Chuyện tình cung điện Élysée*

LTS: Nước Pháp là một nước nổi tiếng về tự do báo chí. Thế cho nên khi xảy ra một “sự cố” như sự cố mối tình “ngoài luồng” của tổng thống Pháp, thì báo chí rộ lên. Bài sau đây tổng hợp từ nguồn các báo Pháp. Hồn Việt đăng lên để bạn đọc tham khảo và ngẫm nghĩ “sự đời”, ngoài ra không có ý gì khác.

Đàn ông Pháp có tiếng là hào hoa, phong nhã, lịch sự, chiều chuộng phụ nữ. Đó là một sự thật. Họ cũng có tiếng là lãng mạn, đa tình và... không chung thủy. Đó cũng là một sự thật. Nếu người đàn ông đó lại có quyền lực và tiền bạc, thì làm sao họ chống cự lại nổi trước sự tấn công của “phái yếu”?

Cung điện Élysée đang rung chuyển cả tường phủ gấm, lung lay cả nền nhà lát gạch cẩm thạch vì chuyện tình duyên của đương kim tổng thống Pháp. Quần thần và dân chúng đều bị chia làm hai phía:

Bên thì hót đuôi theo rằng, đó là việc tình cảm riêng tư của tổng thống, cũng là một người đàn ông như bao người khác, phải tôn trọng và không được “xía” vào. Nhiều quý ông Pháp tủm tỉm cười thông cảm, họ cũng thế thôi, hai ba bà nơi này nơi khác, cũng bị mắc bẫy “phái yếu” như tổng thống. Thêm vào đó, đảng Xã hội Pháp có tiếng về sự “rộng lượng” trong quan hệ tình ái và tình dục, sống chung không cần thiết phải có hôn thú hợp pháp thì tránh được mọi thủ tục ly dị lôi thôi, tốn kém khi chia tay nhau, và đạo luật “Mariage pour tous” cho phép kết hôn đồng tính luyến ái và nhận con nuôi dưới thời Tổng thống François Hollande là một minh chứng cho sự “rộng lượng” đó. Nhưng không nên quên rằng, đại đa số dân Pháp đều theo đạo Thiên Chúa và đạo Tin Lành, dân chúng còn coi trọng việc kết hôn, lập gia đình, cố gắng bảo vệ nền tảng gia đình, bảo vệ giá trị đạo đức giữa vợ chồng, cha mẹ, con cái.

Bên khác thì cho rằng, ở cương vị tổng thống thì tổng thống có trách nhiệm làm sáng tỏ quan hệ tình cảm của mình, nêu tấm gương đạo đức, ít nhất trên phương diện ngoại giao, ai là đệ nhất phu nhân tháp tùng tổng thống trong những chuyến công du? và trên phương diện pháp lý, ai là đệ nhất phu nhân danh chính ngôn thuận? Tổng thống, theo thường lệ cố hữu, hiện đang làm thinh, hứa hẹn sẽ trả lời hai câu hỏi cấp bách trên trước chuyến công du sang Hoa Kỳ gặp vợ chồng Tổng thống Obama vào tháng 2 sắp tới. Trong khi đó, báo chí tiếp tục gây bão táp hàng giờ, hàng ngày. Hình ảnh hai “người tình” số một và số hai, Valérie và Julie, chiếm trọn trang bìa của những tạp chí tên tuổi như Elle, Paris Match... Tạp chí Closer đã cho nổ quả bom “Julie”, tố cáo khi tung ra bài viết về mối tình giữa tổng thống và cô đào điện ảnh vào ngày thứ sáu 10-1-2014. Buổi tối thứ năm, trước khi tờ báo được phát hành vào sáng hôm sau, tổng thống đành phải thú nhận với người tình đương nhiệm Valérie những hẹn hò với cô đào Julie, mà báo chí đã phát giác ra. Tưởng là “giấu kín”, té ra quần thần chung quanh tổng thống và làng báo chí đã theo dõi mối tình Julie từ hai năm nay, kể từ năm 2011, mà đến bây giờ thần dân cả nước và cả thế giới mới được biết.

Khỏi phải nói, các bức tường cung điện Élysée lung lay vì bão táp. Sáng hôm sau, báo chí đưa tin là đương kim đệ nhất phu nhân Valérie phải vào bệnh viện vì uống một viên thuốc quá liều, nôn mửa, tụt huyết áp, không thể đứng dậy đi một mình được nữa. Valérie được bác sĩ cho “ngủ” nhân tạo 10 ngày để hồi phục sức khỏe, đồng thời cắt đứt mọi thông tin từ ngoài vào, Valérie chỉ được giữ cái điện thoại di động.

Dân chúng xôn xao, người thì nhắc lại chuyện cũ đối với mệnh phụ Ségolène, người thì kêu gọi lòng thương đối với “nạn nhân” Valérie. Bà Valérie từng bị coi là người phụ nữ đáng ghét nhất nước Pháp. Mỗi một lần xuất hiện, với vẻ mặt lạnh lùng kiêu ngạo, phong cách ăn mặc trưởng giả, khêu gợi, như là một giọt dầu đổ thêm lên một ngọn lửa đang cháy, không tắt. Vì sao? Theo thông tin của báo chí, năm 2005 bà Valérie, nhân danh nhà báo đi phỏng vấn viết bài đã lân la làm quen với cặp François – Ségolène từ lâu, yêu ông François vụng trộm, trong khi bà đang có chồng và ba đứa con trai; chồng bà, ông Denis Trierweiler, cũng là đồng nghiệp, cùng làm nhân viên cho tạp chí Paris Match.