Cái vốn bị hủy hoại

Chỉ cần lướt qua vài trang báo mạng đứng đắn người ta cũng thấy nhiều biểu hiện suy thoái đạo đức nhân cách kinh khủng ở nhiều tầng lớp, nhiều lứa tuổi. Nói riêng về hiện tượng hiếp dâm thôi cũng đã thấy khó tưởng tượng, lý giải. Những trẻ em quá nhỏ mới chỉ mấy tuổi, các cụ già hơn tám chục tuổi, thậm chí cả mẹ đẻ cũng là nạn nhân! Cái nhân tính đã không còn ở nhiều kẻ hành động như thế. Chuyện bạo lực ở “cấp độ” giết người cũng kinh khủng không kém! Đủ thứ lý do vớ vẩn, đủ thứ quan hệ thân thiết giữa tội phạm và nạn nhân. Những người có lương tri không thể không trăn trở. Câu hỏi về nguyên nhân luôn ám ảnh!

Có một khái niệm được quan tâm gần đây. Đó là khái niệm vốn xã hội, rất nên tìm hiểu. Có thể đó là thứ giúp ta nhận rõ nhiều điều mà ta chưa lý giải được.

Vốn xã hội là gì? Đó là thứ “vốn” của “xã hội”! Nói đến vốn, người ta thường nói đến các tài sản vật chất của con người và của cả xã hội. Nhưng khi nói đến thứ “vốn” là của chung của “xã hội” người ta nói đến thứ “vốn” phi vật thể. Đó là thứ cấu tạo từ ba mảng: Niềm tin chung và sự tin cậy vào nhau theo quan hệ giữa người với người - Sự tương hỗ có đi có lại trong những hành vi được thể chế hóa - Các mối quan hệ tạo thành các mạng lưới xã hội. Có thể hiểu rằng đối với cá nhân, đó là cái “vốn quan hệ” với các cá nhân khác. Khi mà cái vốn xã hội lành mạnh thì xã hội lành mạnh (nhà Nho dùng khái niệm trị). Các cá nhân cũng lành mạnh, bởi vì vốn xã hội là thứ “thấm” vào, “lặn” vào mỗi cá nhân một cách tự nhiên. Chính vì thế, nói đến vốn xã hội người ta nói đến “vốn văn hóa”, “vốn con người”. Không thể không nghĩ đến sự hủy hoại vốn xã hội ở những nơi đạo đức xuống cấp tệ hại (nhà Nho dùng khái niệm loạn).

Nhìn vào thế giới đương đại hay những thời kỳ lịch sử đau đớn của dân tộc như thời Lê Mạt chẳng hạn, có thể lý giải nguyên nhân của hiện tượng vốn xã hội bị hủy hoại. Có rất nhiều, ít nhất cũng là vài cái xin lược ra:

- Ở những xã hội đẳng cấp hóa, con người bị phân biệt, chia cắt bởi những tiêu chí như tài sản, chức tước (nhiều khi là mua được như ở nông thôn ta trước kia), như tôn giáo, sắc tộc, giới tính…, như hội này, đoàn thể kia… tất có những hệ quả tác động vào vốn xã hội. Sự thiếu niềm tin của xã hội vào cá nhân bị xếp vào bậc thấp cùng với những bất bình đẳng trong những quyền lợi vật chất tinh thần họ phải “thụ hưởng” là mầm mống chia rẽ “khối đoàn kết” trong cộng đồng và hủy hoại cả sự tin cậy giữa các cá nhân ở hai phía bị phân biệt, chia cắt.

- Sự quản lý xã hội yếu kém. Những đường lối sai trái trong sự điều hành các hoạt động kinh tế xã hội…, những đặc quyền đặc lợi của những nhóm xã hội khác nhau, đặc biệt sự kiểm soát xã hội tổ chức và thực hiện không phù hợp, sự “trọng quan bạc dân”, sự dung túng các nhóm lợi ích… tất cả tạo ra tệ nạn tham nhũng cùng sự tha hóa của giới quyền lực và những nhóm xã hội đặc thù. Khi những thứ đó không bị nghiêm trị sẽ là nguyên nhân dẫn đến mất “niềm tin chung”. Cái “vốn con người” càng bị “thất thoát” khi mà chính sách dùng người có quá nhiều bất cập. Người ta mất phương hướng về các hệ giá trị là điều không khó thấy. Hệ quả tất yếu ở việc không muốn đi chung đường của các nhóm là không khó thấy. Đó là bi kịch của những thể chế tan rã vừa qua ở nhiều châu lục, đó là những thứ đã cho ta những bài học rất cần rút ra. Cũng có người như triết gia Nietzsche quy tội “không kiểm soát được văn hóa” như thế này là do nền văn minh công nghiệp, công nghệ hiện đại. Chúng tạo ra một nền văn hóa “phóng đãng” vô độ. Các công cụ “điều hòa khống chế” như triết học, văn nghệ… đã bị vô hiệu hóa… Nhiều khi phải nghĩ đến mặt trái của cả hai chiều hướng “tự do hóa” và “cực quyền hóa” ở hiện tượng xã hội này.

- Khi niềm tin chung đã bị hủy hoại thì sự tin cậy giữa các cá nhân cũng khó tồn tại, nhất là khi có những xử lý sai trái đối với những hành vi lệch chuẩn trong các mối quan hệ đó. Những kẻ làm sai không bị trừng trị, thậm chí còn được bao che trắng trợn thì còn ai tin ai được! Không có các trọng tài tử tế và sự phán xử công minh thì chuyện không tin vào các quan hệ giữa người với người là điều tất nhiên.

- Cũng nên nói đến tác động của các phương tiện truyền thông. Những cách đưa tin thiếu minh bạch, thiếu sự tôn trọng thực tế, những kiểu biểu dương những giá trị không đáng biểu dương cũng là sự “định hướng” cần phê phán. Sự đưa tin thiếu lành mạnh, thiếu sàng lọc về các sự cố quá “phản đạo đức” nữa, cũng là không nên, vì chúng có tác động xấu với một số nhóm xã hội.

Cuối cùng thì vấn đề của sự xuống cấp đạo đức ở nhiều nơi ta thấy là vấn đề “vốn xã hội”. Nhưng đó cũng là vấn đề GIÁ TRỊ trong xã hội bị rối nhiễu. Những chuẩn mực giá trị, những khuôn mẫu ứng xử hướng thiện không được đề cao, những thể chế đã được khẳng định không được tôn trọng như yêu cầu, những giá trị áp đặt không thuyết phục… Những điều đó làm mất niềm tin vào cái đúng, cái hay. Sự “nói không đi đôi với làm” ở những “phương diện quốc gia”, những khẳng định trái chiều của thế giới ngầm đã “lên ngôi”, và sự lũng đoạn xã hội của chúng nữa, đều có tác động đến tâm lý xã hội. Đơn giản chỉ cần nói đến một thứ “vốn xã hội” cá nhân cần có là các “quan hệ xã hội”. Nó đã bị hiểu lệch đi! Những quan hệ mờ ám, tiêu cực đem lại “giá trị” thiết thực được ưa chuộng thì việc xây dựng các quan hệ lành mạnh sẽ bị diễu cợt! Những quan hệ ngầm mang tính maphia được dung túng thậm chí hợp thức hóa… Đó là điều phổ biến trong những xã hội ở các thời kỳ tiền khủng hoảng hay hậu khủng hoảng!

Trách nhiệm về sự xuống cấp này không của riêng ai. Cố nhiên mỗi người sẽ có phần đóng góp tỷ lệ thuận với độ cao của địa vị xã hội của mình và độ lớn về sức mạnh của cơ quan mình công tác trong hệ thống quyền lực xã hội! Đó là điều muốn chối bỏ cũng không được.

Lê Xuân Mậu