"Cơn bão táp trong cốc nước lã"

Trần Hiến là một điệp viên Chi 50 Quân Báo Cần Thơ hoạt động trong hàng ngũ địch thời kháng chiến chống Pháp dưới vỏ bọc là sĩ quan phiên dịch Phòng Nhì (2è Bureau) quân đội Pháp đóng ở Phân khu (Secteur) Long Xuyên. Bằng lòng yêu nước nồng nàn với trí thông minh tuyệt vời, anh đã lập được nhiều chiến công thầm lặng giúp Quân khu 9 nắm giữ thế chủ động chiến trường gây cho địch nhiều thất bại nặng nề. Đánh bại cuộc hành quân “Bão táp” mùa xuân năm Tân Mão (1951) của địch là một trong những chiến công thầm lặng ấy. Anh chính là nguyên mẫu của người thông dịch viên tình báo trong phim Người đẹp Tây Đô.


Đã sắp hết năm 1950, miền Tây Nam Bộ sẽ bước vào Tết Nguyên đán Tân Mão 1951 nhưng công việc Quân khu miền Tây của địch (Zône Ouest) có vẻ bận rộn hơn mọi ngày. Cuộc họp Ban Tham mưu Phân khu Long Xuyên từ ngày 1/1/1951, mặt mũi các sĩ quan Pháp dự họp đầy vẻ căng thẳng. Hiến đoán già đoán non có thể sắp có cuộc hành quân nào sẽ diễn ra trên địa bàn miền Tây có liên quan đến Phân khu Long Xuyên. Một buổi trưa sau mấy ngày dự họp, viên trung úy Labrousse - chỉ huy Phòng Nhì Phân khu Long Xuyên về đưa cho Hiến một cặp giấy dày cộp: “Anh coi đi rồi có ý kiến với tôi sau”.

Tiếp nhận cặp giấy nặng tay, sau khi Labrousse đi rồi Hiến mở ra xem. Dòng chữ “Plan d’opération Tempête” (Kế hoạch hành quân Bão táp) với dấu ấn “tối mật” bên cạnh hiện ra khiến Hiến sửng sốt không tin ở mắt mình. Lẽ nào một bản kế hoạch hành quân tuyệt mật vậy lại được Labrousse giao cho anh xem rồi cho ý kiến. Hiến nhìn kỹ lại một lần nữa. Đúng là bản kế hoạch hành quân “Bão táp” rành rành trước mắt anh chớ không nhầm bản kế hoạch nào khác. Cố kềm giữ nét xúc động vì sung sướng Hiến đọc một lèo bản kế hoạch từ đầu đến cuối rồi sau đó đọc thong thả, từ từ ghi từng con số, từng địa danh, từng đơn vị, thậm chí từng mũi tên trong bản đồ vào trí nhớ. Hiến tự nhủ thầm “Phải giữ nét mặt thật bình thản không lộ vẻ vui mừng hay xúc động để rủi tên Labrousse có quay lại cũng không nhận ra có gì thay đổi trên nét mặt anh. Đọc nhẩm đi nhẩm lại cho đến khi thuộc làu, không ghi chép, không dùng đến giấy bút. Tới lúc này, Hiến càng thấy trí nhớ của người điệp báo quan trọng biết chừng nào khi tiếp cận nguyên bản tài liệu địch. Trưa về nhà, Hiến chạy một mạch lên lầu ngồi vào bàn cố gắng tái hiện lại những gì đã đọc suốt trong buổi sáng, sợ quên sót. Tham gia hành quân “Bão táp” có 3 trung đoàn bộ binh, 2 tiểu đoàn bộ binh cơ động (BMEO), 2 tiểu đoàn bộ binh Bắc Phi, 2 chi đoàn xe lội nước, 1 trung đoàn pháo binh thuộc địa số 3 (3è RAC), 1 đoàn giang thuyền số 2. Những đơn vị này đều thuộc Quân khu miền Tây (Z.O) quản lý. Còn trên bản đồ tỷ lệ 1/100.000. những mũi tên đỏ xuất phát từ các nơi đều tập trung vào một điểm: Tràm Chẹt (Giồng Riềng) thuộc tỉnh Rạch Giá. Một mũi tên đậm nét nhất bắt đầu từ Rạch Sỏi. Điều này phù hộp với báo cáo trinh sát ta hơn nửa tháng qua các chủ thầu đều chở cát đá về đổ ngay bót Rạch Sỏi.  Thế là ý đồ hành binh của giặc đã rõ: toàn bộ hoạt động của Quân khu (Z.O) đều được huy động để tấn công vào vùng giải phóng của ta, nhằm yểm trợ cho kế hoạch đóng đồn bót, trước tiên là Tràm Chẹt. Hiến viết ngay báo cáo gởi về Chi 50 Quân báo Cần Thơ để báo cáo lên Bộ Tư lệnh Khu 9 chuẩn bị có kế hoạch đối phó. Riêng trong bản kế hoạch hành quân “Bão táp” có hai điểm chưa thấy nói tới: 1- Thời điểm xuất phát thấy chỉ ghi J và H (ngày và giờ). Điểm này chỉ trước giờ xuất phát mới phổ biến cho cấp chỉ huy để bảo mật. 2- Danh sách ban chỉ huy cuộc hành quân cũng chưa được nêu ra. Nỗ lực của Hiến lúc này là tập trung vào hai điểm nêu trên, trước hết là địa điểm – thời điểm xuất phát. Chỉ còn 3 tuần nữa là đến Tết Tân Mão (1951), theo kinh nghiệm bản thân từ trước đến nay, Hiến xác định quân Pháp chỉ có thể mở các cuộc hành quân trước Tết hoặc sau Tết. Vì huy động hành quân vào ngày tết binh lính người Việt sẽ mất tinh thần. Trinh sát của ta ở Rạch Giá về báo cho biết gạch, đá, cát đã giao hết cho đồn Rạch Sỏi. Các chủ thầu đã nhận tiền. Vậy là thời điểm hành quân đã sắp đến. Hiến quyết định đưa ra một đòn tâm lý thăm dò. Anh gặp Labrousse nói là anh còn 15 ngày phép năm 1950 chưa nghỉ, nên xin phép được nghỉ năm kể từ ngày 10/1/1951. Larousse giật nảy mình nhìn Hiến: “Không được đâu, anh và tôi đều có nằm trong danh sách đi hành binh. Đại tá tư lệnh đã quyết định rồi”. Hiến vờ năn nỉ: “Mẹ vợ tôi ở Cần Thơ bị bệnh, đã cho cậu em lên đón tôi về. Tôi chỉ là người phiên dịch, trung úy tạm chỉ người thay tôi cũng được mà!”. Larousse cau mày suy nghĩ một lúc rồi trả lời: “Thôi thế này nhé, anh cứ về thăm bà già đi, nhưng nhớ đến ngày 19 tháng 1, đúng 9 giờ sáng, anh phải có mặt ở địa điểm tập kết: Ngã ba Lộ Tẻ đi Rạch Giá. Không được phép vắng mặt”.

Cố giấu sự sung sướng khi nghe Labrousse tiết lộ ngày giờ của cuộc hành binh, Hiến xuống giọng năn nỉ: “Trung úy cũng biết đi xe đò ngày giờ thất thường lắm, tôi không dám hứa đâu!”. “Mặc kệ anh – Labrousse gằn giọng – Đây là kỷ luật nhà binh, vi phạm sẽ ra tòa án binh đó!”. Hiến cúi đầu như chấp nhận mệnh lệnh của cấp trên, nhưng thật ra anh sướng như mở cờ trong bụng. Sếp anh đã dính bẫy thăm dò của anh: ngày giờ (J, H) đã được tiết lộ một cách kín đáo từ miệng của một Trưởng phòng Tình báo cung cấp thì độ chính xác là trăm phần trăm.

pic

Giải phóng quân Mỹ Tho - ký họa của Thanh Châu

Ngày 19/1/1951, Phương Nam, cán bộ Quân báo Khu 9 hoạt động nội thành hỗ trợ cho Tổ Điệp báo Trần Hiến, lái chiếc xe Renault 4CV chở Hiến từ Cần Thơ lên Ngã ba Lộ Tẻ - Cái Sắn. Dọc đường từ Bình Thủy lên Lộ Tẻ, nhiều xe GMC chở đầy lính Âu Phi đỗ một dãy dài. Đúng 9 giờ kém 5 phút tới điểm hẹn, nhìn xa Hiến đã thấy chiếc commancar đỗ sẵn. Trên xe có 4 sĩ quan: trung tá Soreau, đại úy Limousin, trung úy Richard Trưởng phòng 3 và trung úy Labrousse Trưởng phòng 2 Phân khu Long Xuyên. Toàn bộ ban chỉ huy cuộc hành quân “Bão táp” – Đoàn xe lội nước cũng đang chờ sẵn dưới đám ruộng lúa chín vàng ở bên tay trái. Phía bên tay phải dưới kinh Cái Sắn nước chảy xuôi dòng, đoàn giang thuyền trang bị súng 20 ly đang tắt máy thả trôi theo dòng nước về hướng Rạch Giá. Hai khẩu pháo 88 ly đã bố trí nghếch nòng về phía kinh Thị Đội. Trận càn “Bão táp” bắt đầu từ Ngã ba Cái Sắn, Hiến sẽ đi theo trận hành binh này và nếu Bộ Tư lệnh kịp bố trí lực lượng chặn đánh – theo báo cáo của Hiến – thì kể như toàn bộ quân cơ động, cuộc hành binh của Z.O đều sa vào trận địa phục kích, kể cả Hiến. Và điều gì sẽ xảy ra?
Với cảm xúc của một con người sắp đi vào chỗ chết mà mình biết trước, Hiến nói mấy câu cuối cùng với Phương Nam còn ngồi sau tay lái: “Cậu Ba à, rủi tôi có chết, thì nó sẽ chôn tôi dưới cây thập ác trên mộ với dòng chữ “Mort pour la France”(*). Tôi nhờ cậu nhổ phứt nó đi và thay vào đó bằng một ngôi sao vàng trên nền đỏ. Đừng quên nghe cậu. Kẻo sau này con cháu nó đi ngang sẽ nhổ nước miếng vào nấm mồ tôi đó!”.

Hiến thấy Phương Nam rút kính cận xuống lau lau, mắt đỏ hoe, không đáp. Có lẽ Phương Nam cũng có cảm giác lần này, Hiến đi theo cuộc hành quân chưa chắc được trở về.

Labrousse thấy Hiến đến đúng hẹn, y bắt tay Hiến thật mạnh tỏ vẻ bằng lòng thuộc cấp giữ đúng lời hứa. Chiếc commancar chở Ban chỉ huy cuộc hành quân đi đầu đoàn xe, đến bót Rạch Sỏi dừng lại cho triển khai đội hình. Hiến biết thế nào cũng dính các ổ phục kích và lựu đạn gài, nên anh tiến từng bước rất cẩn thận, theo đúng dấu chân người đi trước. Và Hiến cũng không lấy làm lạ là tại sao chỉ có mấy tiếng súng thưa thớt và những tiếng lựu đạn gài nổ đó đây. Trên cánh quân Hiến đi theo, có một trung úy công binh xuống rửa bùn lấm giày dưới rạch, vừa bước chân lên tấm ván cầu bị trúng đạp lôi rơi tùm xuống rạch chìm nghỉm. Suốt một ngày mới đến được chỗ hội quân. Tràm Chẹt nằm trên lộ nối liền Rạch Sỏi với Giồng Riềng, bên cái cầu đúc đã bị phá hủy từ đầu kháng chiến. Đó là điểm xây dựng cái lô cốt hình tam giác đầu tiên ở Nam Bộ. Hiến lân la làm quen với tên lính Âu Phi đang sử dụng điện đài. Hiến thấy thông báo kết quả của cuộc hành quân trong ngày đã có 47 người chết vì lựu đạn gài, anh cũng cảm thấy có phần hả dạ. Nhìn lên tấm giấy viết mật mã dán trên nắp điện đài, Hiền ghi lại trong trí nhớ toàn bộ mật mã “đất đối không” (conversation Terre – Air) ghi tiếng lóng trong khi sử dụng. Thay vì “người chết” thì điện ghi là “cái cuốc”, bị thương thì gọi là “cái cào”. Hiến mong sao mình không bị là “cái cuốc” hay “cái cào” trong cuộc hành quân “Bão táp” này. Trong mấy ngày hành quân điều đáng mừng là nhân dân các vùng lân cận đã kịp thời di dời khỏi vùng chiến sự, đến ngày giáp Tết, các đơn vị thủy quân mới đưa đến 12 tù binh và một số giấy tờ. Đảo mắt nhìn qua Hiến thấy ngay là hồ sơ của Huyện ủy An Biên. Lúc này Ban Chỉ huy cuộc hành quân, trung tá Sorreau và đại úy Tham mưu trưởng Limousin chuẩn bị trở về Long Xuyên. Vin vào đó Hiến xin Labrousse về Cần Thơ ăn Tết vì Hiến có 3 ngày phép. Labrousse ý không muốn xa Hiến lúc này nên nói: “Không được, đang giữa cuộc hành quân, ai cho nghỉ phép?”. “Không thì tôi trốn về”, Hiến nói giọng chắc nịch. “Trốn thì phải ngồi tù”, Labrousse nhìn Hiến nhấn mạnh. “Tôi xin ký tên chịu ngồi tù trước vậy!”, Hiến nói và đưa giấy xin nghỉ phép ra. Thấy Hiến có vẻ cương quyết, Labrousse đành nhượng bộ cười: “Thôi được, tôi sẽ cho anh về. Nhưng nhớ, sang năm mới, ăn tết xong đại tá cùng tỉnh trưởng Long Xuyên sẽ trở lại đây. Anh nhớ cùng đi với họ nhé!”. “Các ông ấy đi bằng gì?”, Hiến hỏi. “Sẽ có ca nô đón họ ở Rạch Sỏi. Nhớ nghe!”.

Labrousse cho một chiếc xe tải và 4 người lính Miên với 12 người du kích bị bắt cùng tài liệu Huyện ủy An Biên đưa Hiến về Long Xuyên.

Đến nơi Hiến nói với những người bị bắt: “Tết đến rồi mà phải ngồi tù trong khám thì cũng khổ thật. Nhưng biết làm sao được. Các anh cứ yên tâm chờ qua Tết, ông quan hai sẽ về xét. Các anh sẽ được thả thôi. Tiếc rằng tôi không có quyền ký giấy thả các anh ngay bây giờ”.

Những người bị bắt nhìn Hiến với ánh mắt khác với lúc gặp ban đầu, có lẽ họ tin lời hứa của anh.

Chiều 30 Tết, Hiến về đến Cần Thơ trong lúc cả nhà lo chuẩn bị ăn tết. Hiến gấp rút viết báo cáo ghi rõ bản mật mã “đất đối không” và ghi thêm ngày giờ trung tá Soreau và tỉnh trưởng Nguyễn Ngọc Thơ sẽ trở lại Tràm Chẹt. Bản báo cáo được đưa gấp về Chi 50 báo lên Bộ Tư lệnh Khu 9 xử lý.

Sau 3 ngày Tết, Hiến trở lại Long Xuyên. Lúc gặp trung tá Soreau, Hiến xin đi nhờ xe về Rạch Sỏi. Soreau đưa Hiến qua ngồi chung xe với Nguyễn Ngọc Thơ bởi xe Soreau đã có đại úy Tham mưu trưởng Limousin đi cùng rồi. Chiếc xe tỉnh trưởng Long Xuyên chạy theo sau. Đến Rạch Sỏi đã thấy có hai chiếc Vedette của đoàn giang thuyền đậu ở bến chờ sẵn rồi. Thấy Soreau và Limousin bước xuống chiếc giang thuyền thứ nhất, Hiến lẩn tránh vào tiệm cà phê bên đường, đứng nhìn ra. Sau nhiều lần gọi Hiến không được, Soreau khoát tay ra lệnh cho giang thuyền tách bến. Thấy giang thuyền rời bến rồi, Hiến mới bước ra khỏi quán cà phê, gặp Nguyễn Ngọc Thơ, Thơ hỏi: “Anh đi đâu mà để ông quan năm gọi mãi không thấy vậy?”. “Tôi đang uống cà phê có nghe. Nhưng muốn đi sau với ông thích hơn, nên không trả lời”. Xem chừng Nguyễn Ngọc Thơ cũng không vội vã. Chiếc Vedette thứ hai chưa kịp tách bến thì bỗng nghe một tiếng nổ lớn vang dội, nước dưới rạch tràn cả lên bờ. Nguyễn Ngọc Thơ hoảng hốt, nhảy lên chiếc Traction Avant bóng lộn ra lệnh trở về Long Xuyên ngay. Ông còn ngoắc Hiến: “Anh có về Long Xuyên với tôi không?”. Hiến lắc đầu: “Tôi còn phải ở lại, ông cứ về trước đi”. Hiến xuống chiếc giang thuyền nói với viên hạ sĩ cho chạy về Tràm Chẹt. Phải mất khoảng thời gian khá lâu chiếc Vedette mới mở máy chạy đi. Được một quãng, chỗ khúc ngoặt hẹp thấy một thiếu úy công binh đang cùng số lính công binh thu dọn chiến trường nơi chiếc giang thuyền có Soreau và Limousin trúng phải thủy lôi của Việt Minh gài sẵn. Vụ nổ làm trung tá Soreau bị gãy nát cả hai chân, còn đại úy Tham mưu trưởng Limousin thì banh bụng bày cả ruột gan. Nhìn quang cảnh đó, Hiến thấy hú vía. Nếu anh không lẩn tránh vào quán cà phê mà cùng đi với Soreau và Limousin chuyến giang thuyền đó thì sẽ ra sao?

Hiến chỉ tiếc một điều là toàn bộ kế hoạch trận càn “Bão táp” ta nắm được báo cáo lên Bộ Tư lệnh Khu 9 sao không thấy tổ chức một trận đánh cho đáng công.

Thắc mắc ấy sau này ra vùng giải phóng năm 1953 gặp đồng chí Nguyễn Chánh, lúc ấy làm Tham mưu trưởng, mới được giải thích: lúc đó các lực lượng vũ trang các tỉnh đang phân tán về huyện xã để xây dựng củng cố phong trào dân quân, phát triển mạnh chiến tranh du kích, không tập trung về để đánh địch nên chỉ tạm dùng lựu đạn gài và thủy lôi. Tuy vậy kết quả cuộc hành quân “Bão táp” đã bạo phát bạo tàn và thiệt hại nặng nề, rốt cuộc là “cơn bão táp trong cốc nước lã”, như một tục ngữ Pháp đã nói. Và mùa xuân Nam Bộ chưa bao giờ chấp nhận có cơn bão nào gây ra.

Tháng 12/2012

 

(*) Chết vì nước Pháp

Dương Linh