Cần biết chữ Nôm để hiểu đúng và dịch đúng những câu Kiều

Tiếp theo bài trước nói về Những câu Kiều bị hiểu sai và dịch sai đăng ở Hồn Việt số 70 (tháng 6-2013), trong bài này chúng tôi xin được trình bày tiếp một vài nhận xét về những câu Kiều bị hiểu sai và dịch sai vì không căn cứ vào bản Nôm để phân biệt nghĩa của mỗi chữ.

Vì phạm vi có giới hạn của bài viết, chúng tôi chỉ xin nêu một vài thí dụ như sau:

1. Câu 648: Vâng - Vàng

“Giờ lâu ngã giá vâng ngoài bốn trăm”

Các bản quốc ngữ Phạm Kim Chi, Bùi Kỷ - Trần Trọng Kim, Hồ Đắc Hàm, Nguyễn Văn Vĩnh, Nguyễn Can Mộng đã chép câu này với chữ vâng. Bản Trương Vĩnh Ký và Abel des Michels đã chép với chữ vưng thì cũng như các bản kể trên.

Bản Bùi Khánh Diễn và bản Nguyễn Khắc Hiếu đã chép với chữ xin. Một số bản quốc ngữ sau đây đã chép câu này với chữ vàng: Truyện Kiều chú giải  (Lê Văn Hòe - 1953), Truyện Kiều (Bùi Kỷ - 1958), Truyện Kiều (Nguyễn Thạch Giang - 1972), Truyện Kiều (Đào Duy Anh - 1979).

a) Lê Văn Hòe đã chú thích như sau:

Ngã giá: được giá, thỏa thuận về giá cả giữa người mua kẻ bán.

Có bản chép là xin ngoài…  nghĩa cũng như vâng.

Có bản chép là vàng ngoài… thế nghĩa là giá bán Thúy Kiều được hơn bốn trăm lạng vàng.

b) Bùi Kỷ trong quyển Truyện Kiều của Nhà xuất bản Phổ Thông in năm 1958 đã chép là vàng mà không có chú thích gì.

c) Nguyễn Thạch Giang trong quyển Truyện Kiều của Nhà xuất bản Đại Học và Trung Học Chuyên Nghiệp in năm 1973 đã chép câu 648 là: “Giờ lâu ngã giá vàng ngoài bốn trăm” và ông còn cho biết là “đã dựa theo tài liệu điều tra trong những lần đi thực tế ở nhiều địa phương khác nhau dựa vào ý kiến chung của các đồng chí, các bạn phát biểu trong những buổi tọa đàm về văn bản Truyện Kiều”.

d) Đào Duy Anh trong bản Truyện Kiều (có sự tham gia hiệu đính của Thế Lữ, Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Nguyễn Công Hoan, Hoài Thanh và Tuấn Đô) do Nhà xuất bản Văn Học in năm 1979 và trong bản Truyện Kiều do Nhà xuất bản Văn Học in năm 1984 cũng chép là vàng.

Chúng tôi nhận thấy câu 648 phải chép là “Giờ lâu ngã giá vâng ngoài bốn trăm” mới đúng. Theo nguyên truyện của Thanh Tâm Tài Nhân thì có văn ước ghi rõ ràng như sau:

Người đứng lập tờ văn ước tên là Chung Sự.

Nay nhận thấy người thiếu nữ tên gọi là Vương Thúy Kiều vì việc cứu cha nên phải bán mình làm thiếp cho khách họ Mã lấy số tiền sính lễ là bốn trăm năm mươi lạng bạc, hẹn sau ba ngày, việc quan kết liễu sẽ theo Mã khách ra đi không dám sai thù. Vì sợ lòng người bất trắc nên lập văn ước làm tin.

Văn ước viết ngày 15 tháng 4 năm Gia Tĩnh thứ 11

Người viết giấy: Chung Sự (ký)

Người trung gian: Bà mối Hàm (ký)”.

Theo văn ước đó thì Thúy Kiều đã bán mình cứu cha để lấy số tiền là bốn trăm năm mươi lạng bạc theo đơn vị tiền tệ khi ấy. Nếu nói là Mã Giám sinh mua Kiều với giá là bốn trăm năm mươi lạng vàng thì không thực tế vì họ Mã lấy vàng đâu mà mua Thúy Kiều với giá cao như vậy. Hơn nữa, nếu Tú bà và Mã Giám sinh mà giàu có đến thế thì đã chẳng phải làm cái nghề buôn phấn bán son ấy.

Nếu xem lại các bản Nôm thì:

Bản Liễu Văn đường (1866, 1871) và bản Duy Minh Thị (1872) chép là:

徐偻 我價𠳐外𦊚𤾓

Giờ lâu ngã giá vâng ngoài bốn trăm

Bản Kinh (1870) và bản Kiều Oánh Mậu (1902) chép là:

除偻 我價𠹾外𦊚𤾓

Giờ lâu ngã giá chịu ngoài bốn trăm

Bản Quan Văn đường (1906) chép là:

徐偻 我價𠚢外𦊚𤾓

Giờ lâu ngã giá ra ngoài bốn trăm

Những người dịch sang tiếng Pháp đã theo các bản quốc ngữ phiên âm sai mà dịch sai theo:

- Paul  Schneider:  “Sou par sou, ils marchandèrent âprement et ne tombèrent d’accord qu’au bout d’un long temps sur un peu plus de quatre cents taëls d’or” (Từng xu một, họ mặc cả gay go và chỉ sau một thời gian dài mới đồng ý với hơn bốn trăm lạng vàng đôi chút).

- Nguyễn Khắc Viện: “Sou par sou, ils marchandèrent âprement, longuement. Finallement tombèrent d’accord: quatre cents et quelques taëls d’or” (Từng xu một, họ mặc cả gay gắt, lâu dài. Cuối cùng họ đồng ý: hơn bốn trăm lạng vàng chút ít).

Chúng tôi nhận thấy chữ vàng và chữ vâng viết bằng quốc ngữ thì rất dễ nhầm lẫn giữa dấu huyền (\) dấu (^) nhưng viết bằng chữ Nôm thì không thể nhầm lẫn được vì mặt chữ khác hẳn nhau: chữ vâng 𠳐viết với bộ 口(khẩu) còn chữ vàng 鐄 viết với bộ 金 (kim).

2. Câu 2162: Đền - Đến

Má hồng đền quá nửa thì chưa thôi

Các bản quốc ngữ từ Trương Vĩnh Ký, Chiêm Vân Thị, Bùi Khánh Diễn, Bùi Kỷ - Trần Trọng Kim, Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu… đến Nguyễn Văn Hoàn - Nguyễn Sĩ Lâm - Nguyễn Đức Vân, Nguyễn Thạch Giang đều chép là đền.

Chỉ có một số bản như Phạm Kim Chi, Nguyễn Văn Vĩnh, Nguyễn Can Mộng, Lê Văn Hòe, Đào Duy Anh là chép với chữ đến.

Chúng tôi nhận thấy ở câu này phải chép chữ đền mới đúng vì chữ ấy đã được dịch từ chữ thường mà ra theo như Vương Kim diễn tự:

紅 顏 債 半 生 余 未 償

Hồng nhan trái, bán sinh dư, vị thường.

(Nợ má hồng, quá nửa đời chưa đền xong).

Chữ đền viết theo quốc ngữ thì rất dễ lầm với chữ đến vì dấu huyền ( \ ) và dấu sắc ( / ) rất dễ nhầm lẫn nhưng nếu viết bằng chữ Nôm thì chữ đền 填 viết khác hẳn chữ đến 旦, 典.

Nguyễn Văn Vĩnh đã chép câu 2162 với chữ đến và đã dịch chữ ấy là arriver thì sai.

Nguyễn Khắc Viện đã không dịch chữ đền khi viết rằng:

« Le temps des joues roses est plus qu’à moitié passé

Et toujours je traîne le poids du châtiment”

(Thời má hồng đã qua đi quá nửa,

Và tôi vẫn còn mang mãi cái gánh nặng tội tình).

Hai chữ “má hồng” ở đây phải hiểu là nợ má hồng chứ không phải là thời má hồng tức thời còn son trẻ được.

M.R. đã dịch là: “Ma vie de fille aux joues roses s’y est sacrifiée à moitié, n’est-ce pas assez?” và có chú thích:

Métaphores empruntées à un poème chinois classique: le brin d’herbe désigne le cœur de la jeune fille, offert en paiement des bienfaits – comparés à la clarté du printemps au troisième mois – de ses parents”  (Các ẩn dụ mượn ở một bài thơ cổ điển Trung Hoa: tấc cỏ chỉ tấm lòng của người con gái, báo đền công ơn của cha mẹ nàng ví với ánh sáng của mùa xuân vào tháng ba).

Dịch như vậy thì cũng chưa rõ nghĩa chữ “đền”.

Paul Schneider đã dịch cả hai câu:

Đầu xanh đã tội tình gì,

Má hồng đền quá nửa thì chưa thôi

là: “Mais de quels crimes était donc chargée ma jeune tête pour que, le temps des joues roses plus qu’à moitié passé, je n’aie pas encore fini de les expier?”  (Nhưng ta đã mắc phải tội tình gì thời đầu xanh để cho thời má hồng đã qua đi quá nửa rồi, mà ta chưa đền nợ xong?).

Chữ “đền” được dịch là “expier” thì mới đúng và có thể nói Paul Schneider đã dịch sát nghĩa hơn cả.

3. Câu 1092: Giá - Đóa

Giá trà mi đã ngậm trăng nửa vành

Câu này các bản Nôm cổ như Liễu Văn đường (1866 và 1871), Kim Ngọc lâu (do Duy Minh Thị tân thuyên, khắc in ở Quảng Đông – Trung Quốc năm 1872) và bản Kinh (do Tiểu Tô Lâm - Nọa Phu Nguyễn Hữu Lập san cải và chép tay năm 1870) đều ghi là:

架 茶 蘼 也 唅 睖 姅 萌

Giá trà mi đã ngậm trăng nửa mành.

Bản Kiều Oánh Mậu (1902) và bản Quan Văn đường (1906) đã khắc là:

架 茶 蘼 也 唅 睖 姅 鑅

Giá trà mi đã ngậm trăng nửa vành.

Theo chúng tôi thì câu 1092 chép với chữ vành đúng hơn nên các bản quốc ngữ sau này đều chép là vành, nhưng phần lớn lại chép sai chữ giá thành chữ đóa.

Nếu chép đúng là “Giá trà mi đã ngậm trăng nửa vành” thì câu thơ mới có nghĩa với hình ảnh cái giàn hoa trà mi ngậm lấy nửa vầng trăng hạ huyền.

Trong sách Quốc sắc thiên hương  ta thấy có câu:

一 點 芳 心 無 托 處

荼 蘼 架 上 月 遲 遲

惆 悵 有 誰 知

Nhất điểm phương tâm vô thác xứ,

Đồ mi giá thượng nguyệt trì trì.

Trù trướng hữu thùy tri.

Nghĩa là:

Một mảnh lòng son biết gửi nơi đâu,

Trên giá đồ mi mặt trăng đi chầm chậm (như dừng lại).

Mối sầu của ta, ai người hiểu cho?

Vầng trăng đi chầm chậm như đứng lại trên giá đồ mi nên ta có cảm tưởng là giàn hoa ngậm lấy vầng trăng hạ huyền.

Nếu dịch câu “Giá trà mi đã ngậm trăng nửa vành” thì có thể viết là: “La pergola des camélias éclipsait la moitié de la lune”.

 4. Câu 3122: Ngõ

Tan sương đầu ngõ, vén mây giữa trời”

Đào Duy Anh trong Từ điển Truyện Kiều  đã giảng:

Ngõ: lối nhỏ ở trong phố, trong làng, trong vườn.

Sá chi liễu ngõ hoa tường (c.1355)

Hoa chào ngõ hạnh, hương bay dặm phần (c.2802)

Nguyễn Văn Vĩnh đã dịch ngõ là sentier, allée và đã dịch cả câu là: “Admirons les fleurs quand au bout des allées du jardin la brume se dissipe et contemplons la lune lorsque au ciel les nuages s’écartent” (Chúng ta hãy ngắm những bông hoa khi sương tan ở đầu các ngõ trong vườn và hãy ngắm vầng trăng khi mây vén khỏi trên trời).

Paul Schneider đã dịch là: “Le brouillard matinal se dissipe à l’orée du sentier. Les nuages s’écartent du milieu du ciel” (Sương sớm tan ở rìa ngõ. Những đám mây vén khỏi giữa trời).

M.R. đã dịch là: “Le ciel a permis que vienne ce jour: brumes envolées au bout des allées, nuages ouvrant leur voile en plein ciel” (Ông trời đã cho ngày này được đến: những đám sương tan ở đầu các lối ngõ, những đám mây vén màn ở giữa trời).

Ba vị trên đã hiểu đúng chữ “ngõ” nhưng Nguyễn Khắc Viện đã hiểu “ngõ” là cái cổng khi dịch là:

La brume s’est dissipée à notre portail,

Au ciel , le voile noir des nuages s’est levé

(Sương tan ở ngoài cổng ngõ của chúng ta

Trên trời, màn mây đen cuốn lên tan khỏi)

thì sai vì ông đã không xem lại chữ Nôm để biết nghĩa của chữ “ngõ”. Chữ “ngõ” nếu viết bằng chữ Nôm thì có thể phân biệt ngay được nghĩa của nó:

午, 𢨵, 𨳱 (chữ ngõ khi viết với bộ 户 (hộ) hoặc bộ 門 (môn) thì có nghĩa là cái cửa ngõ (porte, portail).

(chữ ngõ khi viết với bộ 土 (thổ) thì có nghĩa là ngõ hẻm, lối nhỏ ở trong phố, trong làng, trong vườn (sentier, allée).

Trong một tấm Thiếp mừng xuân năm 2010 của một nhà văn gửi cho chúng tôi, ông có cho in hai câu:

Trời còn để có hôm nay,

Tan sương đầu ngõ, vén mây giữa trời

bằng chữ Nôm kèm theo lời dịch sang tiếng Pháp của Nguyễn Khắc Viện và tiếng Anh của Huỳnh Sanh Thông mà không nhận thấy chữ ngõ đã bị dịch sai.      

Chữ Nôm đã được viết đúng là  ngõ với bộ 土 (thổ) thì phải hiểu là lối ngõ đi trong xóm (sentier). Nguyễn Khắc Viện và Huỳnh Sanh Thông không xem lại chữ Nôm nên đã dịch sai chữ ngõportailgate.

* * *

Qua phần trình bày kể trên, chúng tôi đã nêu ra bốn thí dụ để chứng minh rằng trong nhiều trường hợp, nếu muốn dịch những câu Kiều sang tiếng Pháp, các dịch gỉả cũng cần phải kiểm tra lại bản Nôm để biết cho chính xác nghĩa của từng chữ. Điều này cũng là cần thiết để tránh những sai lầm đáng tiếc.

Nguyễn Quảng Tuân