Cần chỉnh lý chương trình môn Ngữ văn bậc trung học

Chúng tôi đưa ra đề nghị này vì Bộ Giáo dục và Đào tạo trong năm 2011 đã công bố dự thảo điều chỉnh nội dung dạy các môn học theo hướng tinh giản nhằm nâng cao chất lượng dạy học cho phù hợp với mục tiêu giáo dục và kêu gọi mọi người đóng góp ý kiến.  Chúng tôi cũng dựa theo ý kiến của các nhà giáo, các phụ huynh học sinh và các học sinh cho rằng chương trình môn Văn đã quá tải để viết bài này.

Vấn đề chỉnh lý chương trình môn Văn

Sở dĩ chúng tôi đặt ra vấn đề này vì các thầy cô giáo đã có ý kiến rằng, các học sinh thường chán học môn Văn. Điều này có hoàn toàn đúng như vậy không để cần phải chỉnh lý chương trình?

Theo PGS Đỗ Đình Hoan trả lời trong một cuộc phỏng vấn về việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông thì:

“Do những điều kiện cụ thể của từng giai đoạn lịch sử, ba cuộc cải cách giáo dục trước đây (1950, 1956, 1981) phải giải quyết nhiều vấn đề của giáo dục phổ thông. Chương trình cải cách giáo dục lần thứ 3 (1981) về cơ bản đã hoàn thành nhiệm vụ lịch sử của giai đoạn thống nhất hệ thống giáo dục phổ thông trong phạm vi cả nước. Mặc dù đã có một số lần điều chỉnh nhưng chương trình và sách giáo khoa cải cách giáo dục với thời gian tới gần 20 năm đã không tránh khỏi những bất cập và hạn chế cần được khắc phục, thay đổi”.

Những bất cập và hạn chế ấy đã được Bộ GD-ĐT cho sửa đổi chương trình bậc trung học theo nghị quyết số 40 ngày 9/12/2000 của Quốc hội và sự sửa đổi ấy đã bắt đầu được áp dụng ở lớp 10(1) kể từ niên khóa 2004-2005.

Chúng tôi nhận thấy đối với các học sinh lớp 10 mới có 15 tuổi mà phải học một chương trình quá nặng như sau:

PHẦN MỘT: VĂN HỌC VIỆT NAM

I. VĂN HỌC DÂN GIAN

Đại cương về văn học dân gian

- Sử thi:  Đi bắt Nữ thần Mặt trời (Trích sử thi Đam San)

+ Đọc thêm về sử thi: Đẻ đất đẻ nước

- Truyện cổ tích:  Chử Đồng Tử, Làm theo vợ dặn

+ Truyện thơ: Thân em chỉ bằng thân con bọ ngựa (Trích Tiễn dặn người yêu), Vượt biển (Trích Vượt biển).

+ Ca dao - Dân ca: Những câu hát than thân, Những câu hát tình nghĩa.

+ Đọc thêm về ca dao - dân ca: Tiếng hát mồ côi (Hmông),   Pit pút… cheng choong (Xơ Đăng), Bài ca người thợ mộc

II. VĂN HỌC VIỆT NAM TỪ THẾ KỶ X ĐẾN HẾT THẾ KỶ XIX

Khái quát về văn học Việt Nam từ thế kỷ X đến hết thế kỷ XIX

- Tụng(2) giá hoàn kinh sư (Trần Quang Khải), Thuật hoài (Phạm Ngũ Lão), Bạch Đằng giang phú (Trương Hán Siêu).

-Đọc thêm về thơ văn Lý - Trần: Ngôn hoài, Ngư nhàn (Không Lộ Thiền sư), Hạnh Thiên Trường hành cung (Trần Thánh Tông), Thuật hoài  (Đặng Dung).

- NGUYỄN TRÃI  (1380-1442): Bình Ngô đại cáo, Bảo kính cảnh giới, Dục Thúy sơn.

+ Đọc thêm về thơ văn Nguyễn Trãi: Cây chuối, Lại dụ Vương Thông.

+ Đọc thêm về thơ văn thế kỷ XVI: Trung Tân ngụ hứng (Nguyễn Bỉnh Khiêm), Chuyện cái chùa hoang ở Đông Triều  (Nguyễn Dữ), Nỗi nhớ nhung sầu muộn của người chinh phụ (Trích bản dịch Chinh phụ ngâm khúc -  Đoàn Thị Điểm).

+ Đọc thêm về thơ văn thế kỷ XVIII - đầu thế kỷ XIX: Trông bốn bể (Trích bản dịch Chinh phụ ngâm khúc - Đoàn Thị Điểm), Nỗi thất vọng của người cung nữ (Trích Cung oán ngâm khúc - Nguyễn Gia Thiều), Mời trầu  (Hồ Xuân Hương), Tự tình  (Hồ Xuân Hương).

- NGUYỄN DU (1766-1820): Trao duyên, Những nỗi lòng tê tái, Thúc Sinh từ biệt Thúy Kiều (Trích Truyện Kiều), Độc Tiểu Thanh ký  (Thơ chữ Hán của Nguyễn Du).

+ Đọc thêm về thơ Nguyễn Du: Long Thành cầm giả ca, Phản chiêu hồn, Văn chiêu hồn (trích)

+ Đọc thêm: Văn tế Trương Quỳnh Như (Phạm Thái)

PHẦN HAI: VĂN HỌC NƯỚC NGOÀI

1. SỬ THI ÔĐIXÊ

Tác giả và tác phẩm

I. Vài nét về văn học Hy Lạp cổ đại

II. Sử thi và Hômerơ

III. Tác phẩm Ôđixê

Giảng văn: Uylixơ trở về (Trích Ôđixê). Đọc thêm: Uylixơ và Calipxô.

2 . SỬ THI RAMAYANA  

Tác giả và tác phẩm

I . Vài nét về sử thi Ấn Độ

II. Tác phẩm Ramayana

Giảng văn: Rama buộc tội (Trích Ramayana)

Đọc thêm: Hồ Pampa

3. THƠ ĐƯỜNG   

I. Nguyên nhân phát triển

II. Một số đặc điểm về hình thức nghệ thuật

III. Thơ Đường với văn học Việt Nam

LÝ BẠCH

Tác giả và tác phẩm

Giảng văn: Hoàng Hạc lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng

Đọc thêm:  Tảo phát Bạch Đế thành

ĐỖ PHỦ

Tác giả và tác phẩm

Giảng văn: Thu hứng

Đọc thêm: Đăng cao

THÔI HIỆU

Tác giả và tác phẩm

Giảng văn: Hoàng Hạc lâu

BẠCH CƯ DỊ

Tác giả và tác phẩm

Giảng văn: Tỳ bà hành

SẾCXPIA

Tác giả và tác phẩm

I. Thời đại Phục hưng

II. Sếcxpia và bi kịch Rômêô và Giuliét

Giảng văn: Thề hẹn (Trích Rômêô và Giuliét), Sống hay không sống: Đó là vấn đề (Trích Hamlét).

Đọc thêm: Sự lựa chọn của Baxaniô (Trích Người lái buôn thành Vơnidơ)

TAM QUỐC DIỄN NGHĨA

Tác giả và tác phẩm

I. Sơ lược về tiểu thuyết cổ điển Trung Quốc

II. Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung

Giảng văn: Hồi trống cổ thành (Trích Tam quốc diễn nghĩa)

Đọc thêm: Tịch Phương Bình (Trích Liêu trai chí dị của Bồ Tùng Linh)

LÝ LUẬN VĂN HỌC

Văn học là gì?

I. Văn học là một môn nghệ thuật

II. Văn học là nghệ thuật ngôn từ

Phụ lục: Nhà văn và quá trình sáng tạo

I. Vai trò của nhà văn với đời sống văn học

II. Nhà văn phải có năng khiếu, có vốn văn hóa rộng rãi và có tư tưởng nghệ thuật độc đáo

III. Quá trình sáng tạo.

pic

Chương trình này mới áp dụng chưa được bao lâu thì đến năm 2007 lại có sự chỉnh lý theo tinh thần tích hợp, không còn tách rời Văn, Tiếng ViệtLàm văn  ra làm ba phần riêng biệt nữa và có tiết giảm một số bài đáng kể như sau: Đẻ đất đẻ nước, Chử Đồng Tử, Làm theo vợ dặn, Thân em chỉ bằng thân con bọ ngựa, Vượt biển, Tiếng hát mồ côi (Hmông), Pipút… cheng choong (Xơ Đăng), Bài ca người thợ mộc, Tụng giá hoàn kinh sư, Ngôn hoài, Ngư nhàn, Hạnh Thiên Trường hành cung, Dục Thúy sơn, Cây chuối, Lại dụ Vương Thông, Trung Tân ngụ hứng, Chuyện cái chùa hoang ở Đông Triều, Nỗi thất vọng của người cung nữ, Mời trầu, Tự tình, Long Thành cầm giả ca, Phản chiêu hồn, Văn chiêu hồn.

Phần Văn học nước ngoài thì không được tiết giảm. Các học sinh vẫn còn học Sử thi ÔĐIXÊ, Sử thi RAMAYANA, Thơ Đường (Lý Bạch, Đỗ Phủ, Thôi Hiệu, Bạch Cư Dị), Sếcxpia, Tam quốc chí nhưng không còn được học riêng trong phần văn học nước ngoài nữa mà được đưa xen vào phần văn học Việt Nam.

Như sau phần Khái quát văn học dân gian Việt Nam có ghi để học Chiến thắng Mtao Mxây (trích Đăm Săn - sử thi Tây Nguyên), Truyện An Dương Vương và Mỵ Châu - Trọng Thủy lại cho xen vào Uylítxơ trở về (trích Ôđixê - sử thi Hy Lạp) và Rama buộc tội (trích Ramayana - sử thi Ấn Độ) rồi lại cho học tiếp Tấm Cám Tam đại con gà.

Chúng tôi nhận thấy đã ghi là văn học dân gian Việt Nam thì không thể đưa văn học Hy Lạp và Ấn Độ vào được dù cho là cùng một thể loại. Lại nữa, đã ghi là Khái quát văn học Việt Nam từ thế kỷ thứ X đến hết thế kỷ XIX  với các bài thơ Đường luật của Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm và Nguyễn Du thì không thể đưa vào các bài thơ Đường và hai tác phẩm của Lý Bạch và Đỗ Phủ.

Chúng ta phải phân biệt thơ Đường là của Trung Quốc và thơ Đường luật là của Việt Nam. Ghi như vậy là đã nhầm lẫn về chủng loại mà cho dù có cùng chủng loại đi nữa thì cũng không thể đưa thơ Trung Quốc vào phần văn học Việt Nam được. Chương trình lại còn ghi cả Tam quốc chí với hai bài Hồi trống Cổ Thành (trích hồi 28) và Tào Tháo uống rượu luận anh hùng (trích hồi 21) cho học sinh học thì cũng không được.

Như vậy chương trình đã làm mất kiến thức lịch sử văn học của các học sinh khi đổi mới theo hướng tích hợp về môn Văn cho rằng: “Mỗi văn bản văn chương ưu tú cung cấp nhiều dữ kiện cho sự trau dồi Tiếng Việt và Làm văn. Ngược lại kiến thức về Tiếng Việt và Làm văn cũng giúp cho chúng ta am hiểu hơn sự kỳ diệu trong mỗi văn bản văn chương” mà không cần đến yếu tố lịch sử. 

Nếu so với các môn học khác thì môn Văn được đổi mới đáng kể hơn cả. Các nhà biên soạn sách giáo khoa thì cho “đổi mới theo hướng tích hợp theo chủ trương của Bộ GD-ĐT là nhằm “giảm tải”chương trình  nhưng theo các nhà giáo trực tiếp giảng dạy thì: “hướng tích hợp đã thấy nhưng mà giảm tải thì lại chưa, thậm chí còn làm tăng tải nữa”.

Chúng tôi rất tiếc - vì phạm vi hạn hẹp của một bài báo - không thể nhận xét thêm về chương trình các lớp khác, từ lớp 6 tới lớp 12 được và sẽ trình bày thêm trong phần nhận xét về các sách giáo khoa mỗi lớp.

Ở đây chúng tôi chỉ xin mượn lời của hai giáo viên đứng lớp và một phụ huynh học sinh để nêu ra mấy nhận xét về chương trình lớp 7 và lớp 9.

Theo cô Trần Thị Cẩm Vân, giáo viên dạy Ngữ văn lớp 7 trường THCS Bàn Cờ (quận 3) thì: “Chương trình đổi mới thực sự là một gánh nặng cho học sinh và giáo viên. Vì theo hướng tích hợp nên mỗi bài thường có 3 phần: Văn (văn bản), Tiếng Việt (từ, câu) và Tập làm văn (biểu cảm, nghị luận) lồng vào nhau, trong đó phần Văn là nặng hơn cả. Đã vậy chủ yếu là văn thơ thời trung đại như của Trần Nhân Tông, Nguyễn Trãi, Lý Bạch, Đỗ Phủ…, giáo viên muốn hiểu hết ý nghĩa của các loại thơ văn đó đã khó, huống hồ học sinh. Vả lại những thể loại văn thơ ấy không thích hợp với tâm sinh lý các em. Chính vì vậy ngay khi vào lớp 7 tâm thế các em học sinh đã rất “ngán” môn Ngữ văn khiến các em không mặn mà lắm với môn học này” (báo Sài Gòn Giải Phóng, ngày 19/11/2004).

Một chứng cớ đã được ông Tường Lâm kể lại cũng trên Sài Gòn Giải Phóng: “Trong một buổi đến chơi nhà người bạn, tôi thực sự ngạc nhiên khi nghe cô em gái của anh bạn tôi ra rả như con vẹt: Thôn hậu thôn tiền đạm tự yên/ Bán vô bán hữu tịch dương biên/ Mục đồng địch lý ngưu quy tận/ Bạch lộ song song phi hạ điền. Nghe xong mà tôi không hiểu tí ti gì, mở sách ra xem thì mới biết đó là bài thơ Thiên Trường vãn vọng(3) của vua Trần Nhân Tông trong chương trình Ngữ văn đổi mới”.

Đối với văn học chữ Hán đã khó như vậy cho các học sinh thì đến văn học nước ngoài các thầy cô giáo còn cảm thấy khó khăn hơn vì không biết các ngoại ngữ ấy, không đọc được chính văn các tác phẩm của những tác giả ghi trong chương trình thì làm sao mà nghiên cứu để giảng dạy cho học sinh được.

pic

Các thầy cô giáo thường chỉ đọc cho các học sinh chép lại những gì trong sách hướng dẫn đã ghi nên các học sinh càng thêm chán môn Văn, nhất là văn học nước ngoài. Dạy như vậy thì làm sao có thể truyền cảm được cho học sinh. Hơn nữa, bài văn nước ngoài dịch sang tiếng Việt thì có giảng cũng chỉ giảng về ý chứ đâu có thể giảng được cái hay cái đẹp kỳ diệu về lời của chính nguyên văn như chương trình đã đề ra.

Cô giáo Nguyễn Thị Phương, dạy môn Văn lớp 9, Phó Hiệu trưởng trường THCS Vũng Tàu cho biết: “Học sinh chán học Văn có nhiều nguyên nhân. Thứ nhất là do chương trình cải cách bây giờ… dở hơn trước. Chương trình trước đây được viết theo tiến trình lịch sử, học sinh dễ nắm vững kiến thức hơn. Còn chương trình hiện nay đan xen, lắp ghép sắp xếp theo dạng văn bản. Học trước quên sau, dễ bị lẫn lộn”.

Chúng tôi chỉ xin nêu ra mấy nhận xét sơ lược như trên về nội dung chương trình mà mọi người đều cho là quá tải và chính ông Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cũng đã cho rằng: “Chương trình môn học còn tương đối nặng, hàn lâm với phần đông các học sinh có học lực yếu kém, thuộc dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn”.    

Cũng theo ông Thứ trưởng thì việc giảm tải chương trình là một điều cấp thiết để “nâng cao chất lượng hiệu quả giáo dục tạo cơ sở quan trọng cho việc đổi mới Chương trình - Sách giáo khoa vào năm 2015”.

Như vậy chương trình lại sẽ đổi nữa! Mong rằng sự thay đổi lần này sẽ không còn quá tải và sẽ đáp ứng được nguyện vọng của các thầy cô giáo và các học sinh.


 (1) Vì phạm vi hạn hẹp của bài viết, chúng tôi chỉ có thể nhận xét về chương trình lớp 10 mà không thể nhận xét thêm về chương trình các lớp khác được. Trong bài tiếp theo chúng tôi sẽ có nhận xét qua phần nói về sách giáo khoa.

(2) Tụng:Chữ  從 thường phiên âm là tòng hoặc tùng nhưng cũng có thể phiên âm là tụng như trong câu  從 駕 還 京 師 Tụng (tòng) giá hoàn kinh sư.

(3) Thơ chữ Hán mà chỉ ghi bằng phiên âm sang quốc ngữ thì làm sao hiểu cho chính xác được. Chúng tôi chép lại nguyên văn bằng chữ Hán để làm tài liệu tham khảo:

天 長 晚 望
村 後 村 前 淡 似 煙
半 無 半 有 夕 陽 邊
牧 童 笛 裡 歸 牛 盡
白 鷺 雙 雙 飛 下 田
陳 仁 宗


Nguyễn Quảng Tuân