Chỉ có một kỳ quốc gia với hai mục tiêu cho đỗ tú tài và tuyển sinh đại học
Cái được trên hình thức
Bộ GD&ĐT và nhiều người cho rằng quyết định này là tốt, vì chỉ có một kỳ thi sẽ khiến cho học sinh khỏe, cả Bộ GD&ĐT cũng như từng gia đình học sinh đỡ tốn kém tiền bạc như khi phải qua hai kỳ thi cách nhau khoảng một tháng như trước đây. Đặc biệt là kỳ thi tú tài mà tổ chức riêng với tỉ lệ đỗ hàng năm đã lên tới 99,5% thì tổ chức thi làm gì cho mất công.
Cái chưa được trên thực tế
1. Về mặt bản chất: Việc công nhận đỗ tú tài và việc được tuyển vào đại học khác nhau xa. Công nhận đỗ tú tài là chứng nhận đã đạt được mức kiến thức và kỹ năng tối thiểu so với những điều đã học, chứng nhận thành tích của quá trình đã qua. Trong kỳ thi này, thí sinh không tranh đua với ai để được phần cả, mà chỉ đua với mức quy định theo chương trình, hễ ai đạt thì được, bao nhiêu người đạt thì bấy nhiêu người có phần. Như vậy, thực chất là thí sinh tự đua với bản thân mình mà thôi. Còn kỳ thi tuyển sinh thì hoàn toàn khác: tuyển chọn một số người có đủ kiến thức cơ bản và có khả năng cho việc học trong tương lai để trở thành một người làm được việc theo chuyên ngành. Muốn được phần thì thí sinh phải đạt hai điều kiện: phải đạt ít nhất cái ngưỡng mà nhà trường cho là đủ trình độ để học tiếp mà thành người có kiến thức và kỹ năng làm được việc trong chuyên ngành, và phải lọt vào trong chỉ tiêu tuyển sinh của trường khi so điểm với những thí sinh khác. Như vậy, thí sinh phải tranh đua với cả chương trình học và cả với các thí sinh khác, phải hơn một số người để lọt vào danh sách được tuyển và phải đạt điểm sàn. Nếu anh giỏi anh vượt điểm sàn mà nhiều người giỏi hơn anh thì anh vẫn không có phần. Nếu anh lọt vào danh sách theo chỉ tiêu mà điểm dưới điểm sàn thì đúng ra anh cũng bị loại, chứ không được tuyển như hiện nay tại nhiều trường đại học ở nước ta. Có đại học Y mà tuyển vào những thí sinh chỉ được 13, 14 điểm với lý luận tuy đầu vào thấp nhưng chúng tôi đào tạo kỹ cũng sẽ thành bác sĩ giỏi! Có những thứ mà vật liệu phải là vàng với kim cương mới thành sản phẩm dùng được, mà lại lấy đồng, gỗ, đá hay bùn mà đúc và nói nhờ gia công sẽ thành sản phẩm tốt! Bê tông thì đúc với cốt thép mà còn phải xem sẽ chịu lực bao nhiêu để cốt thép theo kích cỡ nào, phân bố dày bao nhiêu mới dùng được, mà lại đúc bằng cốt tre, thì cầu cống, đường phải sập thôi!
Từ bản chất khác nhau đó mà đề thi phải khác nhau. Rất có thể trong đề Toán thi tú tài anh được điểm 7, 8, 9 thậm chí 10 nhưng trong đề Toán thi vào một trường chuyên nghiệp anh bị điểm 1, 2 thậm chí 0. Điều này thực tế đã xảy ra tại nhiều hội đồng thi đại học các năm trước đây: đỗ tú tài thì trên 95% mà có cả ngàn thí thí sinh bị 0 điểm Toán tại hội đồng thi đại học. Như vậy, đề thi chung này sẽ ra như thế nào? Bộ GD&ĐT sẽ nói: lần này chúng tôi sẽ ra đề thi để học sinh trung bình cũng làm được ít nhất một nửa để chọn đỗ tú tài, phần còn lại ra khó hơn để những học sinh khá, giỏi mới làm được để tuyển sinh đại học. Về mặt lý thuyết, điều này đã khó chấp nhận bởi lẽ đậu tú tài chỉ có tối đa 5 điểm trên 10 sao? Thay vì họ có quyền có được 10/10 so với mức tú tài. Còn về thực tế, có thể xảy ra hai trường hợp lệch: Ra dễ quá để đỗ tú tài trên 90% như các năm qua thì đại đa số được điểm cao, thì làm sao chọn đúng được người giỏi; còn ra khó đúng như đề tuyển sinh thì chỉ độ 15% trên trung bình, khiến cho tỉ lệ đỗ tú tài chỉ 15% thôi sao? Chưa kể là các thí sinh đã đậu tú tài các năm trước chỉ thi tuyển sinh thì có cần gì làm phần thi cho tú tài? Mà nếu không cần thì họ sẽ ngồi đâu vào giờ nào để chỉ thi phần ứng với tuyển sinh khi họ chỉ thi trong nửa thời gian so với người vừa thi tú tài vừa thi tuyển sinh?
2. Về các môn thi: 3 môn bắt buộc cho mọi thí sinh và với cùng đề thi: Văn, Toán và Anh văn, thêm ít nhất một môn tự chọn trong số các môn như Lý, Hóa, Sinh, Sử, Địa,… Ba môn bắt buộc: Văn, Toán, Anh văn với cùng một đề cho mọi thí sinh sẽ có các tác động sau: Làm cho việc phân ban học sinh chọn từ lớp 10 trở nên vô nghĩa. Ngoài ra, thiên lệch điểm số thi tú tài về phía học sinh có thiên hướng nhân văn hơn là về khoa học. Học sinh chọn các ngành đại học mà đầu vào đã có hai môn Văn và Anh Văn, sẽ chỉ chọn thêm một môn như Sử hay Địa để học và thi, những môn còn lại sẽ học rất lơ mơ từ lớp 10 trở lên. Học sinh thi vào trường cần Toán, Lý, Hóa chỉ chọn học và thi thêm hai môn Lý và Hóa, những môn còn lại sẽ học rất lơ mơ từ lớp 10. Học sinh chọn trường cần Toán, Hóa, Sinh chỉ chọn học và thi thêm hai môn Hóa và Sinh, những môn còn lại chỉ học lơ mơ từ lớp 10, v.v… Bấy giờ cô thầy dạy các môn mà học sinh chỉ học lơ mơ ở trường sẽ vô cùng khốn khổ, và bản thân học sinh có thể đỗ Tú Tài và đỗ cao vào đại học nhưng kiến thức cơ bản bị hổng ở nhiều môn.
3. Với các trường đại học: Với chỉ một kỳ thi này, Bộ cho phép các trường đại học cả công lẫn tư tự đưa ra phương án tuyển sinh, hoặc lấy kết quả kỳ thi này hay xét học bạ trung học để tuyển sinh. Xem hai loại trường đại học (trong nhiều loại):
Loại yếu: Lâu nay chỉ tuyển được từ 10%- 40% chỉ tiêu khi thi đại học 3 chung và có điểm sàn của Bộ GD&ĐT thì nay sẽ “mừng” vì nhờ đó mà mình có thể tuyển đủ 100% chỉ tiêu bằng cách xét học bạ tới để nhận sinh viên hay sẽ tuyển độ 70-80% qua học bạ, còn lại 20%-30% tuyển qua kết quả thi mà thôi. Nhưng khi vào thực tế mới thấy cái rắc rối: làm sao so sánh điểm trong học bạ của trường này với trường kia? Ngày nay trường nào thầy cô cũng sẽ cho điểm lên mây hết vì đâu dám cho 0, 1, 2, 3 điểm theo đúng thực lực của học sinh bởi nhà trường sẽ quy cho giáo viên là kém! Khiến cho trường mình không bằng trường người ta, và Sở Giáo dục sẽ quở trách vì khiến cho địa phương mình thua các nơi khác và cả phụ huynh cũng sẽ phản đối ầm ĩ, chứ không ai quy cho học sinh không chịu học, và lắm trò lại vô lễ, hỗn láo cũng không được đuổi học! Ngoài ra, 9 điểm ở trường này chắc gì đã giỏi hơn 7 điểm ở trường kia?
Loại mạnh (như Bách Khoa, Y Dược Hà Nội, TP HCM,…) thì không tin vào kết quả thi Quốc gia mà tự ra đề thi riêng và họ luôn luôn chọn đủ 100% chỉ tiêu dù thi theo kiểu gì. Như vậy, mọi đại học công, tư dù mạnh hay yếu cũng tuyển đủ 100% sinh viên, mọi người vui vẻ, nhưng sẽ thiếu người vào các trường cao đẳng kỹ thuật, trung cấp kỹ thuật và hậu quả là vài năm sau sẽ có rất nhiều người tốt nghiệp đại học mà làm thầy thì không được và làm thợ cũng không xong. Xã hội sẽ đi về đâu? Hơn nữa, vì các đại học tổ chức thi tuyển riêng kéo theo cái nạn luyện thi theo trường mà trước “3 chung” đã từng xảy ra, và khiến học sinh học luyện thi nhiều hơn, và sẽ thiệt thòi cho những học sinh không có điều kiện học luyện thi theo từng trường ấy, và như thế tổng chi phí thi trong toàn xã hội sẽ lớn hơn thi 3 chung.
4. Nhìn ra thế giới: Ta thử xem cho tốt nghiệp tú tài và vào đại học như thế nào tại Mỹ, Pháp, Nhật và Hàn Quốc ?
Mỹ: Việc tốt nghiệp trung học tại Mỹ hiện nay do Hội đồng giáo dục mỗi bang quyết định cho bang mình bằng các bài thi chuẩn của riêng mình. Chẳng hạn, bang Georgia, cấp 3 (High school) từ lớp 9 tới lớp 12, học sinh phải học tối thiểu 23 đơn vị học trình và phải đạt điểm tối thiểu của từng đơn vị, mỗi đơn vị tùy theo môn tương ứng với từ 120 tới 150 giờ dạy trong lớp (giờ chứ không phải tiết 45 phút). Dù trường không phân ban hay trường phân ra bốn ban thì mọi học sinh phải làm năm bài thi chung mà kiến thức là cái lõi chung của tất cả các ban: bốn bài thi trắc nghiệm gồm Anh ngữ 50-60 câu thời gian 60 phút, nhưng thí sinh có thể kéo dài tới 3 giờ 10 phút; Toán: 65 câu thời gian 60 phút, có thể kéo dài 180 phút; Khoa học 70-80 câu, trong 90 phút, có thể kéo dài tới 180 phút; Khoa học Xã hội 90 câu trong 60 phút, có thể kéo dài tới 3 giờ 10 phút. Với một bài thi viết luận văn trong 120 phút mà thì sinh sẽ được dùng 100 phút để viết. Bài thi viết lần đầu cho học sinh lớp 11 vào tháng 9 (giữa học kỳ 1), sẽ do hai giám khảo chấm độc lập; bốn bài thi trắc nghiệm lần đầu cho học sinh lớp 11 vào tháng 1 (đầu học kỳ 2) chấm bằng máy. Từ đó tới cuối lớp 12 học sinh có thể thi mỗi bài thi tới 5 lần, cứ rớt bài thi nào thì thi lại bài thi ấy. Đề thi Toán rất dễ (đối với học sinh Việt Nam ta) chỉ gồm chương trình từ lớp 8 tới lớp 10, Anh văn cũng chỉ tới lớp 10. Nhiều lần thi như thế và dễ như thế, nhưng tỉ lệ đỗ ở Georiga chỉ 67,4% (2011); 69,7% (2012), và 71,5% (2013) (tính theo lứa học sinh từ lớp 9 tới lớp 12). Ở Mỹ, tỉ lệ đỗ các bang từ 59% tới 88%. Điều đáng nói thêm ở đây là trong môn Khoa học Xã hội, nội dung thi gồm 51% lịch sử nước Mỹ, 18% lịch sử thế giới, 13% địa lý, và 18% chính quyền Mỹ và công dân, tức là mọi học sinh phải đạt cái ngưỡng hiểu biết tối thiểu về lịch sử nước Mỹ, chứ không phải ai thích mới chọn học và thi môn Sử như ở nước ta. Còn để vào đại học, các trường yêu cầu học sinh thi SAT hay ACT hay bài thi riêng của trường họ. SAT được do cơ quan khảo thí của College Board tổ chức chung cho cả nước Mỹ 7 lần/năm, và 6 lần/năm ở nước ngoài. Học sinh có thể thi nhiều lần, lấy điểm cao nhất để nộp đơn. Bài thi SAT khó hơn rất nhiều so với bài thi tốt nghiệp trung học và kết quả có giá trị trong 2 năm. Học sinh phải nộp học bạ để người ta xem học những môn gì, vì ngoài các môn tối thiểu, những học sinh giỏi ghi tên học thêm nhiều môn AP (Advanced Placement) mà nội dung cao hơn trung hoc, thường ứng với trình độ ở hai năm đầu đại học, giáo trình thường do College Board (Hội đồng đại học Mỹ) soạn, và thi cuối môn học vào tháng 6 mỗi năm với bài thi do College Board soạn và chấm chung trên toàn nước Mỹ. Có những học sinh giỏi học AP từ lớp 10 nên khi cuối lớp 12 đã học hết chương trình các môn Toán của hai đầu Đại học. Tất nhiên những học sinh này được các đại học chọn trước các học sinh ít hay không học AP. Ngoài ra, các trường danh tiếng còn đòi hỏi học sinh viết một bài luận, thư giới thiệu của ít nhất hai thầy đã dạy, thư giới thiệu của giám đốc các cơ quan mà học sinh này đã đi làm công tác trong các năm trung học, nộp các thành tích như thể thao, chứng nhận học sinh giỏi qua các kỳ thi bang, quốc gia, quốc tế,… Như vậy, tuy nói là để cho mỗi trường tự tuyển sinh, nhưng họ cũng có những cơ sở so sánh trên phạm vi toàn quốc chứ không phải tự tung tự tác. Những trường danh tiếng nhất nước Mỹ như Harvard, Princeton,… thì chỉ những học sinh thuộc loại giỏi hay xuất sắc mới dám nộp đơn, và hằng năm họ tuyển chỉ khoảng 9-15% số ứng viên, hàng ngàn cô cậu tốt nghiệp thủ khoa các trường trung học cũng vẫn bị loại.
Còn các trường thấp nhất là các đại học cộng đồng (hai năm) thì nhận hầu như tất cả nếu còn chỗ và tuyển sinh quanh năm. Còn muốn vào trương Y, Nha,… thì phải học qua ít nhất 3 năm đại học theo ngành Sinh hóa, sau đó phải thi đỗ chứng chỉ MCAT (Medical College Admission Test) mới được nộp đơn xin ứng tuyển vào trường Y; DAT (Dental School Admission Test) vào trường Nha, chứ có phải chỉ lấy tú tài và SAT, ACT đâu. Các chứng chỉ này cũng được cơ quan khảo thí ra đề thi và chấm thi chung trên phạm vi toàn nước Mỹ, có giá trị trong khoảng 3 năm, thường tổ chức thi 3 lần/năm. Trường Y dựa vào điểm thi MCAT, học bạ đại học, thư giới thiệu của thầy, bài luận (tự viết ở nhà, không phải thi viết tại trường) tự giới thiệu về nền tảng học vấn của bản thân mình, lý do chọn ngành Y và phỏng vấn trực tiếp mà xét chọn hay không. Các trường danh tiếng như Harvard, Princeton, Emory,… thì tuyển ít, dưới 200 sinh viên/năm, chỉ độ khoảng 3%- 4% số ứng viên, trường Y thuộc hạng yếu lại tuyển nhiều hơn, tỉ số tuyển có thể tới hơn 20% số ứng viên. Ngoài ra, thống kê(*) cũng cho biết 25% học sinh vào cấp 3 Mỹ không tốt nghiệp trung học; 30% những người tốt nghiệp trung học không vào ngay đại học sau khi tốt nghiệp trung học; 43% những người vào đại học 4 năm thì không tốt nghiệp đại học trong 6 năm; trong số những người tốt nghiệp trong vòng 6 năm thì phái nữ vượt hơn phái nam 6%, và số nữ vào đại học nhiều hơn phái nam theo tỉ số3-2. Những sinh viên tốt nghiệp cử nhân ở Mỹ thì chất lượng từ thượng vàng tới hạ cám! Những anh thượng vàng thì dễxin việc hay học lên tiến sĩ, còn nhiều anh hạ cám xin không ra việc mà xin học lên cao học cũng không được, đành kiếm việc gì đó không cần bằng cử nhân mà làm hay lại vào trường đại học cộng đồng học một nghề từ vài tháng tới hai năm mới tìm được việc.
(Còn tiếp)
(*) http://globalpublicsquare.blogs.cnn.com/2011/11/03/how-u-s-graduation-rates-compare-with-the-rest-of-the-world/