Chuyện xảy ra ở Tiền Giang: “đổi” chân dài… lấy đất

Những ngày qua, báo chí phơi bày sự thật đằng sau câu chuyện đưa cuộc thi Hoa hậu Thế giới về tỉnh Tiền Giang: Công ty Cổ phần Du lịch Tiền Giang (CTCPDLTG)- đơn vị đứng ra tổ chức cuộc thi, đã thuộc quyền sở hữu 96,32% của đại gia đình Hoàng Kiều. Xung quanh việc định giá tài sản công, đấu giá cổ phần vốn Nhà nước tại công ty này đang đặt ra nhiều nghi vấn…

BÁN NHƯ CHO!

Có lịch sử thành lập rất sớm, từ những năm bao cấp rồi sang kinh tế thị trường, cho đến trước khi cổ phần hóa, Công ty du lịch Tiền Giang là con chim “đầu đàn” về du lịch nói riêng và kinh tế nói chung của tỉnh Tiền Giang. Vì thế, mặt bằng nhà hàng, khách sạn có vị trí tuyệt đẹp… đều được giao cho công ty quản lý, khai thác kinh doanh.

Thực hiện chủ trương cổ phần hóa doanh nghiệp, ngày 12/1/2005 UBND tỉnh Tiền Giang ban hành quyết định số 109/QĐ-UB phê duyệt phương án và chuyển Công ty du lịch Tiền Giang thành Công ty cổ phần Du lịch Tiền Giang (CTCPDLTG). Nhưng chỉ 4 năm sau, công ty này đã “lột xác” hoàn toàn, chuyển sang 100% tư nhân.

Điều ai cũng bất ngờ, một công ty lớn như vậy nhưng khi chuyển sang tư nhân, giá trị cả “xác” lẫn “hồn” nhà nước chỉ thu được 17 tỷ đồng! Chưa hết, giá trị lớn nhất sau cổ phần hóa không phải là tài sản trên đất mà chính là các mặt bằng đất đai nhà hàng, khách sạn, khu du lịch lại cho thuê với giá thật bèo bọt.

Theo số liệu của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Tiền Giang, hiện tại có 10 mặt bằng giao cho công ty khai thác, đó là Nhà hàng Sông Tiền, Khách sạn Sông Tiền, Nhà hàng Trung Lương, Nhà hàng Quê Hương, Nhà hàng Cửu Long, Nhà hàng Thới Sơn, Phòng hướng dẫn và nhà hàng du lịch, Cửa hàng kinh doanh tổng hợp, Khách sạn Hướng Dương đều thuộc thành phố Mỹ Tho; Nhà hàng Hương Biển thuộc huyện Gò Công Đông. Tổng diện tích đất công mà công ty này sở hữu là 216.000m², tuy có vị trí đẹp, diện tích lớn nhưng lại được cho thuê giá cực kỳ thấp.


Nhà hàng Trung Lương. Ảnh: TL.

Nhà hàng Trung Lương có diện tích đất là 3.338,8m², nằm ngay cửa ngõ thành phố Mỹ Tho, một điểm dừng chân thường xuyên của các công ty du lịch, luôn tấp nập du khách nhưng giá cho thuê nguyên năm 2009 chỉ là 65,3 triệu đồng, tức là chỉ 5,4 triệu đồng/tháng.

Điều này có thể tin nổi không, vì ai cũng biết kinh doanh ăn uống có tỉ suất lợi nhuận cực kỳ cao! Nhà hàng Cù Lao Thới Sơn, một địa chỉ du lịch khá nổi tiếng nằm giữa sông Tiền, giáp ranh với tỉnh Bến Tre nhưng giá thuê cũng chỉ ở mức xấp xỉ 5,5 triệu đồng/năm với diện tích đất trên 11.183,5m².

Nhà hàng Quê Hương tọa lạc ngay trung tâm thành phố có diện tích 509,6m² nhưng có giá thuê chỉ gần 12,5 triệu đồng/năm. Vì cho thuê với giá rẻ mạt, nên tổng số tiền thu được từ việc cho thuê đất của CTCPDLTG hàng năm rất bèo bọt, chẳng hạn trong năm 2009 chỉ có 267,9 triệu đồng!


Nhà hàng Quê Hương. Ảnh: TL.

GIA ĐÌNH “ĐẤU” VỚI NHAU?

Theo thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Tiền Giang, Công ty Tiền Giang được thành lập vào tháng 1/1983, đến tháng 2/1987 sáp nhập vào Công ty Ăn uống - Khách sạn Tiền Giang và đổi tên thành Công ty Du lịch Tiền Giang. Sau khi cổ phần hoá, Công ty tiến hành đại hội cổ đông lần đầu vào ngày 4/3/2005. Hành trình cổ phần hóa của Công ty Du lịch Tiền Giang chia làm bốn đợt đấu giá.

Sau khi đã xác định vốn điều lệ CTDLTG là 7 tỉ đồng, ngày 18/2/2005, thông qua Trung tâm Thông tin, tư vấn, dịch vụ bán đấu giá tài sản, bất động sản Tiền Giang, tỉnh đã tổ chức bán đấu giá lần đầu với số lượng 140.000 cổ phần (chiếm 20%), giá khởi điểm 10.100 đồng/cổ phần. Kết quả có ba người trúng đấu giá, trong đó giá mua cao nhất là 11.140 đồng/cổ phần.

Đến ngày 3/8/2006, UBND tỉnh Tiền Giang quyết định bán 21% cổ phần nhà nước (147.000 cổ phần) trong số 51% cổ phần nhà nước đang nắm giữ ra bên ngoài với giá khởi điểm 45.100 đồng/cổ phần. Chỉ có hai khách hàng tham gia đấu giá là ông Hoàng Kiều và Công ty Tống Linh Giang. Kết quả, ông Hoàng Kiều trúng đấu giá số tiền 6,64 tỉ đồng (giá 45.200 đồng/cổ phần). Sau đó tỉnh Tiền Giang chuyển giao 210.000 cổ phần nhà nước còn lại (30%) tại CTCPDLTG cho Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước.

Ngày 10/3/2009, thông qua Công ty chứng khoán An Bình, đơn vị này đã tiến hành bán đấu giá hết số cổ phần nhà nước với giá khởi điểm chỉ 31.000 đồng/cổ phần. Kết quả, ông Hoàng Sammy Hùng (con ông Hoàng Kiều) trúng đấu giá với số tiền 7,56 tỉ đồng (giá 36.000 đồng/cổ phần). Ngoài số cổ phần trúng đấu giá công khai, gia đình ông Hoàng Kiều cũng mua số cổ phần của các cổ đông khác.


Toàn bộ hệ thống nhà hàng, khách sạn nay đều được định
với giá rẻ mạt khi cổ phần hóa. Ảnh: TL.

Theo kết luận của Thanh tra tỉnh Tiền Giang tháng 7/2009, số cổ phần gia đình ông Hoàng Kiều nắm giữ là 96,53%, trong đó ông Hoàng Kiều nắm giữ 32,53%, ông Hoàng Sammy Hùng (con Hoàng Kiều) nắm giữ 30% và Đào Thị Lan Phương (vợ Hoàng Kiều) nắm giữ 34%.

DẤU HIỆU VI PHẠM PHÁP LUẬT...

Việc đấu giá trong phiên cuối cùng của CTCPDLTG vào tháng 3/2009 gây nhiều hoài nghi cho dư luận khi 7 nhà đầu tư tham gia đấu giá lần này lại chỉ bỏ giá sàn để cho một người thắng cuộc. Mặt khác, việc tổ chức đấu giá có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Theo đó, trước ngày 10/3/2009, cả ông Hoàng Kiều lẫn Hoàng Sammy Hùng đều mang quốc tịch Mỹ, nhập cảnh Việt Nam đều là thương mại.

NỢ TIỀN CỦA DÂN

Ông Nguyễn Văn Tư ngụ ấp Thới Thuận, xã Thới Sơn, thành phố Mỹ Tho cho biết đã ký hợp đồng với luật sư để chuẩn bị khởi kiện CTCPDLTG (hiện đã thuộc quyền sở hữu của đại gia đình Hoàng Kiều) ra tòa vì nợ gần 18 tỷ đồng từ tháng 10/2009 đến nay nhưng chưa trả. Tháng 6/2009, ông Hoàng Kiều ký hợp đồng với ông Tư để mua 2,3ha đất gần khu du lịch Thới Sơn với số tiền gần 30 tỷ đồng.

Theo thỏa thuận sau khi hai bên ra công chứng hợp đồng chuyển nhượng thì CTCPDLTG phải trả tiền cho ông Tư. Thế nhưng, công chứng xong, tiền trước bạ đã nộp, đặc biệt sổ đỏ đã đứng tên chủ mới nhưng CTCPDLTG chỉ thanh toán cho ông Tư gần 13 tỷ đồng. Bức xúc, ông Tư nộp đơn đến UBND xã để kiện CTCPDLTG.

UBND xã hòa giải, hai bên đã hai lần ký kết văn bản thỏa thuận trả nợ, nhưng đến nay ông Tư cũng chưa thấy tiền được thanh toán như hợp đồng. Cũng tại cù lao Thới Sơn, thêm một trường hợp nợ khác của CTCPDLTG là trường hợp ông Dương Đình Vinh, người chuyên cung cấp nhà rường cho CTCPDLTG.

Ông Vinh cho biết, theo hợp đồng, ông sẽ cung cấp 16 căn nhà rường và hiện đã chuyển vào 12 căn nhưng công ty chỉ đưa 5 tỷ đồng tiền cọc, số tiền còn lại vẫn chưa trả.

Theo các chuyên gia chứng khoán, cuộc đấu giá lần thứ 2 để cho ông Hoàng Sammy Hùng tham gia lần này là không phù hợp với các quy định của pháp luật Việt Nam.Việc bán đấu giá cổ phần nhà nước phải tuân theo Quyết định số 36/2003 do Thủ tướng Chính phủ ban hành về quy chế góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong các doanh nghiệp VN: “Mức góp vốn, mua cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài ở doanh nghiệp VN tối đa bằng 30% vốn điều lệ của doanh nghiệp VN”.

Quyết định này chỉ hết hiệu lực thi hành vào ngày 15/8/2009, khi Quyết định số 88/2009 được ban hành thay thế. Như vậy, theo đúng quy định thì trong trường hợp CTDLTG, nhà đầu tư nước ngoài chỉ được nắm giữ 30% cổ phần trong công ty này và nhà đầu tư nước ngoài khác sẽ không được tham gia đấu giá cổ phần trong đợt đấu giá tổ chức tiếp vào tháng 3/2009.

Do đó, thời điểm Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) bán phần sở hữu của Nhà nước ra bên ngoài mà không khống chế tỷ lệ phần trăm nhà đầu tư nước ngoài mua được là sai quy định. Vì lúc đó CTCPDLTG đã có 30% cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (tức là ông Hoàng Kiều nắm giữ), lẽ ra nhà đầu tư nước ngoài sẽ không được mua tiếp. Tuy nhiên, thật khó hiểu SCIC lại bán tiếp cho một nhà đầu tư nước ngoài khác 30%.

Chưa hết, báo chí còn phát hiện ra rằng, trong hai phiên đấu giá cuối cùng có sự “thông thầu”, khi có sự xuất hiện Công ty Tống Linh Giang. Trên trang web của Tập đoàn RAAS, công ty này chính là thành viên, chú ruột ông Hoàng Kiều giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị. Việc đấu giá nhằm công khai minh bạch, bán được giá tốt nhất cho nhà nước, nhưng kiểu “người nhà” đấu với nhau thì tính khách quan không còn nữa!

AI LÀ NGƯỜI HƯỞNG LỢI?

Đến đây, người ta mới hiểu ra rằng, những tuyên bố hùng hồn của ông Hoàng Kiều khi xin tổ chức cuộc thi Hoa hậu Thế giới hoặc bỏ hằng trăm tỉ làm từ thiện hóa ra hết sức hài hước. Vì rõ ràng câu chuyện đang xảy ra tại CTCPDLTG phơi bày bộ mặt thật: ông Việt kiều này đang tìm kiếm cơ hội làm ăn và tìm mọi cách để mua lại của công với giá rẻ mạt. Tất nhiên trong vụ làm ăn này không phải một mình ông hưởng lợi, vì toàn bộ đất đai, mặt bằng, nhà hàng, khách sạn của CTCPDLTG đều xuất xứ từ của công và tất nhiên không thuộc quyền sở hữu của riêng ai…!!

LƯƠNG THIỆN