"Cải" nhiều quá coi chừng hóa thành "canh hẹ"! (Kỳ 2)

Nhìn ra thế giới

Tú tài và tuyển sinh vào đại học Pháp: Học sinh cấp 3 ở Pháp được theo 3 ban lớn để thi 3 loại tú tài: tú tài tổng quát (baccalauréat général), tú tài công nghệ (baccalauréat technologique) và tú tài chuyên nghiệp (baccalauréat professionnel). Trong mỗi ban lớn này lại chia ra các phân ban, chẳng hạn trong tú tài tổng quát chia làm 3 phân ban: ban kinh tế và xã hội (ES = économique et sociale), ban văn chương (L = littéraire) và ban khoa học (S = scientifique); tú tài công nghệ gồm 8 phân ban,… Học theo phân ban nào thì thi tú tài theo phân ban đó. Kỳ thi tú tài do Bộ Giáo dục Pháp tổ chức hằng năm trên toàn nước Pháp và các vùng lãnh thổ thuộc Pháp. Nói chung, thi tú tài gồm 9 tới 10 môn thi bắt buộc, cả viết, vấn đáp và cũng có thể thêm vài môn tự chọn. Tỉ lệ đỗ: 3% năm 1945, 25% năm 1975, 71,6% năm 2011. Tú tài tổng quát thường chiếm tỉ lệ khoảng 50%; tú tài công nghệ khoảng 23% và tú tài chuyên nghiệp khoảng 27%. Trước khi được dự thi tú tài ở cuối lớp 12, học sinh phải qua cái sàn: một số môn ở cuối lớp 11 và một số môn ở cuối lớp 12: Nếu điểm trung bình từng môn đạt từ 10/20 trở lên thì được quyền dự thi tú tài; nếu chỉ từ 8/20 đến dưới 10/20 thì phải thi vấn đáp các môn ấy và nếu vấn đáp có hai môn được từ 10/20 trở lên thì được dự thi, nếu không và những học sinh có điểm trung bình dưới 8/20 thì không được dự thi. Ban tú tài tổng quát (baccalauréat général) hướng học sinh lên các đại học, các viện đại học công nghệ, các trường lớn (grandes écoles); tú tài công nghệ (baccalauréat technologique) hướng học sinh vào các trường chuyên ngành (écoles spécialisées) (từ 2 tới 7 năm); tú tài chuyên nghiệp (baccalauréat professonnel) hướng học sinh vào các trường cao đẳng nghề (thành kỹ thuật viên, thợ cao cấp). Đậu tú tài tổng quát thì được đăng ký vào các đại học tổng hợp (université) mà không qua thi tuyển; muốn học y, nha, dược thì sau khi đỗ tú tài đăng ký vào học năm nhất, cuối năm phải dự kỳ thi tuyển, nếu đỗ thì được học lên năm thứ 2, nếu hỏng thì chỉ được phép thi tuyển lại một lần nữa vào năm sau, hỏng nữa thì không được thi tuyển nữa. Với các trường đại học chuyên ngành khác thì phải qua thi tuyển vào năm thứ nhất, và đặc biệt muốn vào các trường lớn (grandes écoles) như École Normale Supérieure, Polytechnique,… thì phải học luyện thi ít nhất hai năm và thi tuyển vô cùng cạnh tranh.

Tú tài vào đại học tại Nhật: Ở Nhật việc cho tốt nghiệp trung học thì giao cho học khu và các trường lo, không có kỳ thi chung toàn quốc. Học sinh vào cấp 3 thường tốt nghiệp khoảng 96%. Nhưng học sinh Nhật đang học lớp 12 hay đã tốt nghiệp trung học phải thi các bài thi tuyển sinh đại học trong kỳ thi do trung tâm khảo thí Quốc gia (National center test for university admissions) tổ chức hằng năm liên tiếp trong hai ngày vào khoảng nửa cuối tháng 1. Nội dung kiến thức trong các bài thi này phải dựa trên chương trình học được Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ (Ministry of Education, Culture, Sports, Science and Technology) công bố. Nội dung thi gồm 6 môn: công dân (civics), sử, địa, văn chương Nhật, ngoại ngữ (Anh, Đức, Pháp, Hoa, Hàn), khoa học và toán. Tùy theo yêu cầu mức độ kiến thức khác nhau để theo học các ngành khác nhau mà trong mỗi môn có thể có các bài thi khác nhau, như toán có 2 bài khác nhau, khoa học có 3 bài thi khác nhau. Tổng cộng có 29 bài thi trắc nghiệm khác nhau và thi thêm bài nghe nếu chọn ngành tiếng Anh. Học sinh chọn các bài thi theo yêu cầu xét nhập học theo từng trường. Đây là cuộc chiến “sinh tử” của học sinh Nhật qua các lớp học thêm và luyện thi bắt đầu luyện từ cấp 2 để được vào một trường cấp 3 danh giá, và cuối cùng vào đại học như mong muốn của cha mẹ. Các trường đại học cả công lẫn tư trên toàn nước Nhật sẽ dựa vào điểm các bài thi này mà tuyển sinh. Có 3 loại trường:

1. Loại thường thường bậc trung trở xuống: Chỉ dựa vào điểm kỳ thi này mà xét tuyển.

2. Loại giỏi hay cần có khả năng riêng: Kết hợp điểm kỳ thi này với điểm một bài thi riêng của trường.

3. Loại trường danh giá hạng nhất: Chọn những học sinh trên điểm sàn do họ đưa ra qua kỳ thi chung này, sau đó coi mọi ứng viên này bằng nhau, rồi cho họ thi các bài thi riêng của trường, chỉ căn cứ vào kết quả các bài thi riêng này mà tuyển sinh.

Tốt nghiệp trung học và vào đại học tại Hàn Quốc: Hàn Quốc cũng không tổ chức thi tốt nghiệp trung học chung trên toàn quốc mà chỉ chú trọng tổ chức kỳ thi tuyển sinh vào đại học. Bài thi Năng lực học đại học (CAT = College Sclolastic Ability Test hay National College Scholastic Aptitude Test, mà người Hàn gọi là Suneung ( ) do Viện Chương trình và Kiểm định Hàn (KICE = Korea Institute of Curriculum and Evaluation) tổ chức hằng năm vào ngày thứ 5 tuần thứ 2 trong tháng 9. KICE chịu trách nhiệm làm để thi, in đề thi, chấm thi… Nội dung thi phải dựa vào các sách giáo khoa theo chuẩn quốc gia (nation-standard texbooks) trong các môn 6 môn: tiếng Hàn, toán, Anh văn, khoa học xã hội (social science)/ khoa học (science), ngoại ngữ/Hanja (Hàn cổ). Tiếng Hàn và toán chia làm 2 loại: loại A và loại B, học sinh chọn 2 trong 3 mà không được chọn Hàn B và toán B. Khoa học xã hội (social xcience) thí sinh chọn 2 trong 10 nội dung: đạo đức, đạo đức và tư tưởng, sử Hàn, địa Hàn, sử thế giới, địa thế giới, sử Đông Á, luật và chính trị, xã hội và văn hóa, kinh tế. Trong khoa học, thí sinh chọn 2 trong 8 nội dung: lý 1, hóa 1, sinh 1, khoa học quả đất 1, lý 2, hóa 2, sinh 2, khoa học quả đất 2. Môn ngoại ngữ (ngoài tiếng Anh bắt buộc cho mọi thí sinh) thí sinh chọn 1 trong 9 thứ: Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Hoa, Nhật, Nga, Ả rập, Việt, Hàn cổ. Về chuyên ngành, chỉ những thí sinh đã học hết 80% nội dung môn thì có thể chọn 1 trong 5 thứ: khoa học nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, hải dương học, kinh tế gia đình. Việc chọn môn thi của thí sinh tùy theo ngành ở đại học muốn theo học. Mọi đại học căn cứ vào điểm thi này để tuyển sinh.

Kỳ thi này vô cùng quan trọng đối với không những học sinh mà gia đình và xã hội Hàn quốc (có lẽ còn hơn cả Việt Nam ta). Hằng năm, KICE ký hợp đồng (cam kết không tiết lộ) với những giáo sư đại học và giáo viên trung học mà họ lựa chọn (năm 2012 gồm 696 người) và được chia làm 2 nhóm: nhóm thứ nhất làm ra đề thi (gồm các giáo sư đại học và một số giáo viên trung học), nhóm thứ hai gồm toàn giáo viên trung học làm nhiệm vụ kiểm tra, hiệu đính đề thi. Hai nhóm này “bị nhốt” trong một khách sạn cửa sổ được sơn đen, cắt đứt mọi thông tin liên lạc với bên ngoài, cho đến khi thi xong, mỗi ngày được trả số tiền tương đương 300 đô la Mỹ! Thí sinh nhiều khi được cảnh sát hộ tống tới nơi thi để bảo đảm đến đúng nơi không trễ giờ. Việc canh thi và làm bài thi được tổ chức vô cùng nghiêm ngặt: nghiêm cấm thí sinh không được đem điện thoại di động, thức ăn và bất cứ cái gì gây mất tập trung cho người khác vào phòng thi. Giám thị tuyệt đối không được đem theo điện thoại di động, sách, báo, tạp chí và được lệnh cấm làm bất cứ điều gì gây mất tập trung cho thí sinh. Thí sinh phàn nàn, có khi kiện giám thị làm họ mất tập trung, không thoải mái làm bài thi vì giám thị ăn sô cô la, nói chuyện, mở cửa sổ, hách xì, hoặc đứng lù lù trước bàn thí sinh hay nhìn chằm chằm vào thí sinh!

Trước khi dự kỳ thi này, học sinh Hàn Quốc cũng trải qua học, học thêm, học luyện thi chí tử! Ở Hàn quốc vẫn thường đồn rằng nếu bạn chỉ ngủ 3 giờ mỗi đêm thì bạn có thể vào được đại học loại xịn nhất (đại học Bầu Trời = SKY University), nếu bạn ngủ 4 giờ/đêm thì có thể vào được các đại học khá, nhưng nếu bạn ngủ 5 giờ hay nhiều hơn mỗi đêm, nhất là năm lớp 12 thì hãy quên chuyện vào đại học đi!

Đề nghị giải pháp cho nước ta

Giới thiệu qua cách cho tốt nghiệp trung học và tuyển vào đại học của Mỹ, Pháp, Nhật, Hàn là để tham khảo, chứ không thể bắt chước nước nào, bởi vì mỗi cách tổ chức đều có ưu điểm và khuyết điểm so với tình hình thực tế nước ta. Sau đây là đề nghị cách tổ chức ở nước ta:

1. Về xét tốt nghiệp trung học (hay tú tài) thì Sở Giáo dục tỉnh, thành phố nào tự lo cho mình, Bộ Giáo dục và Đào tạo không can thiệp vào.

2. Bộ chỉ lo tổ chức kỳ thi quốc gia tuyển sinh cho mọi đại học trên toàn quốc. Các môn thi theo yêu cầu của từng loại đại học (có sự thống nhất giữa các trường đại học với Bộ). Mỗi ngành thí sinh phải thi 3 môn, chẳng hạn: toán, lý, hóa; toán, hóa, sinh; văn, sử, địa; văn, Anh văn, sử… Có thể cùng môn nhưng 2 đề thi khác nhau, chẳng hạn toán cho các ngành khoa học cơ bản, như ngành toán, ngành lý hay các ngành kỹ sư… thì dùng chung một bài thi, còn các ngành khoa học thực nghiệm như y, nha, dược, kinh tế, tài chính, ...thì dùng chung một bài thi. Bộ có nhiệm vụ ra đề thi, tổ chức thi, tổ chức chấm (phối hợp với các sở Giáo dục, các trường đại học,…) và công bố kết quả từng môn thi. Thời gian thi có thể nên vào tháng 10 hằng năm (vào giữa học kỳ đầu của lớp 12 năm ấy). Kết quả được công bố vào tháng 1 năm sau (khoảng đầu học kỳ 2 của lớp 12). Học sinh dùng kết quả của 3 môn ấy theo yêu cầu của trường mà mà nộp đơn. Có thể một học sinh thi nhiều hơn 3 môn như: toán, lý, hóa, sinh để nộp đơn vào đại học bách khoa và cả y, nha, dược… Những trường đại học dù công hay tư đều phải dùng kết quả các môn thi này để tuyển sinh. Để chấn chỉnh và nâng cao chất lượng đầu vào, Bộ nên ra quyết định chỉ những học sinh mà điểm trung bình 3 môn thi ứng với ngành muốn theo học phải từ 15/30 mới được nộp đơn vào đại học dù công hay tư. Một trường đại học có đặc điểm riêng như kiến trúc, … có thể nhận đơn những thí sinh đã dự thi đạt chuẩn (từ 15/30 trở lên rồi cho thi thêm môn vẽ, v.v…). Sau khi kết thúc lớp 12, học sinh phải nộp bổ sung văn bằng tốt nghiệp trung học mới được vào học đại học. Bằng đại học do trường đại học cấp chứ không phải bằng quốc gia gì cả. Có thể Bộ Giáo dục và Đào tạo, cùng với hai trường Đại học Quốc gia Hà Nội và TP Hồ Chí Minh và Hiệp hội nghề (như Hiệp hội Bác sĩ, Hiệp hội Kỹ sư Điện,…) tổ chức hằng năm kỳ thi lấy chứng chỉ hành nghề trong từng ngành, sau khi tốt nghiệp đại học, ai thi đỗ chứng chỉ này trong ngành mình học mới được hành nghề. Trường đại học có thể kết hợp bài thi này trong kỳ thi tốt nghiệp để khi sinh viên tốt nghiệp thì có luôn chứng chỉ hành nghề. Khi đó mới không còn tâm lý phân biệt tốt nghiệp từ đâu đối với các cơ quan tuyển dụng. Vì có kỳ thi này thì các trường đại học dù công hay tư đều phải lo dạy sao cho sinh viên ra trường phải có chất lượng.

(Còn tiếp kỳ 3: Về sách giáo khoa)

TS LÊ TỰ HỶ