Một gia đình mà chồng ăn một nơi, vợ ăn một ngả, con ăn một đằng, họ đã thực sự xa nhau trong không gian, trong tình cảm, mà trong thẳm sâu huyết thống và bản ngã họ đã không còn mấy quan hệ với nhau nữa. Vợ chồng không hòa hợp đã đành, mà cha mẹ con cái cũng không còn mối dây thiêng liêng ràng buộc nhau nữa.
- Cơm ai nấu
Tiếp theo bài “Ai ơi về ăn cơm!” của nhà văn Thúy Ái, nói về sự cần thiết của bữa cơm gia đình, mà ở đó là vấn đề truyền thống, vấn đề văn hóa, nếp nhà phải được giữ gìn, chúng tôi muốn đề cập đến vế sau của câu chuyện dân gian trên và đặt bữa cơm gia đình dưới góc nhìn của phương pháp thực dưỡng của J.Ohsawa.

Trong câu chuyện dân gian kể trên, khi người vợ mới cưới gọi chồng về ăn cơm, đã không dùng danh xưng để gọi, người chồng liền hỏi: “Cơm ai nấu”. Người vợ đã không dùng, mà chỉ trả lời trổng: “Nấu chứ còn ai”. Câu trả lời ngoài việc thể hiện sự e lệ, ngượng ngùng trong mối quan hệ mới được thiết lập, còn được nhấn mạnh: “Chính là em nấu”; chính là em làm bữa cơm này với tất cả tình yêu thương và sự hiểu biết dâng tặng anh.
- Người nấu ăn
Theo phương pháp thực dưỡng của J.Ohsawa, người nấu ăn vô cùng quan trọng và nghệ thuật nấu ăn phải được coi là nghệ thuật cao quý nhất vì nó nuôi dưỡng con người.
Người nấu ăn theo phương pháp thực dưỡng, phải là người hiểu biết thấu đáo các loại thực phẩm có trong cuộc sống chúng ta, về tình trạng Âm – Dương của thức ăn để liệu cách nấu nướng, pha chế, sao cho món ăn khi dọn lên phải quân bình Âm – Dương.
Họ phải biết rõ nhu cầu của chính mình và nhu cầu của mọi người trong gia đình đã ủy thác cho mình. Phải biết rõ tình trạng Âm – Dương của thức ăn để liệu cách nấu nướng, nêm gia vị và chọn các món ăn đi kèm, ví dụ như: Rau cỏ mang tính Dương, phải kèm rau cỏ mang tính Âm. Rau củ mang tính Dương nên nêm ít muối hơn và nấu với lửa dịu hơn các loại mang tính Âm. Nấu lâu làm thức ăn trở nên Dương, còn nấu sơ thức ăn có thể còn Âm.
Tóm lại, phải biết cách Dương hóa thức ăn Âm và Âm hóa thức ăn vốn mang tính Dương nhằm tăng cường tình trạng quân bình lành mạnh trong con người. Họ phải là người sáng tạo và sắp lại trật tự thiên nhiên qua bữa ăn và qua đó mang lại sức khỏe, sự an lạc và hạnh phúc gia đình. Bởi vì theo J.Ohsawa, con người khi quân bình Âm – Dương thì không có bệnh tật.
Món ăn quân bình Âm – Dương được đưa vào cơ thể thì cơ thể sẽ giữ được sự quân bình. Điều đó sẽ đưa đến sức khỏe và trí tuệ. Theo J.Ohsawa, con người luôn tìm mọi cách chứng tỏ mình có thể ăn được tất cả những gì mình ưa thích, nhưng muốn có sức khỏe và có sức sống ngày càng tốt đẹp hơn, con người nên ăn các các loại ngũ cốc và rau củ. Bộ răng con người có 32 cái, với tỉ lệ 8 răng cửa dùng cắt xén rau củ, 4 răng nanh để xé thịt và 20 răng hàm để xay nghiền các loại, điều đó nói lên rằng, chỉ nên dùng ít thịt mà thôi.
J.Ohsawa đã bỏ 50 năm cuộc đời để minh chứng cho chúng ta thấy, các loại ngũ cốc đối với con người có giá trị dinh dưỡng hàng đầu. Trong các loại ngũ cốc, gạo lức đỏ hạt ngắn là loại quân bình Âm – Dương lý tưởng. Mè cũng là loại quân bình Âm – Dương lý tưởng. Vì vậy, kết hợp gạo lức – muối mè để trị bệnh và ăn dưỡng sinh đã đưa đến những kết quả trị liệu tốt đẹp mà không ngờ. Nhiều người đã nhờ phương pháp này đã tự chữa trị được các chứng nan y mà Tây y đã từ chối. Nhiều người nhờ phương pháp này đã tìm lại được sức khỏe, sự cân bằng, sự thành đạt trong đời sống cũng như tìm lại được chân ngã của mình.
Chắc chắn với sự tinh tế đầy trách nhiệm như thế, bữa cơm thực dưỡng chỉ có thể được thực hiện bởi bàn tay khéo léo, trí óc thông minh và trái tim yêu thương của người làm vợ, làm mẹ mà thôi. Khó có một tiệm ăn hay nhà hàng nào đáp ứng được.
Cũng theo nghiên cứu của J.Ohsawa, một gia đình đoàn tụ trong bữa cơm, ăn cùng một loại thức ăn (là đã được quân bình Âm – Dương) sẽ sản sinh ra một loại máu gần giống nhau. Và điều đó giúp họ ngày càng hòa hợp nhau và gia đình đó sẽ được hòa hợp, hạnh phúc.

Một gia đình mà chồng ăn một nơi, vợ ăn một ngả, con ăn một đằng, họ đã thực sự xa nhau trong không gian, trong tình cảm, mà trong thẳm sâu huyết thống và bản ngã họ đã không còn mấy quan hệ với nhau nữa. Vợ chồng không hòa hợp đã đành, mà cha mẹ con cái cũng không còn mối dây thiêng liêng ràng buộc nhau nữa.
Bởi vậy, dù cuộc sống bận rộn, công việc bộn bề như thế nào, những người chồng, người cha hãy trở về với bữa cơm gia đình. Những đứa con hãy quây quần bên cha mẹ trong bữa ăn. Và nhất là người phụ nữ, người vợ, người mẹ đừng quên trách nhiệm thiêng liêng của mình là cống hiến cho gia đình những bữa ăn ngon lành, bổ dưỡng bằng sự hiểu biết, bằng tình thương yêu.
Một xã hội tốt đẹp với những con người mạnh khỏe, một thế hệ mới đầy sức sống sẽ bắt đầu từ gia đình đoàn tụ qua những bữa ăn thực dưỡng.