Ngày Tết, uống chén chè nóng, chuyện gẫu với mấy ông bạn già cũng là một cái thú. Chuyện gần chuyện xa, chuyện đến một tài liệu về ứng xử người già, dịch từ tiếng Trung Quốc, tên là Hiểu đời – Tâm sự tuổi già của tác giả Dương Trạch Tế (Hồn Việt tháng 9/2010(*)). Xin tóm tắt nội dung như sau:
1/ Đối với con cái
- Nhà cha mẹ là nhà con, nhà con không phải là nhà cha mẹ. Ốm đau không trông cậy được vào con (hay bạn đời đã già rồi) mà trông vào tiền mình.
- Con tiêu tiền cha mẹ thoải mái, cha mẹ tiêu tiền con chẳng dễ. Cha mẹ có nhiệm vụ và cái vui lo liệu cho con cái, nhưng đừng ngong ngóng sự báo đáp mà tự làm khổ mình.
2/ Đối với mọi người: Tốt bụng, vui làm điều thiện, chủ động hoạt động xã hội, không bưng tai bịt mắt, có nhóm bạn già.
3/ Đối với bản thân: Quá nửa đời người dành cho sự nghiệp và gia đình, con cái, nay còn quá ít thời gian sống phải dành cho mình, thích gì làm nấy, kệ thiên hạ nói gì, sống thật với mình – Người già phải thay đổi quan niệm cũ kỹ đi, chia tay với sự khổ hạnh. Cần ăn, mặc, chơi gì, cứ việc làm, biết hưởng thụ những thành quả của công nghệ cao. Biết tri túc, trông lên không bằng ai, trông xuống ít ai bằng mình.
Sung sướng là chủ quan, tùy thuộc cách mình thưởng thức cái đã có và phát triển nó lên. Cái gì cũng cầu toàn thì khổ, chấp nhận thực tại. Tuổi già cần giữ tâm không già. Tiền không là cái gì, nhưng nó có ích nếu biết làm chủ nó, dùng nó bồi dưỡng sức khỏe, tạo niềm vui. Dùng tư duy hưởng lợi để thiết kế cuộc sống. Vui chơi là quan trọng. Tìm lại chốn xưa, người xưa, kỷ niệm đẹp. Nếu không hài lòng, lối thoát là: Mặc kệ nó.
***
Ngày xuân, chúng tôi tán gẫu về bài tiếng Trung Quốc ấy. Xin ghi lại một số ý kiến cho vui.
- Trước hết xét về đối tượng người đọc và thích bài này ở ta: Hẳn đa số là người thành thị, vì nông thôn làm gì có báo hoặc có máy tính đọc trên mạng. Hẳn đa số là người già hoặc trên trung niên, vì bài viết cho người có con lớn – người trẻ có thể thích vài ý kiến về triết lý sống. Hẳn đa số là công nhân viên, bộ đội (một số thành phần khác) đã hay sắp về hưu, ít nhiều trí thức. Hẳn đa số thuộc loại kinh tế trung lưu trở lên vì trong bài nói đến cha mẹ có nhà riêng, có tiền riêng, con có nhà và tiền riêng. Quy về đối tượng thì mới tìm hiểu tại sao họ thích bài này.
- Có độc giả quá khen cho là bài này đã tổng kết được trải nghiệm cuộc đời, triết lý đời thường mà không tầm thường; đưa ra những chân lý chính xác.
Về mặt nội dung, những nhận xét trên có thể áp dụng cho người già không có vấn đề, trong một xã hội tương đối ổn định, không có chiến tranh hay khủng hoảng. Người già nghèo khổ, bệnh tật không áp dụng được; già trẻ phải dựa vào nhau mới tồn tại nổi.
Ý chủ đạo của bài viết Trung Quốc là: người già đã bỏ quá nửa đời người cho sự nghiệp và con cái, giờ phải nghĩ đến cái Tôi, phải hưởng thụ. Muốn hưởng thụ thì phải biết: hạnh phúc là chủ quan, biết tri túc, hiểu thói đời, tìm thú vui và chấp nhận thực tế (thái độ con cái bạc bẽo, vai trò đồng tiền, bỏ qua lời thị phi…).
Thực ra, những ý trên không có gì độc đáo cả.
Tuổi già bỏ hết danh lợi, sống vui thanh thản cũng là quan niệm thú điền viên của các cụ ta. Chỉ khác, thú điền viên mang ý nghĩa tinh thần hơn (thú riêng, gần thiên nhiên, vẫn gắn bó với con cháu, gia đình, làng xóm, không để tâm đến của riêng của chung).
Còn tri túc và chấp nhận lẽ đời thì đâu có hiếm trong ca dao của ta, hay trong thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm; hay trong thơ ngụ ngôn của nhà văn Pháp La Fontaine. Bài Hiểu đời nhấn mạnh đến các thú vui vật chất: ăn, mặc, chơi, tận hưởng những thành quả của văn minh hiện đại, mỗi thời một khác.
Thú vui là gốc của luân lý, đó là ý kiến của triết gia Anh J. Beutham; theo ông, con người ai cũng muốn vui thích và tránh cái khổ, có thể dùng toán học tính sự vui thích. Cụ Hồ Phi Thống (1879-1946) trong cuốn Nhân đạo quyền hành cho tính người là tìm vui thích; khi sự đam mê tinh thần phù hợp với đam mê vật chất thì thành điều thiện. Nhà văn Anh Powys cũng đề cập sâu sắc đến Nghệ thuật già (sách ra năm 1944), tìm vui thú.
- Tại sao một bài dịch từ tiếng nước ngoài, không có gì sâu sắc, mà lại hấp dẫn khá nhiều người thuộc tầng lớp trung lưu thành thị, đặc biệt là công nhân viên, bộ đội, những người già đã từng tham gia cách mạng hay kháng chiến?
Lý do thứ nhất là vì nó ra đúng lúc. Tài liệu này hẳn không thể đăng báo, phổ biến vào các thời điểm cách mạng hay kháng chiến, khi xã hội day dứt vì cải cách ruộng đất, chỉnh huấn, cái sống cái chết liền nhau vì bom đạn, bỏ nhà cửa để sơ tán di cư, thiếu thốn vật chất cùng cực.
Không có cái Tôi, chỉ có cái Chúng ta của dân tộc. Hát về tình yêu phải hát trộm, ăn thịt gà phải giấu nhà bên cạnh. Mặt khác, văn hóa truyền thống mang dấu ấn cộng đồng của Khổng học không chấp nhận.
Lý do thứ hai là có sự biến chuyển trong tâm lý của các thế hệ trên, biến chuyển từ Chúng ta sang cái Tôi. Ý thức cá nhân dần dần được khẳng định trong tiềm thức, chuyển từ ý thức phục vụ tập thể sang ý thức hưởng thụ (thí dụ: hát về yêu đương ầm ĩ, ăn nhậu…). Sự biến đổi này diễn ra vào thời hậu chiến, nhất là sau khi đổi mới đã nâng cao đời sống, tạo ra một tầng lớp trung lưu mới.
Nó là hậu quả không tránh được của uy lực đồng tiền (thị trường tự do), ảnh hưởng của chủ nghĩa tiêu thụ phương Tây. Giáo dục của ta bất lực, không ngăn chặn được sự suy thoái đạo đức xã hội, và những biến chất trong văn hóa truyền thống.
Bài viết Trung Quốc có sức hấp dẫn vì nó nói toạc móng heo điều mà các độc giả Việt Nam nghĩ mà không dám, không nỡ nói ra. Tôi chắc là ít bố mẹ dám cho con đọc bài ấy rồi tuyên bố: “Thôi nhé, từ nay nhà và tiền bố mẹ và của con là riêng đấy, bố mẹ không đợi con biết ơn đâu”.
Hiện nay, dù sao gia đình ở Việt Nam vẫn còn là một giá trị văn hóa. Tôi thấy ở một số gia đình bạn, hai thế hệ sống với nhau trên thương dưới kính, rất hòa hợp, không có vấn đề bất hòa vì tiền nong, nhà ở.

Hình minh họa. Nguồn: Internet
Trong thời buổi nhố nhăng, gia đình vẫn còn có thể là chỗ dựa về tình cảm và vật chất cho người già. Mấy người bạn Pháp của tôi nói là ở nước họ, giá trị gia đình cũng đang được phục hồi. Văn hóa phương Tây nặng về cá nhân, nên gia đình lỏng lẻo, nhà cửa của cải riêng rẽ đã thành tục lệ, không thành vấn đề như ở ta. Có cái hay là gia đình họ dân chủ.
Gia đình Việt Nam mang dấu ấn cộng đồng nên thiếu dân chủ, lại trọng nam khinh nữ; nhưng có truyền thống kính già yêu trẻ. Ta nên kết hợp cái hay của Đông và Tây. Trên thực tế, đa số người già ở ta (70% dân còn nghèo) khó có điều kiện áp dụng bài viết Trung Quốc.
Áp dụng được thì cũng tốt, nhưng đừng quên: gắn bó với các cháu nhỏ là niềm vui vô giá của người già. Bác Hồ đã theo truyền thống ấy. Tôi quen một số người phương Tây có tuổi; cái khổ của họ là nỗi cô đơn, không phải là thiếu thú vui và tự do cá nhân.
(*) | Tác giả là một blogger bình thường, tên Dương Trạch Tế, không phải là Thủ tướng Trung Quốc Chu Dung Cơ (Hồn Việt, tháng 8/2011) |