng, ông phát hiện rằng khoảng cách giữa các thành phố Thanh Hóa và Vinh là khoảng 150 dặm chứ không phải là 185 dặm như ghi trên bản đồ của Cơ quan địa chính Pháp.

Một trong những điểm thú vị nhất trong cuốn nhật ký của Vyazemsky là chuyến viếng thăm kinh đô Huế. Thực chất, đây là một ký sự độc lập về một thành phố phương Đông được mô tả từ những phương diện khác nhau: hành chính, kiến trúc, chính trị, lịch sử v.v… Điều đặc biệt làm công tước thán phục là những vùng ngoại vi của Huế, nơi giữa những cánh rừng thưa tuyệt mỹ, bên dòng sông là những lăng mộ của nhiều hoàng đế Việt Nam. Ông mô tả rất tỉ mỉ những quần thể kiến trúc đó, và cũng nhận xét rằng “các lăng mộ đó hoang vắng và được trông giữ rất tệ, sân đình phủ đầy rác”.

Ở Huế, Vyazemsky mô tả rất kỹ lưỡng cung điện của Thành Thái và những người thân thích của vua, mô tả tiếng nhạc vang lên trong buổi gặp gỡ, phần trình diễn sân khấu (“những người hóa trang thành thú vật nhảy lên, lăn lộn trên cỏ”). Kết thúc buổi tiếp kiến, hoàng đế tặng quà cho người khách Nga, trong đó có hai tấm huân chương (dân sự và quân sự), mười tấm huy chương mang ý nghĩa thấp hơn, hai chiếc quạt lớn làm bằng lông công với các dẻ quạt làm bằng ngà voi, một chiếc ô lớn tuyệt đẹp.

Nét đẹp Việt Nam

Chuyến du lịch vòng quanh châu Á của công tước K.A.Vyazemsky rất độc đáo. Những tập nhật ký của người Nga đầu tiên đi xuyên qua phương Đông chắc chắn có giá trị khoa học và mang ý nghĩa văn học nhất định.

Vào tháng 6 năm 1892, Vyazemsky đến Sài Gòn. Chủ yếu toàn bộ cuốn thứ 29 của tập nhật ký (toàn bộ tập nhật ký gồm gần 40 cuốn sổ ghi chép) là những miêu tả tỉ mỉ Sài Gòn và khu phố của người Trung Hoa nằm cạnh đó là Chợ Lớn.

Sau khi đến Sài Gòn, Vyazemsky tiếp tục hành trình của mình qua Campuchia, Siam và Miến Điện. Vào tháng 2 năm 1893, ông đã đến Calcutta và ở Ấn Độ ba tháng. Sau đó, vượt qua Himalaya, Tây Tạng, Pamir, Bukhara, Ba Tư, Kavkaz, ông trở về tổ quốc vào cuối năm 1893.

TRẦN THỊ PHƯƠNG PHƯƠNG (dịch từ nguyên bản tiếng Nga)

TS Anatoly Sokolov