Nếu theo cách tính của các nhà địa chất thì vùng đất Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc quả là thuộc vào hàng "siêu" cổ ở Việt Nam. Bởi lẽ, căn theo các thành tạo trầm tích, thì ở đây có cả các tầng trầm tích Nguyên sinh đại, nghĩa là 600-700 triệu năm đến Tân sinh đại, 67 triệu năm. Về đại thể, có thể kết luận đất Lập Thạch nằm trên một địa tầng rất cổ xưa, "bỏ rẻ" ra cũng phải hình thành trên 200 triệu năm. Chưa hết, nếu nói riêng vùng đất ở khối núi Sáng, xã Đồng Quế, Lãng Công, cùng các núi chung quanh tạo thành diện tích 70km2 có tuổi tính chính xác tới 350 triệu năm.
Ấy là những con số khoa học, nhưng có lẽ các chuyện lạ về phong tục tập quán văn hoá xưa ở vùng đất cổ này vẫn được giữ gìn hoặc lưu truyền trong đời sống đến nay thêm một lần chứng minh sống động rằng vì sao Lập Thạch lại là vùng “siêu cổ” đến như vậy.
Những trò cổ
Trước hết phải kể đến Trò chơi bóp vú leo cầu và bắt chạch ở làng Thạc Trục. Tham gia trò chơi leo cầu cong hoặc bắt chạch trong chum, chàng trai phải bóp vú cô gái trong quá trình chơi. Leo đến giữa cầu, nếu người con trai bóp vú quá mạnh hoặc không khéo làm cô gái ngã thì phải làm lại, tới ba lần. Hoặc sang trò bắt chạch, cô gái phải khoắng tay trong chum để bắt chạch, trong khi đó chàng trai ôm phía sau và phải bóp vú cô gái. Đến khi cô gái bắt được chạch thì người con trai mới thôi.

Đánh đu bắt chạch, tranh dân gian Đông Hồ.
Trò chơi này dành cho những người muộn con. Mỗi năm, Hội làng chỉ nhận hai người đàn ông và hai người đàn bà, mang lễ vật đến sớm nhất. Bởi từ xa xưa, dân làng Thạc Trục cho rằng chỉ có làm như thế mới dễ có con.
Kế đến là trò Múa sinh thực âm dương mới thực sự kỳ thú. Ngoài một vài nơi vẫn tồn tại việc thờ cúng các vật tính giao, một loại hình tín ngưỡng rất cổ, xã Đức Bác còn có tục Múa âm dương hoà hợp, còn có tên "Cầu tế nõ nường", được diễn ra vào đêm mùng 1 tháng 2 âm lịch.
Trò múa âm dương gồm 8 nam, 8 nữ chưa có gia đình. Bên nam cầm hình sinh thực khí nam bằng gỗ vuông, bên nữ cầm hình sinh thực khí nữ bằng mo cau. Sau khi múa hát, tế lễ xong, tắt đèn nến, trai gái được tự do đi lại với nhau. Họ quan niệm rằng đó là lễ cầu cho vạn sự sinh sôi nảy lộc, để bộ tộc, bộ lạc phát triển con đàn cháu đống. Xã hội thịnh vượng.
Hiện nay trên gò Ám Ảnh, có ngôi đình lớn thờ một nữ thần của trò chơi cổ này.
Mới đây, đoàn Truyền hình Việt Nam đã về quay hiện tượng lạ ở Lập Thạch, đó là Tục ăn đất. Có một số vùng người dân tộc ở phía Bắc hoặc Tây nguyên cũng ăn đất, nhưng tục này ở Lập Thạch vẫn được giữ cho tới ngày nay.
Chuyện ăn đất, còn gọi là ăn đất ngói là món quà độc đáo ở xứ này. Một số giếng đất ở đây còn được bảo tồn và khai thác vì vẫn có người thích ăn. Chuyện chế biến đất sét trắng để làm thành bánh, thành kẹo thật kỳ công và tất nhiên nó ngon đến mức làm cho những người già ở vùng này nghiện thì cũng phải có mùi vị gì hấp dẫn thật sự.
Những dấu son lắng đọng
Xã Đông Sơn, Lập Thạch là đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang với thành tích chiến đấu kiên cường từ hàng chục năm qua, hình ảnh tiêu biểu xa xưa là tả tướng quốc Trần Nguyên Hãn - công thần vào bậc nhất trong cuộc kháng chiến chống quân Minh (1471-1427) của dân tộc ta. Truyền thống đó được phát huy liên tục theo thời gian tạo nên bản hùng ca nơi đất cổ Vua Hùng.

Đền thờ tả tướng quốc Trần Nguyên Hãn. Nguồn: Internet.
Từ 9 năm kháng chiến chống Pháp đến công cuộc kháng chiến chống Mỹ, xã Sơn Đông có 196 người con đã hy sinh anh dũng, 89 dũng sĩ diệt Mỹ và 9 bà mẹ Việt Nam anh hùng. Tuy vậy, xã Sơn Đông không chỉ là đơn vị anh hùng, nơi đây đã có bề dày văn hoá lịch sử ngàn năm văn vật.
Nơi đây, có miếu thờ 18 ông Nghè, minh chứng cho sự hiếu học và nhiều tài năng của một làng Tiến sĩ. Thời Phong kiến, xã có tới 13 tiến sĩ, tính từ 1453 đến 1511, và được xếp hạng làng Tiến sĩ, làng Quan tử của cả nước. Ấy là chưa nói đến nghề gốm đã được hình thành tới gần ngàn năm trước, với những lò gốm cổ mang danh Trang Sơn Đông lừng danh.
Ở xã Tam Sơn còn có một công trình gốm ghi dấu ấn một triều đại gốm kỳ lạ. Đó là tháp Bình Sơn có tuổi thọ trên dưới 800 năm.
Theo số liệu ghi chép lại từ nhiều đời nay, tháp được xây dựng vào thời kỳ dân tộc ta ba lần chống quân đế quốc Mông cổ, quãng giữa thế kỷ XII. Đó là vào đời Lý - Trần. Có thể nói, Tháp Bình Sơn là một di sản kiến trúc độc đáo còn được bảo tồn đến ngày nay. Tháp nằm kề với chùa Vĩnh Khánh, còn gọi là chùa Then vì ở đây gần bến phà Then, nên vùng này còn có câu ca dao:
Hỡi ai qua bến đò Then Dừng chân mà ngắm tháp tiên bên đường |
Bao nhiêu dấu hỏi về sự tồn tại đến lạ lùng của tháp Bình Sơn. Bởi với hàng bao thế kỷ như vậy mà màu sắc gốm của mười một tầng vẫn tươi son. Mặc dù, năm 1972, tháp đã được tu sửa, tôn bệ nền để chống nghiêng, nhưng độ cao 16m của tháp và các nét hoa văn và chất liệu gắn kết vẫn nguyên bản. Tháp đất nung này màu đỏ sẫm, rắn như sành chứng tỏ một trình độ chế tác đất và kỹ thuật nung tinh xảo. Đó là thành tựu đầy bí ẩn của nghệ thuật phát triển đời Lý-Trần.
Nếu đi chưa tới bến đò Then, rẽ phải đến Đồng Quế còn một chốn xưa nữa mà ta không thể không dừng chân. Ấy là Núi Sáng, Thác Bay. Như ta đã biết, Núi Sáng cùng với một dãy núi cao chừng hơn 600 mét ngay sát dãy núi Tam Đảo là một minh chứng trầm tích cụ thể cho vùng đất siêu cổ Lập Thạch. Với những độ đan xen kỳ thú, núi Sáng có ba ngọn thác gần nhau mà dân ở đây gọi là Thác Bay.
Thác Bay cao chừng 300m. Nước chảy từ trên nguồn xuống tới lưng thác thì có bờ đá nhô ra phía trước tạo một xung lực làm cho nước vồng lên rồi mới dội xuống và gây nên luồng khí mạnh bị hút theo tới chân thác. Tới đây nước cuốn trôi xuống suối còn không khí bị phản hồi bật ngược lên cao. Khí tự nhiên tạo nên hiện tượng bay mọi thứ như thế, nên được dân bản địa đặt tên là Thác Bay.
Hiện chính quyền địa phương đang làm một con đường, đi từ thị trấn huyện tới Lãng Công để lên Thác Bay, dài chừng mười lăm cây số. Nhưng hiện chưa hoàn chỉnh vì đường leo núi hiểm trở. Nếu ai muốn đi, thường tới gần chân Núi Sáng, phải gửi xe ở nhà dân rồi leo bộ qua suối lên Thác.
Hỡi ai qua bến đò Then…
Đúng như câu ca dao, ai muốn đi qua bến đò Then đều phải ngước nhìn tháp Bình Sơn đầy quyến rũ, với bao ký ức của cánh đồng tháp một thời xa xưa. Nhưng bến Then lại ghi dấu bao chiến công thầm lặng của quân và dân ta trên dòng sông Lô sinh tử một thời.

Tầng thứ nhất của tháp Bình Sơn. Ảnh: Tâm Vương.
Từ bến Then qua sông Lô là sang tới đất Phú Thọ. Giờ đây người ta đã đi phà sang sông Lô, nhưng đây đó vẫn còn nhiều thuyền đò bồng bềnh qua lại, gợi nhớ một thuở âm u trong sương mù, đoàn quân kháng chiến đi dọc sông Lô lên với gió ngàn ATK Phú Thọ. Còn đâu đây những giai điệu của Trường ca Sông Lô ngày ấy của cố nhạc sỹ Văn Cao vẫn vang lên rộn rã:
Vui hát ca hoà vui hát ca dân buông lưới Phan Lương vui bóng thuyền Lều dựng ven sông Bóng người sầu uất bến Then… |
Đất Lập Thạch cổ kính được hai con sông bao quanh. Đó là sông Lô và sông Phó Đáy. Còn phía bắc là toàn bộ dãy núi giáp Tuyên Quang án ngữ. Vậy nên, sự kỳ bí sơn thuỷ đã bảo tồn giữ gìn nơi đây trở thành một địa linh nhân kiệt là thế, và cũng không ở đâu có tới 22 làng, thôn thờ tới 79 vị thần núi, thần sông với những di tích tín ngưỡng nguyên thuỷ như vậy.
Hãy lắng nghe dòng sông Lô trôi với những ngọn sóng say mê trong bản hùng ca đất nước cùng bao chiến công ngàn năm bất tử của ông cha. Hỡi ai qua bến đò Then…
Bài liên quan: