Bức Uyên ương thêu dở
Và ngày này sang ngày khác, bức tranh Uyên ương thêu dở cứ nằm lặng im trên tường. Dòng người trong mùa xuân tấp nập vẫn vô tình lướt qua. Những lứa đôi bên nhau dưới bầu trời đầy nắng, hoa và ríu rít tiếng chim. Chợt có ai đó dừng lại bên bức tranh, ngạc nhiên hỏi:
- Sao lại treo bức tranh còn dang dở trong một tòa nhà đã hoàn chỉnh, tráng lệ?
Người hỏi hoàn toàn có lý, bởi dòng chú thích ngắn gọn Uyên ương thêu dở dưới góc bức tranh không thể nói hết được những mất mát trong quá khứ. Vâng, tất cả trong bức tranh đều dang dở. Đôi chim cùng nhìn về một hướng, phía sau là mặt trời, cỏ cây, hoa trái, xóm làng… Nữ chủ nhân của bức tranh đã thêu lên một khung cảnh thanh bình, hạnh phúc. Nhưng làng xóm thân yêu đang oằn dưới gót giày xâm lược, đôi chim ấy không đành lòng xây tổ ấm bé nhỏ cho riêng mình, tung cánh bay vào vòm trời đầy giông bão, dấn thân cho lý tưởng mang lại độc lập dân tộc để người dân thoát khỏi cảnh đọa đày…
Bức tranh đã được thêu trong khoảnh khắc thanh bình quý hiếm của chiến tranh trong sự rình rập của mật thám, tù đày tra tấn… tác giả đã gởi lòng mình qua từng đường kim mũi chỉ, nâng niu bức tranh thêu… với cõi lòng chinh phụ. Rồi sẽ có một ngày đất nước sạch bóng quân thù, họ gặp lại nhau, đêm sum hợp họ sẽ cùng ngắm bức tranh thêu, nuớc mắt trào ra vì hạnh phúc. Nữ chủ nhân bức tranh giữ mãi niềm tin ấy, dù hiện tại họ là đôi uyên ương bị kẻ thù chia cắt, ném vào mỗi nhà tù. Anh bị đày ra Côn Đảo, ngàn dặm xa với địa ngục trần gian mà cô gái đang nếm trải. Nhưng trong tận cùng khổ nhục, họ vẫn nghĩ về nhau, tình yêu giúp họ mạnh mẽ hơn lên để đối mặt với kẻ thù. Và đêm đêm, cô gái đã thắp lên ngọn lửa từ chính trái tim mình, miệt mài từng đường kim mũi chỉ, nuôi giữ mãi một niềm tin.
Cho đến một ngày cô nhận được tin anh trên đường vượt ngục từ Côn Đảo về đất liền không thành, để rồi mãi mãi nằm lại giữa đại dương, bàn tay cô rụng rời buông rơi khung vải. Đôi uyên ương vẫn cùng nhìn về một hướng nhưng mặt trời, hoa trái, nắng ấm trong lòng cô đã tắt. Cô úp mặt vào bức tranh, giấu đi giọt nước mắt. Kể từ ấy, không ai còn nhìn thấy cô thêu nữa. Tuổi thanh xuân của cô hơn mười năm đã gởi lại chốn lao tù.
Một thời dấn thân
Vốn là một tiểu thư khuê các, sinh ra trong gia đình địa chủ giàu có, tên thật của cô là Đỗ Thị Thưởng, bí danh Thu, Cửu, thường gọi Tám Lựu (Nguyễn Thị Lựu), sinh ngày 23-9-1909 tại làng Hòa An, quận Cao Lãnh, tỉnh Sa Đéc (nay là thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp). Cô gái mang trong người dòng máu yêu nước, nghĩa khí Nam Kỳ sớm được giác ngộ cách mạng, thoát ly gia đình, đứng vào hàng ngũ Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội năm 1928. Những năm đầu thế kỷ 20, chuyện người con gái rời khỏi nhà, tham gia chuyện “quốc sự” thật không dễ dàng. Cô Tám Lựu kể trong hồi ký:
“… Lúc trước, mỗi khi ra khỏi nhà là phải mặc áo dài, đầu tóc gọn gàng, trời nắng hay không nắng cũng phải kẹp theo cây dù, chân đi dép, chưa kể phải mang bóp, choàng khăn, lại còn trang điểm ít phấn, tí son là khác. Nay mỗi lần đi, tôi mượn quần áo của chị giúp việc. Thấy lạ, má rầy. Tôi không đợi má dứt lời đã đi mất. Một hôm đi họp về khuya, tôi vừa leo cửa sổ vào nhà đã thấy má đốt đèn sáng choang, khói hương nghi ngút trên bàn thờ, khấn khứa: “Vong hồn ba nó linh thiêng về phù hộ cho con nó biết ăn năn hối cải, nghe lời dạy dỗ của tôi. Từ ngày ba nó mất đến nay, tôi lo nuôi con khôn lớn, cho ăn học nên người. Nhưng nay nó đủ lông đủ cánh, không còn nghe lời tôi nữa, rủi lỡ bước sa chân, chửa hoang đẻ lạnh, thiệt hại một đời…”. Tôi ôm má khóc nức nở: “Má, con xin thề với má, con không làm gì để nhục nhã cho mẹ cha, xấu hổ cho gia đình ta đâu. Má tin con nghen má!”. Thật ra, nhiều lúc tôi muốn nói thật cho má tôi biết là mình đi đâu, làm gì, để má tôi yên tâm. Nhưng vì nguyên tắc bí mật nên đành phải làm thinh, ngồi khóc. Tôi đã suy nghĩ nhiều đêm và sau cùng, tôi đã quyết định”.
Quyết định dấn thân, cô gái đẹp, thêu thùa khéo léo ngỡ có một tương lai an bày trở thành một đại phu nhân hay bà điền chủ bước vào con đường cách mạng lắm chông gai. Cô Tám Lựu được kết nạp vào An Nam Cộng sản Đảng vào cuối năm 1929 tại Phong Hòa, Cần Thơ. Những năm tháng ấy với cô dù sống trong gian khổ, hiểm nguy nhưng cũng tràn đầy hạnh phúc, bởi cô vừa tìm được lý tưởng cách mạng, vừa gặp được anh Nhuận- người đồng chí, người chồng hứa hôn mà cuộc đời khi có anh, cô thấy mình như “được bồi thêm một sức sống mới”. Nhưng nhiệm vụ cách mạng đẩy hai người đi xa. Cuối năm 1929, ông Nguyễn Văn Hanh, thường được gọi là Nhuận được tổ chức rút về Sài Gòn, sau được phái về Mỹ Tho làm Phó Bí thư Tỉnh ủy. Cô được đưa về Sài Gòn, làm ở cơ quan phát hành báo chí của Xứ ủy Nam Kỳ. Sau đó, cô được đưa đi xây dựng cơ sở và phát triển phong trào cách mạng ở Mỹ Tho…
Đầu năm 1931, Xứ ủy ở Sài Gòn bị địch bắt gần hết. Tỉnh ủy Mỹ Tho đưa Nguyễn Thị Lựu về Sài Gòn để bổ sung vào Xứ ủy. Cô được phân công trong Ban Thường vụ Tổng công hội đỏ Xứ uỷ Nam Kỳ, chỉ đạo hãng cưa Xóm Dầu, nhà đèn Chợ Quán, đề bô xe lửa, công hội thợ may và theo dõi tình hình cuộc đấu tranh của công nhân Hãng dầu Nhà Bè. Cô bị giặc bắt giam ở bót Pôlô (Chợ Lớn). Cô gái đẹp, mảnh mai như cành hoa trước cơn giông bão bị giẫm đạp, vùi dập, tan tác trước những ngón đòn tàn bạo: “...Lần này nó đem cái ma-nhê-tô thật to để trên bàn. Một thằng xé áo tôi ra. Nhưng tôi đã dùng hết sức mình co rúm người lại. Nó cười đắc chí rồi dùng hai cây kẹp sắt có chuyền dây điện vào ma-nhê-tô rồi cột vào hai tay tôi. Chúng nói “quay”. Điện từ đó phát ra xâm nhập vào cơ thể làm mình run bần bật. Nó quay càng lúc càng nhanh, mình không làm sao kềm lại được, phải lăn lộn theo đà quay của nó. Đầu óc cứ nhấp nhô, mắt cứ lộn tròng. Mình lăn vô tường là nó đạp ra. Tên mật thám rất đanh ác, chuyên đánh người, nói: “Ngày nào tao không thấy máu tụi bây là tao không ăn cơm được.” …Tôi phải chết đi sống lại nhiều lần, nhưng nó vẫn không moi thêm được gì cả. Ròng rã một tháng liền, những đòn tra tấn dã man cứ tiếp tục ngày này sang ngày khác. Dí điện khắp mọi nơi trên thân thể, đánh gan bàn chân, đánh tứ trụ, lộn mề gà, đi máy bay… Nhiều lúc 12 giờ đêm nó đem đi tra tấn”.
Lợi dụng phiên gác của hai người lính kín có cảm tình với cách mạng, các anh đưa anh Hanh qua gặp cô. Đó là lần cuối cùng họ gặp nhau. Anh Hanh (Nhuận)- người chồng hứa hôn của cô cùng bị bắt giam tại bót Pôlô, trong phiên tòa đại hình đặc biệt ở Sài Gòn kéo dài 7 ngày từ ngày 2 đến ngày 9 tháng 5-1933 bị tuyên án tử hình, hạ xuống chung thân khổ sai, đày đi Côn Đảo. Nguyễn Thị Lựu bị kết án 5 năm tù giam, tại Khám Lớn Sài Gòn… Năm 1936, cô được trả tự do, mới biết tin người yêu đã hy sinh trong chuyến vượt ngục Côn Đảo cuối năm 1934, cùng với 10 đồng chí, trong đó có Ngô Gia Tự (1908-1934)- Bí thư đầu tiên của Xứ ủy Nam Kỳ. Cô đã sống với tình yêu ấy đến giây phút cuối của cuộc đời, như lời cô tâm sự: “Trong cuộc đời, tình yêu ấy, với tôi là lần yêu đầu mà cũng là lần yêu cuối. Anh dù chí nguyện chưa tròn/ Em nguyền tiếp bước sắt son vẹn lòng. Một chút riêng tư xin gởi gắm cho anh, người anh, người chiến sĩ cách mạng đã hy sinh cho Tổ quốc, dù tôi và anh, chưa một lần đúng nghĩa vợ chồng”.
Trở lại hoạt động, Nguyễn Thị Lựu tham gia nhóm La Lutte (tranh đấu), phục vụ tại tòa soạn La Lutte và được bầu vào Ủy ban trù bị Đông Dương Đại hội. Người phụ nữ mảnh mai ấy đã sát vai cùng Nguyễn Văn Tạo, Nguyễn An Ninh khuấy động nên làn sóng Đông Dương Đại hội khắp Nam Kỳ. Trong một thời gian ngắn (chỉ hơn một tháng), toàn Nam Bộ có hơn 600 ủy ban hành động. Đầu năm 1937, cô tiếp tục làm báo L’Avant-garde (1937), Le Peuple (1937), Dân chúng (1938-1939). Đầu tháng 9-1939, phong trào Đông Dương Đại hội bị đàn áp dữ dội. Năm 1941, cô Tám Lựu bị thực dân Pháp bắt giam lần thứ 2 và đưa đến những nhà tù khét tiếng nhất: Phú Mỹ, Bà Rá. Nhật đảo chính Pháp, ngày 9-3-1945, cô về Sài Gòn, tham gia hoạt động, vận động quần chúng ủng hộ Mặt trận Việt Minh lãnh đạo thắng lợi Tổng khởi nghĩa 25-8-1945.
Phong trào bảo vệ hòa bình trong lòng nội đô Sài Gòn
Cô Tám Lựu từng được giao những chức vụ quan trọng: Xứ ủy viên Xứ ủy Nam Kỳ, Vụ trưởng Vụ quốc tế mặt trận, Chủ nhiệm Ủy ban thống nhất Quốc hội, Phó Chủ tịch phong trào bảo vệ hòa bình (sau khi ký Hiệp định Genève). Cuối năm 1954, Phong trào bảo vệ Hòa bình bị đàn áp. Cô kể:
“Chúng tôi tiếp tục vận động phong trào, tiếp tục ra tờ nội san và đấu tranh đòi trả tự do cho các chiến sĩ bảo vệ hòa bình bị bắt. Do áp lực của quần chúng, do sự công phẫn của nhân dân, chúng buộc lòng phải thả một số các anh ra. Cụ Lưu Văn Lang được rể là cụ Trần Văn Đỗ (Bộ trưởng Bộ Ngoại giao chính quyền Sài Gòn) lãnh ra trước nhất. Các ông Văn Dĩ, Trịnh Đình Thảo cũng được ra, rồi lần lượt đến ông Kim Quang, Năm Châu và anh Hoàng Quốc Tân. Còn lại anh Nguyễn Hữu Thọ, anh Nguyễn Văn Dưỡng, Phạm Huy Thông, Từ Bá Đước và một số anh khác chúng giữ lại rồi đưa ra Hải Phòng. Anh Phạm Huy Thông ở lại Hải Phòng rồi về Hà Nội. Còn các anh khác đấu tranh đòi nó đưa về Sài Gòn. Về Sài Gòn, nó không thả mà lại đưa đi Tuy Hòa. Ở đây, chúng tìm đủ mọi cách dày xéo, đày đọa, lăng nhục các anh, dùng bọn côn đồ bao vây các anh để mắng, chửi, hăm dọa, gây không khí hết sức căng thẳng thậm chí tổ chức biểu tình để phản đối các anh. Hằng ngày, các anh phải đương đầu với bọn ác ôn đến khuấy nhiễu. Một thời gian sau, anh Nguyễn Văn Dưỡng đã mất tại đây!
Trong lúc đó, chúng tôi vẫn vận động chị em phụ nữ gặp gỡ đồng bào và lấy được hàng vạn chữ ký để gởi cho Ủy ban Quốc tế đòi thả các anh, đòi thực hiện hiệp định Genève đòi hòa bình. Tôi và chị Duy Liên đã mang xấp chữ ký này giao trực tiếp cho anh Phạm Hùng kịp ngày cuối cùng của Ban liên hợp để ban liên hợp ta đấu tranh với chúng.
Trong lúc này, tại Sài Gòn đã nổi lên cuộc đánh nhau giữa Diệm và Bình Xuyên, làm cho nhiều xóm lao động bị thiêu hủy, nhà cháy, người chết rất nhiều, nặng nhất là khu Nancy, Chánh Hưng và Bàu Sen. Hàng trăm ngàn căn nhà của nhân dân lao động trong phút chốc hóa thành đống gạch vụn, tài sản tiêu tan. Một làn sóng căm phẫn nổi lên sôi sục trong các tầng lớp nhân dân lao động thành phố. Trước tình hình đó, Đảng chủ trương biến căm thù thành hành động, dấy lên một phong trào quần chúng đấu tranh rộng khắp, phản đối chiến tranh, đòi nhà cầm quyền miền Nam, thủ phạm của những tang tóc và khổ đau, phải bồi thường thiệt hại về tánh mạng và tài sản của nhân dân. Một phong trào nhân dân lại thành hình để đấu tranh công khai với chúng. Lực lượng của phong trào bảo vệ hòa bình vừa lắng xuống nay lại vươn lên như than hồng bao một lớp tro nay gặp luồng gió lớn bùng cháy lại. Đó là “Phong trào cứu tế về bảo vệ sanh mạng tài sản dân chúng”.
Cảm xúc “tái sinh”
Những năm cuối đời, cô Tám Lựu dồn tâm huyết cùng các dì tổ Sử Phụ nữ Nam Bộ như bà Nguyễn Thị Thập, Ngô Thị Huệ… xây dựng Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ. Bà Ngô Thị Huệ nghẹn ngào kể: “Chị Tám Lựu tặng cây neo một lượng, một sợi dây chuyền gắn 5 hột xoàn - vật kỷ niệm của mẹ để lại - cho chúng tôi bán lấy tiền, góp vào công trình xây Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ. Cho đến chết đi, chị Tám vẫn còn là con gái. Chị học giỏi, đẹp, có duyên, nhiều người theo đuổi nhưng không lấy ai vì chị nhớ anh Hanh mà không thương ai được!” Tôi chợt nhận ra vẻ đẹp của bức tranh kia cũng chính trong sự dang dở của nó. Bởi tình yêu không trọn nên còn trẻ mãi, có cách xa mới đoàn tụ, chia ly để mà gặp gỡ, mất mát để có tất cả… đôi chim trên bức tranh kia dường như đang vỗ cánh bay vào bầu trời rộng mở. Nếu như có linh hồn, tôi tin chắc đôi uyên ương người trinh nữ đã từng thêu lên chiếc áo gối cưới còn dang dở sẽ vỗ cánh bay ra khỏi ngăn trưng bày chật hẹp kia để tìm đến nhau, ríu rít bên nhau trong cõi vĩnh hằng. Tình yêu sẽ tái sinh… Cảm xúc ập đến, trào ra trên giấy. Và tôi đã viết bài thơ trong phút rung cảm mùa xuân năm ấy…
Tái sinh
Ngày nắng ấm ngồi thêu
Đôi uyên ương liền cánh
Từng đường kim mũi chỉ
Nâng niu ngày thành hôn
Anh đã không trở về
Tay rụng rời khung vải
Những ngày nơi trần thế
Em sống nửa cuộc đời
Rồi một sáng em đi
Trên cỗ xe màu trắng
Người ta gửi theo em
Bức uyên ương thêu dở
Quàng bức thêu lên người
Em tìm anh khắp nẻo
Mình đã trót thề nguyền
Một tình yêu bất diệt
Em phiêu diêu trong gió
Em lạc loài trong mây
Em tìm anh tìm mãi
Anh đâu rồi anh đâu!
Vẳng lên trong tiếng gió
Lời ai buồn mênh mang
“Em tìm anh chi nữa
Anh tan trong vĩnh hằng”
Nước mắt em tràn tưới
Bức thêu đầm lệ rơi
Đôi uyên ương ngày ấy
Chợt cựa mình vỗ bay
Em gục xuống rã rời
Hóa thân thành bụi cát
Có gì trong tay em
Cỏ sao đến dịu dàng
Những hạt mầm tách vỏ
Ấy là mùa xuân sang
T.H
Tôi càng ngạc nhiên và đau xót vì sao một nữ chiến sĩ tham gia cách mạng ngay từ thời Việt Nam Thanh niên cách mạng Đồng Chí hội (1928) và tham gia tích cực phong trào bảo vệ hòa bình trong lòng nội đô Sài Gòn suốt thời chống Pháp, chống Mỹ lại không có một tên đường ở Sài Gòn?!