Cõng mai về phố

Tháng Chạp ở quê tôi là tháng của hoa mai. Dường như màu của hoàng mai tươi thắm khắp mọi nẻo đường. Những chậu mai kiểng, vườn mai chùa, vườn mai nhà, đường phố mai, công viên mai, những thung lũng mai núi… đến thì lại nở đẹp một màu vàng mỏng nhẹ trong sương sớm.

Những năm xa quê, tôi vẫn thương hoài màu hoàng mai. Thương nhớ loài hoa chỉ nở khi thân cây không còn một ngọn lá xanh. Không thể so sánh với các loài hoa khác khi xuân về, nhưng tôi chẳng thể quên được những nhánh mai rừng đã được cõng xuống núi.

Ngày ấy, trên núi, từ sáng tinh mơ của tháng Chạp, cả đoàn người gùi hoa rừng, bầu bí, bòng bong, heo, gà… xuống núi để đổi lấy gạo, muối và các thứ khác. Lẫn trong các gùi lan rừng có một cành mai núi khẳng khiu còn ngậm những hạt sương mỏng manh.

Ông già K’ho gùi một cành mai đơn chiếc bên những giò phong lan rừng, bập bập trên môi một cái vố bằng gốc tre già, cười rất lành và bán cành mai cho tôi.

Lần đầu tiên, tôi cầm trên tay một cành mai rừng. Thân mai săn chắc, da cây có rêu xanh, sót lại vài chiếc lá nhỏ, hoa vàng mơ mỏng nhẹ, đẹp đến nao lòng. Dù cành mai núi trông có vẻ khắc khổ, gầy chắc nhưng cũng đủ mang lại cho tôi những ngày xuân xa xứ một hoài niệm khó phai.

Những năm tháng chiến tranh, có lần tôi nhìn thấy ở núi rừng phía Tây thành Huế những cánh rừng mai, những vạc mai rừng ở hai bên bờ khe suối, những cây mai già đơn độc trên sườn đồi. Lặng lẽ, mùa xuân đến thì những mai đồi, mai núi ra hoa trên thân cành gầy chắc, khắc khổ.

Sau này, tôi biết thêm, những người sành chơi mai tại quê tôi ngày càng thích mai rừng. Có thể, thân cây gầy chắc, thô cứng, xù xì lớn rất chậm, cành khẳng khiu nhưng hoa nở rộ, cánh hoa mỏng nhẹ phơn phớt màu vàng, dịu dàng và thật gợi cảm? Có thể họ đã ưa chuộng mai rừng ở tính quật cường?

Những năm làm quan tại cố đô Huế, vì sinh bất phùng thời, Cao Chu Thần (thi hào Cao Bá Quát) đặc biệt thích hoa mai và đã gửi gắm chí hướng của mình: “Thập tải luận giao cầu cổ kiếm / Nhất sinh đê thủ bái mai hoa” (Mười năm giao du cố tìm một thanh gươm quý / Suốt một đời chỉ biết cúi đầu lạy trước hoa mai).

Vào dịp xuân, tôi về quê ăn Tết. Bất ngờ quá, trước mắt tôi là một vườn mai rực rỡ bên bờ sông Hương. Cạnh Phu Văn Lâu là một vườn mai lớn đẹp, sắc vàng mơ. Những cây mai núi chen vai cùng với mai vườn chùa, mai vườn nhà, mai chậu kiểng…

Những cây mai gầy chắc, khắc khổ đứng bên những cây mai đất đồng phù sa vạm vỡ tỏa hương hoa, thơm nhẹ, lẩn khuất, dịu dàng… Một vườn mai chắt chiu của cả một đời người. Một năm mới có hàng ngàn cây mai ở khắp mọi miền xứ Huế góp về. Và dĩ nhiên, không thể thiếu vắng những cành mai rừng.

Tôi đã gặp lại cảnh cõng mai rừng xuống núi, nhưng tôi chợt nhận ra, không phải là cõng mai “xuống núi” mà là cõng mai “về phố”. Những cành, những thân mai núi khẳng khiu, gầy chắc không còn hiếm hoi giữa vườn mai lớn cạnh Phu Văn Lâu.

Và trong “không gian” hoa mai Huế, có nhiều người đang cõng mai về phố. Họ gùi mai trên lưng, trên xe đạp, chở mai trên xích lô, xe máy… hoặc đang cầm những cành mai rừng trên tay chào mời người săn tìm hoa mai ngày Tết.

Mai tại vườn mai Tết Phu Văn Lâu, cứ một năm họp chợ một lần. Có đủ các loại mai được trồng tại các vườn đồi của nhiều ngôi chùa lớn, những vườn mai của các phủ đệ, vườn tư nhân, làng cổ nổi tiếng, những cành mai rừng hoang dã tận các miền A Sầu, A Lưới, rừng Kim Phụng, Bạch Mã… dọc dãy Trường Sơn hội tụ về…

Được nhìn tận mắt cảnh cõng mai xuống núi, rồi cõng mai về phố, ký ức màu vàng hoa mai trong tôi lay động và bừng thức… Tôi chợt nhớ câu thơ da diết về hoa mai của mình: “Cuối năm lần lữa trong ký ức / Khất hẹn mai mốt sẽ về thăm / Từ độ lưu dân miền đất lạ / Xuân về chợt thức cánh mai rừng /… Thương lắm vườn mai ngoài xứ Huế / Sắc vàng mơ suốt thời ấu thơ / Xôn xao như cỏ đùa với gió / Vàng mai, tôi mong gió quay về”(Ký ức vàng mai).

Hoa mai với tôi đã như ngọn nến soi sáng lối đi về…

TRẦN HỮU LỤC