Cái gốc của giáo dục là văn hóa

“Có gì liên hệ giữa cha ông ta xưa với những ngày oanh liệt ấy và cả với ngày nay” (Tiểu luận & phê bình văn học, Trung tâm Nghiên cứu Quốc học – NXB Văn học, 2011 – trang 10). Đó là mối quan tâm sâu sắc, thường trực trong mọi hoạt động đào tạo, nghiên cứu, lý luận – phê bình văn học của Mai Quốc Liên.


Ông tìm câu trả lời trong khi trở lại với các tác gia văn hóa từ cổ đại, cổ điển cho đến hiện đại. Nghiên cứu, giới thiệu, chắt lọc tinh hoa của họ cho các thế hệ bạn đọc hôm nay. Điểm chung của các nhà văn hóa đó là tấm lòng vì nước vì dân, yêu thương con người, trọng lẽ phải… là những con người có “con mắt sáu cõi, tấm lòng nghìn đời”, trước khi chết còn lo chuyện ngàn năm như Nguyễn Du.

Trần Nhân Tông là con người vĩ đại và vĩ đại quá tầm – vĩ đại vượt xa những con người mà ta vẫn gọi là vĩ đại (Sđd – trang 12). Con người biết kết hợp được Đạo và Đời. Đã lãnh đạo quân dân Đại Việt đánh tan quân xâm lược Nguyên – Mông, sáng lập nên phái Thiền Trúc Lâm Việt Nam. Đó là con người kết hợp được Thiền và Nho. Tu tập tìm về cõi Niết Bàn nhưng không quên nghĩa vụ công dân, trách nhiệm đối với quốc gia, dân tộc. Tinh thần của Trần Nhân Tông biểu hiện ở hai câu thơ được tôn là danh cú:

Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã
Sơn hà thiên cổ điện kim âu

Xong việc nước rồi ông từ bỏ ngôi vua “như vứt đôi dép rách” như Thánh Gióng trong truyền thuyết xưa. Ông là một trong những người đầu tiên sáng tác bằng chữ Nôm. Mà “sáng tác, sử dụng chữ Nôm là cái gốc của việc bảo trì, phát huy văn hóa Việt” mà sau này Nguyễn Trãi kế thừa và phát huy với Quốc âm thi tập (Sđd – trang 19) và đó là nền tảng vững chắc cho sự phát triển đến đỉnh cao với Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương sau này.

Nguyễn Trãi là một sự vĩ đại ở tầm thế giới, tầm nhân loại, “vào thời Nguyễn Trãi sống và hoạt động, châu Âu chưa có được một tác giả nào lớn”. (Sđd – trang 19) và “Thế kỷ XXI nhân loại vẫn phải lấy câu lấy đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo để làm phương châm sống (Sđd – trang 63). Nguyễn Trãi vĩ đại không chỉ ở tư tưởng “trừ bạo, yên dân”, “làm sao cho trong thôn cùng xóm vắng không còn tiếng oán hờn… mới là cái gốc của âm nhạc”, “chở thuyền là dân, lật thuyền là dân”… mà ông đã trực tiếp đánh giắc ngoại xâm với một vai trò vô cùng quan trọng bên cạnh chủ tướng Lê Lợi.

Mai Quốc Liên đặc biệt say mê và kính phục Cao Bá Quát. “Thơ Cao Bá Quát vút lên từ một số phận, không phải số phận của chỉ một cá nhân mà còn là của cả một dân tộc. Hàng ngàn năm chúng ta mớ có một hiện tượng văn học kỳ tuyệt và đáng ngạc nhiên như vậy” (Sđd – trang 51). …Từ một con người của từ chương bước vào hiện thực và chiến đấu, từ một con người của vần điệu và khí phách biến thành con người của dòng lịch sử đang vật vã chuyển mình thành anh hùng khởi nghĩa. Và thế là Cao Bá Quát đã có một số phận khác thường trong lịch sử văn học” (Sđd – trang 35). Cao Bá Quát như vậy là sự kế tục từ Trần Nhân Tông đến Nguyễn Trãi, Ngô Thì Nhậm… là những con người đã chiến đấu cho tự do, hạnh phúc của dân tộc không chỉ bằng ngòi bút, mà cả sự xả thân trong hành động thực tiễn.

Với văn hóa dân tộc hiện đại và đương đại, Mai Quốc Liên, tìm hiểu sâu sắc và hết sức trân trọng, nâng niu.

Trong văn học, là sự khẳng định, đánh giá rất cao các tác giả Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Huy Cận, Tố Hữu, Nguyễn Tuân, Tế Hanh… đó là những tác giả có tài. Tác phẩm và nhân cách của họ đã trở thành tài sản văn hóa, tài sản tinh thân cho hôm nay và mai sau. Chế Lan Viên là nguồn đổi mới, sáng tạo liên tục thơ ca trong suốt cuộc đời, cho đến phút cuối cùng. Những thành tựu ấy nổi bật trong di sản văn chương thế kỷ XX, và mở đường cho sự tìm tòi, sáng tạo tiếp theo của thế kỷ XXI. Về phương diện ấy, Chế Lan Viên là người nổi bật nhất, là người số một trong các thi nhân thế kỷ XX (Sđd – trang 116).

Bìa quyển sách Tiểu luận & phê bình văn học của GS-TS Mai Quốc Liên.

Trong các tác gia văn hóa Việt Nam hiện đại, Mai Quốc Liên đặc biệt kính trọng tài năng của những người như Nguyễn An Ninh, Cao Xuân Hạo…

Quá trình biên soạn để xuất bản Nguyễn An Ninh – tác phẩm, ông đã nhận ra rằng: Tư tưởng, lý tưởng, tầm suy nghĩ của Nguyễn An Ninh lớn lắm, mới lắm, vượt ra khỏi thời đại ông và sống mãi đến mai sau”. Bởi ngay từ thập kỷ 20 của thế kỷ trước, Nguyễn An Ninh đã khẳng định văn hóa là tâm hồn của một dân tộc… một dân tộc có nền văn hóa cao thượng thì mới nắm trong tay những đặc quyền mà những dân tộc với một nền văn hóa thấp kém hơn không thể có được. Như vậy, một dân tộc muốn sống, muốn độc lập, muốn rạng danh trong nhân loại, cần phải có một nền văn hóa của riêng mình” (Sđd – trang 71).

Mai Quốc Liên đánh giá Cao Xuân Hạo là “biểu tượng tuyệt vời cho trí tuệ, văn hóa Việt Nam thời chúng ta”, là người “… biết vượt lên cao hơn những cái tầm thường của cuộc đời, để đi trọn con đường bác học của mình, có những công hiến lớn lao, đặc sắc… cho khoa học và văn hóa” (Sđd – trang 100). Chưa có một đánh giá nào như thế về Cao Xuân Hạo kể từ sau khi ông qua đời. Phải có lòng yêu quý, trân trọng hiền tài mới thấy ra và nói lên được như thế.

Vì thế mà trong một bài báo, Mai Quốc Liên đã nói thẳng ra là cơ chế của chúng ta chưa trọng hiền tài. Một người như Cao Xuân Hạo trong khi thế giới tôn vinh như là Copecnic trong ngôn ngữ học hiện đại, người thông thạo nhiều thứ tiếng, đã dịch nhiều tác phẩm văn học lớn, mà chỉ được phong hàm Phó Giáo sư. Đãi ngộ, lương lậu… hoàn toàn bình thường, chẳng ai để ý. “Một cây đại thụ như vậy, chăm sóc như vậy, thật phí hoài!” (Thời sự và suy ngẫm – trang 50, Trung tâm Nghiên cứu Quốc học – NXB Văn học, 2011).

Điều đáng nói ở Mai Quốc Liên là trân trọng, yêu quý nhân tài nhưng rất thẳng thắn. Như khi anh viết về Nguyễn Khải: “có lẽ là người duy nhất thực hiện được thành công tính đối thoại của tiểu thuyết hiện đại (Sđd – trang 103), “Nguyễn Khải đã khai sinh một thể loại mới, thể loại kịch tâm lý – chính luận trong văn chương Việt Nam (Sđd – trang 105), là người “… khám phá ra được đặc trưng ngôn ngữ mang tính tiểu thuyết hiện đại” sau Nam Cao và Vũ Trọng Phụng… (Sđd – trang 106), là người đã bóc trần tấm màn “phi chính trị”: “… cứ bảo văn nghệ và chính trị phải chia ra, không được nhập làm một, chúng ta chỉ có làm văn nghệ thôi, nói thế tức là chính trị lắm đấy, chính trị từ gót chân lên đỉnh đầu, vì những người hò hét xua đuổi chính trị ra khỏi văn nghệ lại rất thích nắm quyền… mà quyền lực là mục tiêu cao nhất của chính trị rồi (Sđd – trang 108). Nhưng Mai Quốc Liên cũng nói thẳng ra rằng: “Anh Khải ơi, rất yêu quý anh, thương anh, nhưng phải nói anh là người quá vội vàng và dễ dãi dao động” (Sđd – trang 110).

Trong lý luận văn học, Mai Quốc Liên đều nhất quán trong cách nhìn biện chứng về mối quan hệ giữa văn hóa – văn nghệ và giáo dục. Là một nhà giáo, ông hết sức lo lắng trước tình hình giáo dục hiện nay… “Biến giáo dục thành một thứ dịch vụ hàng hóa cao cấp, biến người thầy thành kẻ làm thuê, hô hào xã hội hóa mà thực chất là tư nhân hóa” (Sđd – trang 225)… “Giáo dục ngày nay đang bị suy thoái ở tuyến tư tưởng – tuyến tư tưởng đang bị những tư tưởng hữu khuynh dao động, mất phương hướng, lũng đoạn. Đặc biệt ở phần khoa học xã hội và nhân văn”. (Sđd – trang 224)… “Giáo dục con người của chúng ta đang khủng hoảng (Sđd – trang 223)… “Giáo dục thời nay là một bước lùi so với chiến tranh cách mạng..” (Sđd – trang 223). Bởi “Giáo dục là một việc lớn của quốc gia, liên quan đến vận mệnh của đất nước…” (Sđd – trang 221). “Giáo dục đi đôi với chế độ và giữ nước, mất giáo dục, mất văn hóa thì chúng ta còn gì (Sđd – trang 230).

Văn nghệ và giáo dục quan hệ mật thiết với nhau. Nếu “Văn nghệ dạy cho con người niềm say mê sáng tạo, cảm hứng về con người, về cuộc đời, mở rộng vô biên qua không gian và thời gian những hiểu biết, những cảm hứng nhân văn, lịch sử…” (Sđd – trang 223). Nếu “Văn nghệ có thể thổi cảm hứng cho cả một dân tộc” (Sđd – trang 223). Thì việc giảng dạy văn hóa, văn nghệ ở nhà trường là vô cùng quan trọng. Vì chính nhà trường là nơi phải xây dựng niềm tin cho thế hệ trẻ (Sđd – trang 224). “Nhà trường không những cung cấp công chúng cho văn nghệ mà còn là nơi sản sinh ra tài năng văn nghệ” (Sđd – trang 227). Vì vậy “…phải nắm thật chắc, thật sâu phương diện cực kỳ quan trọng này, xem nó là cái quyết định trước mắt và lâu dài, quyết định chiến lược, mất còn của dân tộc” (Sđd – trang 229).

Mai Quốc Liên quan niệm rất đúng đắn, sâu sắc: cái gốc của giáo dục là văn hóa, không phải đơn thuần đào tạo nguồn nhân lực mà phải là đào tạo nguồn nhân lực có văn hóa. Nhìn vào giáo dục hiện nay thì càng thấy những ý kiến của Mai Quốc Liên là xác đáng và cấp thiết.

Trong lý luận văn học, ông cũng nhìn vấn đề trong quan hệ biện chứng với văn hóa, với cuộc sống, phải “làm cho văn nghệ thành nền văn nghệ khai sáng, đi hàng đầu trong công cuộc đổi mới, trong công cuộc đưa đất nước ta ra khỏi đói nghèo và lạc hậu” (Sđd – trang 235). Đó là nền văn nghệ “phò chính trừ tà”, “khuyến thiện trừng ác”… mà “việc lên án cái ác trong văn học nhất thiết phải được tiến hành dưới ánh sáng của một chủ nghĩa nhân văn cao cả, nếu không nó sẽ trở thành què quặt, méo mó” (Sđd – trang 237), “Nhà văn cần một giá đỡ tinh thần, cần một chỗ đứng cao hơn cái ác rất nhiều” (Sđd – trang 239).

Tác giả nhận xét rất đúng rằng nền văn học của ta có lẽ còn chưa xây dựng nhân vật nào lớn trong nỗi đau, trong suy tư trí tuệ, trong khát vọng có tính chất thời đại” (Sđd – trang 239). “Viết về cái tốt mà không tô vẽ, nịnh nọt đơn giản, lý tưởng hóa… mà biến được nó thành xương thịt, thành nhân vật, thành con người đích thực, trần thế, hiện thực, thành nhân vật ngang tầm thời đại… đó đang và sẽ là nhiệm vụ chủ yếu của văn học” (Sđd – trang 239).

Sống “hiện tiền” với cuộc sống – nghiền ngẫm để viết ra được những điều tâm huyết như thế đã là quý. Nhưng quý hơn, đáng trân trọng hơn là Mai Quốc Liên đã kết hợp lý thuyết với thực hành. Không chỉ nói văn hóa dân tộc trên lý thuyết, mà ông đã tổ chức biên soạn, xuất bản được nhiều công trình lớn, rất khó như những tác phẩm của Trần Nhân Tông, toàn tập Nguyễn Trãi, Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Du, Cao Bá Quát, toàn tập Tú Xương, tuyển tập Phan Châu Trinh, Nguyễn An Ninh – tác phẩm. Những công trình khảo cứu về tác giả như Trương Vĩnh Ký, Tố Hữu, Chế Lan Viên, Trịnh Công Sơn, Nguyễn Tuân và rất nhiều công trình khảo cứu về thể loại, thi pháp, thi cử, từ điển, v.v…

Công lao của Mai Quốc Liên là đã tổ chức tập hợp được một lực lượng nghiên cứu Hán – Nôm đáng kính trọng, đáng tin cậy, là những nhà Hán học có uy tín, các bậc túc nho, các học giả bậc thầy về cả Hán học lẫn Tây học như các cụ Giản Chi, Nguyễn Quảng Tuân, Vũ Tuân Sán, Vũ Khiêu, Hữu Ngọc… hoặc trực tiếp khảo cứu, dịch, hoặc là cố vấn trong Hội đồng khoa học…

Đó là những người am hiểu sâu sắc nền văn hóa dân tộc và nhân loại, nhưng các vị đều đã rất cao tuổi. Các cụ Vũ Tuân Sán, Vũ Khiêu, Hữu Ngọc, Nguyễn Quảng Tuân… đều đã ngoài 90. Tiếp nhận được vốn văn hóa ở thế hệ này là điều hết sức quý giá, hết sức quan trọng. Mai Quốc Liên đã tổ chức được công việc đó một cách xuất sắc.

Mai Quốc Liên là con người của học thuật, của công việc. Ở ông lúc nào cũng hừng hực các vấn đề và công việc. Sức làm việc của ông thật phi thường.
Ông vừa giảng dạy, đào tạo khoa học, vừa nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học, viết chính luận, phụ trách Trung tâm Nghiên cứu Quốc học kiêm Tổng biên tập tạp chí Hồn Việt (ra hằng tháng)… chỉ riêng về công việc thôi, cũng là rất đáng nể trọng, đáng quý rồi.


(*)

Tác giả Chu Giang Nguyễn Văn Lưu, nguyên Giám đốc kiêm Tổng biên tập NXB Văn học.

Chu Giang