Về sách giáo khoa
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cuối cùng đã kết luận là cần kinh phí 800 tỉ đồng để soạn mới toàn bộ sách giáo khoa cho cả 3 cấp học: cấp 1, cấp 2 và cấp 3. Và cũng chấp nhận trên nguyên tắc là có thể có hơn một bộ sách giáo khoa. Cái lúng túng hiện nay là tổ chức viết như thế nào và bao lâu thì xong? Ai được quyền viết, Bộ có nên tự mình viết một bộ hay không?
Tất cả những cái lúng túng đó, kể cả cái tổng kinh phí 800 tỉ (mà ban đầu Bộ tính 34.000 tỉ) là do cách làm của Bộ không khác nào “đặt con trâu trước cái cày” thì làm sao mà cày cho được! Khi chưa có nội dung cụ thể các môn học trong từng lớp học như: học cái gì?, mức độ hiểu biết cần đến đâu?, thời lượng dạy và học là bao nhiêu?... thì làm sao viết sách giáo khoa? Cách đây hơn 7 năm, người viết bài này đã viết bài Tổ chức biên soạn sách giáo khoa như thế nào khi bỏ độc quyền? đăng trên Tạp chí Kiến Thức Ngày Nay số 597, ngày 10-3-2007, trong đó nêu rõ các đặc điểm cần có của sách giáo khoa, và làm thế nào để nước ta có thể biên soạn in thành 5 bộ sách giáo khoa trong thời gian 6 tháng. Tuy bài viết đã hơn 7 năm trước mà tính thời sự vẫn còn nóng hổi ngày hôm nay. Ở đây, trong tình hình hiện tại, tôi chỉ nêu lên vài đề nghị như sau:
Bước 1: Bộ GD&ĐT phải soạn ra cho được bộ chương trình học chi tiết từng môn học từ lớp 1 tới lớp 12: Nội dung cần học, thời lượng dạy trong lớp, thời lượng học sinh về nhà ôn và làm bài tập. Bộ nên dự thảo, đưa ra lấy ý kiến rộng rãi, đặc biệt là những giáo sư chuyên ngành ở đại học cũng như những thầy cô đang dạy môn học ấy ở các trường cấp 1, cấp 2, cấp 3 hiện nay. Rồi sau đó đúc kết lại. Chẳng hạn lớp 1: chỉ nên có tối đa 3 sách giáo khoa: Tiếng Việt, Toán, Thường thức (dạy các cháu giữ vệ sinh cá nhân, vệ sinh công cộng, cách xưng hô đối xử với mọi người trong gia đình, ngoài đường, trong trường, tập hát quốc ca v.v…) và hạn chế số trang, chẳng hạn không quá 100 trang mỗi sách. Hiện nay nghe đâu học sinh lớp 1 mà có trường buộc sắm đủ 16 quyển sách theo chương trình cải cách năm 2000 thì tội cho các cháu quá!
Bước 2: Tổ chức viết và thẩm định. Sau khi có được bộ chương trình chi tiết thì giao cho 3 cụm tổ chức viết và thẩm định: Cụm 1 do Đại học Sư phạm Hà nội chủ trì bao gồm tất cả các trường Sư phạm miền Bắc; Cụm 2 do Đại học Sư phạm Huế chủ trì bao gồm tất cả các trường Sư phạm tại miền Trung; Cụm 3 do Đại học Sư phạm TP.Hồ Chí Minh chủ trì bao gồm tất cả các trường Sư phạm ở miền Nam. Mỗi cụm có nhiệm vụ lập Hội đồng thẩm định sách giáo khoa theo từng môn, từng lớp. Chẳng hạn, Hội đồng thẩm định sách Tiếng Việt lớp 1 gồm 3 người. Khuyến khích các tác giả hay các nhóm tác giả căn cứ vào chương trình chi tiết do Bộ GD&ĐT ấn hành mà viết từng quyển một gởi về một cụm trong thời hạn nào đó, chẳng hạn 3 tháng. Sách gởi qua máy tính của cụm, theo định dạng chuẩn như quy định của cụm (kích cỡ chữ, canh lề, hình vẽ khi cần thì có màu v.v…). Người viết hay nhóm viết có thể là thành viên của một trường nào đó, một nhóm nào đó, một thầy giáo đã về hưu, một thầy đang dạy môn đó, ví dụ một cô giáo đang dạy lớp 1 có thể viết và nộp sách Tiếng Việt lớp 1. Nhưng người nào được mời vào Ban thẩm định thì không được nộp sách do mình viết cho Ban thẩm định. Sau khi khóa sổ nhận sách, Ban thẩm định sẽ làm việc trong vòng 3 tháng để chọn sách tốt nhất, rất có thể phải mời hai hay ba tác giả của hai hay ba quyển sách tốt nhất tới để họ tổng hợp lại thành một quyển tốt nhất. Chọn quyển tốt nhất ấy. Như vậy, trong vòng 6 tháng, mỗi cụm phải chọn cho được một quyển sách giáo khoa theo mọi môn từ lớp 1 cho tới lớp 12. Với các phương tiện như máy vi tính hiện nay thì việc thực hiện các bước 1 và 2 trên đây là khá dễ, ít tốn thời gian và tiền bạc.
Bước 3: Bộ GD&ĐT có trách nhiệm in 3 quyển sách giáo khoa cho mỗi môn từ lớp 1 tới lớp 12 mà 3 cụm đã chọn. Các tác giả có sách được chọn sẽ được hưởng tác quyền theo thông lệ quốc tế, có nhiệm vụ điều chỉnh nội dung theo góp ý các giáo viên trực tiếp dùng sách dạy theo yêu cầu của Bộ khi tái bản sách. Những người đề nghị điều chỉnh mà nội dung đề nghị được sử dụng thì được ghi tên và được nhận tác quyền theo tỷ lệ hợp lý.
* Những cụm từ còn rất mơ hồ
Trong chủ trương đổi mới giáo dục lần này, Bộ GD&ĐT nhấn mạnh cụm từ “đổi mới toàn diện” và phương pháp giảng dạy Bộ nói chuyển từ “truyền thụ kiến thức và luyện kỹ năng” qua “rèn luyện năng lực”, nội dung thì nhấn mạnh “tích hợp”. Quả là những cụm từ rất “kêu”, rất thời thượng. Nhưng chỉ nói chung chung mà không quy định rõ “năng lực là gì?”, “tích hợp là gì? và tích hợp những gì trong từng bài học cụ thể?” thì rốt cuộc người viết sách giáo khoa, cũng như thầy dạy sẽ làm như thế nào đây? Nếu không dạy cho học sinh nắm vững kiến thức cơ bản, không thành thạo các kỹ năng vận dụng kiến thức thì học sinh lấy đâu ra “năng lực” để giải quyết vấn đề? Một kỹ sư công trình mà không am hiểu sâu rộng về những kết cấu và không thành thạo kỹ năng tính toán, không lập được các chương trình mô phỏng (simulation) để dự kiến các diễn biến về lâu dài của công trình theo các giải pháp khác nhau thì lấy đâu ra “năng lực” để thực hiện công trình? Một bác sĩ mà không có kiến thức sâu rộng về bệnh lý hay không thành thạo các thao tác phẫu thuật thì “năng lực” chữa bệnh ở đâu? Hiện nay ở nước ta đã và đang nhấn mạnh khá nhiều về “kỹ năng sống”, “kỹ năng mềm”, “kỹ năng giao tiếp”, “năng lực giải quyết vấn đề”, nhưng quên rằng nếu không có kiến thức sâu về chuyên ngành, không có kỹ thuật, thiếu kỹ năng thao tác thì làm sao thực hiện thành công các dự án? Chỉ nói suông thôi, chỉ giỏi điều đình, chỉ giỏi quảng cáo, tiếp thị sản phẩm mà thôi sao? hay tạo ra lớp người chỉ giỏi nói mà không làm đươc việc! Còn tích hợp (integration & combination) là thế nào? Có phải ra đề thi gồm 100 câu, trong đó gồm 30 câu Sử Việt, 30 câu Sử thế giới, 40 câu Địa mà gọi là tích hợp? Tích hợp theo nghĩa đúng là vận dụng kiến thức trong nhiều ngành khác nhau để giải thích một hiện tượng, để giải quyết một vấn đề. Điều này đâu có đơn giản vì hoặc là có kiến thức sâu về từng ngành, hoặc là chỉ dùng kết quả của từng ngành để mô tả, lý giải tổng quát, sơ lược về hiện tượng. Ngoài ra không phải trình độ nào cũng tích hợp được. Hay các vị nghĩ đơn giản là hiện nay học sinh cấp 2 của ta học riêng biệt vài môn như Lý, Hóa, Sinh với 3 sách giáo khoa riêng biệt, bây giờ ta gộp lại thành một môn có tên Khoa học (Science) như ở cấp 2 của Mỹ (gồm 3 lớp 6, 7 và 8)? Chẳng hạn cuốn Holt Science & Technology, được gọi là Khoa học tích hợp (Integrated Science) với nội dung gồm Đời sống, Quả đất và Khoa học vật lý? Nhưng lên cấp 3 (4 lớp: 9, 10, 11 và 12) họ viết tách ra các quyển sách riêng từng môn Hóa, Lý, Sinh… với nội dung rộng, sâu và cập nhật kiến thức mới trong chuyên ngành, và cho phép các học sinh giỏi ghi tên học các môn riêng biệt mà nội dung ở tầm 2 năm đầu đại học.
Hiện nay cách dạy và cách ra đề thi của ta buộc học sinh học thuộc lòng nhiều thứ vô bổ. Chẳng hạn, dạy Sử buộc học sinh học thuộc lòng cả ngày tháng năm sinh của các nhân vật, mô tả một trận đánh buộc học thuộc những con số như số quân ta, số quân địch, số chiến lợi phẩm, số tù binh… thay vì dạy phân tích tình huống, tập lý giải tại sao thắng, tại sao thua…, khơi dậy lòng yêu nước. Dạy Địa nước ta thì bắt thuộc lòng tên nhiều con sông ở các tỉnh, các đặc điểm như chiều dài... Thật ra học sinh chỉ cần nhớ chi tiết vài con sông chính như sông Hồng, sông Cửu Long v.v… nhưng điều quan trọng là tập cho học sinh phân tích hệ thống sông ở nước ta có những lợi điểm gì, những khuyết điểm gì… cho cuộc sống của dân ta.
Sách giáo khoa của ta hiện nay viết lý thuyết suông quá nhiều. Chẳng hạn, trong môn Toán, chương bất đẳng thức thì sách dạy và bài tập đều hướng học sinh sử dụng những bất đẳng thức mẫu như bất đẳng thức Côsi, Bunhiacốpxki v.v… để giải các bài toán rất khó, toàn với các số và ký tự a, b, c… vô hồn, không hề liên quan đến thực tế, và học sinh cũng không biết bất đẳng ấy thức từ đâu mà có được. Tất nhiên những bài toán như thế cũng rất cần, nhưng chỉ cần cho độ 5% học sinh rất giỏi, còn 95% học sinh thì nên cho toán lý thuyết ở mức vừa và thay những bài toán quá khó bởi các bài toán vận dụng bất đẳng thức để giải các bài toán có liên hệ tới thực tế cuộc sống thì tốt hơn nhiều. Chẳng hạn bài toán: “Các sản phẩm có giá từ 50$ tới 250$, được bán hạ giá từ ít nhất 15% và nhiều nhất là 75%. Hãy viết hệ bất đẳng thức diễn tả các tình huống ấy. Hãy tìm giá có thể bán một sản phẩm mà giá bình thường là 160$ bằng 2 cách: đồ thị và phép tính”. Hay bài toán thực tế: “Chi phí sản xuất n sản phẩm được tính bằng 12n nếu 1 ≤ n ≤ 24; 11n nếu 25 ≤ n ≤ 48, và 10n nếu 49 ≤ n. Hãy tìm những giá trị của n sao cho khi sản xuất đúng n sản phẩm thì chi phí lại cao hơn sản xuất nhiều hơn n sản phẩm”. Rất có thể nhiều học sinh giải tinh thông nhiều bài toán bất đẳng thức vô hồn với các bất đẳng thức mẫu Côsi, Bunhiacốpxki mà hoàn toàn lúng túng trước các bài toán thực tế này. Như vậy, sách giáo khoa và cách dạy, cách ra đề thi của ta bảo học sinh tìm ra con đường dẫn đến những công trình kỳ vĩ của các bậc thầy, những học sinh cực kỳ thông minh và có năng khiếu thì mới có thể tự khám phá ra con đường đi, còn tuyệt đại đa số thì không tự làm được, đành phải dồn công sức vào việc học thuộc con đường, như lần theo con đường mòn đến nơi chỉ để chiêm ngưỡng và thán phục cái kỳ vĩ, chứ không còn hơi sức đâu mà tập giải quyết vấn đề. Vậy, theo tôi cần phải đưa thêm các tình huống thực tế cuộc sống vào bài tập để học tập giải quyết vấn đề song song với các bài tập thuần lý thuyết.
Ngoài ra, sách giáo khoa của ta hiện nay đang lâm bệnh đưa khá nhiều đề bài trắc nghiệm vào cho “hợp thời trang”, khiến nhiều tác giả viết sách phải ráng “đẻ ra” các bài trắc nghiệm “ngớ ngẩn”, điển hình là bài toán tính số gà cho lớp 2 khiến các tác giả vốn là những giáo sư, tiến sĩ “mắc nạn” như qua phản ánh của truyền thông đại chúng vừa qua! Sách giáo khoa đưa quá nhiều đề trắc nghiệm vào còn khiến cho sách dày cộm lên vừa tốn giấy in vừa khiến các cháu mang nặng thêm. Nhiều thầy cô lại cho các em làm ngay bài trắc nghiệm trên sách giáo khoa, khiến sách không dùng được cho năm sau. Đây là một phí phạm rất lớn đối với đất nước nghèo như chúng ta. Ngay Mỹ là nước giàu mà sách giáo khoa được nhà trường mua về cho học sinh dùng trong vài năm; học sinh có thể mượn sách để học với điều kiện không được làm nhớp, làm hư hại, không được làm bài trắc nghiệm ngay trên trang sách. Nếu vi phạm thì bị phạt, phải đền quyển sách mới. Đó không những là dạy cho trẻ em biết tiết kiệm mà còn dạy trẻ em biết tôn trọng của công, biết tuân theo pháp luật.
Nhận xét kết thúc
Nói đổi mới toàn diện giáo dục là cần đưa ra được các phương án để:
1. Giúp phân luồng học sinh theo năng lực sau khi tốt nghiệp trung học, để ai đáng làm thầy thì có điều kiện tốt để thành làm thầy tốt, ai đáng làm thợ thì có điều kiện thành thợ lành nghề. Và dạy học sinh nhận ra dù thầy hay thợ đều là nhiệm vụ vinh quang trong việc đóng góp vào sự phát triển xã hội Việt Nam. Một điển hình trong ngành y, là ngành học lâu dài nhất, thì nhất thiết phải cần những con người có trình độ thông minh ít ra là trên trung bình thì mới trở thành bác sĩ giỏi được, là điều kiện cần cho công việc quan trọng nhất của cuộc sống là chăm lo sức khỏe của nhân dân. Vậy mà hiện nay, sau gần 40 năm độc lập thống nhất đất nước, có trường đại học y của ta vẫn phải nhận những sinh viên cử tuyển, trong đó có nhiều người rất kém, và khó tránh khỏi việc con cháu các ông “kẹ”, những người có điều kiện “lót đường” được nằm trong “danh sách quy hoạch cán bộ” thì còn gì là hiệu quả của “đổi mới toàn diện giáo dục”?
2. Tạo điều kiện cho thanh thiếu niên ở nông thôn được học tập tốt hơn, xóa dần khoảng cách giữa giáo dục nông thôn và thành thị mà nay đang là rất lớn.
3. Giảm sĩ số trong lớp xuống 40 để giúp giáo viên dễ nâng cao chất lượng dạy và học.
4. Thay đổi cách quản lý giáo viên, “cởi trói” cho họ để họ có nhiều thì giờ hơn trong việc soạn bài giảng, họ được toàn quyền chọn trình tự nội dung dạy và phương pháp dạy mà với kinh nghiệm bản thân, họ cho là hữu hiệu nhất; để họ cho điểm học sinh tương đối sát theo như năng lực của chúng, không bị áp lực phải cho điểm trên mây. Trong điều kiện đó, họ mới thấy thoải mái và hứng thú dạy học, đây là một yếu tố quan trọng để thành công trong việc dạy.
5. Nâng cao đời sống cho giáo viên để họ toàn tâm toàn ý vào việc giảng dạy, không phải làm gì thêm mới sống tạm được. Khi đó mới thu hút được những người giỏi vào ngành sư phạm, thoát khỏi cái ám ảnh “chuột chạy cùng sào rớt vào sư phạm” như bấy lâu nay.
Nếu không có phương án cho các vấn đề trên đây thì đổi mới thi Tú tài và Tuyển sinh Đại học và viết lại toàn bộ sách giáo khoa với chi phí 800 tỉ đồng mà Bộ GD&ĐT cho là “đổi mới toàn diện” thì rồi ra cũng sẽ như bao lần cải cách trước đây, nền giáo dục nước ta sẽ khó mà vươn lên như mong muốn.